NHÌN VỀ “VÙNG ĐẤT MỚI”

Từ lâu chúng ta đã quen thuộc với thuật ngữ “Tân thế giới” - vùng đất mới - được sử dụng để chỉ châu Mỹ. Vào thời điểm thế kỷ 16 châu Mỹ hoàn toàn mới đối với người châu Âu, bởi vì lúc đó người ta chỉ biết thế giới bao gồm châu Âu, châu Á và châu Phi (gọi chung là Cựu thế giới). Thuật ngữ này sau đó phổ biến cùng “chủ nghĩa thực dân cũ” xâm chiếm lục địa châu Mỹ.
Tuy nhiên hiện nay thuật ngữ "Tân thế giới" thường sử dụng trong bối cảnh lịch sử chuyến đi của Christopher Columbus hồi cuối thế kỷ 15, vì chúng ta đã biết rằng Châu Mỹ là vùng đất đã có con người và những nền văn minh từ rất lâu trước khi người châu Âu đến và khám phá ra nó.
Như vậy “tân thế giới” là châu Mỹ “được người châu Âu lần đầu biết tới” chứ không phải là vùng đất hoang “mới được con người đặt chân tới”. Sự thay đổi nội hàm cho thấy một nhận thức quan trọng: mỗi vùng đất đều có quá trình lịch sử bởi những thế hệ cộng đồng dân cư trong bối cảnh địa lý - sinh thái riêng biệt. Việc những cộng đồng cư dân đến sau có đóng góp tích cực làm thay đổi, phát triển một vùng đất cũng không thể phủ nhận quá khứ của nó. Nhận thức này chính là khởi đầu sự tôn trọng cư dân và văn hóa bản địa, bảo vệ và bảo tồn sự đa dạng sinh thái và văn hóa truyền thống.
Thành tựu của nhiều khoa học nghiên cứu về châu Mỹ, nhất là các ngành xã hội nhân văn, sự trưởng thành của ý thức về Nhân quyền của cộng đồng dân cư bản địa đã có tác động lớn đến sự thay đổi nhận thức của xã hội nói chung và đặc biệt của chính quyền nhiều quốc gia. Từ nhận thức quan trọng này nhiều chính sách, luật lệ đã được hình thành nhằm bảo vệ, bảo tồn và phát triển cộng đồng cư dân và văn hóa bản địa.
***
Nam bộ nói chung và vùng đất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn thường được gọi là “vùng đất mới”, “vùng đất có 300 năm lịch sử”. Nói đến nơi này vai trò của người Việt được đề cao “lưu dân người Việt đến khai phá vùng đất mới…”. Không thể phủ nhận vai trò đó trong giai đoạn từ thế kỷ 17, 18 trở đi nhưng khoa học lịch sử và khảo cổ học cũng đã cho biết, từ trước khi lưu dân người Việt có mặt, nơi này từng có 1000 năm trước công nguyên với những cộng đồng dân cư thời tiền sử của văn hóa khảo cổ Đồng Nai rồi đến nền văn minh Óc Eo của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7. Do đó Nam bộ là nơi người Việt từ miền Trung, miền Bắc “mới biết đến” trong quá trình di dân qua nhiều thời kỳ từ cuối thế kỷ 17 đến nửa sau thế kỷ 20.
Tâm thức “vùng đất mới” của lưu dân đối với Nam bộ ngoài sự nhận biết một khu vực địa lý địa hình khá khác biệt so với miền Bắc, miền Trung , còn bắt nguồn từ tâm thế “đi mở đất” thời các chúa Nguyễn. Người Việt vào Nam di cư tự do hay có tổ chức của chính quyền thì luôn được sự “bảo trợ”, có khi bằng quân sự nhưng chủ yếu bằng chính trị theo phương thức “dân đi trước nhà nước theo sau” thiết lập hành chính quản lý dân cư, như vào năm 1611 thành lập Phủ Phú Yên của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và 1698 lập Phủ Gia Định của Chúa Nguyễn Phúc Chu.
Là vùng đất khá hoang vu nhưng vẫn có một số tộc người cư trú dọc lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và trên những giồng, gò cao ở đồng bằng sông Cửu Long. Người Việt, người Hoa đã có những đóng góp rất lớn để biến nơi này thành vùng đất trù phú vào bậc nhất nước ta nhưng sự “va chạm văn hóa” giữa các tộc người cũng ít xảy ra mà ngược lại là sự hòa hợp và biến đổi văn hóa lối sống cho phù hợp với “phong thổ” mới. Người đến sau đã chịu khó tìm hiểu, thích nghi và tôn trọng phong tục lối sống của người bản địa, nhờ đó mà văn hóa của các cộng đồng dân cư tuy có sự biến đổi mà vẫn giữ nhiều nét truyền thống.
***
Ở phạm vi nhỏ hơn về không gian và ngắn hơn về thời gian, khu vực Thủ Thiêm – TPHCM trong quá trình “đô thị hóa” cũng là một trường hợp tương tự. Để quy hoạch và xây dựng một trung tâm mới ở đây đã phải gần như giải tỏa “trắng” ruộng vườn, xóm làng, đình chùa, nhà thờ… hiện hữu gần hai trăm năm. Thủ Thiêm của thế kỷ 21 đâu phải là vùng đất hoang vu như Nam bộ hơn 300 năm trước? Vì sao “hiện đại hóa” một vùng có lịch sử lại như việc xóa bỏ một bàn cờ để bày lại ván khác? Vì sao các nhà đầu tư lại đòi hỏi “vùng đất trống trơn” để xây dựng mà không phải là một vùng đất có lịch sử có dân cư lâu đời để tạo ra một đô thị hiện đại lưu giữ truyền thống văn hóa?
Phải chăng vì Thủ Thiêm là một “vùng đất mới” khi nhìn từ trung tâm thành phố qua bên kia sông Sài Gòn bạt ngàn dừa nước và kênh rạch chi chít? Nó khác biệt so với đô thị nhà cao phố chật bên này sông. Nó lạ lẫm nên cần xóa bỏ không thương tiếc từ những di tích quá khứ của cộng đồng dân cư Thủ Thiêm đến cả cộng đồng ấy cũng bị phân tán và di chuyển đi nơi khác. Một lớp dân cư khác sẽ đến sống ở nơi đây và chỉ biết rằng đây là “vùng đất mới”!
Khi ở tâm thế “người đi chinh phục vùng đất mới” thì dễ dàng phá hủy những gì khác lạ để xây dựng những thứ quen thuộc “của mình”. Xóa bỏ sự đa dạng văn hóa nói chung và kinh tế, xã hội nói riêng chính là con đường ngắn nhất đi đến triệt tiêu một nền văn hóa.
Sài Gòn ngày 18.11.2017

TẢN MẠN VỀ BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA


Mỗi một vùng đất, nơi chốn, mỗi thành phố đều có biểu tượng riêng. Mục đích của biểu tượng là để nhận biết và truyền một thông điệp có ý nghĩa về nơi chốn ấy.

Biểu tượng là hình thức cao của nhận thức, giúp ta lưu giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt. Biểu tượng không nhất thiết phải mang ý nghĩa chính trị hay tư tưởng cao siêu mà nhiều khi là ước mong, hy vọng bình thường của loài người: chim bồ câu là biểu tượng của hoà bình, chẳng hạn. Một công trình kiến trúc hay tác phẩm là “hình ảnh sáng tạo nghệ thuật có ý nghĩa tượng trưng”, một đặc trưng tự nhiên tiêu biểu cho nơi nào đó hay thậm chí là một món ăn độc đáo… đều có thể được coi là biểu tượng. Qua thời gian nhiều biểu tượng đã trở thành di sản văn hóa quốc gia hoặc di sản thế giới.

Biểu tượng và nơi chốn có mối quan hệ hai chiều: Biểu tượng chỉ thuộc về một nơi chốn và ngược lại, nơi chốn tồn tại trong ký ức cộng đồng qua biểu tượng. Paris và tháp Eiffel, Sydney và Nhà hát “con sò”, Bruxelles và tượng cậu bé đứng tè vui nhộn, Copenhagen với bức tượng nàng tiên cá từ câu truyện cổ tích nổi tiếng của Andersel, Hà Nội là Hồ Gươm và sự tích “hoàn kiếm”, Sài Gòn và Chợ Bến Thành – ngôi chợ có mặt từ khi khởi lập thành Gia Định… Nhiều dòng sông được coi là biểu tượng của một thành phố: đoạn sông Danube chảy qua Budapest (Hungaria), sông Seine qua Paris (Pháp), sông Hồng qua Hà Nội (Việt Nam)… cùng với con sông là những cây cầu tiêu biểu của một thời kỳ lịch sử.

Biểu tượng văn hóa rất đa dạng, phong phú như cuộc sống, phản ánh đặc trưng văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, xã hội và con người một thành phố. Có “biểu tượng chính thống” hình thành trong quá trình lịch sử hoặc biểu tượng mới do nhà nước đặt ra và sử dụng chính thức, cũng có “biểu tượng dân gian” được phổ biến, lưu giữ trong cộng đồng và lưu truyền qua ký ức. Biểu tượng chính thống nhưng mới hình thành do chính quyền thường mang tính chất chính trị “độc tôn”, còn biểu tượng dân gian thì đa dạng, mang giá trị phổ quát và tính cộng đồng cao. Ở một thời điểm, một giai đoạn nhất định thì giá trị các biểu tượng như nhau nhưng biểu tượng có từ lịch sử hay dân gian được lưu truyền sâu rộng và tồn tại bền vững hơn, không chỉ với cộng đồng tại chỗ mà còn được nhiều người, nhiều cộng đồng khác biết đến.

Điều thú vị là có những nơi chính quyền đã sử dụng một biểu tượng văn hóa dân gian (có giá trị cao nhất được cộng đồng thừa nhận) như là biểu tượng chính thức, vì nhận thức được giá trị nhân bản phổ quát và sự độc đáo của biểu tượng. Trong mười biểu tượng của Trung quốc mà phần lớn là các công trình kiến trúc đồ sộ, danh nhân văn hóa lừng lẫy thì có gấu trúc - một loài động vật sống ở vùng núi tỉnh Tứ Xuyên. Gấu trúc được chọn vì tiêu biểu cho việc quan tâm chăm sóc động vật hoang dã quý hiếm và bảo tồn đa dạng sinh học ở Trung quốc.

Gấu trúc mang đến hình ảnh thân thiện với mọi người, mọi quốc gia dù thể chế chính trị khác nhau, thể hiện xu hướng hội nhập với thế giới vì coi trọng và bảo vệ thiên nhiên… Hiện nay gấu trúc trở thành một biểu tượng văn hóa nổi tiếng của Trung quốc, được Hollywood dựng thành phim, thể hiện bằng nhiều vật phẩm văn hóa nên ngày càng phổ biến rộng rãi trên thế giới.
***
Nhân trường hợp gấu trúc Panda không thể không nhớ đến loài Vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà, vừa được thành phố Đà Nẵng thống nhất chọn làm hình ảnh nhận diện của thành phố, nhân sự kiện APEC 2017 diễn ra tại đây.

Loài voọc chân nâu có thân hình dài, mảnh dẻ, sống thành từng bầy trên cây, hoạt động vào ban ngày. Đây là loài vooc có màu sắc rực rỡ nhất, được gọi là “nữ hoàng của các loài linh trưởng”. Từ đầu gối đến mắt cá chân của voọc giống như một đôi tất dài màu nâu đỏ, cẳng tay trước của chúng như có đôi găng tay trắng mịn nhưng bàn tay và đôi chân thì lại có màu đen. Vooc chà vá chân nâu có vành râu quai nón màu trắng, mí mắt lại có màu xanh dương nhẹ, đuôi trắng xám và có cụm lông trắng ở phía cuối. Đôi mắt to tròn, đen lấp lánh và vô cùng biểu cảm, trong trẻo như mắt trẻ thơ nhưng cũng đượm nét ngơ ngác buồn…

Các nghiên cứu gần đây cho biết loài vooc này chỉ còn hơn một ngàn cá thể, nhiều nhất ở bán đảo Sơn Trà trong một quần thể sinh học khá đa dạng. Nhiều nhà khoa học nhấn mạnh việc bảo tồn loài vooc chà vá chân nâu không chỉ vì bản thân chúng mà còn là bảo tồn sự đa dạng sinh học chung của bán đảo Sơn Trà vì môi trường sống của con người. Và cũng như loài gấu trúc ở Tứ Xuyên – Trung quốc, loài vooc chà vá chân nâu của Sơn Trà từ “hình ảnh nhận diện” hoàn toàn có thể được coi là một biểu tượng văn hóa của thành phố Đà Nẵng giàu đẹp về thiên nhiên, thân thiện và bảo vệ môi trường. 

Nếu trở thành biểu tượng của Đà Nẵng thì hình ảnh vooc chà vá chân nâu sẽ có tác dụng tích cực hơn đến giáo dục ý thức, truyền thông rộng rãi hơn về hành vi bảo vệ tự nhiên. Từ tài nguyên bản địa này các loại văn hóa phẩm về loài linh trưởng độc đáo sẽ là một nguồn tài nguyên văn hóa của Đà Nẵng và của cả nước.

Những khu sinh thái và thắng cảnh đặc biệt ở địa phương nào cũng phải được coi là tài sản, di sản quốc gia, được bảo tồn vì sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương và cả nước, góp phần bảo vệ sự sống trên trái đất. Biểu tượng văn hóa được xây dựng từ tài nguyên bản địa, được bảo vệ và phát triển dựa trên tri thức khoa học và sự nhân văn, phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới sẽ góp phần làm cho hình ảnh quốc gia được lưu truyền rộng rãi và bền vững.

TC Người đô thị số ngày 21.11.2017
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, thực vật, hoa, ngoài trời và thiên nhiên
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời

NHỮNG CON SỐ 9 “NỔI TIẾNG”


Nguyễn Thị Hậu

Trong những truyền thuyết của 18 (bội số của số 9) đời vua Hùng có truyện Sơn Tinh Thủy Tinh. Những món thách cưới nổi tiếng của vua Hùng “Voi chín ngà gà chín cựa ngựa chín hồng mao” toàn là “đặc sản” trên cạn trong rừng, nhờ đó mà Sơn Tinh đã thắng trong cuộc đua trở thành phò mã. Vô tình hay cố ý, sự thiên vị trong việc ra “đề thi” của vua Hùng đã tạo ra sự cạnh tranh không công bằng cho “thí sinh”. Do đó Thủy tinh bị thua nhưng không “tâm phục khẩu phục”. Chuyện sau đó thế nào ai cũng biết.

Nhớ đến chuyện con số 9 nổi tiếng là nhân việc Bộ Giáo dục và Đào tạo trình và được quốc hội thông qua đề án đào tạo 9000 tiến sĩ với số tiền khổng lồ 12.000 tỷ đồng, trung bình mất 1,3 tỷ đồng để có 1 tiến sĩ, lại thêm tỉnh Đắc Nông xin ngân sách hỗ trợ 900 tỷ đồng xây quảng trường trung tâm thành phố Gia Nghĩa.
Từ mấy chục năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều đề án đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của các cấp học từ Đại học, cao đẳng đến phổ thông cơ sở, phổ thông trung học… Các đề án đều được đánh giá là “những chủ trương đúng đắn” nhưng sau khi triển khai, việc các cơ sở giáo dục có được “nâng cao năng lực và trình độ của đội ngũ giảng viên, đáp ứng được yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng trong quá trình quy hoạch lại và phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo mới theo nhu cầu xã hội” hay không thì cả xã hội đều đã nhận thấy!

Vậy nhưng lại tiếp tục có thêm dự án mới, vẫn là chủ trương đúng đắn và luôn dự báo kết quả với hai từ “hy vọng”. Không thể không tự hỏi, bao giờ thì lãnh đạo ngành giáo dục cắt “cơn nghiện” đề án “đổi mới giáo dục” tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước mà hầu như chẳng thay đổi được gì, ngoài những con số khác nhau được diễn giải bằng từ ngữ rất hào nhoáng. “9000 tiến sĩ để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” như thế nào nếu xuất phát từ não trạng “bằng cấp quyết định” còn hơn thời phong kiến? Ngay cả thời phong kiến đi học và thi để làm quan nhưng không phải từ tiền nhà nước. Những đề án như vậy chỉ đáp ứng cho mục đích “hiếu bằng, hiếu danh, hiếu quan” chứ không phải phục vụ nhu cầu “hiếu học, hiếu tri” để mang lại khả năng và thực thi đổi mới đất nước.

Mới năm ngoái đây một tỉnh miền núi phía Bắc đã đề nghị chính phủ cấp ngân sách khá lớn để xây dựng khu quảng trường trung tâm và tượng đài. Một nghịch lý phổ biến là nhiều tỉnh nghèo có nguồn thu ngân sách thấp, tình trạng kinh tế - xã hội rất khó khăn nhưng lại luôn đề xuất xin kinh phí “nghìn tỷ” không phải để xây dựng trường học, bệnh viện hay hỗ trợ người dân sản xuất mà chỉ để xây dựng thành phố hoành tráng và những trụ sở, quảng trường... như ông chủ tịch tỉnh Đắc Nông nói, vì “không có chỗ nào để vui chơi, khi có lễ hội hay mittinh cũng không có chỗ nào để tổ chức nên xin Chính phủ đồng ý, hỗ trợ vốn để xây dựng quảng trường". Lại phải tự hỏi, đến bao giờ thì lãnh đạo các tỉnh sẽ “cắt cơn nghiện” dự án xây dựng quảng trường tượng đài mà tập trung nguồn lực cho “điện đường trường trạm” và đổi mới đời sống người dân?

Dễ dàng nhận thấy mục tiêu của các đề án, dự án hướng đến là việc chi tiêu vô tội vạ hàng ngàn tỷ đồng ngân sách tức là tiền thuế, tiền bán tài nguyên khoáng sản, bán cảnh quan môi trường, đánh đổi di sản văn hóa… Kết quả là gì nếu không là để thỏa mãn “bệnh sĩ” – một căn bệnh mạn tính nhờn thuốc lại được nuôi dưỡng bởi “bầu sữa ngân sách”, từ đó kéo theo sự phát triển tràn lan của nạn tham nhũng nặng nề, bị coi là căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của một chính thể.  

Mỗi câu chuyện người xưa để lại đều có nhiều ẩn ý. Đằng sau hình tượng Thủy tinh “hàng năm dâng nước gây lũ lụt” phải chăng còn là lời cảnh báo: sức dân như nước, đừng để xã hội luôn trong tình trạng bức xúc vì “nâng thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Những đại biểu của dân trong cơ quan quyền lực cao nhất cần có sự công chính, tránh vì “lợi ích” của ngành này tỉnh kia mà thông qua những dự án gây phản ứng trong nhân dân và “góp phần” làm nghèo đất nước!


TC NGƯỜI ĐÔ THỊ SỐ RA NGÀY 21/11/2017 CÓ NHIỀU BÀI HAY :)

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

VỀ TRƯỜNG CŨ


Là trường mình học đại học, rồi ở lại làm giảng viên hơn 12 năm, rồi chuyển vài cơ quan nhưng vẫn là giảng viên thỉnh giảng, sau khi về hưu thì quay về làm giảng viên “hợp đồng”. Đó là trường Khoa học xã hội nhân văn TPHCM.
Khi mình thi vào đại học (1976) trường còn mang tên Đại học Văn khoa Sài Gòn. Mình thi ngành Sử nhưng điểm văn cao hơn (đâu như 9 điểm thì phải). Mình nhớ mang máng đề văn là “Em hãy viết thư cho bạn giới thiệu…” gì đó. Ngày học phổ thông nếu được chọn thể lọai văn để trình bày một vấn đề nào đó mình luôn chọn văn viết thư, vì dễ mở bài và kết luận, còn thân bài cũng thỏai mái viết như nói chuyện với bạn. Có lẽ vì “đúng tủ” thể loại “văn viết thư” nên điểm văn của mình cao hơn điểm sử, địa – lúc đó còn nặng về thuộc lòng.
Khi nhận giấy nhập học thấy ghi là Khoa Văn, mình lo lo vì có biết viết văn làm thơ gì đâu! A, hồi trước ai cũng nghĩ học khoa Văn tổng hợp đương nhiên sẽ trở thành nhà văn nhà thơ, đâu biết còn nhiều ngành rất hay như Văn học dân gian, Ngôn ngữ, Hán – Nôm… Bởi vậy, mới sau một tháng chỉ học mỗi môn Văn học VN cổ đại mình ngán quá, bao nhiêu mơ mộng văn chương bay biến hết. Lại nghe mấy bạn khoa Văn luôn tự hào mà rằng “đã vào trường Văn Khoa thì phải học khoa Văn!”. Thế thì đây chả việc gì “phải” nhé, đây vác đơn lên trường xin về khoa Sử. Và cho đến giờ, không hối hận vì quyết định này.
Làm cho mình yêu thích Sử suốt 4 năm học và sau này theo nghề dạy hơn 10 năm là giảng viên của khoa, rồi chuyển vài cơ quan nhưng vẫn theo nghiệp Sử - Khảo cổ, công đầu tiên là nhờ những giờ lên lớp tuyệt vời của các thầy cô. Các Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền cả tình yêu đối với môn học, đối với nghề giáo, qua đó các Thầy còn dạy cho sinh viên về nhân cách.
Khóa bọn mình khá đông. Sau này ra trường nhiều người theo nghề giáo ở nhiều nơi, và hầu như không ai bỏ nghề dù đã có những năm nhà giáo vô cùng khốn khổ trong cái khốn khó chung của cả nước. Tháng 8/2010 khóa mình kỷ niệm 30 năm ra trường, bạn bè về tụ tập ở Sài Gòn khá đông, người làm “quan” người là dân nhưng ai ai cũng nhắc nhớ thời đi học và kỷ niệm với các thầy.
Năm 2011 khoa Sử Đại học KXHHNV TPHCM đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Mình về Khoa chung vui với bạn bè, đồng nghiệp. Gặp lại nhiều Thầy Cô đã nghỉ hưu, gặp lại một số sinh viên cũ, nhìn thấy các em sinh viên mới… Mình hay nói đùa (mà hổng đùa) với đồng nghiệp: đừng để mỗi giờ lên lớp lại phải dọa rằng “các em có trật tự có tập trung ko, thầy cô giảng lại từ đầu bây giờ?!” Mình lại nghĩ: ngày xưa tụi mình may mắn, sinh viên bây giờ “thiệt thòi” vì không được học những người Thầy tuyệt vời như mình từng được học.
Mình ít khi đi dự những ngày lễ hội, nhất là ngày 20/11 vì thật tình mình nghĩ không thiếu cách thể hiện sự tôn vinh nếu ta thực sự biết ơn Thầy Cô và tôn trọng nghề giáo, vì vậy ngày này là “một ngày như mọi ngày” vì nghề nào cũng có cả vinh quang và cay đắng, nghề nào cũng xứng đáng được tôn vinh nếu xã hội thực sự coi trọng.
Nghề giáo được coi là "nghề chèo đò" nhưng con thuyền giáo dục hiện thời còn quá nhiều bất an! Vì vậy xin được chúc các Thầy Cô, các anh chị và các bạn đồng nghiệp những điều tốt lành nhất trong nghề nghiệp và trong cuộc sống! Chân thành cám ơn nhiều trường, khoa đã mời đến dự lễ 20 /11. Cám ơn những lời chúc mừng của các anh chị, các bạn và học trò qua FB, điện thoại, email…
Năm nay mình “phá lệ” về trường dự lễ đúng ngày 20/11, vì năm nay nhà trường kỷ niệm 60 năm Đại học Văn khoa – Tổng hợp – KHXHNV.TPHCM, và đời người chỉ một lần qua tuổi… 60 nhưng sẽ mãi tuổi thanh xuân, phải không ạ 
Sài Gòn 20.11.2017
Không có văn bản thay thế tự động nào.

TỘI ÁC VÀ SỰ NHÂN DANH TRỪNG PHẠT

Nguyễn Thị Hậu
Cũng như nhiều người, tôi đọc truyện Tấm Cám từ hồi nhỏ xíu, sau này có phim hoạt hình rồi truyện tranh nhưng tôi không thích vì thấy giả tạo thế nào ấy. Tuy nhiên kịch Tấm Cám của nghệ sĩ Thành Lộc hay truyện tranh của bọn trẻ vẽ lại theo lối “hậu hiện đại” thì tôi cực thích. Hình như nghệ thuật của ta diễn tả những bi kịch không tới thành ra xem bực mình, có khi làm hài kịch mà lại thành công! (đúng thôi, trong cuộc sống cái bi và hài chỉ cách nhau có một sợi tóc!).

Cùng motif “mẹ ghẻ con chồng” nhưng phim Ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem của Tiệp Khắc (trước đây) thì làm tôi say mê. Hồi đó đi xem bao lần ở rạp, rồi sau này chiếu ở TV hay bây giờ trên mạng vẫn có thể xem đi xem lại, vì diễn viên xinh ơi là xinh, cảnh thì đẹp ơi là đẹp… Các nhân vật ai cũng dễ thương, kể cả bà mẹ ghẻ và hai cô em thì có ác đấy nhưng hành vi của họ lại (được nhìn thành) hài hước nên chỉ thấy tội nghiệp, buồn cười chứ không thấy ghét. Và cái kết cũng chỉ như mơ ước ngàn đời của bao nhiêu nàng Lọ Lem trên thế giới này: được lấy Hoàng Tử và sống cả đời hạnh phúc giàu sang. Ba mẹ con dì ghẻ xấu hổ bỏ đi. Biết xấu hổ - tức là còn lòng tự trọng – đấy là sự khởi đầu để trở thành người tốt.

Gần đây xem Cinderella (phim Mỹ, 2015). Nội dung không có gì mới hơn ngoài một vài chi tiết nhưng tôi thích cái kết của phim. Cinderella đã dũng cảm giành lấy cơ hội hạnh phúc và tình yêu của mình. Khi đạt được những gì thuộc về mình, nàng không trả thù mà tha thứ cho mẹ ghẻ, dù trước đó nàng đã nói “bà chưa bao giờ là mẹ tôi”.

Nếu ước mơ của mình bị ngăn cản thì làm cách nào để thực hiện điều mình mơ ước? Điều đầu tiên và quan trọng nhất là tự mình phải quyết tâm đi tìm ước mơ của mình. Đúng như người Mỹ quan niệm, ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu. Còn nếu chỉ ngồi than khóc chờ Bụt đến giúp thì suốt đời phải phụ thuộc vào Bụt như cô Tấm. Cho đến cuối cùng việc kinh khủng nhất lại là việc đầu tiên cô Tấm tự làm mà không cầu đến Bụt!

Những ước mơ của bất cứ cô Tấm nào cũng luôn là những điều tốt đẹp… Vậy thì tại sao truyện Tấm Cám lại có cái kết kinh hoàng như thế? Chúng ta luôn được nghe, và chúng ta cũng luôn giải thích lại cho con em rằng, đó là “ác giả ác báo”,  là “công lý” của nhân dân. Chúng ta, từ nhỏ đã được học cách cầu xin và trông đợi vào sự may mắn. Nếu cả ước mơ cũng bị tước đoạt thì hãy nhẫn nhịn, chịu đựng … Đến cuối cùng thì phải trả thù dù đã có được điều mình mong muốn.

Truyện cổ tích thường mang triết lý: đừng làm điều ác để khỏi bị trừng phạt. Vậy thì vì sao cuộc đời vẫn luôn có (nhiều) người ác? Xem ra vấn đề không chỉ là "đừng làm điều ác" mà là điều ác bị trừng phạt như thế nào, có nhất định phải trả thù bằng cái chết không? Những truyện/chuyện cổ tích ViỆt quen thuộc với chúng ta đều chung một nội dung: tham thì thâm, ăn ở ác thì bị trả thù, rất hiếm sự tha thứ nào được truyền lại. Những cái chết có thể làm kết thúc truyện cổ tích nhưng không hề “hết chuyện” vì từ đời này đến đời khác lưu truyền mãi mãi…

Khi vụ án thảm sát gia đình 6 người ở Bình Dương đưa ra xét xử công khai bằng hình thức xử lưu động cho hàng ngàn người “háo hức, tò mò” kéo đến xem trực tiếp, hàng trăm ngàn người theo dõi qua báo chí cũng tường thuật trực tiếp. Câu hỏi mà nhà báo Phạm Thanh Hà đau xót đặt ra – cũng là câu hỏi mà nhiều người day dứt: Có cần không tổ chức lưu động một phiên tòa quá nhiều sự dã man, đau thương...?” Bởi vì trong hàng ngàn người ở đó có bao nhiêu đứa trẻ, bởi vì có thực sự răn đe không khi một phiên tòa phơi bày quá nhiều sự dã man, quá nhiều đau thương và nước mắt như thế? Phải chăng đó là tâm thức “thù này phải trả” bằng cách đền mạng sống, tước đoạt lòng tự trọng của những người còn sống nếu chẳng may họ là thân nhân của kẻ gây tội ác? Chứng kiến những phiên tòa như vậy thì sự trả thù có thể sẽ tiềm ẩn trong tâm thức để đến khi lớn lên, trong một hoàn cảnh nào đấy thì hành động trả thù sẽ bộc phát như một lẽ tự nhiên.

Rồi hôm nay, một số báo lại đưa tin và hình ảnh việc thi hành án tử tù vụ Bình Dương. Ai cho báo chí cái quyền xâm phạm đời tư – dù là đời tư của tử tù – những phút cuối cùng của họ?! Ai cho báo chí quyền xâm phạm nỗi đau của gia đình họ?! Những tin tức như thế không khác nào bầy kênh kênh chuyên lao vào xác chết!

Đừng biện minh rằng đó là để răn đe tội phạm! Đừng tiếp nối sự trả thù trong cổ tích bằng hình thức “báo thù” hiện đại như thế, vì dù xét xử tội ác thì cũng cần thể hiện, và phải dựa trên sự nhân văn ngay từ hình thức xét xử và hình phạt của luật pháp. Khi việc thực thi công lý không bằng tâm thức trả thù thì mới đúng ý nghĩa của công lý. Tội ác sẽ còn tiếp tục khi xã hội chưa dừng việc tiếp tay và phơi bày cái ác và sự trả thù, khi truyền thông chưa dừng việc kích động sự tò mò với những hành vi tước đoạt mạng sống của một con người.

Sài Gòn 17.11.2017





Linh tinh lang tang (150)


@ Tổng thống Mỹ nhắc tới Hai bà Trưng, Thủ tướng Canada uống cà phê sữa đá lề đường, Thủ tường Úc ăn bánh mì ở quán vỉa hè. Sau khi ồn ào vì những chuyện ấy chúng ta lại tiếp tục sống mòn như trước!

@ Một tín đồ chở một tu sĩ đi trên đường thiên lý. Đến ngã ba, một con đường đi đến niết bàn, con đường kia đi về địa ngục. Tín đồ hỏi: Thưa Thầy chúng ta đi theo đường nào? Thày tu suy nghĩ rồi trả lời: con để ta xuống đây, còn con đi đâu thì... tùy!
Hay là dân chúng mình cũng nên nói với lãnh đạo thế nhỉ 

@ Trên máy bay: một bác gái làm rơi mất cmnd ở phòng vệ sinh, người ta cho bác lên máy bay và dặn bác cách liên hệ tại sân bay TSN để nhận lại. Thế là suốt chuyến bay bác luôn miệng nhắc đi nhắc lại với anh con trai và cô cháu gái "Lúc vào đấy đáng lẽ đút vào túi quần thì đút mẹ nó ra ngoài mà không biết". Nói rất to giọng sang sảng hai từ "đi đái, nhà vệ sinh" hàng chục lần ngay cả khi đang là bữa ăn. Rồi khi uống cà phê thì xin thêm 3,4 gói đường vì đắng quá, anh con trai nói thôi đắng mẹ đừng uống ko lại mất ngủ, bác dõng dạc: bỏ tiền đi máy bay thì phải uống chứ, ko dùng hết đường thì mang về!
Máy bay tắt đèn để hạ cánh, bác bực tức: sao tắt hết đèn tối mò thế này làm sao lấy đồ đạc, phải bật đèn lên chứ! Khi máy bay dừng bác lại tiếp tục ra lệnh cho con cháu ai xách cái gì, và lặp lại "cmnd rơi trong phòng vệ sinh khi đi đái".
Anh con trai trông rất lành, chả dám nói với mẹ câu nào, còn cô cháu gái cũng chỉ vỗ vỗ vai bà khi mọi người xung quanh ai cũng nhìn bác.
May quá, khi lên xe ô tô vào nhà ga thì không đi cùng bác ấy!
P/S. có lúc cáu quá mình đã có ý nghĩ xấu xa: sao cái cmnd ấy ko rơi luôn vào bồn cầu đi nhỉ?

@ Mới được có chức tườc là NHẬP QUAN, chuyển công tác hay thăng chức là DI QUAN, làm quan to là THƯỢNG QUAN, về hưu là HẠ QUAN, nằm xuống hố là TRONG QUAN. Hết chuyện! Vòng vèo mánh khóe thì cũng đến thế 



@ Không liên quan: Hồng thơm Hà Nội
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, hoa, thực vật và thiên nhiên

TÀI NGUYÊN BẢN ĐỊA VÀ DI SẢN VĂN HÓA

Nguyễn Thị Hậu

Trước nay khái niệm “người bản địa” được biết đến nhiều trong thời kỳ thực dân từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20. Từ đầu thế kỷ 21 cùng với khái niệm “người/tộc người bản địa” thế giới đã chú ý hơn đến tầm quan trọng của “kiến thức/tri thức bản địa, tài nguyên bản địa”. Đây là một xu hướng phát triển nhân văn và bền vững vì tôn trọng những đặc trưng tự nhiên, văn hóa riêng biệt, lấy đó làm cơ sở để phát triển kinh tế.

Gần đây ở nước ta có một số dự án khởi nghiệp gắn liền với “tài nguyên bản địa” nhưng chủ yếu ở khu vực miền núi, trong đó chú trọng việc trồng rừng và khai thác lâm sản hướng đến bảo tồn đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa tộc người. Nhận thấy vai trò quan trọng của yếu tố này nên một số địa phương đã định hướng phát triển kinh tế từ “tài nguyên bản địa”. Diễn đàn Mekong Connect 2017 mới đây tổ chức tại Bến Tre đã giới thiệu những nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp từ những tài nguyên được coi là quan trọng nhất của đồng bằng sông Cửu Long là gạo, cá, dừa, và “sen và du lịch”.

Trong thời kỳ công nghiệp 4.0 phát triển tài nguyên bản địa không thể tách rời công nghệ liên quan từ sản xuất, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ, xuất khẩu… Nếu không có công nghệ mới hỗ trợ thì tài nguyên dù giàu có đến đâu cũng vẫn chỉ ở dạng “tiềm năng”, thậm chí còn làm trở ngại cho thay đổi tư duy phát triển bền vững. Một đúc kết từ thực tiễn đã trở thành phương châm của các nhà sản xuất: hiện nay việc khách hàng đến với sản phẩm là quá trình tiếp nhận các yếu tố: 1/sự trải nghiệm về tính độc đáo của sản phẩm, 2/giải pháp sử dụng sản phẩm và 3/hành vi tiêu dùng sản phẩm. Trong ba yếu tố này thì hai yếu tố đầu thể hiện giá trị văn hóa “phi vật thể” của sản phẩm.

Sự trải nghiệm tính độc đáo là vì sản phẩm có xuất xứ từ một vùng miền đặc thù, chứa đựng tri thức của người sản xuất về tài nguyên bản địa và quá trình sản xuất thành hàng hóa độc đáo, khác biệt, như “đặc sản” của từng vùng miền;
Giải pháp sử dụng là cách thức “chế biến, chế tạo” để “hoàn thành” sản phẩm: những sản phẩm mà người tiêu dùng cần tự thực hiện một số thao tác để có sản phẩm cuối cùng phù hợp sở thích. Như vậy, sản xuất hàng loạt không làm triệt tiêu tính cá nhân trong sử dụng sản phẩm mà sở thích, nhu cầu cá nhân ngày càng được chú trọng và tôn trọng.

Yếu tố “phi vật thể” làm tăng giá trị “vật thể” của sản phẩm. Do đó, sản phẩm càng có tính riêng biệt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, mang lại nhiều cơ hội tham gia vào “quá trình” trải nghiệm sản phẩm cho khách hàng thì càng phát triển sản xuất. Sự cạnh tranh lúc này không chỉ là cạnh tranh về trị giá (đắt, rẻ) và chất lượng (tốt, xấu) của hàng hóa mà còn là quá trình chọn lọc tích lũy giá trị văn hóa của sản phẩm. Sản phẩm mà giá trị vật thể và phi vật thể hòa hợp, tương xứng với nhau, tạo ra sự độc đáo, khác biệt… sẽ có uy tín đối với người tiêu dùng, có thể trở thành đại diện hay biểu tượng của một địa phương, vùng miền, quốc gia… Xây dựng “thương hiệu” thành công là một bước trong quá trình “bảo tồn tài nguyên bản địa” và “chế tạo” di sản văn hóa dưới dạng sản phẩm tiêu dùng.

Theo một chuyên gia, “tính bản địa” là một trong bảy từ khóa quan trọng nhất đối với người tiêu dùng thế kỷ 21 (tiết kiệm, bền vững, công nghệ, bản địa, sức khỏe, đơn giản, tự do). Chú trọng tính bản địa (tài nguyên, tri thức, văn hóa) để phát triển bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu, xây dựng xã hội nhân bản. Tài nguyên bản địa luôn có tiềm năng trở thành sản phẩm mang giá trị văn hóa cao. Từ sản phẩm kinh tế có thể trở thành di sản văn hóa nếu tính bản địa được coi trọng cùng với sự đầu tư tri thức, công nghệ và nguồn lực ngay từ bước đầu khởi nghiệp.

Báo TBKTSG ngày 9..11.2017
Hình: Quảng cáo nón làm bằng lá sen của một doanh nghiệp ở Cao Lãnh - Đồng Tháp, quê ngoại tui :)

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, thực vật, hoa, ngoài trời và thiên nhiên 



Vụn vặt đời thường (147)

@ Tầm quốc gia mitting kỷ niệm sự kiện quốc tế, tầm địa phương thi hoa hậu hoàn vũ. Các tỉnh miền Trung bão lụt không liên quan! Tình nghĩa đồng bào ở đó. Mà chính trị cũng là ở đó!

@ Vì sao chiêu đãi khách quốc tế ở cấp quốc gia mà phục vụ nữ lại mặc yếm - đồ lót xưa chỉ mặc trong nhà? yếm là yếm không thể gọi mập mờ là "áo yếm". Mặc như vậy là hết sức bất lịch sự với khách và làm hạ cấp phụ nữ VN.
Người nào tham mưu hay thực hiện việc này thật hạ tiện!

 Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, mọi người đang ăn, mọi người đang đứng, mọi người đang ngồi và món ăn

@  Uy tín của mình ko ai làm mất được ngoài bản thân. Ko ai làm 

các người đẹp xấu hơn bằng hành động, phát ngôn của chính họ.


@ Nhưng người đẹp có dại miệng cũng không nguy hại bằng

nhiều người trẻ đang tung hô thần tượng anh Vẫn Ma.

Để cho người trẻ quen thói thần tượng là chuẩn bị cho tương lai một đất nước làm nô lệ!

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

Linh tinh lang tang (149)

@ "Chúng ta có nhiều thế mạnh, nhưng mạnh nhất là MẠNH AI NẤY LÀM"

@ “Những yếu tố đưa đến sự sụp đổ của các thiết chế xã hội trong lịch sử:
- Những tổn hại mà con người gây ra với môi trường
- Sự biến đổi khí hậu
- Quan hệ với các xã hội láng giềng thù địch
- Sự suy yếu của các đối tác thương mại thân thiện
- Cách đối phó của xã hội với những vấn đề mà họ đang gặp phải.” (trích)


Một trong những vấn đề của xã hội VN hiện nay là internet và mạng xã hội. Trong thời đại internet, mạng xã hội mở ra một môi trường tương tác dân sự, qua đó có thể thay đổi nhận thức và hành vi cá nhân, mang lại khả năng cải cách, đổi mới và thay đổi xã hội bắt đầu từ/bằng tri thức của cộng đồng. Nếu môi trường tương tác dân sự này bị xóa bỏ thì khả năng nhiều hơn là sẽ lặp lại việc sử dụng bạo lực “cướp chính quyền” khi cần phải thay đổi xã hội.

“Người ấy và em anh chọn ai?” 
Mà, sự chọn lựa nào cũng là một bước đi đến số phận.

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

@ GIẢ/DỐI
Trên một số báo Thời vụ, ra năm 1938, tác giả Tắt đèn viết: “Đọc báo hàng ngày, thỉnh thoảng lại thấy xã hội Việt Nam sản ra những bọn người giả. Giả mật thám, giả lính đoan, giả làm người của sở nọ sở kia. Hạng người nào cũng có kẻ giả, trừ ra một bọn ăn cướp.
Có lẽ trong các thực đơn của thế giới, không đâu có nhiều món giả bằng nước An Nam. Cũng thì một miếng thịt, người ta bầy ra đủ trò: nấu với tiết gọi là giả trâu, nấu với riềng mẻ gọi là giả cầy, nấu với hành răm gọi là giả chim, nấu với đậu nghệ gọi là giả ba ba, đốt đi rồi bóp với thính đỗ tương thì lại bảo là giả dê.
Đồ ăn là thứ sẽ ăn vào miệng, hễ qua hàm răng thì nó là lợn hay trâu, hay gì gì nữa, cái lưỡi sẽ biết tức thì, thế mà chúng ta cứ làm giả, thì có khác chi xúi giục nhau rằng: trên đời không có cái gì mà không giả được? Cái nạn nhiều hạng người giả cũng từ đấy mà ra”. *

Giả thì Dối! Vậy mới hiểu không phải tự nhiên mà những anh Khaisilk tồn tại lâu như thế!
(* theo Vương Trí Nhàn, 2007, http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/chuyen_gia_that.html)

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...