CHỈ VÌ NHỮNG NGÀY NHƯ THẾ


Chỉ vì những ngày
Nơi này
Xao xác gió heo may
Lá vàng
Cuộn lăn theo vỉa hè phố cũ.
Chỉ vì những ngày
Nơi này
Hun hút gió Đông
Những cây bàng
Khẳng khiu
Trên nền mây xám
Chỉ vì những ngày
Nơi này
Mưa rây mặt phố
Hơi sương
Giăng đầy lối cũ
Quán cà phê ngõ nhỏ chờ ai
Chỉ vì những ngày
Nơi này
Chiều se sắt tối
Căn phòng lạnh
Cô đơn
Tiếng chuông nhà thờ
Rơi như nỗi nhớ
Chỉ vì những ngày
Như thế
Mỗi mùa đông
Tôi vẫn quay trở lại
Dù nơi này
Người yêu tôi
Đã lạc mất trái tim
HN3.2014

Trong hình ảnh có thể có: mọi người đang ngồi, cây, bàn và ngoài trời

Viết cho tháng 3



Một ngày bạn về, chưa hết tuần bạn lại sẽ đi… nhoáng nhoàng gặp nhau bên ly cà phê, vội vã vài tin nhắn giữa cuộc họp, cuống quýt trên đường kẹt xe đến với bạn… Lần nào cũng vậy, hình như bạn về tụi mình lại có ít thời gian “bên nhau” hơn khi bạn ở xa… 
Bạn bận, mình cũng không rảnh. Cố gắng tận dụng mọi khoảng thời gian trống việc để ngồi với nhau và với bạn bè, vậy mà cũng có lúc nghe bạn nhắn qua điện thọai: uh… bận thì thôi vậy… như dấu một tiếng thở dài…
Lần nào bạn đi mình cũng tự nhủ, rồi bạn sẽ về, chỉ sang năm thôi. Vậy mà vẫn chống chếnh ghê gớm, ngay khi còn ngồi bên nhau, khi đang “tám” đủ chuyện trên đời, cả khi im lặng không cần nói gì… Rồi mình chia tay, có vẻ nhẹ nhõm như mọi lần chia tay, có vẻ như thế…
Mà sao bạn cứ ra đi vào tháng Ba, cái tháng trưa nắng Sài Gòn như nung mà chiều xuống  đã như mang cả trời gió heo may. Cái tháng giao hòa giêng hai, bông giấy tím đỏ những con đường, người về bỗng nhớ…
Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại…
Chỉ thấy bạn mãi ra đi còn tháng ngày ở lại cùng mình.

***
                              Bạn nhắn: đang chạy xe trên xa lộ. Đầy trời tuyết trắng. Nhớ cái nắng ấm áp của Sài Gòn quá… Uh, Sài Gòn đã qua hết mùa xuân khi mà cái nắng tháng ba gắt gay đến thế. Nhưng chiều đến dường như chút mùa đông vẫn còn rơi rớt khi gió heo may xào xạc trên những con đường. Day dứt câu hát bên tai
 Con đường thật buồn một ngày cuối đông…
Ngày cuối đông… nhưng mùa xuân nơi bạn vẫn còn xa lắm…
Ngày cuối đông… vậy mà mình như chỉ thấy một ngày cuối thu…      

TÂY NGUYÊN



1. Chưa ra khỏi thành phố Pleiku thì Biển Hồ đã hiện ra long lanh trong nắng sớm. Trên đọan đường ngắn rợp những hàng thông vẫn xanh, nhiều cặp cô dâu chú rể đang tạo dáng chụp hình đám cưới, trông họ thật rạng rỡ. Bạn vừa khéo léo lách xe vòng qua đám chụp hình vừa nói vui “cưới em anh có lời mừng, bao giờ ly dị xin đừng quên anh”, cả xe cười ồ.
Trong cái nắng cao nguyên đã bắt đầu gay gắt gió từ Biển Hồ lồng lộng mang lại hơi se lạnh đầu đông. Mọi người háo hức chụp hình từ góc này góc khác. Cảnh nơi nào cùng đẹp, bạn bè ai cũng rạng rỡ niềm vui. Đứng trên cao nhìn xuống Biển Hồ dường như không còn mênh mông như nhiều năm trước… Biển Hồ như nhỏ hơn, còn tôi như rỗng hơn lơ lửng trong ồn ào vui vẻ…
Đường từ Pleiku lên Kon Tum không còn vẻ hoang vắng. Ven đường đã có nhiều ngôi nhà, khang trang có mà tạm bợ cũng có. Hầu hết xây dựng theo kiểu nhà phố, cũng giống hệt như những con đường khác trên đất nước này. Nếu là người ít đi lại có thể sẽ không biết con đường này đi đến đâu nếu những cột cây số không hiện ra báo rằng còn 30, 20 rồi 10 km nữa là đến Kon Tum. Cố tìm một cái gì đó quen thuộc trên con đường này… và chỉ còn nhận ra “người quen” duy nhất là vài vạt dã quỳ nho nhỏ ven đường. Dạo xưa dã quỳ rực rỡ trải dài ngút ngát dọc đường đi. Có khi cả một triền hoa vàng đột ngột hiện ra hút mắt. Chỉ muốn được lao vào dang tay chạy giữa những bông dã qùy vướng vít quấn quýt quanh mình.
Tháng mười một rồi đấy. Có lần bạn nói sẽ đưa tôi lên cao nguyên đón dã quỳ đầu mùa. Hứa hẹn, hẹn ước… Tiếng Việt mình hay thế…
Thì cao nguyên đấy, cao mà có còn nguyên đâu…

2. Cách đây vài năm hầu như mỗi năm tôi lên Kon Tum một lần, khi thì sưu tầm hiện vật bảo tàng, khi thì giám định cổ vật giúp một vài nhà sưu tập, khi thì điền dã ở  các di tích khảo cổ hay các buôn làng. Thời gian di chỉ Lung leng (Huyện Sa Thầy) đang được Viện Khảo cổ học khai quật thì lên thường xuyên hơn, vì đây là công trường khai quật di chỉ tiền sử lớn nhất của VN, đã mang lại những thông tin rất mới về tiền sử tây nguyên và cả khu vực Đông Nam Á. Dù đến huyện xã nào thì cũng phải bắt đầu từ thị xã Kon Tum – nay đã là thành phố. Trong cái thị xã nho nhỏ lặng lẽ này có 2 nơi tôi thường xuyên thăm thú. Đó là Chủng viện Kon Tum và Nhà thờ Gỗ, tên gọi nôm na của Nhà thờ Chánh Tòa Kon Tum.
Chủng viện Kon Tum do vị giám mục đầu tiên của giáo phận Kon Tum xây dựng từ năm 1935 đến năm 1938, cũng có kiến trúc tương tự như nhà thờ nhưng quy mô lớn hơn. Bước qua cổng, du khách cảm thấy thư thái với hai hàng cây sứ lâu năm tỏa bóng mát, thoảng hương thơm dìu dịu trên đường vào trong chủng viện. Trên tầng hai của chủng viện có một phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo tại Kon Tum từ giữa thế kỷ XIX, gồm nhiều hiện vật, các bút tích... của những vị linh mục trên đường truyền đạo, các hình ảnh, tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của giáo phận Kon Tum. Cũng có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh này.
Nhà thờ gỗ Kon Tum do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913, tọa lạc trên một diện tích rộng giữa trung tâm thị xã, có kiến trúc kết hợp giữa phong cách Roman với kiểu nhà sàn của người Ba Na. Công trình này hoàn toàn bằng gỗ, được những bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bình Định, Quảng Nam xây dựng.
Nhìn từ xa màu nâu ấm áp của tháp chuông nhà thờ nổi bật trên nền trời xanh. Được xây chủ yếu bằng gỗ cà chít, nhà thờ là một công trình khép kín gồm: giáo đường, nhà khách, phòng trưng bày về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, nhà rông. Trong khuôn viên nhà thờ còn có nhiều công trình khác nhưng sắp xếp hài hòa nên bố cục tổng thể của nhà thờ không bị phá vỡ, ngược lại thánh đường còn được tôn thêmvẻ đẹp trang nghiêm mà gần gũi. Giáo đường không lớn lắm, hàng cột gỗ giờ ngả màu đen bóng. Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ tuy không chạm khắc tỉ mỉ, công phu như ở các nhà rường cổ, nhưng chính những hoa văn có đường nét phóng khoáng như con người Tây Nguyên, hồn hậu và khỏe khoắn. Không dùng bê tông cốt thép, thậm chí không có cả gạch, vôi vữa, nét độc đáo của kiến trúc này còn ở chỗ tất cả các bức tường đều được xây bằng đất trộn rơm, và dù gần một thế kỷ trôi qua nhưng vẫn vững vàng, hầu như không có dấu hiệu hư hỏng.  
Thánh đường còn có rất nhiều khung cửa kính màu vẽ các điển tích trong Kinh thánh, các khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng, vừa tạo thêm vẻ tráng lệ cho giáo đường. Những dãy ghế gỗ sắp thẳng tăm tắp bên trong cũng góp phần tạo thêm chiều sâu cho không gian trang nghiêm, mang đến cảm giác yên bình cho mỗi người khi dừng chân cầu nguyện và chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của nhà thờ.
Lần nào trở lại Kon Tum cũng vậy, Nhà thờ Gỗ là nơi tôi thường xuyên ghé đến. Chỉ để ngắm nhìn, để đắm mình vào bầu trời xanh cao nguyên trong không gian không rộng lắm luôn tĩnh lặng... Ngồi trên những bậc thềm và Bình tâm, thấy mọi cái đã qua dù may mắn hay rủi ro, cũng đều như có sự sắp đặt nào đấy...
Hình như đấy gọi là số phận.

(bài: 2011, hình: 3/2018)






MÁ HAI VÙNG TẠM CHIẾM

@ Hôm nay sinh nhật Ba (1922-1985). Con post một truyện ba viết hồi chín năm. Con nhớ Ba 
Không có văn bản thay thế tự động nào.
Liên lạc đưa tôi về xã …
Bây giờ là 12 giờ trưa, trời nắng gắt.
Chúng tôi chống xuồng qua giang đồng lớn. Lúa mơn mởn. Trời trong xanh. Xa xa, rặng cây xanh dọc theo bờ sông. Một hàng cột điện đứng lơ thơ giữa đồng. Vài chiếc xuồng có cà rèm chống về phía chúng tôi. Vang xa, tiếng còi xe hơi “puin, puin!” nghe nôn nã. Mùi dầu xăng quen thuộc phất qua mũi. Tôi đang suy nghĩ thì xuồng chống vô xóm, đi lòn theo mấy bụi tre sau hè.
Anh liên lạc bơi dọc theo xóm và cập sát hè một cái nhà sàn. Anh bước lên, chúng tôi theo sau. Trên nhà một bác gái, đang nằm trên võng. Thấy anh Ba, bác hỏi:
- Mới ra, hả Ba?
Anh Ba cười, đáp lời:
- Dạ … có anh … ở nhà hông?
Chúng tôi còn đang bợ ngợ, chưa biết làm gì thì bác nói:
- Nè, lên nhà. Tới chỗ thì lên nhà, đứng lựng xựng hổng nên!
Nghe lời, chúng tôi vội bước lên nhà, bác biểu:
- Theo tôi đây!
Bác bước trái vô buồng, tôi ôm gói theo sau. Bác vô phòng vén mùng lên, lấy khăn phủi sơ gối chiếu rồi nói:
- Nè, hai cháu nằm đây mà nghỉ cho khỏe.
Rồi bác bước ra ngoài nói chuyện với anh liên lạc.
Hai chúng tôi bỡ ngỡ ngồi xuống giường. Nhà sàn, ba căn nhỏ. Phía trước giữa nhà là bàn thờ Chúa. Hai bên, hai phòng. . Trước nhà, cách hàng ba không đầy 5 thước là lộ xe, kế lộ xe là sông Bassac …
Tôi đang quan sát thì bác bước vô, hỏi:
- Nè, bay tắm chưa?
- Dạ, cháu tắm ở ngoài đồng rồi.
- Được đa. Thôi, tắm rồi thì ở đó nghỉ.
Bác ngồi xuống, rút dưới giường hai cây mía, với lấy cây dao phay trên vách đưa cho tôi:
- Nè, ăn mía đi cho khỏe. Cứ ăn đi, đừng lo. Bay ăn đi rồi ngủ. Chiều “nó” về rồi nói chuyện.
Bình thường tôi ghét những tiếng “bay, mày”. Nghe nó cộc lốc, thô lỗ. Bữa nay, một bà già chưa từng quen biết gọi tôi bằng mày, bay. Cũng hai tiếng đó sao tôi lại nghe nó ngọt, ấm như tiếng con. Tôi nghe văng vẳng như má tôi đương đứng trước mặt tôi, nhìn tôi với cặp mắt ươn ướt.
Tự nhiên tôi buột miệng mời:
- Má ăn với con!
Bà già trả lời:
- Bây ăn đi. Tao ở “ngoài này” ăn hoài.
Vậy là tôi được thêm một bà mẹ. Tình cảm đó đi vào tự nhiên trong con người, không gượng gạo, không miễn cưỡng.
Chiều đến giờ cơm, ba về.
Ba là một ông lão còn sõi. Tóc hoa râm, chòm râu dài phất phơ dưới cằm. Ba đi cắm câu về, thấy tụi tôi, hỏi liền:
- Bay mới ra hả? Thôi, đi ăn cơm!
Tụi tôi ké né ngồi lại. Ba rót rượu cầm ly mời:
- Nè, uống với tao một miếng. Uống đi, uống rồi ăn bắp. Bữa nay có bắp, có cơm trộn ăn ngon lành.
Má tiếp lời:
- Cứ ăn no đi! Còn bao nhiêu, ăn bao nhiêu, còn một chén cháo chia nhau cũng vui.
Rồi má gắp cá bỏ vô chén tôi
Bữa đó, tôi ăn 5 chén bắp ngon lành.
* * *
Đồng chí X… ở nhà má hơn 5 năm rồi. Má thương ảnh lắm. Tối nào, hễ anh đi công tác về trễ, má ngồi trước hàng ba, trông chừng:
- Mẹ! Sao nó về trễ quá vậy cà.
Rồi má nói với tôi:
- Tội nghiệp, nó mần cực quá. Có đêm nó thức viết khuya 1,2 giờ đêm. Bữa nào tao cũng lo có đồ cho nó ăn, mà nó có ăn gì đâu. Bữa nào cũng chừng một chén.
Má thuộc công việc của đồng chí X… lắm. Thuộc là vầy: Biết ảnh sẽ đi đâu? Chừng nào về? Bữa nay có mấy người khách. Vậy thôi, biết để lo nấu cơm, lo để dành đồ ăn.
Có anh liên lạc mới ra, rồi đi xóm.
Má chờ hoài, xăn văn xéo véo;
- Nó nói một chút nó về, để dành bắp cho nó, rồi nó đi biệt hổng về
Một lúc sau, má chép miệng:
- Cha, hổng biết nó ăn cơm đâu?
Ba nằm trên võng vọt miệng nói:
- Bà khéo lo nó đói dữ hông? Nó xàn xạt rồi nó kiếm nó ăn. Chớ nó dễ nhịn hông?
Má lườm ba một cái:
- Ai mà nói nó nhịn đói. Tôi nghe nói nó thèm bắp thì lo nấu cho nó ăn, để dành mà thấy nó hổng về thì trông, vậy chớ ai mà nói nó nhịn đói.
* * *
Má có hai người con đi lính công giáo.
Tôi hỏi tại sao má lại cho đi, má trả lời:
- Tao đâu có cho đi, tao cũng sợ rủi ro chớ. Mà thiệt, khổ quá nghe con. Ở nhà, hổng có đất làm, khổ lắm. Với lại, nó cũng có trong đoàn thể, anh em biểu, nó đi, tao sợ rồi có ngày rủi ro, bay bắn với nhau…
Má nói tới đó, ngập ngừng, ngó ra đường.
Bên ngoài, trời tối om.
Trên bàn thờ Chúa, ngọn đèn lập lòe, mặt Chúa hiền từ, trầm ngâm. Mặt Chúa như dòm má, chứng minh cho lòng má. Má thương con ruột, má thương mấy đứa con kháng chiến Việt Minh! Đứa nào cũng là con, đứa nào cũng thương má. Má ghét Tây. Tại sao lại hai con, mỗi đứa ở một bên? Má lo một ngày kia, Việt Minh chụp đồn, hai bên bắn nhau. Con nào chết, má cũng khóc.
- Chúa ôi! Làm sao đuổi Tây về bển, cho hai con tôi đừng bắn nhau.
Tấm lòng già xúc động, hai giọt nước mắt lăn tròn trên gò má… Má nói nho nhỏ:
- Thiệt, tao cũng nhớ nó quá. Nó gởi tiền về cho tao. Năm ngoái nó giúp tao năm trăm mua lúa, chớ hông thôi năm rồi nguy lắm. Lúa đâu mà nuôi bay?
17-9-1952
Nguyễn Ngọc Bạch (in trong tập này)

ĐỜI CÂY ĐỜI NGƯỜI


Mỗi khi xuân về những hàng cây những cánh rừng dù chục năm hay trăm tuổi đều nảy chồi xanh lá. Đất nước vào xuân bắt đầu từ màu lộc non. 
“Mùa xuân là tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

Tuổi nhỏ của nhiều người đã được học hai câu thơ này cùng với thông lệ cứ sau tết thì các trường học đều có ngày hội trồng cây”. Tùy trường ở nông thôn hay thành phố mà trồng cây trong sân trường, vườn trường, trên đường làng hoặc trên đồi trọc, ven bờ ruộng... Những cái cây nho nhỏ mới trồng có rào thưa xung quanh, nhóm nào trồng thì chăm sóc cây cho đến khi ra trường.
Nhiều năm sau có dịp quay lại nơi chốn cũ nhìn thấy hàng cây kỷ niệm xưa ùa về... Cây đã già đi nhưng  vẫn là “chứng nhân” cho thời đi học của bao người không còn trẻ nữa. Có người đi cùng với con về trường cũ, chỉ vào một cây và nói, cái cây này bằng tuổi cha đấy! Trong ánh mắt cậu con trai nhỏ cái cây trở nên thân thiết như một người bạn lớn. Mai mốt, biết đâu cậu sẽ còn quay lại đây để nhìn lại một kỷ vật của cha mình…

Trong sân trường Đại học KHXHNV (Văn khoa cũ) vẫn còn mấy cây hoàng lan được trồng vào khoảng cuối thập niên 1970. Hơn bốn mươi năm đã qua, cây hoàng lan mảnh khảnh hồi  nào giờ đã cao lớn bóng rợp một khoảng sân. Trường nay đã được xây dựng khang trang, tòa ngang dãy dọc. Vậy nhưng năm nào hội khoa, hội trường sinh viên cũ mới đổ về cũng không thể thiếu những tấm hình được chụp “dưới bóng hoàng lan” để mà nhớ lại “hồi xưa…”.
Cũng là ký ức về những hàng cây của thời sinh viên, con đường Tôn Đức Thắng ở quận 1 TPHCM rất quen thuộc với nhiều người. Nối với đường Đinh Tiên Hoàng – nơi có ba trường đại học từ lâu đời: Văn khoa, Dược và Nông Lâm, đường Tôn Đức Thắng là nơi chốn êm đềm và lãng mạn của nhiều thế hệ sinh viên Sài Gòn. Con đường có những hàng cây cao lớn tạo thành vòm xanh mát rượi ngay cả trưa hè gay gắt nắng. Những tòa tu viện, chủng viện im ắng sau bức tường cao càng làm cho con đường thêm phần cổ kính. Một khoảng lặng đáng yêu của đô thành Sài Gòn.
Nhưng hơn một tháng nay ai qua đường Tôn Đức Thắng cũng giật mình thảng thốt. Hàng cây đã bị chặt sát gốc đào bật rễ để lại những cái hố nham nhở... như một hàm răng đẹp đều đặn bị nhổ trụi còn trơ hàng lợi và những vết thương chưa lành. Hàng cây không còn, đường nắng hơn, phố nóng hơn, các công trình cổ kính chơ vơ giữa tiếng ồn và khói bụi.
Đi trên con đường ngày nào rợp mát nay trống hơ trống hoác bỗng thấy mình trống rỗng vì ký ức êm đềm ngày xưa đã bị trấn lột bởi những nhát cưa thô bạo.
***
Vài năm gần đây nhiều tục lệ cũ được phục hồi, có tục lệ thời phong kiến như “vua cày tịch điền”, có tục lệ mới như các lãnh đạo, quan chức trồng cây lưu niệm ở một nơi nào đó. Trồng cây bao giờ cũng là việc nên làm vì mang lại những lợi ích thiết thực và những giá trị về tinh thần. Trồng một cây non là biểu trưng cho sự khởi đầu một cuộc sống, một quá trình một giai đoạn mới. Sự mới mẻ, phát triển và tương lai lâu dài của cây mới được trồng làm nên ý nghĩa của “tết trồng cây” hay trồng cây lưu niệm nói chung.
Trồng cây là gieo một mầm sống và chăm sóc cho mầm xanh trưởng thành, chứ nào phải trồng cây vì giá trị bạc tỷ của loài cây đó? Trồng cây đã trưởng thành hay trồng một cổ thụ chỉ là sự thể hiện của “chủ nghĩa hình thức” chứ chẳng có ý nghĩa và giá trị gì. Việc nhổ một cái cây lớn, cây lâu năm mang đến trồng ở nơi khác là cắt đứt cuộc sống của nó, sao có thể coi là sự khởi đầu như mùa xuân?  Những loài cây có tuổi đời càng lâu năm càng quý vì nó mang giá trị tích tụ của thời gian.
“Dụng nhân như dụng mộc”, vì vậy, nhìn cách ứng xử với cây cối cũng hiểu được xã hội đó coi trọng con người hay không? Những giá trị mà xã hội đó tôn vinh, hướng đến có mang tính nhân văn hay không?
***
Một đời cây vô tư sống mang lại không khí trong lành cho con người, chết làm vật dụng cho con người. Cây cối cũng có linh hồn, theo nghĩa nó đã cùng con người trải qua bao biến cố, chứng kiến bao sự kiện của một nơi chốn một đời người... Xưa nhà có người mất bao giờ cũng buộc cho cây cối quanh nhà mảnh băng tang, nếu không người ta tin rằng cây sẽ héo khô rồi chết. Nay trái đất đang “chết” vì biến đổi khí hậu vì ô nhiễm, cây xanh sẽ cứu giúp trái đất kéo dài sự sống. Trồng cây, giữ rừng chính là kéo dài đời sống con người.
Một con đường đi bộ ven sông lát bằng hàng trăm mét khối gỗ lim không thể là một công trình thân thiện với môi trường, vì sự “thân thiện” này phải đánh đổi bằng việc khai thác những cánh rừng lim – loài cây đã có trăm năm sinh sống - từ Nam Phi. Trên trái đất này có nơi nào không cần sự sống của cây?

Sài Gòn 5/3/2018
Nguyễn Thị Hậu

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, cây, thực vật và ngoài trời





Vụn vặt đời thường (157) GỌI LÀ THƠ




Mười năm trước trong một lần anh em giang hồ cà phê ở Bông giấy, Inra Sara tiên đoán "bước đường cùng Hậu khảo cổ sẽ làm thơ!" 
Mười năm sau, nhân "ngày thơ" của một cường quốc thơ nọ, Lê Anh Hoài bèn phong tặng HKC danh hiệu "nhà thơ" dù bài trên TP là tùy bút 
Không để các bạn mình thất vọng, HKC bèn lai rai làm cái gọi là "thơ" (ko phải thơ cũng kệ, không chịu trách nhiệm) 
@ Tháng Ba
Sài Gòn nắng gắt mưa rào
Hà Nội vào cơn lạnh nàng Bân
Tờ lịch sang trang
Hoa gạo cháy đỏ chiều thung lũng
Một người lơ đãng
Lạc đến cô đơn
Tháng ba
Bưởi ra hoa
Hương ẩm mùi phố cổ
Có người vội vã quay lưng
Giã từ ký ức
Sài Gòn 3.2017

Không có văn bản thay thế tự động nào.

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...