CHỈ CÒN MỘT NGÀY LÀ ĐẾN THÁNG NĂM *


Nguyễn Thị Hậu

Những ngày cuối tháng Tư, Sài Gòn nắng nóng, ban ngày ngột ngạt nhưng chiều xuống không khí dịu hẳn. Người đổ ra đường, đi ăn, đi nhậu, đi cà phê.... hàng quán đông đúc ồn ào. Những ngày nghỉ lễ sắp đến, thành phố sẽ vắng hơn như được nghỉ ngơi để qua tháng Năm lại tiếp tục vòng quay bất tận của cuộc sống một đô thị lớn nhất nước.

Tháng Tư Sài Gòn luôn là cái tháng nóng bỏng, không chỉ là thời tiết mà còn là những vấn đề xã hội. Và hình như một hai năm nay đã có phần dịu hơn những năm trước là “sức nóng” của ngôn từ sử dụng trên “hai lề” truyền thông phải trái khi nhắc về ngày 30/4.

Bao nhiêu năm đã qua hay nhiều năm nữa về sau, đối với người VN chúng ta ngày 30/4 mang ý nghĩa lớn nhất là ngày kết thúc chiến tranh. Chiến tranh kéo dài đến đâu cũng chỉ là hiện tượng nhất thời. Trước và sau chiến tranh là cuộc sống hòa bình, bất cứ người nghèo khó vất vả hay giàu sang sung sướng thì cũng mong ước được sống trong hòa bình, mong muốn chồng con anh em không phải ra chiến trường, không bị tên bay đạn lạc... Trên khắp đất nước có biết bao nhiêu nghĩa trang của những người lính, của dân thường đã chết trong những năm dài chiến tranh, có những người ra đi đúng thời điểm hòa bình chạm vào cửa ngõ Sài Gòn. Tất cả họ chưa từng được hưởng một giây phút hòa bình cho đến khi sang thế giới bên kia, ở đó họ có bình yên mãi mãi?
***
Nếu thật lòng mong đợi những điều tốt đẹp cho thành phố ta đang sống, không thể không nhận thấy sự đổi thay, mà đôi khi vì gần gũi quá nên không nhận ra. Quá khứ thành phố không chỉ là hình ảnh “hòn ngọc Viễn Đông” còn là những khu nhà lá kênh đen chằng chịt khắp vùng Sài Gòn, Chợ Lớn. Cũng đừng quên vùng ngoại ô “đám lá tối trời” đêm đêm nhìn về quầng sáng nơi trung tâm thành phố mà ước ao bao giờ có được. Những dòng kênh sau gần trăm năm nước đen và những xóm nhà lá san sát trên mặt nước lầy rác hôi thối thì nay kênh đã thông, thủy triều lên xuống mỗi ngày cuốn đi những ô nhiễm rác rưởi, “con kênh xanh xanh” nhờ con người giữ gìn môi trường sống chung. “Hoài cổ” khác với “nệ cổ” là thế.
Chắc chắn còn nhiều điều làm ta bức xúc, chưa thể hài lòng nhất là về đời sống tinh thần, nhưng cũng cần nhìn thấy những điều mới mẻ. Sự thay đổi của những dòng kênh, tòa nhà hay cây cầu xa lộ, những khu đô thị mới ở ngoại thành… giá trị vì đó là kết tinh công sức của biết bao nhiêu con người thầm lặng lao động dù cuộc sống còn quá nhiều vất vả. Chúng ta quý trọng những đổi thay dù nhỏ là vì những con người đó. Đòi hỏi sự công bằng với quá khứ thì cũng cần công bằng nhìn nhận hiện tại, phải không?
Nếu tính đời người bắt đầu từ khi đủ tuổi dựng vợ gả chồng để sinh thành một thế hệ mới, thì hơn bốn mươi năm qua đã hai thế hệ hậu chiến ra đời và trưởng thành. Nhìn con cái lớn lên và cũng phải giải quyết những vấn đề của thế hệ chúng, có lẽ cũng “gay go, ác liệt” không kém gì cuộc chiến của thế hệ chúng ta, bạn biết không, tôi bỗng nhận ra rằng, nếu chỉ mãi nhìn về một thời quá khứ thì khác nào chúng ta tự giam mình trong “bảo tàng viện” không thấy gì ngoài ký ức một bên “vàng son” một phía “hào hùng”. Do vậy cũng cần quý trọng những gì hiện hữu mỗi ngày, đó là cuộc sống của các con ta, và vì chính chúng ta đang sống.
Nhưng điều gì ngăn cản chúng ta cùng nhìn về tương lai, phải chăng đó là cách chúng ta nhìn về quá khứ?
***
Sau hơn bốn mươi năm nhiều người đã nhận thấy, hòa hợp hòa giải thực sự là một con đường dài và khó khăn. Chính sách của bên thắng”, thái độ của “bên thua chỉ là bề nổi/mặt sáng của con đường này. Mặt khuất là tâm thức, căn cốt “thắng thua, được mất” từ những triều đại phong kiến đã tồn tại lâu dài qua nhiều thế hệ. Nếu luôn chỉ nhìn thấy một phía của quá khứ thì đâu còn đủ bình tĩnh để  nhìn thấy hiện tại và tương lai chung của đất nước này. Dù muốn hay không thì thắng/thua là kết cục của hầu hết những cuộc chiến. Xem xét toàn diện xã hội hai bên (không chỉ về quân sự, chính trị) sẽ nhìn nhận được nhiều kinh nghiệm rất hữu ích để xây dựng tương lai. Tất nhiên, “khép lại quá khứ” nhưng lịch sử cần minh bạch, khoa học, nếu không thì những sai lầm đau đớn trong quá khứ rất có thể sẽ lặp lại.
Thay đổi tâm thức thực sự coi trọng con người vì con người phải được bắt đầu từ giáo dục: sự nhân văn không chỉ là những điều tốt đẹp của truyền thống mà còn phải nhận ra những “góc khuất” của lịch sử, những sai lầm của quá khứ để đừng lặp lại. Thành tựu thì mỗi triều đại đều có sự độc đáo riêng vì thể hiện sự phát triển xã hội của thời đại đó, nhưng sai lầm của các triều đại thì thường giống nhau, đều bắt nguồn từ sự thiếu hụt nhân văn, văn hóa. Sự trả thù, cái ác có thể là cách nhanh chóng để giành được quyền lực và của cải, nhưng không thể gìn giữ sự bình yên lâu dài, bởi vì gieo mầm độc ác không sớm thì muộn sẽ gặt hái tai họa.

Bao giờ sẽ đến một tháng Tư khác, một tháng Tư  mà mỗi người đều hiểu ngày cuối cùng phải qua và chúng ta sẽ thanh thản bước qua tháng Năm – tháng của tương lai, chứ không còn đau đáu ở mãi tháng Tư của quá khứ tan hoang đất nước và lòng người. Một quá khứ mà chúng ta mong muốn khép lại... Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu...  như lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói. 
Mỗi năm khi ngày ba mươi tháng Tư đến tôi luôn tự nhủ, ngày mai sẽ là tháng Năm…

Sài Gòn 29.4.2018

(* theo tựa đề một tiểu thuyết của Thuận “Chỉ còn bốn ngày là hết tháng tư”)


Tư Liệu: Hồi ức tuần lễ cuối cùng ở Sài Gòn, 30/4/1975 kết thúc ...

Vụn vặt đời thường (158)

@ Những ngày này ở SG mỗi khi ra đường về từ củ nâu tui thành khoai nướng cháy (hay trốn đi đâu nhỉ?)

@ Nhận từ một bạn đọc mà mình chưa được gặp, lời nhắn thế này
“Viết nữa chị nhé, cứ sâu sắc, hóm hỉnh và dịu dàng như thế. 
P/S đây là tấm hình của chị mà em rất thích, đúng là chị trong những tản văn. Love you!”. 

Love you, too :)

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mũ, thực vật, ngoài trời, cận cảnh và thiên nhiên

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, mũ, cận cảnh và ngoài trời

NHỮNG QUẢ MÌN THỜI HẬU CHIẾN


Một chiều tháng Ba. Sài Gòn đang mùa nóng cao điểm để qua tháng Tư là vào mùa mưa. Lâu rồi tôi mới ngồi ở quán cà phê quen thuộc. Máy lạnh mát rượi, một ly đen đá, chiếc máy tính nhỏ, viết và đọc linh tinh gì đấy, nhìn ra ngoài trời nắng chói chang bỗng nhớ đến người bạn ở xa. Bạn ra đi từ những năm 90, đến nay gia đình và công việc đã ổn định ở Mỹ. Mươi năm trước vào khoảng tháng ba bạn hay về Sài Gòn nhưng vài năm nay không về nữa.
Đã mấy lần tôi nhắn hỏi, bạn đều nói, mỗi lần về thấy buồn hơn… Trước đây bạn thường gọi điện, nhắn nhe trò chuyện hỏi thăm có khi than thở nỗi nhớ Sài Gòn… Nhưng rồi cũng không gọi nữa vì loanh quanh một hồi lại là những tiêu cực, những chuyện “không thể hiểu nổi” hàng ngày xảy ra ở quê nhà. Nhiều khi tôi mệt mỏi vì nghe bạn trách móc thậm chí chê bai “người trong nước” không dám làm điều này điều khác; bạn thì luôn khó hiểu những hoàn cảnh “người trong nước” gặp phải mà tôi giãi bày... Cứ vậy, tình bạn lợt lạt dần... nhưng không trách được ai.
Chúng tôi đã thôi không cùng mơ ước về một ngày nào đó đất nước mình không còn tệ nạn không còn tiêu cực, phát triển như nước người ta… Vì ước mơ đó hình như quá xa xỉ. Thôi thì việc ai nấy làm, miễn là tử tế và hiểu nhau cùng có cái tâm nghĩ về đất nước.
***
Một người anh đồng nghiệp thân thiết, một hôm trong buổi cà phê chợt hỏi: ở tuổi anh có thể làm lại từ đầu không? Tôi ngạc nhiên vì vẫn biết anh có người vợ là bác sĩ, hai con gái ngoan ngoãn học giỏi, anh chị đều là người giỏi nghề và sống khá giả bằng nghề của mình. Nay anh hỏi vậy... không biết là chuyện gì? Tôi thăm dò kiểu vui đùa, làm lại là sao, bộ anh tính đổi nghề à? Không, tuổi này ai thuê nữa mà chuyển nghề. Thế thì có chuyện gì vậy? Tôi vô cùng bất ngờ khi nghe anh nói: Vợ chồng anh vừa ly dị, vợ anh cương quyết làm kết hôn “giả” để đi Mỹ. Anh và hai con gái ở lại.
Qua câu chuyện anh buồn bã kể, tôi hiểu chuyện ly dị của anh là thật và kết hôn ở Mỹ của vợ anh cũng là thật! Bởi vì gần đây anh chị đã nhiều lần bàn chuyện này. Chị muốn qua đó sống vì gia đình chị đã đi diện HO từ những năm 1990, lúc đó anh chị đã kết hôn, tình yêu giữ chị ở lại. Rồi hai con ra đời, rồi công việc làm ăn ngày càng khá giả… Anh đã ngỡ chị không bao giờ tính đến chuyện ra đi vì thỉnh thoảng chị vẫn qua Mỹ thăm gia đình rồi trở về vui vẻ. Nhưng gần đây trong một lần như vậy chị gặp lại người bạn trai thời đại học, anh ấy đã ly dị và chu cấp cho vợ nuôi con. Vậy là chuyện kết hôn “giả” được chị đặt ra, lý do: qua đó để thoát khỏi tất cả những ô nhiễm môi trường thức ăn bẩn tiêu cực xã hội... và để được gần gia đình chị. Khi nào có thẻ xanh và ổn định rồi chị sẽ đón anh và hai con.
Sau nhiều lần thuyết phục không được, anh đồng ý để chị ra đi. Hai con anh đã du học về và có nghề nghiệp đàng hoàng nhưng chúng từ chối đi với chị mà ở lại với anh. Còn anh, ở tuổi này rồi anh không thể bắt đầu một cuộc sống khác lạ ở một nơi xa lạ. Nơi ấy anh không có người thân, không có ký ức, và anh biết mình sẽ rất khó hòa nhập với môi trường mới. Bao nhiêu năm nay gia đình anh – một cựu binh “Việt cộng” và chị - con gái một sĩ quan “đi học tập” – tưởng như ấm êm vì đã bỏ qua bao định kiến và dư luận để đến với nhau, cùng nhau đi qua một thời gian khổ để được thành đạt, cuộc sống chung hơn hai mươi năm anh chị đều chu toàn lễ nghĩa nhà chồng nhà vợ và bạn bè hai bên.
Bây giờ thì việc ra đi, định cư ở nước ngoài không còn quá khó khăn, nước Mỹ - “miền đất hứa” ngày càng được nhiều người lựa chọn làm nơi để ra đi, thậm chí có người được “hạ cánh an toàn” ở đó. Mặt khác, những chuyện phức tạp tiêu cực của xã hội ngày càng hiện diện nhiều hơn trên bàn ăn, trong phòng ngủ của mỗi ngôi nhà… Anh chị không có mâu thuẫn gì đến mức phải chia tay nhưng xung quanh từ gia đình đến họ hàng, bạn bè... việc phải ra đi bằng mọi cách đã trở thành câu chuyện thường ngày, rồi sự so sánh hơn kém, rồi thái độ khó chịu, lời nói nặng nhẹ, từ chuyện xã hội lại vô tình xúc phạm làm tổn thương nhau, thế là gia đình tan vỡ...
“Hơn bốn mươi năm nhưng nước Mỹ vẫn làm chia cắt những người Việt…” anh cay đắng nói. “Không chỉ vậy, mà do cả chúng ta nữa anh ạ!”. Chúng ta làm được quá ít ỏi những gì cần làm để hàn gắn, để thuyết phục lòng người… Chúng ta đã “hòa bình” với nước Mỹ nhưng chính nhiều người Việt không muốn hàn gắn những vết thương chiến tranh vì chưa vượt qua được hận thù, uất ức, chưa vượt qua được sĩ diện và mặc cảm “bên thắng bên thua”. Khi trong xã hội người tử tế luôn bức xúc vì nạn tham nhũng cường quyền, luôn xấu hổ khi đất nước mình “không chịu” phát triển như nước khác… thì nước Mỹ hay nơi nào đó sẽ còn là nơi nhiều người Việt tìm đến.
Cuộc chiến nào cũng kết thúc nhưng hậu quả chiến tranh luôn còn lại lâu dài… Đó là nhiều thế hệ con trẻ bị di truyền chất độc da cam, những bãi bom mìn gài lại khắp nơi, là những cuộc chia ly sau khi hòa bình mà không mong ngày gặp lại, là số phận bi thảm của bao thuyền nhân, là những cựu binh hai bên trở về với cuộc sống nghèo khó vất vả... Đó là những quan chức thời hậu chiến với khối tài sản kếch xù bòn rút từ tham nhũng, tham ô, là những người nông dân mất đất lưu tán khắp trong Nam ngoài Bắc và ra tận nước ngoài làm thuê kiếm sống, là biên giới phía Bắc là biển Đông vẫn nóng mỗi ngày... Năm năm, mười năm, bốn mươi năm đã qua, sự đổi thay mang dáng vẻ hiện đại văn minh đã hiện diện ở nhiều nơi trên đất nước vẫn không che khuất được những chuyện đau buồn như vậy.
Tất cả là những quả mìn ẩn nấp đâu đó chỉ chờ một nguyên cớ là phát nổ. “Vĩ tuyến 17” hình như vẫn còn qua những năm đã im tiếng súng!
***
Hồi đầu tháng ba có sự kiện tàu sân bay Mỹ ghé Đà Nẵng. Từ cách đón tiếp của chính quyền và người dân Việt Nam có thể nhận thấy vị thế người lính Mỹ đã khác xa hồi tháng 3/1965, khi lần đầu Mỹ đổ quân vào miền nam VN cũng tại quân cảng Đà Nẵng. Bây giờ, sau 53 năm quân đội Mỹ đàng hoàng có mặt ở đây, đã cùng nhiều người Việt hát vang lời ca Nối vòng tay lớn.
Còn chúng ta, những người Việt Nam, bao giờ chúng ta vượt qua tất cả và thực sự nắm chặt tay nhau để “nối vòng tay lớn”? Khi tôi đặt câu hỏi như vậy trên facebook của mình thì hầu hết những comments đều trả lời là “Không bao giờ” hoặc “còn lâu lắm”! Mọi người đều chỉ ra những nguyên nhân. Tất cả đều bức xúc do, vì, bởi, tại.... Nhưng bức xúc có làm chúng ta vô can? (*)
Khi phong trào “dù vàng” ở Hồng Kông phát triển với các thủ lĩnh chỉ mới mười tám đôi mươi, nhiều người đã đặt vấn đề vì sao lớp trẻ Hồng Kông – thậm chí có người sinh ra sau khi nơi này “trở về” Trung quốc - có thể trưởng thành, vững vàng và kiên định đấu tranh cho lẽ phải như vậy? Tôi cũng tự hỏi điều đó và tìm thấy cho mình một câu trả lời, đó là nhờ thế hệ cha mẹ, thầy cô giáo và xã hội Hồng Kông đã thực hiện dân chủ và truyền cho lớp trẻ tinh thần dân chủ, đã ủng hộ và đứng bên cạnh lớp trẻ trong cuộc đấu tranh vì dân chủ. Mỗi người của thế hệ trước làm tốt phần việc của mình để thế hệ sau nối tiếp phần việc của họ là xây dựng tương lai.
Sau hơn bốn mươi năm lẽ ra tháng Tư phải là những ngày chúng ta thấm thía hơn giá trị của Hòa Bình, nhưng sao dấu ấn chiến tranh cứ còn mãi? Tôi, cũng như rất nhiều người thuộc thế hệ “hậu chiến”, đã cố gắng góp chút sức lực của mình cho sự thay đổi tốt đẹp hơn của đất nước và mong muốn, qua đó tiến trình hòa giải hòa hợp sẽ nhanh hơn. Nhưng càng ngày tôi càng nhận thấy việc đó khó khăn biết bao! Khi thế hệ tham chiến và hậu chiến không thể tự tháo ngòi nổ “quả mìn” ngay trong lòng mình, gia đình mình thì làm sao có thể trông chờ thế hệ con cháu sẽ xóa bỏ “giới tuyến” giữa chúng ta và thực sự “nối vòng tay lớn”?!
Trút cho thế hệ sau những việc nặng nề mà lẽ ra thế hệ trước đã phải hoàn thành, đó là sự vô trách nhiệm và hèn nhát của những “người lớn” chúng ta!

Nguyễn Thị Hậu
Sài Gòn 3.2018
(*) Dựa theo tên một cuốn sách của TS Đặng Hoàng Giang “Bức xúc không làm chúng ta vô can”

TIẾP TỤC XÓA BỎ DẤU ẤN CỦA SÀI GÒN XƯA?



Trong những tiêu chí đánh giá  “đô thị văn minh” thì cảnh quan di sản đô thị luôn là một tiêu chí quan trọng. Các quốc gia phát triển trên thế giới hiện nay đều coi việc bảo vệ, bảo tồn di sản – trong đó có cảnh quan, các công trình kiến trúc... như là một nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền đô thị. Bởi vì một đô thị văn minh không chỉ có phương tiện giao thông, công trình hiện đại mà còn có và cần phải có cả chiều sâu lịch sử văn hóa hiện hữu lâu dài. Bảo tồn di sản văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng của phát triển bền vững.

Sài Gòn là một đô thị được quy hoạch và xây dựng theo kiểu phương Tây với những công trình công sở, tôn giáo, thiết chế văn hoá như Toà nhà Thị chính, Bưu điện, Nhà thờ Đức bà (Vương cung thánh đường), Dinh Norodom, Dinh Thống đốc, Nhà hát lớn, Bảo tàng, Thảo cầm viên… Những đường phố ở trung tâm thành phố và khu biệt thự gần đó… Ngoài ra còn một số công trình khác có giá trị về lịch sử, kiến trúc, cần được bảo tồn nhưng cho đến nay chưa được “xếp hạng” – đó là do chính sách  và công tác quản lý di sản văn hóa chậm trễ, phần nào bắt nguồn từ sự hạn chế về quan niệm và hiểu biết giá trị lịch sử - văn hóa của khu vực trung tâm đô thị Sài Gòn.

Trên tuyến đường xưa nhất của thành phố là đường Đồng Khởi – cảnh quan Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Nhà hát lớn đã bị những công trình hiện đại lấn át. Thương xá Tax, đường Nguyễn Huệ và bùng binh cây liễu không còn nữa. Nay đến lượt công trình UBND lại bị chắn bởi một công trình hiện đại khác, đồng thời, kiến trúc “Dinh Thượng Thư” xây dựng từ nửa sau thế kỷ 19 sẽ bị phả hủy! Đây là công trình có giá trị phản ánh một thời kỳ lịch sử của thành phố mà đến nay những công trình tương tự (về kiến trúc, về niên đại) không còn nữa. Công trình lại nằm ở khu vực mà cảnh quan “đô thị Sài Gòn xưa” đã bị phá hủy quá nhiều... Tôi e rằng những ý kiến đánh giá công trình này không có gì đặc sắc để bảo tồn, hoặc quan niệm “công trình cổ phải nhường chỗ cho phát triển” là sự “báo trước” một ngày nào đó cả TPHCM sẽ không còn một dấu vết lịch sử - văn hóa nào của Sài Gòn trăm năm!

Muốn giữ gìn đặc trưng văn hóa Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh thì cần phải bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ những địa điểm công trình và cảnh quan quan trong “vùng ký ức”, và ngược lại, hủy hoại hay làm biến dạng nó sẽ làm tổn thương và xóa bỏ “hồn đô thị” – một sản phẩm văn hóa tinh thần riêng biệt của từng thành phố. Chính vì vậy, dù muộn nhưng vào năm 2014 thành phố đã ban hành Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM” trong đó đã xác định “Bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị là một vấn đề thiết yếu trong việc quản lý, phát triển đô thị, đặc biệt là đối với TP.HCM có quá trình phát triển qua nhiều thời kỳ với những đặc điểm đa dạng về kiến trúc đô thị”, đồng thời nêu rõ Mục tiêu của Chương trình nhằm xác định các yêu cầu, đối tượng và quan điểm định hướng trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn TP. Như vậy rõ ràng, vấn đề bảo vệ di sản văn hóa thực chất là việc ban hành chính sách và thực thi chính sách quản lý đô thị.

Nhưng hiện nay chính quyền đang thực hiện những dự án “phát triển” đồng thời là phá hủy di sản văn hóa, xóa bỏ lịch sử hiện hữu bằng “vật chất” ở ngay vũng lõi của đô thị Sài Gòn, đó là việc làm bất chấp tất cả đánh đổi tất cả văn hóa, lịch sử, ký ức cộng đồng lấy một sự “hiện đại” vô hồn, không bản sắc và sự nhân văn!
 Có thể ứng xử với Sài Gòn như vậy được sao?!

TS. Nguyễn Thị Hậu
Phó Tổng Thư ký Hội KHLSVN

Nếu còn ý kiến trái chiều,  cần cân nhắc kỹ - Ảnh 2.

 Dinh Thượng Thơ cũ (nay là trụ sở Sở Thông tin truyền thông và Sở Công thương TP.HCM) - Ảnh: XUÂN HƯNG (báo Tuổi trẻ)

BAY NGƯỢC




Vẫn chỉ là một chuyến bay đêm
một giờ bốn mươi lăm phút
thời gian như vô tận

Có tin nhắn nào đón
khi máy bay đáp xuống đường băng
mở điện thọai
Có dòng mess, có email nào chờ
ở nhà
khi laptop bật lên

Giữa không gian tràn ngập mess, email và tin nhắn
những lời bâng quơ
này em có nhớ…

Lặng lẽ như thế
ra đi rồi trở về
và ước ao
được một lần
bay ngược
Về phía mùa thu…






KHÔNG THỂ NHÌN SÀI GÒN BẰNG TÂM THẾ “LẤY HÀ NỘI LÀ TRUNG TÂM"

. Trong hình ảnh có thể có: 2 người, bao gồm Nguyá»…n kc Hậu, mọi người Ä‘ang ngồi, màn hình và trong nhà
(Tường thuật của TC Tia Sáng về cuộc trò chuyện chiều 14.4.2018)

Sài Gòn, vẫn được cho là “vùng đất mới”, được khai phá bởi những lưu dân từ phía Bắc vào. Dường như đó mới là cái nhìn một cách quá vội vã, của “kẻ khác” – từ bên ngoài, về không gian văn hóa đa dạng này, và cái nhìn đó đã dẫn tới nhiều hệ lụy trong phát triển, bảo tồn văn hóa Sài Gòn, có thể gây ra những đổ vỡ, đứt gãy đáng tiếc. 

Trong buổi nói chuyện “Sài Gòn – nhìn từ một người ‘giao hòa Nam – Bắc’ ” chiều ngày 14/4, TS. Nguyễn Thị Hậu, người “sống với” Sài Gòn, hiểu và nhìn Sài Gòn đa chiều, từ sự “phân thân” từ nhiều góc độ - nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội – một người sống, chứng kiến bao thăng trầm ở Sài Gòn ngót nửa thế kỷ - và một người “giao hòa Nam – Bắc”, đã phân tích về những “định kiến” trong quan điểm phát triển Sài Gòn. Định kiến đầu tiên về Sài Gòn, là coi đây có niên đại muộn, và thường bị “nhìn từ phía trung tâm ở Hà Nội”. Tâm lý này thường thấy trong giới quản lý và thậm chí phổ biến ngay cả ở những người nghiên cứu lịch sử văn hóa xã hội. Thứ hai, Sài gòn luôn bị coi, bị gắn vai trò lớn nhất là kinh tế. Thứ ba, trong khoảng vài chục năm gần đây, người Nhập cư vào Sài gòn quá nhiều, rất nhanh. Tầng lớp cư dân mới này không thể đặt mình vào tâm thức của người Sài Gòn đã sinh sống lâu ở đây, và càng không thể đặt mình vào tâm thức của người Sài Gòn đã đi khỏi Sài Gòn từ lâu nên khó lòng hiểu được những giá trị văn hóa, những di sản của Sài Gòn.

Ba định kiến đó khiến cho những di sản bị thay mới, bị phá bỏ một cách tiêu cực, nhanh chóng hơn bao giờ hết. Bởi vì chỉ nhìn Sài Gòn là “muộn”, là “mới” thì sẽ dẫn tới tâm lý lướt qua, không thừa nhận những giá trị đã tồn tại lâu bền. Đồng thời, khi đặt nặng vai trò kinh tế của Sài Gòn, thì tất cả những yếu tố khác chỉ là thứ yếu.. Ví dụ gần đây nhất là khu vực Thủ Thiêm, vì chỉ được coi là vùng đất mới, nên rất nhanh chóng, những xóm làng có hàng trăm năm lịch sử bị dẹp đi để xây dựng khu đô thị mới mà không cần thời gian nghiên cứu, thẩm định giá trị văn hóa.

Đồng tình với TS Nguyễn Thị Hậu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo, Sài Gòn có thể sẽ trở thành một "thành phố không còn ký ức" nếu không gìn giữ di sản kịp thời. Bà nói: “Bây giờ người Sài Gòn có tiếc những cái cũ không? tiếc nhiều chứ! đã có một thời gian nhiều người bạn tôi ở Sài Gòn kêu trời lên, rằng giờ Sài Gòn chẳng lẽ là một thành phố không có ký ức nữa hay sao? Khi mà đem đập phá hết một lô những ngôi nhà cũ, những chỗ rất đẹp, hoặc ngay cả đổi tên những con đường một cách vội vã. Nhưng tôi muốn thật rằng, có muốn phá đi, và thay bằng những cái mới vào như vậy cũng không áp đặt được đâu”. Theo bà, không thể coi đây là vùng đất mới về văn hóa, lịch sử, mà chỉ có thể coi tính “mới”, vùng đất mới, vì đây là vùng đất “sẽ đang tiếp tục mở ra, sẽ phát triển tiếp, chứ không phải là không có cái gì để mà giữ cho nó”. Bà nhấn mạnh: “không nên chỉ coi Sài Gòn là một trung tâm kinh tế để mà coi kinh tế là số một. Mặc dù tôi là chuyên gia kinh tế nhưng không bao giờ tôi coi kinh tế là số một. Mà văn hóa mới là cội rễ, cội nguồn. Nếu vì kinh tế mà hi sinh văn hóa, chặt bỏ quá khứ thì đó là một sự ngu xuẩn”.

Trước những thực trạng đó, TS. Nguyễn Thị Hậu cho rằng, chính quyền có vai trò rất quan trọng trong việc ứng xử sao cho phát triển được Sài Gòn một cách hài hòa với bảo tồn những giá trị văn hóa, không đánh đổi vội vã để khiến nơi đây bị đứt gãy một cách đột ngột. “Khi mà chính quyền không có ý thức bảo vệ di sản, vẫn coi đây là vùng đất mới thì khó lòng có thể bảo vệ được, đặc biệt là đằng sau họ lại là những nhà đầu tư luôn muốn phát triển Sài Gòn vì lợi ích kinh tế”, bà nói.
Buổi nói chuyện do Tia Sáng tổ chức trong khuôn khổ chuỗi hoạt động thường kỳ đưa khoa học và nghệ thuật đến công chúng.

Tường thuật: Bảo Như. Ảnh: Hảo Linh

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ngồi và trong nhà

LỠ


Anh lỡ một câu nói
Thế là làm em buồn
Em lỡ một bước chân
Thế là thành xa mãi

Anh lỡ một cuộc hẹn
Thế là mình giận hờn                            
Ta lỡ một cuộc tình
Thế là thành đơn chiếc

Giá mà mình đừng lỡ
Thì tim đã không lầm
Giá mà mình đừng nhớ
Thì tim chẳng phải đau…

HN 12.4.2018



 Hình ảnh có liên quan


SÀI GÒN - NHÌN TỪ MỘT NGƯỜI "GIAO HÒA NAM-BẮC"




Nhiều người, như tôi, khi bước vào tuổi “bên kia con dốc” lại tự hỏi, nếu được bắt đầu một lần nữa tuổi trẻ, nghề nghiệp, các cơ hội thay đổi cuộc sống… tôi có chọn Sài Gòn không?
Câu tự vấn của TS. Nguyễn Thị Hậu – người mà nghề nghiệp đã gắn liền với tên “Hậu khảo cổ”, ẩn chứa nỗi niềm chung của nhiều người. Cũng như chị, hay nói đúng hơn là giống như những người thuộc thế hệ trước, họ đã bị cuốn theo sức hấp dẫn của Sài Gòn và chọn mảnh đất này làm nơi lập nghiệp. Dòng chảy nhập cư ấy đã diễn ra suốt thế kỷ 20 và biến Sài Gòn thành một bức tranh đa dạng, sinh động, khó nắm bắt như những lớp sóng của dòng Cửu Long cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về mùa nước lớn, để rồi lớp phù sa màu mỡ từ từ lắng đọng nuôi cánh đồng lúa vàng và vườn cây trái ngọt lành…
Bây giờ đã có một lớp người Sài Gòn nói giọng Hà Nội, cũng như rất nhiều người Sài Gòn nói giọng Quảng Nam, giọng Huế… Nhiều người đã yêu Sài Gòn. Có thể đối với họ đây là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi họ đã rời xa quê nhà vào kiếm sống và được Sài Gòn rộng rãi sẻ chia. Có thể là nơi để lại mối tình đầu đau đáu nỗi chia ly, là nơi họ rời bỏ mà luôn mong một ngày quay lại… Nhưng cũng với nhiều người tình yêu Sài Gòn thật khó có thể bộc lộ thành lời, phải chăng vì Sài Gòn không như một cô gái đẹp dịu dàng, yểu điệu kiêu sa làm người ta dễ cảm mến để rồi thốt vội lời yêu? Sài Gòn mang dáng vẻ của cô gái hiện đại, năng động và bình dị, một vẻ đẹp mà người ta thường ngại ngùng khi muốn ngỏ lời yêu…
Khi ta nhận ra rằng, nếu sống với Sài Gòn, sống hết mình cùng Sài Gòn ta sẽ nhận ra tấm lòng nặng tình đầy nghĩa bên trong vẻ bộc trực phóng khóang của người Sài Gòn, người Nam bộ.Vậy thì có cần chăng, một nơi khác để bắt đầu một cuộc đời khác?
Trong buổi nói chuyện “Sài Gòn – nhìn từ một người ‘giao hòa Nam – Bắc’*”, TS Nguyễn Thị Hậu, người đã viết rất nhiều tản văn về Sài Gòn, sẽ cùng phân tích về bức tranh đa dạng, sinh động và khó nắm bắt đó của Sài Gòn.
@ Buổi nói chuyện do Tia Sáng tổ chức trong khuôn khổ chuỗi hoạt động thường kỳ đưa khoa học và nghệ thuật đến công chúng.
Thông tin chi tiết:
Thời gian: 14h30, thứ bảy ngày 14/4/2018.
Địa điểm: Café Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Vào cửa tự do.
THÂN MỜI CÁC ANH CHỊ VÀ CÁC BẠN CÙNG ĐÊN TRÒ CHUYỆN VỚI HẬU KHẢO CỔ TẠI HÀ NỘI. 
TRÂN TRỌNG ĐÓN TIẾP!

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và văn bản

NGHỀ NÀO KHÔNG LÀ NGHỀ?



Nguyễn Thị Hậu

Một lần nữa một thực trạng xã hội lại được đặt ra từ góc độ đạo đức và từ thực tiễn: công nhận hay không công nhận sự tồn tại của mại dâm như một “nghề”. Từ nhiều năm nay luôn có hai luồng ý kiến từ hai cách tiếp cận khác nhau với cùng một đối tượng.
Một, đứng trên quan niệm đạo đức truyền thống thì không thể công nhận “nghề mại dâm”, coi đó là việc làm bất hợp pháp, là tệ nạn và chỉ có thể loại trừ, triệt tiêu nó hoàn toàn. Tuy nhiên, lên án về đạo đức và “trừng phạt” người bán dâm cũng không thể bài trừ mại dâm, mà ngược lại ngày càng “phát triển” đa dạng và phức tạp.
Hai, căn cứ vào thực tiễn và sự cần thiết của quản lý xã hội, cần coi mại dâm là một thực trạng có “cầu” thì có “cung” và ngược lại. Do đó, hạn chế hay loại bỏ nó phải xuất phát từ thực tế, giải quyết từng bước, trước mắt cần có biện pháp “quản lý” phù hợp để có thể hạn chế tác hại của nó đến xã hội và những người làm việc này.

Vậy, có thể coi mại dâm là một “nghề nghiệp” hay không?
Nghề, theo cách hiểu thông thường, là một việc làm có tính ổn định, đem lại thu nhập để duy trì và phát triển cuộc sống cho mỗi người. Nhưng nghề không đơn giản chỉ để kiếm sống mà còn là con đường để mỗi người thể hiện và khẳng định giá trị của bản thân. Mỗi một nghề ra đời đều nhằm đáp ứng một nhu cầu nào đó của con người, vì vậy mỗi nghề đều có nhiệm vụ riêng của nó.

Như vậy, với thực trạng ở nước ta thì có nhiều việc làm để kiếm sống khó có thể công nhận là một nghề theo nghĩa tích cực như trên. Như mại dâm, có thể coi đó là hoạt động của một nhóm người nhằm “đem lại thu nhập để duy trì cuộc sống”, có trường hợp “thu nhập ổn định” thậm chí một số “người đẹp chân dài” còn giàu có về vật chất. Nhưng phần lớn người làm việc này cuộc sống không ổn định, luôn bị những nguy hiểm rình rập: “má mì” chủ chứa chăn dắt, xã hội đen bảo kê, bạo hành, cho vay nặng lãi, bệnh “nghề nghiệp”… Mặt khác về tinh thần, người làm nghề mại dâm bị coi thường ngay từ người mua dâm, nhiều người mang định kiến coi người bán dâm là không có nhân phẩm, nếu gặp chuyện oan ức thì hiếm khi nhận được cái nhìn thiện cảm của xã hội. Khi hành nghề bị bắt cũng không được đối xử công bằng: truyền thông luôn nêu rõ tên tuổi, hình ảnh, cả gia đình quê quán người bán dâm nhưng thông tin về người mua dâm hầu như rất ít, kể từ những đợt “thu gom gái đứng đường” đến những vụ “bán dâm cao cấp nghìn đô”.

Thế nhưng hiện nay bán dâm không phải chỉ có phụ nữ mà còn cả nam giới, người đồng tính… “Môi trường làm việc” thì có thể bất cứ chỗ nào: nhà hàng, quán xá, nhà nghỉ bình dân, khách sạn sang trọng đến công viên, bến tàu xe, vỉa hè… Nơi nào cũng “lén lút” mà như công khai vì ai cũng biết. Theo nhận định của một quan chức “Công tác phòng, chống mại dâm đang đứng trước không ít khó khăn và thách thức. Vẫn còn những quan điểm, nhận thức trái chiều đối với mại dâm, hệ thống pháp luật về mại dâm cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp”. Vậy phải giải quyết thế nào đây khi mà tình trạng mại dâm “danh không chính”?

Với điều kiện hoàn cảnh của một xã hội còn có nhiều người phải làm mọi việc để kiếm sống, lấy tiêu chí một nghề là phải có tổ nghề để thờ cúng (như nghề truyền thống?), có “giáo trình dạy nghề” (và trường dạy nghề?), có bậc thang lương (và phải thi nâng bậc?) là một tư duy quản lý rất máy móc và quan liêu. Mại dâm không là “nghề” theo ý nghĩa tích cực như trên đối với con người và xã hội như những nghề khác, nhưng trên thực tế là “nghề” để kiếm sống của một bộ phận người, trong đó phần lớn là phụ nữ - nhóm người yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội. Thừa nhận mại dâm là một nghề (dù chỉ có số ít người làm nghề đó), công khai những gì liên quan đến môi trường “làm việc”, đến người hành nghề và cả đối tượng “cộng tác” với người hành nghề... là cách thức quản lý mà nhiều nước có hoàn cảnh văn hóa – xã hội gần với nước ta đã áp dụng hiệu quả. Cách thức này thể hiện sự nhân văn vì hạn chế người bán, mua dâm bằng sự công khai của luật định, chế tài, nhằm thay đổi số phận người hành  nghề, trước mắt cải thiện, giảm thiểu tác hại, hậu quả của nó với người “hành nghề” và với xã hội.

 “Nghề nghiệp” trong đó “Nghiệp” là sự cống hiến hết mình cho nghề, là niềm vui, trách nhiệm và mục đích của cuộc sống. Nhưng khi mại dâm không là một nghề thì rất nhiều người làm “nghề” ấy lại coi đó là cái “nghiệp” của mình, không phải mục đích tốt đẹp như trên mà vì họ không biết sẽ phải thoát khỏi nó bằng cách nào. 

Công nhận mại dâm là một “nghề” như một biện pháp cần thiết để quản lý xã hội chứ không phải là sự xóa bỏ “đạo đức truyền thống Á Đông”. Lĩnh vực quản lý xã hội coi “nghề mại dâm” là một thực tế phải giải quyết, hướng đến việc loại trừ căn nguyên và những yếu tố tác động đến sự tồn tại và “phát triển” của nghề này ngay trong lòng một xã hội có “truyền thống đạo đức Á Đông”.

TBKTSG 5.4.2018





LAI RAI VỀ… DÀI NGẮN ( Phạm Xuân Nguyên)


GIỚI THIỄU TẬP TRUYỆN CỦA NGUYỄN THỊ MINH THÁI & NGUYỄN THỊ HẬU
                                                                                        
Không, không phải vì Hà Nội đang xuân mới, hoa lá tưng bừng sắc hương, hoa đào bích vẫn thắm, hoa mai vẫn trắng muốt cánh mỏng, nở bùng trong mưa bụi và giá rét tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018, mà tôi muốn dông dài. Tôi đang viết lời giới thiệu tập truyện “Ngắn & Rất ngắn” của hai tác giả Nguyễn Thị Minh Thái và Nguyễn Thị Hậu nên bất chợt chơi chữ dài ngắn lai rai, vậy thôi.

 Tập truyện này từng xuất hiện tám năm về trước. Tôi chính là người “đầu têu” cho hai tác giả gom truyện in chung một tập, và sáng kiến ghép ngắn tên hai người thành Thái-Hậu –bậc mẫu nghi thiên hạ. Và cố nhiên là hai nữ nhân đã bắt Nguyên tôi phải có lời giới thiệu sách. Vậy mà sách ra năm 2010 đã không có lời của tôi. Chẳng hiểu sao. Hay tôi nghĩ cứ để Thái Hậu tự lên hương bằng chính truyện ngắn và rất ngắn của họ chăng? Năm nay, 2018, sách tái bản, vẫn truyện in chung, song, tên mỗi người đứng riêng, tôi được nhắc món nợ cũ. Lần này thì tôi phải có lời…

Nguyễn Thị Minh Thái và Nguyễn Thị Hậu, hai người đều là tiến sĩ, một về nghệ thuật, một về lịch sử, và cả hai đều ham muốn viết văn. Văn chương của họ hình như cũng mang đậm nhạt, xa gần với tính cách nghề nghiệp của họ.

Nguyễn Thị Minh Thái vốn dân Văn khoa Đại học tổng hợp Hà Nội, lại mang trong mình gốc gác của miền quê nghệ thuật (quê nội Hà Đông, quê của áo lụa, đã thành thơ: Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông. Quê ngoại Bắc Ninh, làng Đình Bảng, với “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”) và dòng họ mê đàn hát, văn chương, nghệ thuật chèo sân đình, ca trù… nên văn chị sóng sánh cảm xúc, tình ý nén chặt và bung tỏa như thơ. Đọc truyện của chị, ngắn vừa độ xinh xẻo, thấy xao động âm vang của thơ, ở đó cảm hứng chủ đạo là của nhân vật trữ tình, với tâm trạng trữ tình. Chị viết truyện, như muốn cái dào dạt sóng trong lòng được khơi mở, xô đẩy, tràn ra câu chữ. Có tích, có truyện  chẳng qua cũng chỉ muốn đong cho đầy một chữ Tình. Sự thực, tác phẩm văn chương khởi đầu của Minh Thái lại là thơ tình, viết rải rác cho riêng mình, từ 1973, mãi đến 2016, chị mới xuất bản lần đầu tập thơ “Tị nạn chiều”, với hàng trăm bài thơ tình đã viết, bắt đầu từ hơn 40 năm về trước. Đọc truyện Minh Thái thấy rõ tâm trạng giằng xé, thổn thức, ngậm ngùi, tiếc nuối và cô đơn, cứ ập ã như sóng trên con sông tìm về biển hạnh phúc. Có gì đấy dữ dội và dịu êm như Sóng của Xuân Quỳnh, nữ thi sĩ mà chị thán phục và nặng lòng yêu mến. Nên, những khoảng lặng rơi trầm giữa dòng chữ đôi khi được viết như thản nhiên, dửng dưng trong truyện của Minh Thái khiến người đọc như bị hụt hẫng và bâng khuâng, muốn âm thầm cùng tác giả và nhân vật đi tìm một cái gì đấy bị buông bỏ, bị đánh mất, hay là tìm lại chính mình của thuở nào đã từng ngất ngây hạnh phúc. Và hạnh phúc đã bị rơi vỡ. Những ai biết Minh Thái ngoài đời, trong nghề nghiệp và cả trong các nghiên cứu khoa học của chị, sẽ gặp lại ở truyện, cả trong thơ nữa, một Minh Thái đầy đam mê, khờ dại, và cuồng nhiệt. Truyện ngắn và thơ quả là một nguyên bản khác của tâm hồn Nguyễn Thị Minh Thái. Có viết gì cũng về một chữ Yêu.

Hậu làm khảo cổ và những truyện rất ngắn của chị quả có ý vị của những nhát đào xới vào các vỉa tầng tâm tư, tình cảm con người. Chúng được lấy ra (hay gom vào) từ “những mảnh vỡ” mà tác giả khai quật được trên đường đời, trong những chuyến đi, những cảnh ngộ, cả những tâm tình. Chỉ một cử chỉ, một sự việc, hoặc chỉ là một quan sát, Hậu đưa ra một so sánh, liên tưởng, đối lập, hoặc chỉ buông lửng, từ đó tạo ra những mảnh vỡ trong tâm trạng người đọc. Mảnh vỡ của những hoang mang, bất an, cô đơn của con người thời nay. Những mảnh vỡ đó đang trầm tích ngày ngày trong cuộc sống và kết tụ lại trong lòng người. Gọi là truyện, nhưng cái viết ngắn của Hậu lại chính là ký họa đời sống, khiến người đọc lo âu và bất ổn trước điều tưởng như vụn vặt, nhỏ bé diễn ra hàng ngày quanh mình, trong mình…

Trở lại tên tập sách là “Ngắn & Rất ngắn”. Nhớ lại khi tôi nảy ý tưởng, muốn Thái và Hậu in chung tập truyện, và sáng kiến ghép tên hai người thành cái tên hay hay, còn có lý do là đọc truyện của họ, tôi thấy dung lượng của chúng vừa ngắn lại vừa rất ngắn, có thể gọi chung là truyện “ngăn ngắn”. (Kiểu như Thế Lữ nghĩ ra mục “tin văn vắn” cho tờ báo Phong Hóa hay Ngày nay ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX). Truyện ngắn, trong định nghĩa kinh điển của nó về một thể tài văn học, nằm trong chữ “moment” (khoảnh khắc), để phân biệt nó với tiểu thuyết là một quá trình (dài). Vậy, truyện “ngăn ngắn” là gì? Có phải là “khoảnh khắc” của chính “khoảnh khắc” không? Trên thế giới loại truyện này đã có khá lâu, với những tên gọi như “short-short story”, “very short fiction”, “flash fiction”…Triết gia Friedrich Nietzsche cho đó là loại truyện tham vọng nói mười câu mà đủ đầy bằng cả cuốn sách. Một triết gia khác là Karl Popper cho rằng đọc loại truyện đó người đọc không phải hiểu mà chỉ có thể đoán hiểu. Nhà văn Mỹ Joyce Carol Oates nói nhịp điệu của loại truyện này gần với thơ, dồn nén trong khoảng không gian hẹp, nghiệm sinh của người đọc chỉ có thể được khơi gợi mà thôi. Bởi vậy, loại truyện “ngăn ngắn” là một dạng như “hạt cơ bản” trong vật lý học mà Werner Heisenberg, cha đẻ của lý thuyết bất định, đã nói: “Các nguyên tử và hạt cơ bản tự chúng không phải là cái thực, chúng tạo nên một thế giới của tiềm năng và khả dụng, hơn là những sự việc và sự vật thực tế”. Xét theo độ dài thì truyện của Hậu là “ngắn ngắn” (hay “rất ngắn”) và truyện của Thái là ngắn. Truyện của Thái còn có nhân vật, tình huống, có câu chuyện được đẩy đưa và dẫn dắt. Truyện Hậu chỉ là một vài dữ kiện, đôi khi rời rạc, không kết dính, để gợi nghĩa như kiểu ngụ ngôn, mà phần nhiều ý nghĩa cũng đã được tác giả nói ra.

Vậy là sau tám năm, tập truyện này xuất hiện trở lại.Trong thời gian ấy, hai tác giả đã kịp có thêm sách mới, truyện mới. Và họ vẫn trung thành với phong cách đã có, Thái thì truyện ngắn, Hậu thì rất ngắn. Tập sách lần này in ra có thêm vài truyện, đọc sẽ thấy thú vị hơn. Không chỉ vì Thái-Hậu đã lấy lại tên đầy đủ và riêng biệt của từng người, mà còn vì đọc họ, ta thấy cả hai đã khéo đong đầy trong kiểu truyện “hai trong một” của họ những chuyện tình muôn thuở của đàn bà, cũng là muôn thuở cuộc đời, được viết ra từ lối nhìn, lối nghĩ, lối cảm của hai nhà khoa học đều có mắt xanh văn chương. Rốt cuộc thì ngắn hay rất ngắn, văn chương cũng không nệ ngắn dài, mà cốt ở tâm tình chứa đựng đằm thắm trong bề sâu câu chữ…
Tôi nói vậy, chẳng lẽ Thái-Hậu cho là đã quá lai rai, bởi lẽ ra tôi cần nói ngắn?

Hà Nội gần Rằm tháng Giêng Mậu Tuất 2018

SÁCH DO NXN VĂN HÓA VĂN NGHỆ PHÁT HÀNG THÀNG 4.2018. KÍNH MỜI BẠN ĐỌC ỦNG HỘ :)

 Trong hình ảnh có thể có: hoa

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...