BÓNG ĐÁ ĐẸP KHÔNG CẦN SỰ “ĐÓN TIẾP” LỐ BỊCH!


http://nguoidothi.net.vn/bong-da-dep-va-chieu-tro-quang-ba-lo-bich-cua-vietjet-air-12447.html

Nguyễn Thị Hậu
U 23 Việt Nam đã đạt được thành tích thật ấn tượng trong giải Cúp Châu Á vừa qua tại Thường Châu, Trung quốc. Trong tất cả các trận đấu những tuyển thủ Việt Nam đã chơi hết mình, bằng kỹ thuật điêu luyện, tinh thần đồng đội và thái độ ứng xử bình tĩnh trong bất cứ tình huống nào. Đó là những điều làm cho những người hâm mộ và các cổ động viên đi từ ngạc nhiên đến khâm phục. Và họ đã thể hiện sự khâm phục lòng yêu quý đội tuyển bằng những hành vi cổ động cũng nhiệt tình, hết mình dù ở trong nước ngồi trước màn hình hay may mắn đến được Thường Châu để tận mắt chứng kiến trận chung kết lịch sử.
Trước trận đấu nhiều người VN đã nói vui: Tuyển Uzbekistan phải thi đấu với 11 “anh em trên chiếc xe tăng” và 90 triệu người VN! Và khi trận đấu kết thúc thì rất nhiều khán giả cả trong và ngoài nước đã nói: Đội tuyển VN đã phải chiến đấu 120 phút với đối thủ và với cả mưa tuyết khắc nghiệt ở Thường Châu.
Dù thua trong trận cầu nhưng U 23 VN vẫn là Nhà Vô Địch trong trái tim người Việt Nam! Với chiến thắng đó các tuyển thủ U 23 VN xứng đáng nhận được sự đón tiếp trọng thị từ lãnh đạo và nhân dân. Thực tế, sự đón tiếp nhiệt tình, nồng hậu của đông đảo người dân đối với đội tuyển từ sân bay Nội Bài về Hà Nội đã vượt quá dự đoán và ngoài sự tưởng tượng!
Nhưng có một điều không ai có thể dự đoán và cũng không thể tưởng tượng được, đó là “màn chào mừng” mà Vietjet Air thể hiện ngay trên chiếc chuyên cơ chở đội tuyển U 23 về nước. Vietjet Air đã chớp cơ hội quảng bá cho mình khi nhanh chóng tuyên bố sau trận chung kết sẽ tặng đội tuyển VN một chuyến chuyên cơ từ Thường Châu về Nội Bài. Nhưng nếu chỉ vậy thì VJA cũng đã “ghi điểm vàng” vì thị phần của VJA vốn hướng đến tầng lớp bình dân đã khá lớn thì nay, với chiêu PR đúng lúc đúng chỗ sẽ làm tăng thêm sự lựa chọn của nhiều khách hàng.
Nhưng chiêu trò PR của VJA đã trở nên quá lố đến độ vô văn hóa và thô tục! Nhìn hình ảnh các cô người mẫu trong trang phục hở hang đi lại trên máy bay, sống sượng đến bên các cầu thủ bày tỏ “tình thân mến” trong sự ngượng ngùng của nhiều cầu thủ trẻ, không thể không tự hỏi: Các quan chức của Bộ Văn hóa và Thể thao, của Tổng cục TDTD, Liên đoàn bóng đá tháp tùng đội tuyển đã làm gì khi “màn chào mừng” diễn ra? Vì sao họ không lên tiếng và ngăn chặn ngay hành vi vô văn hóa này?
Đội tuyển U 23 VN đã có một hành trình chiến thắng và để lại những hình ảnh đẹp của một lớp trẻ tài năng và có văn hóa, vì vậy các em phải được trân trọng và ứng xử cũng bằng những hành vi văn hóa đẹp. Những hành vi phản văn hóa chỉ mang lại sự thất vọng của chính các em đối với “người lớn”, người hâm mộ nói chung, hoặc tệ hơn, sẽ lôi kéo các em lặp lại những sai lầm của một số cầu thủ đàn anh.
Mặc dù sau đó “Ban lãnh đạo Vietjet Air đã xin nghiêm khắc kiểm điểm, chân thành nhận lỗi cùng Đoàn bóng đá U23 Việt Nam cùng quý vị và các bạn và rất mong các cơ quan báo chí không sử dụng những hình ảnh đã nêu và không mở rộng thông tin này trên báo chí”, nhưng sự việc trên một lần nữa cho thấy, lối tư duy và hành xử lấy thân thể phụ nữ để "tiếp thị" và làm phương tiện cho những mục đích khác nhau đã trở nên phổ biến trong nhiều lời nói, hành vi của quan chức, đại gia và không ít người Việt Nam. Thái độ ấy cho thấy “thường trực” trong đầu óc nhiều người là sự khinh thường, miệt thị phụ nữ dù hàng năm Việt Nam có đến hai ngày để hô hào chúc tụng “tôn vinh” phụ nữ!
Sự việc trên còn đáng tiếc hơn khi lãnh đạo cao nhất của VJA là một người phụ nữ từng được tôn vinh vì thành tích làm giàu của bản thân, nhưng đã không dưới một lần VJA sử dụng chiêu PR gây sốc bằng hình ảnh những cô người mẫu mặc bikini trong một không gian không phù hợp.
Khi phụ nữ còn không tôn trọng chính mình và giới mình thì làm sao có thể trông mong được xã hội “tôn vinh” thực lòng!
Sài Gòn 28.1.2018
Lên sóng ngay lúc 22.53 🙂

U 23 VIỆT NAM , NGÀY 27/1/2018

Tuyểt rơi ngày càng dày... Và đã Vàooooooo 1-1 🙂 Quang Hải sút một quả ko thể có gì hiểm và đẹp hơn!
Đội tuyển VN đã dũng cảm chiến đấu 120 phút với đối thủ và với thời tiết mưa tuyết khắc nghiệt ở Thường Châu.
Và U 23 VN dù thua trong trận bóng nhưng là VÔ ĐỊCH đối với cổ động viên VN.
Hãy hồn nhiên và khiêm cung vì đường đời còn dài các con nhé!
Và hãy gào lên “chị là ai u23 ko biết chị xê ra đi!” khi mấy chân dài não ngắn vo ve đến gần :D
 Không có văn bản thay thế tự động nào.Không có văn bản thay thế tự động nào.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và sân bóng rổ

Trong hình ảnh có thể có: màn hình

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và màn hình

Trong hình ảnh có thể có: màn hình

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, ngoài trời, văn bản và nước

CON ĐƯỜNG THIÊN LÝ NGANG QUA SÀI GÒN

Báo Pháp luật TP xuân Mậu Tuất 2018
Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

Từ lúc khởi lập Thành Gia Định cho đến khi Sài Gòn trở thành một đô thị được quy hoạch theo kiểu phương Tây và đến ngày nay, có một con đường được xác định ngay từ đầu và ngày càng tỏ rõ chức năng quan trọng của nó. Đó là đường nay mang tên Cách mạng tháng Tám, bắt đầu từ bùng binh ngã sáu “Phù Đổng Thiên Vương” ở quận 1, qua quận 3 rồi làng Hòa Hưng quận 10 đến ngã tư Bảy Hiền quận Tân Bình.

Trên bản đồ Thành Gia Định do Trần Văn Học vẽ năm 1815 đã có “đường đi Cao Mên” thẳng tắp là một trong hai con đường thiên lý: Đông Tây và Bắc Nam hình thành sau đó, là đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay. Trải qua các thời kỳ lịch sử với những tên gọi khác nhau nhưng nhiều người Sài Gòn vẫn quen gọi là đường Lê Văn Duyệt – tên vị Tổng trấn thành Gia Định, người có công lớn với Sài Gòn và miền Nam, được đặt tên đường từ năm 1955 cho đến năm 1975.

Trên con đường này có nhiều địa điểm quen thuộc của Sài Gòn:  ngay đầu đường là bùng binh nhìn ra bến sông của Thành Gia Định và kế bên chợ Bến Thành, một khu vực bến – chợ sầm uất gần hai thế kỷ nay. Ở đó có bức tượng Phù Đổng Thiên Vương “nhổ tre đánh giặc”, cũng nơi bắt đầu đường Nguyễn Trãi - “đường cái quan” đi vào Chợ Lớn và xuống đồng bằng sông Cửu Long. Từ đây còn bắt đầu đường Lý Tự Trọng, vốn là hào nước của thành cổ Gia Định, được đắp thành một con đường chính “song song với bờ sông” theo quy hoạch đô thị kiểu Pháp . Trên đoạn đường CMT8 thuộc quận 1 trước 1975 có Trụ sở Tổng liên đoàn lao công VN đối diện với trụ sở USAID Mỹ. Đi đến giao lộ với đường Nguyễn Đình Chiểu là di tích Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu vào năm 1963, nay có tượng đài tưởng niệm xây dựng tại vị trí cây xăng trước đây.

          Khoảng quanh bùng binh ngã sáu Dân Chủ là “đồng mả ngụy” liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi chống lại vua Minh Mạng hồi đầu thế kỷ 19. Kế đó qua quận 10 là Hòa Hưng – một làng cổ nổi danh nghề đúc đồng và nay có trại giam Chí Hòa cũng “nổi danh” không kém bởi những tay anh chị đã từng vào ra ở đó. Xích xuống chút là Cống Bà Xếp kế bên ga xe lửa và gần Chợ Hòa Hưng một thời giang hồ không kém bên Khánh Hội quận 4.

Xuống phía Tân Bình là khu chợ Ông Tạ nơi có nhiều người Bắc sinh sống, gần Tết mọi người đổ về đây mua lá dong lạt tre để gói bánh chưng, còn hàng ngày các “đệ tử Lưu Linh” thường đến  đường Phạm Văn Hai đoạn giáp đường CMT8 để mua “cầy tơ” hay bê thui – đặc sản lâu đời người Bắc mang vô Sài Gòn từ những năm 1954 -1955, thậm chí từ trước đó. Khu vực này còn là xứ đạo, tháng 12 đèn nhấp nháy giăng ngang đường ngang hẻm, những ngôi sao sáng lung linh, xóm đạo nhộn nhịp suốt mùa Giáng Sinh.
Vùng Bảy Hiền nơi người Quảng lập ra làng dệt Bảy Hiền nổi tiếng, người sành ăn thường xuống chợ Bà Hoa ở đây để thưởng thức mì Quảng và nghe những “mô tê răng rứa” đậm đặc chất Quảng như chưa hề có vài chục năm xa quê. Khu vực này đã xảy ra trận chiến ác liệt vào ngày cuối cùng của cuộc chiến, ngay gần bệnh viện “Vì Dân” sau đổi thành bệnh viện Thống Nhất…

Nay, đường Trường Chinh từ đây chạy tới ngã tư An Sương rồi tiếp tục đường xuyên Á sang Campuchia hoặc theo vòng xoay An Sương về miền Tây… như “định hướng chiến lược” từ thời nhà Nguyễn, tất nhiên, con đường được mở rộng hơn và khu vực này đã trở thành quận nội đô chứ không còn là huyện ngoại thành. Khu công nghiệp mọc lên, đô thị hóa nhanh chóng, dân cư đông hơn nhiều lần mà  phần lớn là những người nhập cư.
Có thể nói đường CMT8 là con đường đi từ quá khứ của đô thị Sài Gòn đến hiện tại và tương lai TP. Hồ Chí Minh –  thành phố “đầu tàu kinh tế” của cả nước và có vị trí trung tâm ở Đông Nam Á.
***
Tôi có hơn mười năm gắn bó với con đường này, khi ấy nhà tôi ở chung cư trong hẻm nhỏ vốn là một nghĩa địa giải tỏa chưa lâu, gần công viên Lê Thị Riêng. Ngày dọn về xung quanh chung cư mới xây xong mặt bằng chưa san lấp hết, vẫn còn những hố mộ ván hòm. Chiều tối giữa mùa hè nóng nực, đèn bật sáng hết, không bật quạt vậy mà vẫn nghe “lạnh ngắt”, đêm ngủ phải trùm chăn bông! Người ở chung cư mỗi ngày đều rủ nhau xuống thắp nhang dưới bãi đất đã trống trơn, khấn “người khuất mặt khuất mày” cho bọn trẻ đừng đau ốm cho người lớn ăn nên làm ra… Không biết là nhờ thành tâm hay do khu đất được xây dựng hết, gần năm sau bước vô hẻm nhỏ đã thấy ấm áp hơn.
Hơn mười năm đi lại con đường này là hơn mười năm chịu đựng nỗi kinh hoàng mang tên kẹt xe! Đường hẹp nhưng là đường chính gần như “độc đạo” đi về Tân Bình, Hốc Môn.  Đủ loại xe máy xe hơi xe bus xe tải… nhà cửa dân cư san sát từ mặt tiền vô hẻm nhỏ… bất cứ chỗ nào lúc nào cũng có thể kẹt xe, giờ cao điểm sáng chiều thì không ngày nào thoát. Qua khỏi bùng binh công trường Dân Chủ là tới ngã 3 Hòa Hưng, mấy hẻm quẹo vô ga xe lửa, ngã ba Tô Hiến Thành liền với chợ Hòa Hưng, đường vào khu cư xá Bắc Hải, đoạn ngã ba Ông Tạ… Đường chính kẹt thì các hẻm cũng tắc, mạnh ai nấy chạy, có việc qua đường này ai cũng ngán ngại. Tình trạng này từ trước 1975, thời đó đã có dự án cải tạo mở rộng đường Lê Văn Duyệt nhưng chưa thực hiện được. Hàng chục năm trôi qua và con đường thì ngày càng quá tải…
Từ năm 2014 UBND TP cho biết đã có quy hoạch đường Cách Mạng Tháng Tám lộ giới 35m và đường Trường Chinh đoạn từ ngã ba Âu Cơ (Q.Tân Bình-Tân Phú) đến cầu Tham Lương (Q.12) có lộ giới 60m, tương ứng là 4 và 6 làn xe, đồng thời xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương. Nhưng đến nay vẫn chưa thể  bắt đầu, càng để lâu giá đền bù càng cao, càng khó giải tỏa để mở rộng hay xây dựng metro. Đó là cái vòng luẩn quẩn trong việc xây dựng hạ tầng của một đô thị lớn, nơi mà dân cư tăng nhanh hơn gấp nhiều lần sự phát triển của hạ tầng đường, điện, nước…
Thành phố đang mở rộng từng ngày, “Con đường thiên lý Đông Tây” cũng đang từng ngày chờ đợi một diện mạo mới, xứng đáng với vai trò quan trọng của nó trong quá khứ và tương lai.

Sài Gòn 28.11.2017

Bản đồ của Cách Mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh


Vụn vặt đời thường ( 152 ) MỘT BỨC ẢNH LÁ CỜ



Bức ảnh được chụp vào đêm 23/1/2018 trên một con đường Sài Gòn
(bài của Ngô Nguyệt Hữu, ảnh của Vĩnh Nam)
Tan học, Dũng - cậu nam sinh lớp 11 đạp xe về nhà. Nhìn thấy người bán cờ trên đường, cậu quyết định ghé mua một lá. Hôm ấy, U23 Việt Nam vượt qua Qatar để tiến vào trận Chung kết.
Người bán cờ cho biết giá của mỗi lá cờ là 50 nghìn, không đủ tiền nên Dũng quay xe ra. Ngay lúc này, người phụ nữ đứng cạnh đó bảo, “Bán cho thằng bé đi, tôi trả tiền”.
Dũng cảm ơn và chúc người lạ một tối vui.
Với lá cờ trên tay, Dũng thong dong đạp xe qua các tuyến đường.
Hình ảnh của Dũng thật đẹp, câu chuyện ấy thật đẹp.
Không phải, bóng đá và cảm xúc hiện hữu sau mỗi chiến thắng cho chúng ta được chứng kiến những câu chuyện bình dị mà ấm áp như thế này hay sao?!
NGÔ NGUYỆT HỮU.
P/S. Bức ảnh giản dị mà hơn nhiều lời hô hào tỏ bày về tình yêu đất nước.
Trong hình ảnh có thể có: xe đạp, đêm và ngoài trời

NẰM MƠ THẤY CHÍ (Tuổi trẻ cười xuân Mậu Tuất 2018)


Hậu Khảo cổ

Mấy bữa trời Sài Gòn trở lạnh, tối nằm cuộn trong chăn nghe Thu Phương hát “Đêm nằm mơ phố” cảm giác phê như con tê tê. Lẩm nhẩm hát theo “đêm đêm nằm mơ phố” một hồi chìm vào giấc mơ thật…
Thấy đi trên một con phố tên là “Facebook” với bảng tên phố có ngón tay cái giơ lên. Trên phố mỗi nhà sơn một màu tường khác nhau và đều có treo chân dung chủ nhà ngoài cửa. Thôi thì muôn hình vạn trạng “đa phong cách đa nhân cách”, nam thanh nữ tú trai anh hùng gái thuyền quyên đủ cả. Nhà nọ nhà kia có chuyện vui buồn bức xúc sến sẩm giận dữ điệu đàng thả thính câu lai (like)… thì chỉ cần nhìn qua cửa sổ (mà cư dân phố này gọi là status) là biết hết. Cả phố không thấy hàng chè chén hay bia hơi nào để tụ tập tám chuyện hay chém gió, người ta vào thẳng nhà nhau qua… cửa sổ rồi cũng ra bằng đường ấy sau khi để lại vài lời hay một ký hiệu mặt cười mặt khóc, mặt giận dữ đỏ như Quan công hay miệng há hốc ngạc nhiên, một trái tim đỏ lè và nhiều nhất là một ngón cái giơ lên, làm nhiều chủ nhà cứ nhìn đó mà sung sướng hay băn khoăn…
Từ đầu phố xuất hiện một anh chàng trông cũng bảnh bao, đi đứng cũng đàng hoàng, đi đến đâu là mọi người dạt ra đến đấy nhưng vẫn tò mò nhìn theo. Nghĩ, chắc lại một “người của công chúng” nào đây? Bỗng anh ta cất tiếng… Ồ thì ra là người quen, là anh Chí! Anh Chí Phèo trong hình hài thời @ trông có khác nhưng khi mở miệng thì vẫn là anh Chí của ngày xưa, dù hơn 70 năm đã trôi qua từ ngày cụ Nam Cao mượn cái lò gạch cũ đưa anh vào đời.
Bắt đầu xuất hiện là “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời..." Từ đó thương hiệu Anh Chí được xác lập và tồn tại đến giờ, ra khỏi cái làng Vũ Đại nhỏ bé mà hiện diện tận con phố Facebook ảo diệu này.
Và giờ đây, “Hắn vừa phây (facebook) vừa chửi. Bao giờ cũng thế cứ vào phây là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng phây buc. Nhưng cả làng phây ai cũng nhủ “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả . Tức thật! ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không còm men (comment) cho hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí tut (status) không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra cái phây cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra phây, lại còn đẻ ra cái câu hỏi “bạn đang nghĩ gì?”. Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa nào không lai (like) cho hắn. Nhưng mà những đứa không lai không còm trên phây là ai? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng phây có biết cũng không ai nói…”.
Lại gần hỏi thăm, anh Chí bức xúc gì mà mới sớm ngày ra đã chửi hăng thế? Vào cái làng phây này anh chấp gì cái bọn không còm không lai mà làm ảnh hưởng đến tuổi thanh xuân? Anh Chí cố nuốt cục giận vào bụng, nói: Cô xem có đứa nó ép anh phải ra khỏi sách giáo khoa đây này! Cái chỗ ấy anh có sổ đỏ từ vài chục năm rồi nhá, làm gì có chuyện chỉ vì anh hay chửi đổng hay ăn vạ mà tước sổ đỏ của anh? Đừng đùa với Chí nhé, đến Bá Kiến anh còn chả sợ nữa là bố con thằng nào!
Ôi giời tưởng là chuyện gì chứ chuyện này thì em nghĩ, anh cứ yên tâm ngồi vững như bàn thạch trong sách giáo khoa. Vì ngoài đời khối người có số phận tốt đẹp hơn anh mà họ cư xử còn tệ hơn anh. Họ cũng chửi suốt ngày vì bất cứ chuyện gì mà không cần say rượu, cũng ăn vạ vì cú va chạm không lấy gì làm nguy hiểm, cũng có thể vung dao giết người chỉ vì một ánh mắt “nhìn đểu” hay hơn thua nhau một câu nói… Chưa kể bọn Bá Kiến Lý Cường thời nay vẫn còn đầy rẫy, cũng tham lam mưu mô cũng gian manh độc ác. Đưa anh ra ngoài để bọn đấy tranh nhau vào sách giáo khoa lại chả loạn hơn ấy à?!
Nghe thế anh Chí bỗng trầm ngâm, Ừ, anh biết anh chỉ là “lưu manh làng” nhưng là do hoàn cảnh đưa đẩy… Mà cô biết không, cụ Nam Cao “ghê” lắm, cụ kể về anh để nói rằng, những khát vọng nổi loạn vì bị bần cùng luôn tiềm ẩn trong vô thức cộng đồng, đừng để cho nó có cơ hội bộc phát, đó là sự phản kháng liều lĩnh vì không có cách nào khác phải làm kẻ “anh hùng liều thân”. Bố Nam Cao cho anh lại “tái sinh” để mọi người cảnh giác đừng để trong lòng mình luôn có một “thằng Chí Phèo” chờ chực nhảy xổ ra.
Từ một ngôi nhà trong phố Facebook Thị Nở hớn hở váy áo nhảy ra ghé đầu anh Chí tay giơ con iphone 10x seo phì một cú đầy vẻ tự sướng. Hai người thì thầm rủ nhau đi mất… phố xá giờ nhiều lò gạch cũ, à quên, nhà nghỉ, anh Chí chị Nở chắc hẳn không chỉ có một “truyền nhân”.
Đến đây điện thoại bỗng kêu Ting Ting… làm giật mình tỉnh giấc. Cái tút đưa từ sáng đến giờ ế quá chả có ai lai còm gì cả, chắc nhờ lúc nãy anh Chí chửi “khí thế” nên đã có vô số còm lai. Hihi…
TUỔI TRẺ CƯỜI XUÂN MẬU TUẤT 2018. MỜI BÀ CON ANH EM MUA ĐỌC NHÉ.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, mũ

Không có văn bản thay thế tự động nào.

 

KHỐN KHỔ NƯỚC TÔI (Khalil Gibran, Từ Linh dịch)


Khốn khổ nước tôi
Mê tín thì vô hạn
Tôn giáo thì nông cạn
Khốn khổ nước tôi
Mặc áo mình không dệt
Ăn gạo mình không trồng
Uống rượu mình không làm
Khốn khổ nước tôi
Ca ngợi côn đồ là anh hùng
Gọi kẻ xâm lăng là bạn vàng
Khốn khổ nước tôi
Trong mơ thì ghét cay ghét đắng
Tỉnh dậy lại đầu hàng
Khốn khổ nước tôi
Chỉ dám nói năng khi đưa tang
Chỉ dám khoe khoang di sản hoang tàn
Chỉ dám phản kháng khi đầu sắp lìa khỏi cổ
Khốn khổ nước tôi
Chính khách xảo quyệt như chó sói
Triết gia tung hứng chữ làm xiếc
Nghệ thuật bắt chước chắp và vá
Khốn khổ nước tôi
Kèn loa tưng bừng rước kẻ cai trị mới
Rồi tống cổ chúng bằng la hét phản đối
Rồi lại tưng bừng kèn loa đón kẻ cai trị khác
Khốn khổ nước tôi
Vĩ nhân càng nhiều tuổi càng lú
Thánh nhân chờ mãi chưa ra đời
Khốn khổ nước tôi
Cứ chia năm xẻ bảy chơi
Phe nào cũng xưng mình là nước
(The Garden of the Prophet - 1934)
...
@ PITY THE NATION
( Khalil Gibran )
"Pity the nation that is full of beliefs and empty of religion.
Pity the nation that wears a cloth it does not weave
and eats a bread it does not harvest.
Pity the nation that acclaims the bully as hero,
and that deems the glittering conqueror bountiful.
Pity a nation that despises a passion in its dream,
yet submits in its awakening.
Pity the nation that raises not its voice
save when it walks in a funeral,
boasts not except among its ruins,
and will rebel not save when its neck is laid
between the sword and the block.
Pity the nation whose statesman is a fox,
whose philosopher is a juggler,
and whose art is the art of patching and mimicking
Pity the nation that welcomes its new ruler with trumpeting,
and farewells him with hooting,
only to welcome another with trumpeting again.
Pity the nation whose sages are dumb with years
and whose strongmen are yet in the cradle.
Pity the nation divided into fragments,
each fragment deeming itself a nation."
(The Garden of the Prophet - 1934) (Sưu tầm, không rõ nguồn)
halil Gibran (1883 -1931) Nhà văn, nhà thơ và nghệ sĩ thị giác Liban.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản và cận cảnh

Linh tinh lang tang (159)

@ Ông Obama
Lúc nãy xem trên kênh History một bộ phim tài liệu về TT Obama. Phim quay sau khi ông đã hết nhiệm kỳ, trong phim có những lời nhận xét, đánh giá của nhiều người nhiều giới: dân thường, quan chức, nhà báo, nhà nghiên cứu... về thời kỳ tại vị của Obama, nhận xét của chính ông về những điều làm được và chưa được.
Những đánh giá đều dựa trên phân tích, chứng cứ mặc dù từ nhiều góc nhìn khác nhau. Khen chê thằng thắn và công bằng, nhưng khen nhiều hơn chê.
Obama rời chính trường hơn một năm. Hầu như không thấy ông xuất hiện trên truyền thông để nói về thời mình làm TT. Như ông nói, ông chỉ là một vận động viên chạy tiếp sức và đã cố gắng hết sức đề hoàn thành vòng chạy của mình một cách tốt nhất.
Trong phim luôn là hình ảnh ông TT có nụ cười rạng rỡ mang lại sự tin cậy và thân thiện cho mọi người. À, khi người ta hỏi, điều đầu tiên ông muốn nói về 8 năm qua? ông hóm hỉnh trả lời cũng với nụ cười tươi: Tóc tôi bạc đi nhanh quá  :)
Rời khỏi chức vụ và nghỉ ngơi, làm những công việc khác của một thường dân để hình ảnh "mờ dần" trong đời sống, còn công lao hay hạn chế hay tội lỗi khi đương chức... dân người ta biết cả ấy mà. Việc gì mà phải rậm nhời.
12/1/2018
 Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, mọi người đang ngồi
@ Hai tập truyện ngắn hay
Một tựa nghe khô khan của một người ở Mỹ, một tựa nghe sến sẩm của một người ở Sài Gòn. Cả hai tập truyện đều là những mảnh nhỏ của bộn bề cuộc sống qua con mắt hai người đàn ông cùng thế hệ, những trải nghiệm của họ khác về không gian nhưng cùng thời gian và có lẽ, mang cùng một tâm thức...
Một nơi là thế giới to lớn mà mỗi con người trong cộng đồng mới hình thành ở đó không lâu buộc phải gồng mình để tồn tại, bằng những cách khác nhau. Nhưng họ giống nhau là luôn ở trong trạng thái phân thân trong suy nghĩ và hành xử… Hiện tại và quá khứ, cuộc sống và nguồn gốc, người Việt hay người Mỹ… Mỗi câu chuyện khép lại vẫn thấy những nhân vật như đang phân vân tự hỏi, mình là ai? Không biết họ đã tìm thấy câu trả lời chưa, hay sẽ phân vân đến cuối đời, đến cả thế hệ sau...
Một nơi là thành phố quen thuộc, mỗi nhân vật như một hình ảnh trong đoạn phim quay chậm. Họ hiện ra kịp để lại sự nhận diện ở người đọc rồi lẳng lặng đi qua… Như giai điệu bolero lời ca thì khác nhưng tiết tấu quen thuộc, những hoàn cảnh khác nhau nhưng cuộc sống đều chênh vênh nơi đô thành… Người đọc thoáng chút bâng khuâng, họ sẽ thế nào nhỉ? Lướt qua những số phận mỏng vài trang giấy, tưởng đã quên nhưng rồi thi thoảng giật mình “Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không…” như một sự đồng cảm với ai đó, cũng không biết nữa…
@ Phương Nam Books và Domino Books

11/1/2018
Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Tiếc nuối về một sự “từ chức”

Đó là việc từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1, sau khi “chiến dịch dọn dẹp vỉa hè” của ông kéo dài cả năm nhưng chỉ có kết quả nhất thời và không đạt hiệu quả lâu dài, dù khá tốn kém về công sức, thời gian và cả về kinh phí.
Tôi là một trong số không nhiều người ngay từ đầu đã lên tiếng phản biện cách thức tiến hành “chiến dịch dọn dẹp vỉa hè” của ông Hải. Phải nói rõ rằng, mục tiêu làm cho vỉa hè sạch đẹp, an toàn, thông thoáng là hoàn toàn đúng nhưng phương pháp thực hiện của ông Hải là nóng vội, không khoa học và chưa nhân văn. Có thể nói vắn tắt là:
- Không khoa học: chưa có điều tra xã hội học dù là “thí điểm” ở một phường hay một tuyến đường để có các số liệu về tình trạng buôn bán ở nhà mặt tiền, buôn gánh bán bưng trên vỉa hè, nhu cầu chỗ để xe của các cửa hàng, nhà hàng… cùng với số lượng khách hàng đến đó, số lượng người, gia đình phụ thuộc vào việc kinh doanh ấy. Vì vậy không có căn cứ để đưa ra biện pháp giải quyết căn cơ, lâu dài, thuyết phục người dân.
- Nóng vội: Không phân loại vi phạm để giải quyết từng bước, cào bằng mọi trường hợp và dùng biện pháp “đập phá” rất phản cảm đối với khu vực trung tâm thành phố. Chưa có biện pháp thuyết phục, tuyên truyền trước khi tiến hành tháo dỡ, cưỡng chế… Nhất là chưa giải quyết từ gốc là trách nhiệm quản lý của các phường đối với vỉa hè và những hộ buôn bán ở đó. Chính quyền phường, quận là chính quyền cơ sở nên đây phải là nơi nắm rõ, đưa ra phương án giải quyết cho từng trường hợp cụ thể chứ không thể chung chung kiểu “giải pháp đúng (về lý thuyết) mà không trúng (về thực tiễn)”.
- Chưa thể hiện sự nhân văn: Đô thị nói chung và vỉa hè nói riêng là không gian nhỏ nhưng có mật độ người sử dụng rất lớn. Sự chia sẻ quyền lợi (bao gồm sử dụng đi lại, làm hạ tầng đô thị, kinh doanh…) cần được nhà quản lý nhìn nhận một cách thực tế và giải quyết sao cho thỏa đáng. Không thể công bằng với tất cả nhưng cũng không thể không quan tâm đến số phận từng con người, gia đình cụ thể. Giải quyết buôn bán hàng rong bằng cách lập ra “phố hàng rong” có phải là giải pháp hữu hiệu không khi mà nó chỉ giải quyết cho vài mươi người trong số hàng ngàn người có nhu cầu? một thành phố có hàng triệu xe máy mà không có bãi giữ xe nhất là khu trung tâm thì sẽ phải làm sao nếu cấm để xe ở vài đoạn vỉa hè?
Có người nói ông Hải thất bại vì “đụng vào lợi ích nhóm” trong việc sử dụng vỉa hè. Có thể là như vậy, nhưng chính thế lại càng cần sự khoa học trong cách thức, cẩn trọng trong tìm hiểu và giải quyết từng trường hợp.
Nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu về xã hội cũng như dư luận đã có những ý kiến phân tích, đề xuất giải pháp từng bước để công việc thực hiện tốt hơn và có hiệu quả hơn, nhưng tiếc rằng những ý kiến này đã không được quan tâm. “Kinh tế vỉa hè” là một đặc trưng của đô thị, vấn đề là tổ chức không gian cho hoạt động kinh tế đó như nhiều nước đã làm được và làm tốt, tạo ra diện mạo “văn minh đô thị” đồng thời thu được nguồn lợi kinh tế, góp phần cho đô thị trở thành nơi “an cư, an ninh”.
Ông Hải từ chức – như ông nói, để “giữ lời hứa không làm được thì cởi áo về vườn” - là một việc làm đáng quý. Nhưng ông sẽ được trân trọng quý mến hơn nếu ông sớm điều chỉnh phương pháp thực hiện “chiến dịch vỉa hè” để người dân, dù mất một phần quyền lợi cũng phải “tâm phục khẩu phục”, từ đó mang lại hiệu quả tốt trong việc xây dựng thành phố văn minh.
Thực tâm tôi cảm thấy tiếc vì điều đó!
Bất cứ ai là công chức đều được học về “Khoa học quản lý” mà mục đích đầu tiên là: bộ máy công quyền với chức năng “quản lý nhà nước” là để phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn chứ không chỉ để ra mệnh lệnh một cách chủ quan duy ý chí.
Sài Gòn 9.1.2018
Kết quả hình ảnh cho đập phá vỉa hè

Vụn vặt đời thường (151)

@ Từ FB nhà báo Vũ Kim Hạnh:
Mời tham khảo thêm từ bảng số liệu share từ FB của TS Vũ thế Dũng, hiệu phó ĐH Bách Khoa TPHCM, bạn mình. Hehe, cũng cám ơn bạn Dũng đã minh oan cho Sài Gòn, trường hợp này là làm "người tốt việc tốt", đóng góp cho cả nước.
THẤY GÌ TỪ SỐ LIỆU THU VÀ NỘP NGÂN SÁCH SÀI GÒN
1. Năm 2017 ngân sách toàn quốc thu khoảng 58 tỷ USD, trong đó dân Sài gón đóng 15 tỷ (26%), Hà nội: 9 tỷ (16%)

2. Thế Sài gòn được giữ lại bao nhiêu để đầu tư cho dân? 5 tỷ, 10 tỷ, hay 15 tỷ? Đừng mơ: 2,6 tỷ. Hay thu từ SG lớn gấp gần 6 lần chi cho SG.
3. Nếu vậy anh bạn HN thì sao? Anh ta thu ít hơn thì chắc chi cũng ít hơn? Nhầm to: anh ta thu chỉ 9 tỷ nhưng được giữ lại đến 3,3 tỷ USD.
4. Vậy mỗi người dân SG đóng góp thế nào trong số thu này? Với dân số hơn 8,2 triệu, thì trung bình mỗi người dân SG đóng khoảng 42 triệu cho ngân sách. Còn người dân HN đóng góp 26 triệu/ năm, so với trung bình toàn quốc là 13,7 triệu đồng.
5. Đóng góp nhiều thế thì họ có được nhận lại phần đầu tư tương xứng? Haiz, với 2,6 tỷ USD giữ lại thì mỗi dân SG chỉ nhận lại 7.2 triệu đồng/ năm hay 1/6 khoản đóng góp.
6. Tính theo ngày thì mỗi ngày mỗi người dân SG đóng trung bình 115 ngàn đồng trong 2017, và theo kế hoạch 2018 SG phải thu 1,200 tỷ/ ngày, thì dân SG phải đóng khoảng 145 ngàn đồng/ ngày.
7. Còn các địa phương khác? Trong 63 tỉnh thành, SG thu nhiều nhất nhưng được giữ lại ít nhất (18%), kế đến là HN 35%. Có 59 tỉnh thành được giữ trên 50% số thu, trong đó 47/63 được giữ 100% số thu.
Tuyệt vời Sài gòn.
PS. Bài này dùng SG chứ không dùng Tp.HCM để minh oan cho cái tên SG hay bị dùng vào các trường hợp xấu.
So với HN chỉ vui thôi, vì SG và HN là 2 địa phương đóng góp nhiều nhất và được giữ lại ít nhất.
Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Chính Phủ, nước CHXHCN Việt Nam
http://www.chinhphu.vn/…/chin…/noidungsolieungansachnhanuoc…

Không có văn bản thay thế tự động nào.


@ Nước mình mỗi ngày một chuyện "vui" dễ sợ! 
- Anh nhà báo miệt thị một cách vô học và bẩn thỉu những đặc điểm tộc người của tân hoa hậu, vẫn có những đàn ông khác tán thưởng, lại còn bênh vực khi anh ta bị phê phán, lên án.
- Nguyên bí thư TU.TPHCM hôm nay ra tòa vì tội lỗi của ông từ những năm trước ở nơi khác. Vậy nhưng vẫn được bổ nhiệm làm lãnh đạo cao cấp của TP lớn nhất nước và có vai trò kinh tế rất quan trọng.
Coi thường phụ nữ, người dân tộc thiểu số và vùng "xa trung ương" - đó là những cố tật rất điển hình của nhiều người KINH(dị)!

@ Đã muốn nói một điều gì đó về việc này nhưng cứ nghẹn lại khi nghĩ đến những giọt nước mắt của anh Hiến - người vừa bị toà án tỉnh Đắc Nông tuyên án tử hình. Người nông dân phạm tội vì bị công ty Long Sơn đẩy vào bước đường cùng đã ko nhận được sự công bằng từ một cơ quan gọi là “toà án nhân dân” nhưng không mang lại công lý cho nhân dân!

@ Buổi gặp mặt sáng nay đã kết thúc nên mình edit stt để cập nhật 
Cuộc trò chuyện rất vui và kéo dài đến khi... mọi người về hết  Như những buổi giới thiệu sách khác của mình, số người đến không đông, có thể nói là ít, nhưng đủ già trẻ nam nữ... Và ai cũng hỏi hoặc kể những chuyện tâm tình chứ không có những câu khách sáo... Và ai cũng mua sách, nhiều người là bạn FB của mình.
Cám ơn Hội quán các bà mẹ đã tổ chức buổi gặp gỡ thật thân mật, gần gũi - đúng như tính cách mình và những người Sài Gòn mình yêu quý!

Không có văn bản thay thế tự động nào.Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi và trong nhà

HƯƠNG MIỀN TÂY


Nguyễn Thị Hậu

Từ Sài Gòn đi về quê ngoại Cao Lãnh bây giờ có thêm một con đường đi qua huyện Mộc Hóa (Long An) và huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Đây là con đường đi qua một phần Đồng Tháp Mười, có từ lâu nhưng là đường nhỏ ngoằn nghèo và không liền lạc, gần đây được nối liền, nắn thẳng và nhiều đoạn được đắp mới.

Cũng như những con đường ở miền tây Nam bộ, trên đường có hàng chục cây cầu lớn, rất đẹp, tĩnh không cao, hầu hết bắc qua những dòng “kinh xáng” thẳng tắp, nước phèn trong xanh hai bên bờ còn chưa mọc kín dừa nước cỏ lác - những dòng kinh thoát nước và xả phèn vào mùa nước nổi của miền hạ lưu Mê Kông. Với độ tĩnh không cao như thế những con kinh xáng là đường giao thông nối liền vùng sâu của Đồng Tháp Mười ra đến đường lộ mới. Ghe xuồng chở lúa, chở phân bón, hàng hóa xuôi ngược trên kinh, và rồi không lâu nữa, ngay dưới chân cầu trên con đường tạm đi vòng khi xây dựng cầu sẽ là nơi đổ hàng lên xuống xe vận tải, về thành phố hay trở vô vùng bưng biền, đúng theo “quy luật” hình thành chợ búa (bến) của hàng trăm ngàn cái chợ như thế khắp miền Tây.

Từ trên những cây cầu có thể phóng tầm mắt nhìn xa hơn. Có cánh đồng lúa non xanh ngát, có đầm sen lớn nhỏ hoa trắng hoa hồng xen giữa bưng lầy đầy cỏ lác, có rừng tràm rừng đước mới trồng, cây thẳng hàng  ngay ngắn, và lấp lánh cánh cò trắng bay về đậu rợp trên ngọn tràm ngọn đước. Chỉ vài năm nữa thôi, hy vọng sẽ có thêm những “sân chim” mới ở nơi đất lành này.

Con đường đi qua vùng lúa đang mùa gieo sạ. Hình như là “cánh đồng mẫu lớn” vì trên đó cắm nhiều tấm bảng cho biết 4 loại phân bón được sử dụng ở đây. Cánh đồng bát ngát xanh, chỉ cần hạ cửa kính xe hơi là có thể hít đầy lồng ngực hương lúa non thơm lạ lùng, hương thơm không thể so sánh với bất cứ mùi hương nào, làm ta nghẹn ngào thương đất, thương lúa, thương người… Có nơi đang gieo sạ bằng những chiếc máy đơn sơ nhưng đỡ đần được cho bao công lao động. Màu đất bùn đen cũng thơm thơm mùi phù sa mới của mùa nước nổi vừa qua. Có nơi nước chưa rút hết, dưới ánh mặt trời cuối chiều hiện rõ màu nước lợ giao nhau của lớp phèn đọng hàng ngàn năm với phù sa theo mùa nước nổi tràn về.

Tôi rất dị ứng với ai đó bây giờ cứ luôn miệng, rằng “mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long” hay than thở “quê em mùa nước lũ”… Đừng biến ngôn ngữ văn chương báo chí thành “hiện thực” để rồi ứng xử với mùa nước nổi miền Tây Nam bộ như ứng xử với mùa lũ sông Hồng. Bởi vì, cho dù chế độ nước của sông Mê Kông có sự thất thường hơn trước do biến đổi khí hậu, do bị tàn phá nơi đầu nguồn bằng hàng chục nhà mát thủy điện lớn nhỏ… thì mùa nước về vẫn theo quy luật thời gian, là mùa làm ăn sinh sống của người dân đồng bằng Nam bộ, là mùa “đổi mới” những cánh đồng nhờ con nước rửa phèn và phủ lên lớp phù sa mới.

 Nhiều lần về miền Tây Nam bộ vào mùa nước nổi, đi trên kinh rạch dọc ngang, đi vô vùng Tháp Mười trên những chiếc xuồng “năm quăng” (xài một năm/ một mùa nước thì quăng, vụt bỏ vì đóng bằng gỗ tạp, rẻ tiền), tôi chỉ ước ao, thay vì cứ cứu trợ gạo mắm nước tương mì gói, chính quyền và doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm hãy làm những chiếc xuồng chắc chắn cho người dân sử dụng kiếm sống lâu dài nhiều mùa nước, thay vì xây dựng “khu dân cư chạy lũ” tốn kém mà không nhiều hiệu quả, hãy làm những ngôi nhà sàn mà cọc bằng bê tông mái tôn cho bền vững để dân không phải tất bật chạy lên những khu đất trống hơ trống hoác giữa đồng, rồi không làm được gì để sống lại kéo nhau về giữa đồng, bám trụ trong những ngôi nhà lá nhỏ nhoi trên biển nước.

Con đường chạy qua vài khu dân cư như những thị trấn nhỏ, có cả một nhà máy “bột giấy” xây dựng vài năm nay nhưng im lìm như chưa từng hoạt động. Sao không xây dựng ở đây những nhà máy xay sát lúa gạo nhỉ? Là vùng lúa mới, đường xá kinh rạch thuận tiện giao thông chuyên chở, nếu rút ngắn thời gian vận chuyển thì giảm thiểu mức độ hư hao của lúa, đỡ thiệt thòi cho người trồng lúa, bởi vì vẫn còn đó một nghịch lý: được mùa ép giá rớt giá, thất mùa lên giá nhưng không đủ lúa ăn lấy gì để bán? Mùa nào nông dân cũng là người thua thiệt!

Đường dài gần trăm cây số hai làn xe chạy nhưng cũng vắng, chỉ có xe tải, vài chiếc xe du lịch nhỏ, hầu như không có xe khách vì hai bên đường chỉ là những cánh đồng ngút mắt mà ít có khu dân cư tràn ra mặt tiền như nhiều con đường mới mở khác. Thi thoảng có vài “quán võng” bán cà phê hay là quán nhậu, luôn có chỗ dành chỗ treo một hàng võng đung đưa, người đến quán có thể nằm nghi lưng nghe câu vọng cổ hay những bản nhạc bolero thân thuộc của người miền Tây. Về miền Tây mà chưa thưởng thức hai điều này thì coi như chưa đến miền Tây, phải không?

Phía đông cơn mưa sầm sầm kéo tới. Trong cơn mưa cuối mùa mãnh liệt lạ thay gió vẫn đẫm hương lúa non, hương đất, hương sen, hương lá rừng tràm… Những mùi hương trong lành đầy sức sống như những con người miền Tây giản dị.

Hình: Cô Út dìa quê, tháng 1/2018  :)

 Trong hình ảnh có thể có: 1 người, trẻ em, ngoài trời và cận cảnh

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...