Vụn vặt đời thương(156) Từ biệt đường trần

 Tiếng hát Hà Thanh nhạc Nguyễn Văn Đông
https://www.youtube.com/watch?v=EOJmcHk-RIM

Ngày cuối tháng Hai FB tràn ngập hình ảnh và link sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Những bài hát của ông không phải là “hot” trong trào lưu trở lại của bolero, có lẽ vì ông là “nhạc sĩ quân đội” chăng? Nhưng “Chiều mưa biên giới, Phiên gác đêm xuân, Sắc hoa màu nhớ, Nhớ một chiều xuân...” sẽ còn mãi làm rưng rưng trái tim nhiều thế hệ. 
Từ lâu mình đã nghe nhạc của ông, tìm hiểu và rất quý trọng ông bởi sự lặng lẽ sau sự quyến rũ của những ánh “hào quang” nếu ông xuất hiện trở lại ở giới nghệ sĩ hoặc một nơi nào đó. Tình yêu quê hương qua âm nhạc và sống chết cùng quê hương. Đó là sự lựa chọn của ông và mình tin ông đã thanh thản khi lụa chọn như thế!.
“Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay...”, vào ngày Sài Gòn nắng đẹp ông đã từ biệt đường trần với những tơ vương.
Xa xôi một cánh chim đã tung trời...

Kết quả hình ảnh cho nhạc sĩ nguyễn văn đông

LÊN ĐƯỜNG ĐỄ ĐẾN TÂM AN

Nguyễn Thị Hậu

Mùa xuân cũng là mùa lễ hội. Phong tục tổ chức lễ hội vào thời gian nông nhàn” khiến cho trong Nam ngoài Bắc khắp đình, chùa, đền, miếu... tấp nập người đi lễ. Ngày xưa lễ hội những ngày này, dù vào “tháng Giêng ăn chơi” nhưng không nặng tính thực dụng mà chủ yếu để giải trí, du xuân gặp gỡ mọi người và thăm viếng nơi danh lam thắng cảnh. Những lời khấn cầu đầu năm ngoài sự mong muốn những điều may mắn tốt lành còn nhằm bày tỏ lòng thành tâm thiện với Thần, Phật. 

Trải qua mấy chục năm chiến tranh, ở miền Bắc nhiều phong tục tập quán liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo bị xóa bỏ vì coi là “mê tín dị đoan”. Nhưng sau chiến tranh, nhất là từ khi “đổi mới” về kinh tế, trong xã hội “làm giàu” trở thành mục tiêu của nhiều người thì nhiều tục lệ đã phục hồi và ngày càng phát triển theo hướng thực dụng. 

Điều đáng nói là việc cầu xin tài lộc chức tước lan tràn mọi lúc mọi nơi, đến mức không thể kiểm soát! Bây giờ vào ngày lễ tết đền chùa nào cũng mù mịt khói nhang tràn ngập đồ lễ vàng mã tiền lẻ rải như rác... Người ta cho rằng lễ càng “hoành tráng” thì thần, phật càng chứng giám phù hộ, cơ may như những hợp đồng làm ăn béo bở, chức tước danh vị sẽ vào tay mình, tránh được những rủi ro thậm chí nếu vi phạm luật pháp sẽ không bị phát hiện và được bao che khỏi sự trừng trị của cơ quan chức năng...

Từ đó đã nảy sinh hiện tượng “buôn thần bán thánh”, “mua chuộc thần phật”, “kinh doanh tâm linh”... Phục vụ cho nhu cầu này nên chùa chiền được trùng tu, xây mới tràn lan, ngày càng hoành tráng, truyền thông rầm rộ về những ngôi chùa xác lập một “kỷ lục” nào đó về quy mô kiến trúc trang trí, sự có mặt của các vị quan chức thăm viếng cúng dường, tổ chức lễ hội cấp quốc gia... Chùa càng to càng “giàu có” thì càng đông “tín đồ”, tiếng đồn “linh nghiệm” càng nhiều. Người ta ồ ạt theo những tour “du lịch tâm linh” vội vã chạy từ chùa này sang chùa khác cho đủ mấy “kiểng chùa” mà không có nơi nào đủ thời gian mà lắng lòng thanh tịnh. 

Trong khi đó ở đâu cũng có chùa làng. Những ngôi chùa đơn sơ giản dị, gần gũi với dân cư trong vùng, nhiều chùa nuôi trẻ mồ côi người già cơ nhỡ... nhưng ít người thăm viếng, thỉnh thoảng có người “từ thiện” đến giúp đỡ chút đỉnh. “Phật tại tâm” sao còn phân biệt chùa giàu chùa nghèo, phân biệt chùa lớn chùa nhỏ? Sự phân hóa “đẳng cấp” một cách sâu sắc không chỉ có ngoài xã hội mà đã hiện diện trong các ngôi chùa phản ánh nhu cầu tâm linh đã bị tâm lý “thực dụng” lấn át. 

Xưa trong truyện cổ tích khi khó khăn người ta thường cầu xin ông Bụt giúp đỡ, nay lại coi Phật như ông Bụt vạn năng có thể giúp cô Tấm trở thành hoàng hậu hay giúp anh nông dân có cây tre trăm đốt để trả thù phú ông nên người ta lên chùa cầu xin không thiếu thứ gì... Và phải chăng vì quan niệm “Bụt chùa nhà không thiêng” nên hay phải đi cầu Phật chùa xa cho “linh”?
  Nhiều người đã biết rằng, đi lễ chùa đầu năm hay vào ngày rằm, mùng một hàng tháng là để tỏ lòng thành kính với Đức Phật, con người đến với Phật không phải để cầu xin ban phát lợi lộc vật chất cho mình mà tìm đến giáo lý Phật Giáo để giác ngộ, xuất phát từ bản thân làm việc thiện “tu nhân tích đức”... Trong xã hội ai cũng hướng thiện và làm việc đức thì ngày càng có nhiều điều tốt đẹp cho tất cả mọi người, trong đó có mỗi người. Đó là tâm thức cần có khi đến với các tôn giáo trong đó có Phật giáo. 

Mùa lễ hội nào cũng kết thúc, mọi người lại trở về với công việc và sinh hoạt thường ngày. Nhưng điều quan trọng là sau mỗi lần lên chùa vào đền thành kính khấn vái, chúng ta có hành xử tử tế, làm ăn lương thiện và chăm chỉ hơn không, bởi vì nói cho cùng, lười biếng thì không Thần nào cứu giúp, ác tâm thì không Phật nào độ trì... Có tâm có đức thì mới có linh. Vô tâm thất đức thì dù có cầu cúng đến đâu cũng không thể mang lại sự bình an trong tâm hồn. Tâm bất an là nguyên nhân mọi sự bất ổn của cá nhân và xã hội.

Sài Gòn 25.2.2018

Kết quả hình ảnh cho lễ chùa đầu năm

MIỀN TÂY TRỜI RỘNG SÔNG DÀI

Tùy bút. Nguyễn Thị Hậu

Người miền Tây mỗi khi đi Sài Gòn thì kêu bằng “lên thành phố”. “Thành phố” gần như trở thành danh từ riêng để chỉ Sài Gòn dù miền Tây có nhiều đô thị sầm uất, như Cần Thơ – được coi là thủ phủ miền Tây, như Long Xuyên – thành phố bên bờ sông Hậu, như Mỹ Tho bên sông Tiền – một “đại phố” từ thủa mới hình thành…
Trên những con đường tỏa khắp miền Tây có đến hàng ngàn cây cầu lớn nhỏ bắc qua hàng trăm con sông, kinh, rạch… chằng chịt. Giữa các tỉnh hầu như đều có ranh giới tự nhiên là những giòng sông lớn nhỏ, trên trục lộ chính cứ qua một bến phà một cây cầu là vào địa phận một tỉnh khác. Chỉ mươi năm trước qua sông Tiền sông Hậu còn phải có chuyến phà bến bắc thì nay đã có những chiếc cầu dây văng đẹp như mơ: cầu Mỹ Thuận nối Tiền Giang và Vĩnh Long, từ đó qua cầu Cần Thơ là vào Tây Đô, cầu Rạch Miễu nối Mỹ Tho với Bến Tre, qua cầu Hàm Luông là vào đất Trà Vinh… Mai mốt xây xong cầu Vàm Cống nối Đồng Tháp và Long Xuyên, rồi qua cầu An Hòa vào Rạch Giá… thì quốc lộ Một gần như liền lạc không còn cảnh ngăn sông cách bến. Hồi gần hai mươi năm trước, khi khánh thành cầu Mỹ Thuận, đoạn quốc lộ hai đầu cầu kẹt xe hàng tuần, dưới sông thì đặc kín ghe xuồng… bà con các tỉnh kéo nhau về đây để tận mắt được nhìn thấy câu cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long, cây cầu trong mơ của bao nhiêu đời người miền Tây.
Đường lên thành phố bây giờ chủ yếu là đường bộ. Quốc lộ Một như “xương sống” từ Sài Gòn về tới Cà Mau, đi qua hoặc tỏa nhánh vào các thành phố, thị tứ bằng những tỉnh lộ… gần đây tuy được mở rộng nhưng phần lớn vẫn là “độc đạo” chật hẹp, xe hơi xe máy ngày đêm cứ đan vào nhau, tai nạn nghiêm trọng không ngày nào không có. Ở vùng sâu còn bao nhiêu cây cầu thô sơ, sức tải yếu, hàng ngàn cầu khỉ chênh vênh… tuy là hình ảnh thân thuộc lâu đời của quê hương nhưng trở ngại cho lưu thông hàng ngày, cho sự phát triển của địa phương. Để có thể làm đường xây cầu ở khắp miền Tây thì rất tốn kém và cần nhiều thời gian nữa…
Nhiều lần đi dọc đường miền Tây tôi luôn tự hỏi, tai sao không sử dụng và phát triển giao thông đường thủy – một lợi thế tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long đã được cư dân tận dụng từ hàng trăm năm nay?
Sông Cửu Long chảy vào Nam bộ dài khoảng 250km theo hai nhánh lớn là Tiền Giang và Hậu Giang. Sông Tiền qua Châu Đốc, Sa Đéc, Cao Lãnh, Vĩnh Long rồi tỏa nhánh qua Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh đổ ra biển bằng Cửa Tiểu, cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu. Sông Hậu cũng qua Châu Đốc rồi qua Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng và ra biển bằng cửa Định An, Ba Thắc và Tranh Đề. Hàng trăm kinh đào và sông rạch tự nhiên đã tạo nên hệ thống đường thủy nối liền chứ không chia cắt miền đồng bằng rộng lớn. Cùng với đường biển, Nam bộ có cả một nền văn minh sông nước trong đó phương tiện đi lại và giao thông đường thủy là một nét văn hóa đặc sắc.
Ngày trước ghe thương hồ và chợ nổi là những “đầu mối” mang hàng hóa từ miệt vườn, miệt thứ, miệt u minh… đi ra nơi thị tứ, lên thành phố. Ngày nay đi dọc các con sông ta còn thấy nhiều “chành” lúa gạo, trái cây, gần đây có những chành gốm… là nơi tập kết thu mua và chuyên chở sản phẩm đi khắp nơi. Thế mạnh của miền Tây là nông sản: trái cây, lúa gạo, thủy hải sản… quanh năm mùa nào thức ấy. Phần lớn là hàng hóa tươi sống cần vận chuyển nhanh để đảm bảo chất lượng bên cạnh việc phục vụ nhu cầu lớn của thị trường cả nước và xuất khẩu. Mặc dù đã có một số nhà máy chế biến nông sản, thủy hải sản tại địa phương nhưng việc đưa sản phẩm đến vùng miền khác còn nhiều trở ngại. Vì vậy giao thông là yêu cầu hàng đầu cho miền Tây, tuy đã có những loại xe chuyên dụng bảo quản trái cây tôm cá… nhưng chỉ cần một sự cố gây kẹt xe tắc đường là nguy cơ hàng hóa hư hỏng, dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Theo thời gian, đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trở thành vùng nông nghiệp quan trọng nhất nước. Vậy nhưng hiện nay nơi đây vẫn chỉ “độc đạo” quốc lộ Một với mật độ lưu thông dày đặc. Trong khi miền Tây chờ đợi một tuyến đường cao tốc như nhiều nơi ở miền Bắc đã có, chờ đợi việc phục hồi và xây mới tuyến đường sắt từ Sài Gòn đi các tỉnh, nên chăng cần sử dụng đường thủy nhiều hơn để giảm tải cho đường bộ, để có thể thuận tiện hơn khi đi vào vùng sâu vùng xa thu mua nông sản, để góp phần lưu giữ một nét văn hóa độc đáo của miền sông nước? Tất nhiên, những phương tiện như ghe, tàu, xà lan… cần được hiện đại hóa, đáp ứng về tốc độ, an toàn, bảo quản hàng hóa, không làm ô nhiễm nước sông … Đường thủy cần được bảo đảm an toàn, an ninh, hạn chế nạo vét khai thác cát hay xả chất thải gây ô nhiễm môi trường.
“Từ nghìn đời vẫn dòng sông quê hương
Vẫn tàu ta đi muôn dặm nẻo đường
Mà đêm nay tàu nhổ neo rời bến
Nghe dạt dào sông nước trong đêm…”
Những bài hát về sông nước Nam bộ luôn có lời ca tha thiết mà giai điệu thể hiện sự sôi động của một vùng đất giàu tiềm năng với những con người chịu thương chịu khó và lạc quan trong cuộc sống.
TC Nhà quản lý Tết Mậu tuất 2018

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, đại dương, ngoài trời, nước và thiên nhiên

Vụn vặt đời thường (154 ) THÁNG HAI, KHÔNG AI QUÊN!

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, thực vật, cây, ngoài trời và thiên nhiên

Tháng hai thường là tháng Giêng âm lịch, xuân đã về nhưng giá rét ngày đông chưa bớt. Trên vùng cao đào mận bắt đầu nhú lộc xanh non giữa sương mù bên những hàng rào đá dọc con đường cheo leo ngoằn nghèo dốc đứng. Năm nào cũng vậy, tháng hai đến những ký ức nóng bỏng của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 lại tràn về trong trái tim trong trí óc mỗi chúng ta...

Những năm 1977 - 1978 chúng tôi đang học đại học. Khi cả nước còn đang ngổn ngang khó khăn sau cuộc chiến 30 năm thì ở phía nam đã có nhiều đợt nhập ngũ cho chiến trường biên giới Tây Nam. Bất ngờ, ngày 17/2/1979 một “sự phản bội ghê tởm nhất lịch sử” đã xảy ra: Trung quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Mượn bày tay kẻ khác dùng dao rựa dùng cán cuốc gậy gộc giết người Việt chưa thỏa, TQ đã trực tiếp gây chiến giết hại hàng trăm ngàn thường dân Việt Nam, hàng chục ngàn người lính Việt đã ngã xuống trong cuộc chiến anh dũng bảo vệ biên cương... Máu đã đổ trong những ngày tháng hai 79 và kéo dài nhiều năm sau đó...
Và từ đó, là người Việt không ai quên tháng Hai. Cũng từ đó người Việt đã biết về Hoàng Sa tháng 1.1974 và Gạc Ma tháng 3.1988 và cũng sẽ không bao giờ quên!

Cuối năm 2011 tôi nhận được tin nhắn từ gia đình bạn học cùng thời phổ thông đã hy sinh vào tháng hai 1979 “đơn vị của nó đã cùng về nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang), con có dịp ra Bắc thì lên thăm nó... ”. Đúng ngày 17 tháng Hai 2012 tôi đã đến đây. Nghĩa trang vắng lạnh, chỉ có vài vòng hoa đã không còn tươi, nhang khói lơ thơ vài ngôi mộ. Từ rất nhiều năm trước không hiểu vì sao vào ngày này đến một vòng hoa một nén nhang cho nơi đây cũng không thể! Nước mắt tôi tràn ra... Chúng tôi cùng vài người khách viếng nghĩa trang lặng lẽ đi đến từng ngôi mộ thắp một nén nhang tạ lỗi với các anh...

Chỉ một, hai năm gần đây một số nghĩa trang của chiến tranh biên giới phía Bắc mới được ấm áp khói nhang vào ngày 17.2, ngày 27.7, lễ tết, quốc khánh... Và đến hôm nay 17.2.2018 ba mươi chín năm cuộc chiến này nhưng nhân dân không quên những người đã hy sinh, đã đổ máu xương. Trên mạng xã hội là hình ảnh những bông hoa sim, những chuyến xe chở những gương mặt trẻ măng lên biên giới phía Bắc, và bài hát “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” và nhiều bài hát khác lại vang lên... 

Gần bốn mươi năm đã qua và mãi mãi về sau những người đã ngã xuống sẽ luôn cảm thấy ấm áp rất nhiều vì họ mãi sống trong trái tim trong tấm lòng người dân... Còn hơn những ai nằm trong cái nghĩa trang ngàn tỷ mà lạnh lẽo muôn kiếp vì không bao giờ được ai nhớ đến.

SG 17.2.2018

HƯƠNG HỒNG MONG MANH

Hôm nay 17/2. Mỗi năm, một bông hồng trắng cho bạn vào ngày này..
Trong hình ảnh có thể có: thực vật, hoa và thiên nhiên

Ngày còn học phổ thông, mỗi buổi sớm mai cô thường đi bộ đến trường. Con đường Trương Định dẫn ra ngọai ô Hà Nội khi ấy còn vắng vẻ lắm. Hai bên đường những mảnh ruộng, mảnh vườn còn xen giữa dãy nhà mái tôn, nhà cấp 4 có hàng cây bàng lơ thơ lá…Duy nhất một quãng đường có ngôi nhà 4 tầng là khu tập thể nằm đối diện nhà máy hoa quả là nhộn nhịp vào giờ tan ca.
Trời mùa đông, khỏang năm rưỡi sáu giờ sáng còn tối mờ mịt, đèn đường thưa thớt chao nghiêng trong gíó mùa đông bắc. Thỉnh thỏang ánh sáng hắt ra từ một ngôi nhà nào đấy mang lại cho người đi đường chút ấm áp để rồi lại co ro đi tiếp. Lũ con gái mười lăm mười sáu các cô mặc kệ giá lạnh, vừa đi vừa chuyện tròkhe khẽ. Con đường như ngắn hơn khi lần lượt có thêm mấy người bạn cùng đi.
Khi đi qua một khỏanh vườn thật đẹp có hàng rào dâm bụt bao quanh, ngày nào cũng có một người chờ cô ở đó… Bạn ấy học trên cô một lớp, nhà trên phố, đi học bằng xe đạp nhưng bao giờ cũngđi thật sớm đến mảnh vườn này, hái những bông hoa còn đẫm sương sớm, đứng đợi trong lạnh buốt chỉ để đưa vội cho cô bó hồng thơm ngát khi cô và đám bạn đi qua, rồi bạn lại đạp xe đến trường… Đây là nhà ông ngọai bạn ấy, vườn trồng tòan hoa hồng, lọai hồng mỏng manh mà ngày nay thi thỏang ta còn nhìn thấy trên những gánh hoa bán dạo ở phố cũ Hà Nội. Khu vườn đơn sơ, yên tĩnh, cô dường như tinh khiết hơn bởi mùi thơm hoa hồng mỗi khi đi qua không gian trong lành ấy.
Một lần cô có việc đến trường vào ngày nghỉ. Không hiểu sao bạnấy vẫn biết, và như mọi khi, bạn chờ cô với những bông hồng, nhưng lần này tòan hoa hồng bạch. Không đạp xe đi trước, bạn dắt xe đi bên cô … cứ thế, giữa hai người là chiếc xe đạp và hương thơm quấn qúyt trên suốt con đường.
Bao nhiêu năm qua rồi mà buổi sáng mùa đông ấy vẫn theo cô, trong những lúc vui trong cả những lúc buồn…
… Bạn đã nằm lại ở biên giới phía Bắc một ngày tháng Hai Bảy Chín. Vậy nhưng mỗi năm vào những ngày này cô vẫn luôn hy vọng… Bây giờ bạn ở đâu…
Một ngày cuối năm, nhận được lời nhắn từ gia đình bạn: đơn vị bạn đã về một nghĩa trang phía Bắc. Tháng 2/2012 cô đã đến nơi ấy thăm bạn. Nhưng bạn nằm đâu trong những ngôi mộ liệt sĩ chưa có tên kia, bạn ơi …

(Sài Gòn - Hà Giang 2/2009 - 2/2012)

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Linh tinh lang tang (160) TUỔI TUẤT

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Nhà mình nhiều người tuổi Tuất: Ít nhất từ đời ông nội thì có ông nội, ba mình, anh Hai và mình. Con/cháu gái ẩn tuổi ông/cha/anh có lẽ nhờ vậy mà tuy mạng “bình địa mộc” nhưng không ai đốn chặt được, chẳng được là “cây cao bóng cả” chỉ như ngọn cỏ như rau má, có dẫm đạp xéo nát rồi thì chỉ một cơn mưa lại mọc lên xanh tốt :D 

Người ta bảo “canh cô mậu quả”, có lẽ thế. Đến giờ, nghiệm lại những lúc khó khăn nhất thì chỉ có một mình chịu đựng, không có ai để san sẻ gánh nặng. Chuyện buồn bực mất ăn mất ngủ hàng tháng đấy nhưng mọi người luôn thấy mình hơn hớn :D Chả phải sắt đá kiên cường gì, mà những lúc ấy không muốn ai thêm gánh nặng như mình, thôi cố một chút, rồi sẽ qua... 
Rồi sẽ qua... Dù lảo đảo lơ mơ bước tiếp thì cũng tự bước. “Mậu Tuất nó thế!” bạn hay nói mình như vậy. Ừ thôi đã là số phận thì chả cãi làm gì.Thỉnh thoảng cũng ước, giá mà có chỗ dựa cho đỡ mỏi...

Thực ra, sau này mình thấy, đàn bà thích nhờ vả làm phiền sai bảo... người khác thì “sướng” hơn đàn bà biết tự lập, được “phục vụ” lại vẫn được than vãn kêu ca. Đằng này đàn bà đã tự thân lại còn không dám nói, nói ra sẽ bị nghe câu “ai bảo...” :D

Bữa hôm mình ra HN, nhắn cho mấy người bạn, ai cũng hỏi: Ra ở đâu? Mình bảo: ở chỗ Hà Phạm. Thế là “chúng khẩu đồng từ” gào lên: “hai thằng đàn ông” ở với nhau à? (dù Hà không phải Mậu Tuất nhé) :D “Trong đàn bà có một nửa là đàn ông” nhưng khéo bọn mình có đến 2/3 ấy :)
Thế mà bọn mình cũng vẫn vui, và sẽ vui đến hết đời, nhỉ :)

Tranh: Họa sĩ Đỗ Phấn

MÙI TẾT


Trong hình ảnh có thể có: vẽ

Khoảng thời gian gần Tết ta thường bắt gặp trong không gian những mùi hương của ký ức.
Vào những năm xa xưa khi đợt gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về, ấy là lúc mẹ mang ra chăn ấm áo lạnh được bọc gói cất kỹ trong hòm trong tủ. Gian nhà nhỏ sực lên mùi băng phiến. Lũ trẻ súng sính trong tấm áo còn ủ mùi thơm sạch sẽ, tung tăng khắp khu tập thể.
Đấy là mùi của những sớm mùa đông. Bước chân ra phố một làn sương bảng lảng trên con đường còn vắng người qua lại. Hơi nước, làn gió, lá cây ngọn cỏ tỏa ra hương thơm tinh khiết làm lòng người chùng lại, nhịp sống chậm đi một tích tắc cho người ta sống dài thêm một chút.
Đấy là hương thơm những “gánh hàng hoa” từ phía “ngoại ô” đi vào thành phố. Ngoại ô xưa giờ đã là nội thành với nhà cao tầng đường nhựa ngang dọc. Nhưng thấp thoáng vẫn còn mảnh vườn nhỏ có gốc đào, vài luống hoa rực rỡ sắc màu. Hương hoa mùa giáp tết nồng nàn quyến rũ như thiếu nữ Hà Nội căng tràn sức sống.
Đấy là mùi hương trầm khói nhang ấm áp trên bàn thờ những ngày cuối năm như phảng phất hình bóng người thân. Tết là dịp sum họp gia đình, hương thơm nhang khói làm cây cầu tâm linh nối người còn sống với người đã khuất.
Ngày Tết càng gần mẹ càng tất bật lo toan. Mỗi khi đi làm về trong cái giỏ xe có thêm bó măng khô thơm mùi nắng, gói miến dong thơm mùi đất ẩm… Mấy cân gạo nếp thơm như mùi rơm mới, cân đậu xanh ngai ngái. Có năm cha đi công tác Tây Bắc mang về một xâu nấm hương mộc mạc mùi rừng núi.
Khoảng qua rằm tháng Chạp mẹ mang ra hàng gia công “quy gai quy xốp” một túi nào bột nào đường với mấy quả trứng, có khi thêm cục bơ bé xíu. Sau cả ngày xếp hàng chờ đợi lũ trẻ náo nức khi mẹ mang về một túi nilon đầy những chiếc bánh thơm phức ngọt ngào. Đây đó trong phố đã thoang thoảng mùi thơm pháo tép…
Rồi ngày sát Tết nhà nhà rộn ràng gói bánh. Mùi lá dong tươi, mùi đậu xanh chín, mùi thịt ướp tiêu hành, mùi khói bếp, hơi nước từ nồi bánh đang sôi tỏa ra một mùi thơm “tổng hợp” của Tết. Chiều ba mươi mẹ nấu nồi nước mùi già, nước bồ kết, cả nhà “tẩy trần” trước bữa cơm tất niên đón ông bà về ăn tết với con cháu.
Những mùi hương ký ức mang tôi trở lại tuổi thơ của một thời Hà Nội nghèo khó mà đầm ấm.

Nguyễn Thị Hậu
Trích "Đoản khúc Hà Nội", TC Tia Sáng xuân Mậu Tuất 2018.
Minh họa: họa sĩ Lê Thiết Cương 

CHUYỆN CHỨC DANH


Nhiều bạn nhắn hỏi mình vể chuyện GS.PGS năm nay. Mình ko có ý kiến gì vì từ lâu mình đã xác định là không làm hồ sơ ứng viên chức danh này (cũng như hồ sơ khen thưởng các cấp), chủ yếu vì mình làm biếng... và tự thấy với trình độ TS tử tế thì cũng đủ xài rồi :) 
Tuy nhiên mình luôn ủng hộ các anh chị đồng nghiệp làm hồ sơ chức danh nếu họ đủ trình độ. Thực tế mình có một số người bạn là GS, PGS rất xứng đáng với chức danh này. 
Để nói chuyện làm biếng của mình: Hồi mình học NCS ở Viện KHXH TPHCM, chương trình 4 năm, năm cuối thì Bộ GDĐT có chủ trưởng bỏ học vị Phó TS mà chuyển đổi thành TS. Nhiều bạn cùng khóa rủ mình “trễ hạn một năm để bảo vệ TS luôn, nhỡ sau này không công nhận PTS thì công học thành công cốc”. Mình trả lời: Thôi trình độ mình phó tiến sĩ thì bảo vệ PTS cho xong, kéo dài... làm biếng học lắm! Sau này Bộ cho học thêm để chuyển đổi thành TS thì học thêm nếu đủ trình độ, còn không cho chuyển đổi thì thôi. Học để biết cách làm việc chứ có để làm gì đâu mà phải vất vả bon chen :)
Sau, Bộ quyết định đổi PTS thành TS. Nhiều TS học ở nước ngoài về phản đối vì “tại sao PTS ngủ một đêm dậy lại trở thành TS?” (trong khi họ phải ngủ nhiều đêm :D ). 
Mình vẫn tự nhận mình là TS “đập đít lên đời” như xe máy Dealim của Hàn lên đời thành Dream Thái :D
Có chức danh PGS, GS không chỉ là sự công nhận về trình độ mà còn là kéo dài tuổi làm việc, nâng bậc lương cao hơn, có một số người coi đó là “lợi thế” để tham gia các loại hội đồng, chủ nhiệm đề tài NCKH, hướng dẫn NCS... cùng với sự “vinh danh” về tinh thần nên nhiều người có nhu cầu về chức danh này. 
 Trở lại chuyện chức danh năm 2017 nhiều tai tiếng, là người tham gia giảng dạy đại học nhiều năm, mình thấy nếu phải rà soát lại các hồ sơ ứng viên thì cần làm từ Hội đồng cơ sở, chứ lên đến HĐ chức danh nhà nước thì chắc sẽ chẳng thay đổi được gì! 
Ai xứng đáng ai không thì Hội Đồng cơ sở biết rõ nhất! 
 Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và giày

CHÙM CHÌA KHÓA NHÀ


Nguyễn Thị Hậu

Về đến Sài Gòn mới thấy trong túi vẫn còn chùm chìa khóa nhà bạn, nhắn, bạn trả lời: không sao, em vẫn còn một chìa khác, chị cứ giữ lấy mai mốt ra Hà Nội lại đến ở nhà em nhé!  Bần thần, lâu lắm mới lại giật mình lo người khác không có chìa khóa vào nhà. 
Không biết từ bao giờ các gia đình ở thành phố không còn nỗi lo lắng về chìa khóa nhà nữa nhỉ? Hồi xưa, mà cũng không xưa lắm đâu, vài chục năm trước thôi, ở Hà Nội hầu như mỗi gia đình chỉ có một chùm chìa khóa, trong đó có chìa khóa nhà, cổng (nhiều gia đình cùng ở trong một căn biệt thự cũ nên có cổng chung, hoặc chung nhau làm một cửa sắt ở đầu hành lang nếu ở nhà tập thể). Có khi có cả chìa khóa tủ quần áo hay chìa khóa xe đạp… Đa số là ổ khóa nội dùng ít lâu thì bạc màu thậm chí hoen rỉ, chìa khóa thì cong vênh. Hiếm hơn là ổ khóa Trung quốc màu vàng chóe, về sau có nhà dùng dây khóa xe đạp (được những “nghiên cứu sinh” mang về từ Liên xô, Đức, Tiệp) để khóa cửa… 

Trong gia đình luôn có một người “chịu trách nhiệm” giữ chìa khóa, thường là mẹ. Mẹ chú ý cửa nẻo khi ra khỏi nhà hay đêm hôm, mẹ thường về sớm đón con, đi chợ nấu cơm và ít khi đi đâu trừ khi đi làm… Vậy nên mẹ là “tay hòm chìa khóa” đúng nghĩa. Mẹ cẩn thận làm một sợi dây chắc chắn để buộc mấy chiếc chìa khóa thành một chùm, thời ấy đâu có những móc khóa tiện dụng như bây giờ, lại thêm một sợi dây dài để có thể đeo vào cổ hay quấn vào cổ tay. Thỉnh thoảng đi đường thấy có người buộc chùm chìa khóa vào ghiđông xe đạp, nó va vào xe lách cách lách cách như thay thế cái chuông xe đã mất hoặc được tháo ra cất đi vì… sợ mất. 

Nhiều gia đình con cái học khác buổi nên có cảnh đứa nào học chiều thì sáng bị nhốt trong nhà, đứa đi học sáng chờ đến trưa mẹ về mở cửa vào nhà “thay ca” chiều. Mẹ khóa cửa đi làm thì anh em “trong ngoài cửa sắt” thò tay qua cửa cấu chí lẫn nhau. Có gia đình bố mẹ đi làm giờ giấc thất thường nên chùm chìa khóa lủng lẳng “thường trực” trên cổ đứa con. Ở khu tập thể không hiếm cảnh nhà nào đó bị mất chùm chìa khóa, thôi thì náo loạn tiếng mẹ mắng con khóc bố quát tháo cả mẹ lẫn con. Bực mình vì không vào nhà được hay không khóa được cửa để đi làm chứ ít ai sợ mất chìa khóa vì sợ trộm lấy đồ, nhà nào cũng như nhà nấy, có gì đâu ngoài cái xe đạp quý nhất thì luôn bên người. Hồi đó có câu “thân thể người ta chia làm bốn phần: đầu, mình, tứ chi và xe đạp”, đêm ở trong nhà mà xe đạp vẫn phải khóa lại, thậm chí dây khóa xe còn buộc vòng vào… chân giường.

Ngày ấy ở Hà Nội cũng có thợ làm chìa khóa, bác thợ thường ngồi ở một góc phố, trước mặt là cái tủ gỗ nhỏ bên trên có mấy sợi dây thép xâu những chiếc chìa khóa cũ và mấy dụng cụ sửa khóa như giũa, đục, cưa cái nào cũng xinh xinh. Khi cần thì mang chìa khóa ra đó “đánh” thêm một hai chiếc dự phòng chứ ít khi gọi thợ vào mở khóa, vì thật ra phần lớn khóa cũng dễ mở nếu không có chìa, “khóa người ngay chứ ai khóa kẻ gian” là thế. Có lúc thợ sửa khóa đạp xe đi khắp phố phường, vòng dây thép nặng những chiếc chìa khoá xúc xắc vang lên, nhưng đến khi có việc cần thì lại chẳng thấy tăm hơi tiếng rao “khóa ơ…” đâu cả.

Bao lâu rồi trong gia đình không còn người phải lo lắng nếu mình không về thì người khác không có chìa khóa vào nhà? Bao lâu rồi mẹ không phải nóng lòng nghĩ đến con phải đợi ngoài cửa trong cái lạnh cái đói cái nắng? Bao lâu rồi chồng về khuya không còn áy náy lo vợ phải thức chờ mở cửa? Bây giờ khóa an toàn hiện đại, nhiều chìa cho một ổ khóa nên mỗi người một chiếc, thậm chí có người ở nhà cũng không phải “phiền phức” gọi cửa. Cả ngày chẳng nhìn thấy nhau vì tự khóa tự mở, tự đi tự về… chiếc chìa khóa tiện lợi mà vô tình làm cho không ai cần ai nữa… Cũng có chỗ treo chùm chìa khóa của các cánh cửa trong nhà nhưng chỉ để dự phòng, lâu ngày không dùng nên không biết chìa nào của khóa nào cửa nào nữa.

Có chuyện thế này, chị bạn tôi giận chồng vì anh có bồ bịch nên đưa con về bên ngoại. Nhưng mỗi khi thấy chùm chìa khóa nhà chị lại nhớ những ngày mặn nồng bên nhau. Được vài bữa chị thấy nhẹ lòng hơn và quay về. Mở cửa mãi không được. Nhìn lại, ổ khóa đã bị thay. Chị điếng người. Anh chị mỗi người đều có chìa khóa nhà… Nhìn chùm chìa khóa vô dụng chị hiểu anh đã dứt tình.
Nhưng cũng với chùm chìa khóa mà ai đó dặn dò “người dưng”: em/anh cầm chìa khóa nhà nhé, là thay lời muốn nói hãy coi đây là tổ ấm để bắt đầu một cuộc sống mới. Bước vào ngôi nhà mới không ai muốn một lúc nào đó ra đi mà phải để lại chìa khóa ngôi nhà. Chùm chìa khóa nhà khi ấy là tượng trưng cho hạnh phúc… 

Bây giờ bọn trẻ không cả nghĩ như mình đâu chị ạ - bạn nói – bây giờ có khóa từ, khóa vân tay, khóa điện tự động… máy móc hiện đại giúp người ta quên nhanh lắm. Không như chúng mình cứ nhớ hoài về chùm chìa khóa ngày xưa…

Hà Nội - Sài Gòn tháng 12/2017. 
TC PHỤ NỮ MỚI TẾT MẬU TUẤT 2018. Minh họa: Họa sĩ Đỗ Phấn
 Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

ỨNG XỬ VỚI TÀI NGUYÊN, VĂN HÓA VÀ CHUYỆN DU LỊCH BỀN VỮNG


Nguyễn Thị Hậu


Ai đã từng đi nước ngoài dù ít hay nhiều đều có nhận xét là, thiên nhiên mỗi nơi một vẻ đẹp nhưng thiên nhiên nước ta cũng rất tuyệt vời, nhất là những danh thắng thì không thua kém nơi nào. Đồng thời nhiều người còn có thêm một nhận xét khác, ở nhiều nước khi phát triển du lịch thì cảnh quan tự nhiên đẹp hơn nhờ những công trình nhân tạo nhưng ở nước ta phần lớn nơi danh thắng thì có tình trạng ngược lại: trong hai thập kỷ đầu thế kỷ 21 phần lớn các danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, những nơi cảnh quan còn nguyên sơ… bị khai thác quá sức.

Đấy là một sự thật tồn tại từ nhiều năm quá, và dường như ngày càng lan rộng ra nhiều địa phương, nhiều loại hình cảnh quan khác nhau!

Dấu hiệu dễ nhận biết là việc xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh... tràn lan cáp treo, chùa chiền lộng lẫy, khu biệt thự cao cấp, lâu đài bắt chước kiến trúc Hoa, Âu, Mỹ mọc lên san sát… Đánh đổi cho những công trình hoành tráng đến mức kệch cỡm là hàng trăm hàng ngàn hecta rừng bị xóa sổ, bãi biển đẹp trở thành “sở hữu” của một vài resort, những trái núi bị phá nham nhở hoặc biến mất, cùng với đó là sự tàn phá hệ sinh thái của một số loài vật quý hiếm và sự biến đổi môi trường sống của cộng đồng trong khu vực.
  Nhiều người đã chỉ ra nguyên nhân quan trọng của “làn sóng” đầu tư du lịch ở những nơi danh thắng là giá trị “bất động sản” ở khu vực đó mang lại lợi nhuận rất cao. Nhưng còn có một nguyên nhân khác nằm ở việc xác định mục tiêu của phát triển du lịch. Dưới nhãn hiệu “du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp” chủ yếu nhằm vào những thay đổi trong nhu cầu du lịch của người Việt, đó là dịch vụ vui chơi giải trí và mua sắm, thích những gì “mới lạ”, thay vì phải du lịch đến các nước trong khu vực thì các đại gia bất động sản đã “đi tắt đón đầu” những nhu cầu này của một thị trường đang có xu hướng tăng nhanh. Đầu tư nhiều thì cần thu hồi vốn nhanh, bằng mọi cách làm sao để du khách phải tiêu/tốn tiền vào các dịch vụ ở đó (kể cả dịch vụ về “tâm linh”). Từ đó “du lịch” hiện nay còn tạo ra những nhu cầu tiêu xài mới mà tiếc rằng mang lại rất ít sự hiểu biết về văn hóa nhưng lại làm du khách quên đi ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, thậm chí còn ngụy biện cho rằng, tàn phá thiên nhiên để “phục vụ” nhu cầu du lịch là tất yếu!

Cũng như đối với di sản văn hóa ở đô thị, một “mâu thuẫn” luôn tồn tại ở các địa phương là làm thế nào vừa phát triển kinh tế đồng thời vừa bảo tồn di sản thiên nhiên, di sản văn hóa? Giải quyết mâu thuẫn này phần thua thiệt thường ở về phía di sản văn hóa vì nơi nào cũng vì mục tiêu hàng đầu là tăng trưởng kinh tế nhanh chóng! Cần nhận thấy, “tăng trưởng kinh tế” nhanh và nóng nhưng không phải bao giờ cũng mang lại kết quả - đồng thời cũng là mục tiêu của sự tăng trưởng kinh tế - là cải thiện, nâng cao đời sống cộng đồng địa phương cả về vật chất và tinh thần! Quan trọng nhất là nó không mang lại sự bền vững cho quá trình thay đổi ở địa phương và cộng đồng, vì chỉ có khai thác mà không giữ gìn, bảo tồn, chỉ mang lại lợi ích cho một khu vực, một bộ phận từ nguồn lợi và tài sản của toàn thể cộng đồng và các thế hệ sau, tất yếu chỉ là sự “phồn vinh giả tạo”.

Khi mục đích phát triển du lịch là để thu về “tiền tươi thóc thật” thể hiện từ  “tầm nhìn chiến lược” của địa phương đến ngành quản lý và nhất là những nhà đầu tư thì dẫn đến quan điểm và hành xử không coi trọng, phá hoại nguồn vốn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn. Vì vậy hiện nay tại một số nơi cũng có thiên nhiên đẹp hoặc từng là địa điểm du lịch đã bị quên lãng... nếu chưa nằm trong “tầm nhìn” của địa phương, hoặc chưa được phát hiện, khám phá, chưa có đại gia nào dòm ngó “đầu tư dự án” thì những nhà nghiên cứu, nhà quản lý và doanh nhân, những ai có tâm khi có dịp đến đó đều thầm mong đừng “phát triển du lịch” để nơi đây còn giữ được tài nguyên thiên nhiên - một tài sản quý cho thế hệ con cháu! Ở đó còn ẩn chứa những tiềm năng quý giá mà nếu được khai thác phù hợp, đúng mức với mục đích nhân văn, bền vững thì sẽ mang lại lợi ích kinh tế, danh tiếng về văn hóa và sự quảng bá cho đất nước không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Sự thay đổi quan điểm, chính sách ở  tầm vĩ mô nhiều khi bắt đầu từ nhu cầu bức thiết của cuộc sống và từ thực tiễn phát triển theo xu hướng tiến bộ. Đòi hỏi chính sách thay đổi là đúng đắn và cần thiết, nhưng nếu thực sự yêu quý quê hương, thực sự mong muốn đất nước phát triển bền vững và thực sự là thế hệ có trình độ quản lý và tri thức văn hóa tiên tiến, mỗi doanh nhân doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực du lịch cần nhận được sự tư vấn tốt hơn về văn hóa nói chung, về giá trị lịch sử, tự nhiên, văn hóa nói riêng của khu vực... Nguồn vốn tự nhiên và văn hóa không mất đi mà sẽ cho “lợi nhuận” lâu dài nếu biết gìn giữ khai thác hợp lý.
Đặc biệt, nguồn vốn này còn góp phần mang lại cho những thế hệ người Việt Nam tinh thần nhân văn trong ứng xử với thiên nhiên và những cộng đồng bản địa - một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong tiến trình hội nhập với thế giới văn minh thời đại công nghiệp 4.


Ứng xử với tài nguyên, văn hóa và chuyện du lịch bền vững

Xây nghĩa trang, vì ai?

Một câu hỏi thật vô lý! Nhưng không thể không đặt câu hỏi đó đối với dự án 1.400 tỷ đồng cho Nghĩa trang quốc gia sắp xây dựng ở ngoại thành Hà Nội. Theo Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, nghĩa trang Yên Trung sẽ phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; các anh hùng, danh nhân của đất nước.
    Mục đích đã rõ! Nhưng trong tình hình hiện nay nợ công còn quá nặng nề, nhiều loại thuế, phí đã tăng và sẽ còn tăng như dự thảo nhiều luật thuế, nạn tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm bớt dù đã xét xử nhiều trọng án... Vì sao dự án xây dựng nghĩa trang lên đến 1.400 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước vẫn được tiến hành khi đó chưa phải là nhu cầu bức thiết nhất?
    Phối cảnh nghĩa trang Yên Trung, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội. Ảnh: Vnexpress
    Ngân sách đó là từ những đồng tiền thuế đẫm mồ hôi nước mắt, vắt kiệt trí tuệ chất xám của mọi tầng lớp nhân dân. Đó là đồng tiền chắt chiu từ việc khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên khoáng sản, là đồng tiền bán cho nước ngoài từ con cá cân lúa đến sức lao động của người Việt Nam...
    Không thể đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối nhưng vì sao việc tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng ngân sách cho một nghĩa trang, một công trình tượng đài lại dễ dàng hơn rất nhiều lần việc xây dựng bệnh viện, trường học, cây cầu cho người dân ở những vùng còn rất nghèo đói?
    Nhớ ơn trả nghĩa, nghĩa tử nghĩa tận... Đấy là đạo lý của dân ta. Những năm sau chiến tranh dù còn vô cùng khó khăn nhưng việc đền ơn đáp nghĩa luôn được thực hiện theo chủ trương chính sách của nhà nước: xây dựng những tượng đài di tích chiến tranh, nhiều nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa, nhà tình thương... Những công việc ấy hiện nay vẫn được thực thi từ nguồn ngân sách nhà nước và sự đóng góp to lớn của xã hội.
    Hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn, nhà nước đã có chủ trương và vận động người dân thay đổi tập quán mai táng, từ việc chôn dưới đất đến hỏa thiêu trong những “Đài Hóa thân” đã được xây dựng tiện lợi, vệ sinh, hiện đại và không kém sự trang nghiêm thành kính.
    Hãy trở về lòng đất như mọi người dân bình thường, đừng để sự cách biệt giữa cán bộ, dù là “cao cấp” với người dân tiếp tục đến tận thế giới bên kia!
    Thay đổi này từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tốn quá nhiều đất đai cho người đã khuất, nhất là ở các đô thị, chưa kể việc xây dựng mồ mả, tập quán cải táng... cũng là những khoản kinh phí rất lớn đối với mỗi gia đình.
    Thực tế cho thấy sự thay đổi như vậy đã được người dân chấp nhận và bắt đầu trở thành một tập quán mới trong xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.
    Vậy mà nay Hà Nội lại quyết định xây dựng một nghĩa trang lớn ở ngoại thành với “tổng diện tích nghĩa trang là 120 ha, gồm khu an táng 72 ha và khu đệm cây xanh cảnh quan trên 47 ha. Nghĩa trang Yên Trung sẽ có 2.200 - 2.500 ngôi mộ; mỗi ngôi có khuôn viên 25 - 35m2. Khu vực cảnh quan có sức chứa 5.000 người”.
    Chỉ có khoảng 2.500 ngôi mộ nhưng mỗi mộ phần chiếm đến 25-35m2. Quy mô như vậy, nói không quá, như một khu lăng mộ của quan lại thời phong kiến! Trong khi đó người dân thường khi yên nghỉ chỉ cần “hai mét đất” cũng rất khó khăn! Chưa kể đến việc để dành đất cho người chết thì hơn 100 gia đình hiện sinh sống tại khu đất quy hoạch nghĩa trang buộc phải di dời đi nơi khác.
    Sao lo cho người sẽ chết “an nghỉ” mà lại làm người sống không thể “an cư”?
    Giai đoạn một của dự án “xây dựng đường kết nối, khu dịch vụ, nghỉ lễ, khu tưởng niệm và an táng. Các khu còn lại sẽ được đầu tư khi có nhu cầu”. Tức là khu vực cảnh quan cây xanh sẽ xây dựng sau.Như vậy, nếu cho rằng nghĩa trang mới xây dựng theo mô hình “công viên nghĩa trang” thì yếu tố công viên - cảnh quan là thứ yếu, và trong khi chờ đợi “có nhu cầu” thì mới xây dựng, diện tích 47 hecta dành cho cảnh quan sẽ được quản lý và sử dụng thế nào để không bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, thậm chí thay đổi cả quy hoạch?
    Tại những quốc gia khác, nghĩa trang nhà nước chỉ dành cho những lãnh tụ có cống hiến to lớn, những danh nhân văn hóa, khoa học, những anh hùng xuất chúng... Tại đó, những ngôi mộ trang nghiêm và giản dị của những nhân vật được nhân dân yêu kính không lúc nào không có hoa tươi, kể cả khi người đó đã qua đời hàng trăm năm... Còn phần lớn các quan chức và “người có công” khi mất được đưa về mai táng trong nghĩa trang gia đình hoặc nghĩa trang của tư nhân, hoặc hỏa táng... Họ trở về bổn phận là một công dân bình thường vì chức vị của họ khi còn sống là để phục vụ nhân dân.
    Hãy trở về lòng đất như mọi người dân bình thường, đừng để sự cách biệt giữa cán bộ, dù là “cao cấp” với người dân tiếp tục đến tận thế giới bên kia!
    Đừng để người dân đặt ra câu hỏi: xây dựng nghĩa trang vì ai, vì người sẽ mất hay vì “người còn sống”?!
    Nguyễn Thị Hậu

    ĐƯỜNG VỀ QUÊ

    Trong hình ảnh có thể có: hoa, bầu trời, thực vật, cây, đám mây, ngoài trời và thiên nhiên
    Nguyễn Thị Hậu

    Đường về miền Tây từ TP. Hồ Chí Minh mới vài năm gần đây có đoạn cao tốc từ Bình Chánh đến Trung Lương, còn lại gần như toàn tuyến vẫn chật hẹp dù đã giải tỏa mở rộng thêm nhưng mỗi bên cũng chỉ có 2 làn xe hơi. Xe máy nhiều quá đành đi vào làn đường xe hơi, nguy hiểm vô cùng. Có vài đoạn đường tránh nhưng lưu lượng xe ở quốc lộ Một vẫn không giải tỏa được bao nhiêu. Không hiểu sao đã bao nhiêu năm mà đường miền Tây vẫn “kiên trì độc đạo”?

    Ngày nào cũng vậy, từ sáng tới khuya đường miền Tây lúc nào cũng nườm nượp xe cộ. Trạm dừng chân sáng đèn suốt đêm, hàng quán nơi thị tứ luôn thức khuya dậy sớm. Dưới những con sông, kinh rạch cắt ngang đường lộ có lúc nào im tiếng ghe máy ngược xuôi…

    Từ Sài Gòn về các tỉnh miền Tây có bao nhiêu cây cầu? Chắc không ai biết hết. Cũng mới vài năm nay nhiều cây cầu đã được xây mới, xây thêm cầu đôi để ngày thường tránh nạn kẹt xe nhưng vào dịp lễ tết thì vẫn ùn ứ ở những “|nút thắt cổ chai” hai bên đầu cầu. Chỉ riêng con đường vô thành phố Cao Lãnh từ quốc lộ Một rẽ ngã ba An Hữu khoảng 30km đâu đã hơn 20 cây cầu, hồi “thế kỷ trước” toàn cầu sắt lót ván gập ghình, xe “bò” qua cầu và hành khách phải xuống đi bộ, chú lơ xe còn phải vác theo tấm ván lót những đoạn ván cầu bị mục. Nay cầu đã được xây bằng bê ton, đường trải nhựa ngon lành, thời gian qua đoạn đường này rút lại chỉ hơn một tiếng đồng hồ thay vì  nửa ngày như trước.

    Đường miền Tây vào mùa Tết đẹp nhất vì nhà nào cũng có vài cây mai, có khi cả một vườn mai nở vàng rực. Cây mai như người bạn của mỗi gia đình miền Tây, rằm tháng Chạp lặt lá để Tết nở hoa, nhìn mai nở biết người thân sắp về ăn tết. Nhìn mai rụng biết người thân sắp rời nhà đi thành phố… Cây mai trồng trong sân vườn nhưng người miền tây ít khi chặt cành mai vô chưng trong nhà mà để mai nở tự nhiên ngoài vườn. Cũng giống như ở vùng núi phía miền Bắc, đào, mận trồng trước nhà, mùa xuân nở hoa hồng hoa trắng đẹp vô cùng. Vùng thôn quê miền Bắc ít thấy trồng đào phổ biến như nông thôn Nam bộ trồng mai.

    Mỗi lần về quê thấy con sông Cao Lãnh ngày càng cạn hẹp dù đã được kè bờ (má vẫn kể ngày xưa sông rộng tàu lớn còn đi về tận Nam Vang), thấy khu đất nền nhà ông cố bây giờ thành những dãy nhà phố đông đúc, nhớ hồi đó nhà máy xay gạo của ông ngoại với đống trấu đống tro cao ngang mái nhà sàn của ngoại. Trong nhà sàn gian giữa có dãy bàn thờ mà ngày giỗ ngày tết, bà ngoại, má và mấy dì mấy mợ chỉ lo cúng cơm ở đó cũng hết ngày. Nét xưa nay không còn nữa…

    May mà còn những cây mai vàng khoe sắc rực rỡ trong sân nhà cậu Út để mỗi lần về lại nhận ra, dù sống ở đâu thì trong mỗi người vẫn luôn còn đó một quê hương…

    Sài Gòn 1.2018

    Không có văn bản thay thế tự động nào.

    LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

       (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...