NHỮNG BIỆT PHỦ VÀ CON ĐƯỜNG “TÍNH TỪNG GIỜ MÁY XÚC”

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản và ngoài trời
Nguyễn Thị Hậu
Những năm gần đây tôi có dịp đi đến nhiều tỉnh miền núi phía bắc: Hà Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang… Tại đây, cũng như nhiều tỉnh thành khác, thành phố “thủ phủ” được xây dựng “hiện đại hóa” nhanh đến mức có thể không nhận ra diện mạo “vùng cao” nếu không có những dãy núi bao quanh.
Do quỹ đất dồi dào nên trong thành phố nào cũng có công viên trung tâm hay quảng trường mênh mông, tượng đài nghìn tỷ… Trụ sở cơ quan công quyền rất hoành tráng với kiểu dáng như Tây, cơ sở hạ tầng gồm những con đường rộng 8 làn xe có dải phân cách trồng hoa, cây xanh, vỉa hè rộng rãi có nơi được lát đá granit bóng loáng, nhà mặt tiền xây dựng kiểu cách, cửa hàng cửa hiệu phong phú đa dạng không thua gì Hà Nội. Những khu “dân cư mới” mọc lên, nhà liên kế, biệt thự nhà vườn san sát mà phần lớn là của quan chức và công chức.
Đây thật là điều đáng mừng cho “vùng sâu vùng xa” nếu như không có một quang cảnh khác hẳn, thậm chí đối lập khi chỉ cần ra khỏi thành phố chừng vài mươi cây số là có thể nhìn thấy. Đó là những xã, bản mà từ hạ tầng “điện đường trường trạm” đến đời sống dân cư nói chung như vẫn còn ở thập niên 60,70 của thế kỷ trước.
Hôm đầu tháng bảy chúng tôi đến một xã thuộc một tỉnh vùng trung du phía Bắc. Chính xác hơn nơi tôi đến là một xóm nhỏ có chừng hơn 20 nóc nhà và một điểm trường cấp Một. Xóm ở tách biệt với phần còn lại của xã bởi một cái hồ lớn, nước sâu hút chưa kể mùa lũ về thì mênh mông. Xóm nằm sát chân núi, từ bến đò chỉ có đường mòn ngoằn nghèo dốc ngược xuyên qua xóm nhưng không nối liền với nơi khác trong xã. Chỉ có cách đi thuyền máy qua hồ mất khoảng hơn một tiếng nếu trời yên sóng lặng, còn vào mùa mưa bão thì không ai dám mạo hiểm.
Các bạn tôi đã cùng nhau đóng góp tiền của để thuê máy xúc làm đường cùng với công sức của dân trong xóm. Sau gần ba năm có lúc tưởng chừng phải dừng lại vì chạy tiền không kịp, vì một vài thủ tục nhiêu khê… đến nay con đường đã hoàn thành: dài hơn 20km rộng khoảng 5m có nhiều đoạn phải làm cống, vắt vẻo sát chân núi trèo qua những đỉnh núi rồi nối với đoạn đường có sẵn bắt đầu từ trung tâm xã. Không chỉ vậy ngày mừng đường mới khách về chơi còn tặng cho điểm trường ở nơi hẻo lánh này một số dụng cụ sinh hoạt văn hóa, thể thao theo đề nghị của cô hiệu trưởng.
Xóm đã có điện nay có thêm đường, không thể nói hết niềm vui của người dân trong xóm và các cô giáo ở đây. Từ nay sinh hoạt của người dân, việc đi dạy đi học thuận lợi hơn rất nhiều, đặc biệt là vào mùa thu hoạch trái cây thì xe ô tô có thể vào tận xóm mua hàng, giá cả phù hợp hơn vì không mất nhiều thời gian và công sức thuê thuyền chở ra tận chợ. Tôi hỏi anh lái thuyền máy của xã:
- Chắc ngày nào anh cũng phải ra vào xóm này nhỉ?
- Không cô ạ, năm chỉ đôi ba lần, chủ yếu chở các sếp và khách khứa đi chơi hồ thôi.
- Sao vậy, thế cán bộ không thường vào xóm à?
- Họ chả vào làm gì…
Ừ, có lẽ vậy nên mong mỏi bao năm của dân về một con đường chẳng ai “thấu cảm”. Khi về chúng tôi đi qua Trụ sở Ủy ban xã, một tòa nhà 3 tầng khá mới, khang trang, phía trước là con đường đổ bê tông rộng rãi nhưng ít người qua lại. Ra khỏi xã đã là đường cao tốc, cầu vượt, và thành phố của tỉnh hiện đại như nhiều nơi khác…
Hiện nay có rất nhiều nhóm thiện nguyện đi đến những xã, bản khó khăn và giúp đỡ người dân bằng mọi cách tùy thuộc vào khó khăn từng nơi và nguồn đóng góp. Nhưng hầu như ở đâu cũng bắt đầu từ việc chăm lo cho các điểm trường và học sinh như xây trường học và nhà nội trú, tặng học bổng hay chi phí cho những bữa ăn cho học sinh, hay như nhóm bạn tôi làm một con đường… Lòng nhiều và của cũng không hề ít nhưng không ai tính đếm vì mọi người đều coi là việc cần làm “vì các con”.
Tôi tự hỏi, các quan chức – chủ nhân của “biệt phủ” lộng lẫy hoành tráng giữa rừng núi có bao giờ biết rằng đã những có mái trường, con đường, ngôi nhà ở ngay địa phương của các vị đang quản lý được xây nên từ những giọt mồ hôi, từ đồng tiền đóng góp có khi chỉ đủ cho “một giờ máy xúc” của những người mà thu nhập cả đời của họ cũng không thể xây được một góc nhỏ ngôi biệt phủ, nhưng họ vẫn dốc sức sẻ chia vì tình thương yêu và cả vì trách nhiệm với đồng bào của mình.
“Chỉ có súc vật mới quay lưng lại nỗi thống khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình”. Tôi ước gì câu nói này được khắc trên cánh cửa tất cả những ngôi biệt phủ của các quan chức nói láo không biết ngượng miệng khi “giải trình” về nguồn gốc những đồng tiền dơ bẩn và đen tối xây dựng nên biệt phủ.

TC Phụ Nữ Mới 7.2017
@ Mình yêu bạn Hà Phạm và những "đồng đội" tâm lành việc thiện thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Hơn nữa, tạp chí của bạn ấy đẹp và chất thế này, được đọc được viết cho nó cũng là một niềm vui đấy.
Đặt mua và chia sẻ cùng chúng mình 500 anh em nhé :)


Không có văn bản thay thế tự động nào.


MIỆNG NHÀ QUAN

TBKTSG hôm nay 27.7.2017


“Miệng nhà quan có gang có thép” là câu nói của dân từ xưa. Có gang có thép là lời nói ném ra ghê lắm, đe dọa chặt chém sắc bén lạnh lùng trấn áp gớm lắm… làm người nghe thấy phận mình như con sâu cái kiến, phải rùng mình sợ hãi mà len lét tránh xa rồi ngậm ngùi tự trách “sao mình lại gây chuyện với nhà quan làm gì cho khổ!”.

Tưởng sự đe dọa nỗi sợ hãi ấy chỉ có trong “văn chương hiện thực phê phán” trước 1945 với thân phận của những anh Pha, chị Dậu, lão Hạc, giáo Thứ…  Vậy mà ngày nay nhiều vị quan miệng “có gang có thép” như đã bước ra từ trang sách và có mặt không chỉ ở công đường mà cả ngoài đường phố nơi quán xá. Nhưng vào thời đại internet thì trong chốc lát lời nói hành vi “gang thép” của “quan phụ mẫu” đã tràn ngập trên truyền thông, nó không còn làm cho người ta sợ hãi mà trái lại gây ra sự bất bình và những phản ứng.

Vì sao nhiều quan chức của một nhà nước “vì dân” lại tự cho mình cái quyền có thể vi phạm quy tắc chung, vi phạm luật pháp, coi thường dân và trấn áp, đe dọa bằng lời nói và hành vi khi có người phản ứng hay thực hiện chức trách xử lý điều sai trái của quan chức?  Đó là vì những quan chức này không ý thức được họ đang sống trong thời đại nào, họ vẫn tư duy và hành xử như “quan phụ mẫu” ngày xưa, tuyệt đối hóa chức vị nên họ lạm dụng quyền thế trong mọi trường hợp, không thấy mình sai trái và nếu biết thì cũng dùng uy quyền để lấp liếm.

Dư luận qua báo chí và mạng xã hội những ngày vừa qua đã có thái độ phản ứng sự lạm dụng chức quyền của một vài vị có chức sắc (đương chức hoặc đã về hưu) không phải chỉ vì các vị vi phạm luật (có thể là vô tình và thật ra lỗi không lớn) mà chính là vì cách hành xử khi được chỉ ra sai phạm. Quát nạt chửi bới đe dọa đuổi việc người thi hành công vụ, lấp liếm cái sai, chụp mũ “bôi nhọ chính quyền” cho phản ứng của dân, “cái xảy nảy cái ung” vì ai cũng có thể mắc sai lầm nhưng thái độ nhận biết và sửa sai mới quyết định nhân cách của một con người.

Chức tước trước hết đó là trách nhiệm và đạo đức của quan chức, của cơ quan công quyền. Tiếc rằng nhiều quan chức, công chức chỉ coi đó là quyền lợi: lợi về vật chất (thu vén, vơ vét tài sản công biến thành tư) và lợi về tinh thần (có quyền đứng trên dân, trên pháp luật). Sự bất bình đẳng trong tiến trình phát triển một xã hội thoát ra từ kinh tế bao cấp ngày càng phổ biến và sâu sắc chính là từ tình trạng tham nhũng của quan chức, nhất là sự “tham nhũng quyền lực”. Khi chính quyền coi quyền lực là “tài sản” lớn nhất thì xã hội bất ổn, tha hóa và nảy sinh nhiều nguy cơ.

Sự bất ổn dẫn đến tha hóa trong xã hội từ hiện tượng nhiều người có hành vi xấu, và cũng như quan chức họ cậy mình là đại gia, có thân có thế, có tiếng có tăm nên sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ hay ăn hiếp người yếu thế. Rồi có người vi phạm luật pháp nhưng liều mạng kiểu Chí Phèo gây nguy hiểm cho chính mình và cho người khác mà không ai dám can thiệp, vì đã thấy người thực hiện đúng chức trách đúng pháp luật lại bị coi là có tội vì “thiếu tế nhị”, là “cố tình bôi nhọ” chính quyền... Biến “nạn nhân” thành “tội đồ” là đánh tráo sự thật nhằm bao che, thậm chí ngụy biện cho những hành vi sai trái của quan chức. Một quan chức không phảỉ là chính quyền nhưng người dân nhìn và đánh giá chính quyền qua lời nói hành vi của từng quan chức.

Xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân đâu cứ phải theo khái niệm “chủ tớ, nô bộc” của thời phong kiến. Bởi vì có xã hội nào mà “đầy tớ, nô bộc” lại ít hơn “ông chủ” về số lượng nhưng giàu hơn nhiều lần về tài sản và sẵn sàng ném vào “ông chủ” những lời “gang thép”? Xây dựng một “chính phủ kiến tạo” không thể không bắt đầu từ đạo đức công chức thể hiện qua mỗi lời nói hành vi, từ việc chính quyền tạo ra, điều hành và thực thi công bằng xã hội bằng sự công minh.

Sài Gòn 22.7.2017

 Nguyễn Thị Hậu





Bảo tồn di sản đô thị: rất cần sức ép dư luận từ cộng đồng

Trước tình trạng một số di sản đô thị ở TP. HCM đang biến mất nhanh chóng hoặc “lọt thỏm” và dần bị “bức tử” bởi các khu đô thị mới, TS. Nguyễn Thị Hậu cho rằng, chỉ khi ý thức cộng đồng được nâng cao mới có thể tác động và buộc nhà quản lý phải có động thái gìn giữ di sản.

Đó là một trong những quan điểm của TS. Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng thư ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về thực trạng không ít di sản đô thị tại TP.HCM như khu Ba Son, đường Đồng Khởi, đường Nguyễn Huệ, cảnh quan ven sông, biệt thự … đang biến mất hoặc bị biến dạng. Trao đổi với các chuyên gia, học giả và công chúng tại tọa đàm “Bảo tồn di sản đô thị trong quá trình hiện đại hóa” do Tia Sáng tổ chức ngày 3/7, TS Nguyễn Thị Hậu đã chỉ ra, phong trào bảo vệ di sản từ phía cộng đồng cư dân có ảnh hưởng gần như mang tính quyết định tới các nhà quản lý trong các trường hợp như Thương xá Tax hay quần thể di tích ở khu vực Chợ Lớn, và vì vậy sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản đô thị.
Tư duy “một chiều”
Theo TS. Nguyễn Thị hậu, bảo tồn di sản đô thị ở TP. HCM gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn giữa lợi ích từ phát triển kinh tế với mục tiêu gìn giữ di sản. Các nhà đầu tư và giới quản lý chỉ nhìn đô thị dưới một khía cạnh, đó là giá trị kinh tế mà quên đi TP. HCM là tổng hòa của bốn đặc trưng quan trọng: “một đô thị sông nước, một trung tâm kinh tế, một đô thị của sự đa dạng văn hóa và là đô thị được quy hoạch và xây dựng theo kiểu phương Tây. Chính tư duy này có thể “ép” những di sản đang còn “sống” đứng trước nguy cơ biến mất chỉ trong “ngày một ngày hai”. Bởi vì nhiều di sản đô thị chỉ được bảo tồn đơn lẻ (trong khi đó, di sản đô thị cần phải được bảo tồn mang tính hệ thống), bị nhiều nhà đầu tư lớn “gửi chân” và dần dần “thâu tóm” các di sản để xây dựng các công trình hiện đại.
Nguyên nhân thứ hai đến từ nhận thức của giới quản lý đô thị - chưa đánh giá đúng vai trò của di sản đô thị ở các giai đoạn lịch sử cũng như có cái nhìn “một chiều” về các thời đại lịch sử khác nhau. “Ở TP. HCM có hai kiểu tâm lý khá phổ biến là chỉ những thứ ‘cổ’ từ thời Lý, Trần, Lê mới quý, còn thời Nguyễn cũng ‘không là gì’ và phân biệt ‘di sản của ta/ không phải của ta’. ‘Ta’ ở đây có thể là người Việt, hay của những người vào Sài Gòn sau năm 1975. Tâm lý không đặt mình vào vị trí của người khác đó rất nguy hại cho việc bảo tồn di sản đô thị”, TS. Nguyễn Thị Hậu nói.
Mặt khác, một số quy định luật pháp nói chung và cơ chế quản lý đất đai nói riêng hiện nay đang khiến việc bảo vệ di sản trở nên khó khăn hơn. “Ví dụ, di sản là của ai? của chính quyền quản lý hay của nhà đầu tư? Hay của cộng đồng dân cư. Về lý thuyết, cụm từ ‘sở hữu toàn dân’ là một khái niệm rất mênh mông, trừu tượng và dễ bị lợi dụng”, TS. Nguyễn Thị Hậu nói. Đồng tình với ý kiến này, TS. Vũ Hoài Đức, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng: “Sẽ khó lòng bảo vệ được di sản, bởi vì về mặt luật pháp, chỉ có di tích lịch sử đã được xếp hạng mới được bảo vệ. Do đó, các khái niệm văn hóa như di sản, di tích cũng cần phải được làm rõ dưới khía cạnh luật pháp”.
Tiếng nói của cộng đồng
Trước thực trạng đó, TS. Nguyễn Thị Hậu cho rằng, việc cấp thiết hiện nay là phải giữ được các vùng “lõi” di sản đô thị ở TP. HCM, tránh tình trạng “cáo gửi chân”, mượn danh nghĩa tiếp tục gìn giữ di sản nhưng lại “âm thầm” xóa bỏ di sản. Để làm được điều đó, chỉ có thể kỳ vọng vào sức mạnh, sự lên tiếng của cộng đồng, một trong bốn tác nhân tác động lên di sản đô thị gồm cộng đồng, chuyên gia, nhà quản lý và nhà đầu tư. “Ý thức [bảo tồn di sản] của cộng đồng càng lớn thì nhà quản lý đô thị càng chịu sức ép phải có trách nhiệm với di sản”, TS. Nguyễn Thị Hậu nói. Bà dẫn chứng về thực tế từ những năm 2010 tới nay, tiếng nói và vai trò của cộng đồng ngày càng có sức mạnh trong việc đồng thuận hay phản đối những dự án liên quan đến di sản văn hóa. Ví dụ như trường hợp quần thể di tích ở khu vực Chợ Lớn và các công trình nhà thờ công giáo cho thấy vai trò của cộng đồng, bao gồm người dân và các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc duy trì đời sống, sinh hoạt liên quan đến các công trình hay cảnh quan di tích.
Nhà văn, kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý, người từng viết nhiều tản văn về đời sống đô thị Hà Nội cho rằng, bộ mặt di sản đô thị đang dần biến đổi, khó lòng giữ được “nguyên trạng nguyên si” bất kỳ một đô thị nào. Anh cũng đặt niềm tin ở cộng đồng, chính các nhóm dân cư khác nhau, đặc biệt là nhóm người trẻ trong đô thị sẽ tiếp tục “chế tạo di sản” hoặc tự quy hoạch những khu vực nhở và giữ được “phần hồn” của di sản đô thị.  
TS. Nguyễn Thị Hậu và nhà văn Nguyễn Trương Quý trao đổi tại tọa đàm ngày 2/7/2017 tại Hà Nội

NGỒI Ở SÂN BAY




Nguyễn Thị Hậu 

Trong những chuyến đi tôi thường đến sân bay sớm và ngồi chờ đến giờ bay. Tâm lý đi tàu xe thời bao cấp làm cho tôi có thói quen luôn sợ trễ giờ. Bây giờ người đi máy bay cũng đông như đi xe đò nên càng củng cố thêm thói quen đó, dù máy bay lại hay trễ giờ hệt như xe đò ngày xưa.

Những năm 80 của thế kỷ trước khách đi máy bay phần lớn là quan chức, công chức và du khách nước ngoài, dân thường ít có dịp đi máy bay vì chỉ có một hãng VNA, vé đắt và thủ tục khó khăn. Ngày ấy mua vé máy bay đi công tác ngoài chứng minh thư còn phải có công văn, công lệnh của cơ quan, có khi còn phải thêm vài chữ viết tay “phê duyệt” ở dưới. Xếp hàng cả ngày đến lượt lại hết vé đúng ngày mình cần đi, về và phải đang ký “vé chờ” xem có ai không đi thì mình “lấp chỗ trống”, đương nhiên sẽ đắt hơn. Sau này mới biết có những “vé chờ” là vé dự phòng cho khách VIP hoặc “tiêu chuẩn” của “người trong ngành”, thế nên có người nhà làm ở hàng không “oai” hơn người làm ngành thương nghiệp. Nếu nhà ở xa có việc hiếu hỉ thì phải nhờ cậy qua mấy lượt người quen để mua vé máy bay trong khi vẫn phải chầu chực mua vé tàu Sài Gòn – Hà Nội vì không chắc có vé… Cũng là tình trạng chung của thời bao cấp, việc gì cũng phải “nhất thân nhì quen” vì thiếu thốn và thói cửa quyền phổ biến.

Đi ra sân bay cũng vất vả không kém. Ở Sài Gòn sân bay gần thành phố nhưng ít taxi, xe bus không có, phải nhờ người nhà chở ra sân bay bằng xe máy cồng kềnh túi xách, ba lô. Từ Hà Nội đến sân bay Gia Lâm hay sau này là Nội Bài chưa có đường cao tốc, xe ca “Hải Âu” của hàng không đi con đường qua làng xóm và những ruộng lúa ruộng rau, ổ gà ổ trâu xóc nảy tung người, chưa lên máy bay đã có người say xe xanh mặt.
Ở sân bay nghe tiếng loa thông báo cũng lạ, thấy cánh cửa tự động đóng mở cũng sợ, nhìn sàn nhà lau bóng loáng cũng ngại… Ít người có thái độ tự tin và tự nhiên, phần lớn ai trông cũng bối rối, tồi tội. Nhà ga thời đó khá yên tĩnh, chỉ thỉnh thoảng rộ lên khi có chuyến bay đến hay khi có đoàn người đi xuât khẩu lao động kéo theo những người đưa tiễn. Người đi người tiễn đều rụt rè và nhếch nhác dù xung quanh là vali hòm xiểng mới toanh.

Chừng từ đầu những năm 2000 (“Sài Gòn cô tiên năm hai ngàn” – lời hát của thiếu nhi như một ước mơ của thời ấy) đi lại bằng máy bay dễ dàng hơn: nhiều chuyến bay tuy giá còn cao nhưng dân đi lại thuận tiện hơn.  Rồi hàng không giá rẻ cạnh tranh, rồi đại lý vé máy bay có khắp các tỉnh thành… Mua vé, thậm chí vé đi nước ngài cũng chỉ cần alo hay lên mạng tìm kiếm, ưng giá vé thì có người mang đến tận nhà mới lấy tiền, đổi trả dễ dàng miễn bù thêm tiền. Nhiều người đi công việc bằng máy bay như đi chợ, sáng Sài Gòn trưa Hà Nội tối đã lại Sài Gòn. Nhiều tỉnh nhỏ cũng xây sân bay, đi Côn Đảo, Phú Quốc không còn phải lo lắng vì thời tiết xấu biển động… Việc đi máy bay dễ dàng như đi xe lửa, xe đò.

Nhưng trong khi bến tàu xe trở nên sạch đẹp xe chạy đúng giờ hơn thì sân bay bắt đầu giống bến xe đò xe lửa hồi nào, dù ngày càng to hơn và máy bay là phương tiện thông dụng hơn cho mọi người. Lượng hành khách tăng vọt nhưng cơ sở vật chất phục vụ và nhà ga thay đổi chậm chạp, nơi đưa đón hay phòng chờ lên máy bay luôn quá tải, đông đúc và lộn xộn nhất là khi tình trạng delay phổ biến. Người đi máy bay thì tay xách nách mang đồ đạc lỉnh kỉnh túi bọc, ngoài thói quen còn do ngại gửi hoặc không gửi vì quá cân cho phép, nhất là hành khách đi máy bay giá rẻ. Khi qua cửa an ninh vừa mất thời gian vừa hay nhầm lẫn… 

Nếp sống văn minh nơi công cộng chưa phổ biến ở sân bay. Bây giờ người ta không còn e ngại mà thoải mái gác chân lên ghế, nằm ngồi ngổn ngang như chốn không người, quát nạt gọi nhau ơi ới như ngoài chợ… Và phải xếp hàng thì vẫn chen chúc: chen lên rồi chen xuống dù thế nào cũng được lên máy bay và ai cũng đã có chỗ ngồi, đến nơi thì ai cũng phải ra khỏi máy bay…  Lên máy bay thì tùy tiện đổi chỗ để “ngồi cạnh người nhà” – nhất là khách các đoàn du lịch – làm cho việc sắp xếp hành khách, hành lý chậm chạp và bất tiện. Điện thoại cứ sử dụng bất kể tiếp viên đã nhắc nhở mà có phải chuyện gì khẩn cấp đâu… 

Nên chăng ở nơi công cộng, nhà ga và thậm chí trên máy bay, xe lửa xe đò nên dán lời nhắc nhở “Đề nghị quý khách nói vừa đủ nghe” bên cạnh một số lời nhắc đã có như “không xả rác bừa bãi” hay “đề nghị xếp hàng”… Các công ty du lịch và hướng dẫn viên cần phổ biến quy tắc ứng xử nơi công cộng đến du khách, thường xuyên nhắc nhở, giải thích và điều chỉnh những hành vi không phù hợp của du khách. Chúng ta cứ chê bai du khách TQ nhưng thực sự nhiều du khách Việt cũng không khác.

Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ở các đô thị, trong đó có các phương tiện giao thông cần đi cùng việc giáo dục ý thức và phổ biến quy tắc, cách thức sử dụng vì phần lớn người dân chưa biết cách sử dụng cho phù hợp, không phải ai cũng biết thích nghi nếu không học hỏi và được nhắc nhở thường xuyên. Đồng thời, không chỉ người sử dụng mà cả người quản lý cũng phải thay đổi tư duy, phương thức điều hành. Nếu cứ giữ tư duy và trình độ “đi xe đạp” thì không thể sử dụng hay điều hành hệ thống phương tiện hiện đại như BRT, Metro hay máy bay… mang lại hiệu quả tốt.
Sài Gòn 7.2017




Nghĩ ngợi đường xa trên báo SGGP


Trong giới nghiên cứu, cái tên Nguyễn Thị Hậu rất quen thuộc, mọi người còn đặt cho chị cái tên thân thiết là “Hậu khảo cổ”. 

Cái tên này không chỉ để phản ánh chuyên môn, một tiến sĩ khảo cổ học, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng thư ký Hội Sử học TPHCM, mà còn thể hiện một niềm đam mê lớn của chị: đam mê về những giá trị của các di sản, các công trình liên quan đến lịch sử. Những đam mê đó được chị thể hiện rõ nét qua cuốn tùy bút, tản văn mới nhất có nhan đề Nghĩ ngợi đường xa vừa ra mắt bạn đọc. Sách do NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM xuất bản đầu tháng 7-2017.

Nghĩ ngợi  đường xa ảnh 1
Với bạn đọc, nếu mới chỉ đọc những tùy bút, tản văn đầu tiên của cuốn sách, có thể sẽ dễ nhầm lẫn đây là một cuốn sách viết về Sài Gòn xưa vốn xuất hiện khá nhiều thời gian qua. Tuy nhiên càng đọc, bạn đọc sẽ càng thấy rõ sự khác biệt của tác phẩm. Cuốn sách chia làm hai phần, phần đầu có nhan đề Mưa nắng Sài Gòn viết về TPHCM, về con người, về những sở thích, những nét đặc trưng của đời sống nơi đây. Nhưng khác với các tác giả viết về Sài Gòn - TPHCM, khác thường là những người sống với TPHCM từ khi còn bé thơ cho đến hiện tại, tác giả Nguyễn Thị Hậu lại sinh ra ở Hà Nội, mãi đến năm 17 tuổi, vào tháng 5-1975 mới vào sinh sống tại TPHCM. Chính vì vậy, hồi ức về vùng đất Sài Gòn - TPHCM của chị tuy thiếu đi cái chất kỷ niệm ấu thơ nhưng lại đầy đặn hơn khi hoài niệm về quá khứ dựa trên những công trình, những di sản vật chất dưới góc nhìn của một nhà sử học. Đó có thể là những nhà lồng chợ quen thuộc một thời, những quán bán bún bì cắt bằng tay giờ không còn nữa, là chợ thiệp bên cạnh Nhà thờ Đức Bà mà đến tận đầu những năm 2000 vẫn còn tồn tại, là những con phố chật hẹp bên cạnh đường ray tàu hỏa xuyên giữa TP…

Phần hai của sách mang tên Khóc một dòng sông, khác với phần đầu nhiều kỷ niệm, phần hai nhìn TP dưới góc nhìn của một chuyên gia về lịch sử. Nếu bạn đọc tinh ý, có thể thấy ở phần một, tác giả dùng thuật ngữ Sài Gòn làm chính bởi những chi tiết, di sản, con người được tác giả nhắc đến đều dưới góc độ quá khứ, nó có thể vẫn tồn tại hay chỉ còn là hoài niệm nhưng tựu trung là phản ánh một vùng đất xưa kia. Ngược lại ở phần hai, đôi khi vẫn những công trình kiến trúc đó, tác giả dùng là TPHCM, bởi đó là hiện tại, là tương lai.

Nguyễn Thị Hậu nổi tiếng trong giới nghiên cứu một phần chính là ở các công trình liên quan đến bảo tồn và phát triển di sản văn hóa đô thị. Các bài viết của tác giả ở phần này cũng xoay quanh những vấn đề đó: làm sao để có thể giữ gìn những di sản lịch sử của một đô thị hàng trăm năm tuổi nhưng không biến điều đó thành chướng ngại cho sự phát triển? Làm sao để bảo tồn và phát triển đồng hành cùng nhau thay vì là kẻ thù của nhau?... Trong bài viết được lấy làm nhan đề sách, tác giả thông qua cách mà những đô thị lớn ở châu Âu đã làm để vừa duy trì các kiến trúc cổ đại diện cho quá khứ vừa đảm bảo cho những kiến trúc mới tiêu biểu cho tương lai. Đó là những bài học kinh nghiệm mà một đô thị đang tràn trề sức sống như TPHCM có thể học hỏi, tham khảo.

Nghĩ ngợi đường xa để lại chút suy tư cho bạn đọc. Đường xa nhưng điều nghĩ đến lại ở gần sát bên, là những gì thời sự nhất, là những chuyện diễn ra hàng ngày trên những con đường đi làm, qua những bài tranh luận về bảo tồn và phát triển trên báo… Bạn đọc có thể thích hay không thích những suy tư, những kiến nghị của tác giả, nhưng quan trọng nhất là cả tác giả và bạn đọc của cuốn sách đều là nghĩ đến Sài Gòn - TPHCM với những mong muốn tốt đẹp nhất cho mảnh đất này.

Tạp văn Sài Gòn và ý tưởng hòa giải từ di sản...

Nghĩ ngợi đường xa, tập tạp văn mới nhất của TS Nguyễn Thị Hậu có nhan đề gợi những chuyến đi xa, nhưng buổi ra mắt sách chiều 9-7 lại được các bạn đọc dẫn dắt để cùng gặp nhau trong dòng tâm sự về Sài Gòn...

Khách mời cùng dẫn chuyện cho buổi ra mắt sách là nhà văn Nguyễn Đông Thức – một cư dân Sài Gòn nặng tình với những trang viết. Ông kể lại một kỷ niệm về buổi khởi đầu viết lách của cô Nguyễn Thị Hậu mà theo ông là “đã làm bớt đi một nhà văn nữ nhưng bổ sung cho Sài Gòn một tiến sĩ khảo cổ với lợi thế viết tạp văn và các bài nghiên cứu đầy trách nhiệm”.
Và trong hai phần nội dung của tập Nghĩ ngợi đường xa, nhà văn Nguyễn Đông Thức cho rằng ông thích phần hai bao gồm những câu chuyện về bảo tồn di sản Sài Gòn – một đô thị từng hiện đại sầm uất và có bề dày văn hóa dẫn đầu khu vực. Thế nhưng, thành phố ấy “đang bị huỷ hoại hàng ngày bởi việc đô thị hoá đầy tính thực dụng của những cái đầu thiển cận...”, ông chia sẻ trên trang cá nhân khi nhắc đến tập sách này. 

Có những con số từ tập sách được nhiều bạn đọc tại buổi ra mắt sách chú ý, như 40% biệt thự của Sài Gòn cũ nay đã bị phá huỷ hoàn toàn, và đa số biệt thự cũ đang được sử dụng không đúng với công năng...
Điều này gợi lại cho cộng đồng bạn đọc đang có mặt về “chiến dịch” lên tiếng đòi bảo tồn Thương xá Tax trong mấy năm trước mà TS Nguyễn Thị Hậu là tiếng nói quyết liệt nhất. “Nay thì Thương xá Tax bị đập, tiệm cà phê Givral cũng không còn, và cô Hậu mang những nỗi đau đó vào trang viết...”, nhà văn Nguyễn Đông Thức nói trong ngậm ngùi.

Và chính tác giả Nguyễn Thị Hậu cũng tâm sự rằng cái nhan đề Nghĩ ngợi đường xa chính là một phần suy nghĩ của cô, từ những chuyến đi xa nhớ về Sài Gòn và khi ở Sài Gòn nghĩ đến những đất nước xa xôi. Rằng mai đây Việt Nam và Sài Gòn còn những gì là di sản? Và hệ thống di sản ở thành phố nào được bảo quản tốt thì thành phố ấy sẽ luôn phát triển cả về kinh tế và tinh thần của người dân. Bởi những cư dân ở đây không bị mất ký ức của mình với thành phố - nơi gắn bó với từng thế hệ con người chứ không đơn thuần chỉ là một nơi cư trú.

Nhiều bạn đọc chia sẻ ý kiến rằng cho đến nay Sài Gòn vẫn là mảnh đất dung hợp nhiều cư dân từ các vùng miền khác đến sinh cơ lập nghiệp. Những người lớn tuổi có ký ức với Sài Gòn nên thương tiếc những di sản bị phá bỏ hay hư hại đã đành, có cả những người trẻ vừa đến Sài Gòn không lâu cũng dường như cảm thấy nơi này chính là chỗ dành cho mình, họ tha thiết muốn giữ gìn những giá trị di sản từ vật chất đến tinh thần của mảnh đất này... Đồng ý với nhận xét đó, TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng ngoài đặc điểm là vùng đất của những cơ hội để nhiều người tìm kiếm thành công và an cư lạc nghiệp, cảm tình của người nhập cư đối với Sài Gòn còn có một lý do: Họ bị thuyết phục bởi cư dân và đời sống ở đây, bị thuyết phục bởi chính người Sài Gòn, cảm giác an tâm, đời sống thoải mái, các mối quan hệ và cảm tình, lượng tri thức thu nhận được qua giao tiếp, công việc... đó là những yếu tố làm nên sức mạnh níu kéo những “người xa xứ” một khi đã “đến đây thì ở lại đây” không chỉ trong quá khứ mà còn liên tục đến hôm nay.

Thế nên, những ai càng nặng tình với Sài Gòn càng thấy câu chuyện bảo vệ giá trị di sản ở đây là rất bức thiết. “Có những thứ đến nay không còn giữ được nữa rồi, như Ba Son, như hai bùng binh Nguyễn Huệ và bùng binh chợ Bến Thành. Rồi mai đây cái từ “bùng binh” đậm chất Sài Gòn liệu có còn ai hiểu một khi thực thể của khái niệm ấy không còn trong đời sống”, TS Hậu lo lắng.
Quan trọng hơn, nhìn từ lịch sử, TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng việc đấu tranh bảo tồn di sản ở Sài Gòn “chính là con đường hòa giải với quá khứ, bởi ký ức của người dân gắn với các di sản đô thị ở đây, nếu chúng ta không đủ trân trọng, không gìn giữ được các giá trị này, ký ức của người dân bị tổn thương, và như vậy thật khó để nói rằng ta đang hòa giải với quá khứ. Đừng để con cháu chúng ta phải trùng tu những gì ông cha đã phá”, bà nhấn mạnh.
Lam Điền

Trong hình ảnh có thể có: 3 người

MẸ CON VÀ BỮA CƠM


Ngày còn nhỏ ở nông thôn, đi học về có thể theo bạn vào xóm ra làng hay lang thang trên đồng ngoài bãi. Mải chơi nên hay về muộn, cả nhà ăn cơm rồi nhưng mẹ vẫn chờ, ngồi ăn cùng con chỉ để nhắc con gái ăn uống phải từ tốn, xong bữa nhớ dọn dẹp bếp núc gọn gàng. Cũng có bữa ăn bị mẹ mắng vì một lỗi lầm nào đó, nước mắt chan cơm nhưng nhớ đời từ đó về sau không bao giờ tái phạm.
Lớn lên, mấy anh em đi đâu thì đi cũng phải có đứa về sớm, sợ “mẹ chờ đứa nào về ăn cho vui”. Con gái đi lấy chồng may mà anh trai đã lấy vợ, mâm cơm của mẹ có thêm chị dâu ngồi cùng. Bữa ăn có mẹ có con trở thành nền nếp gia đình…
***
Mấy hôm nay truyền thông xôn xao vụ án mà bị cáo là cô gái trẻ đã bị tạm giam gần hai năm, nguyên cáo là một người đàn ông đã có gia đình và thành đạt. Họ lôi nhau ra tòa vì “tình – tiền”, kết quả thế nào chưa biết nhưng có một điều chắc chắn là hậu quả của vụ án này không chỉ hai con người đã trưởng thành kia lãnh chịu mà gia đình họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Tôi không biết gì về hai người mẹ của hai “nhân vật chính” trong vở bi hài kịch vừa diễn ra, nên tôi thử đặt mình vào vị trí của họ khi nghĩ đến bữa cơm của hai gia đình. Người mẹ nào chẳng muốn được ăn cơm cùng với con và chuyện trò vui vẻ, khi con lập gia đình có thể ở riêng nhưng bữa ăn vẫn là khoảng thời gian cha mẹ nhớ đến con, vui cùng con những thành công và buồn rầu, thậm chí mất ăn mất ngủ khi con gặp điều không may.
Gần hai năm không có con gái ăn cùng, có bữa cơm nào người mẹ ấy không nghĩ về con? Nghĩ cách cứu con ra khỏi nơi nó đang phải ở, nghĩ về những gì đã xảy ra, về cuộc sống của con trước đó… Khi nghĩ về người đàn ông có quan hệ mật thiết với con gái mình có lẽ bà chỉ còn nhìn thấy hành xử cạn ráo lạnh lùng hiện nay mà quên đi những nồng nàn và lợi lộc anh ta đã mang lại cho con gái bà.
Gần hai năm gia đình nhỏ của người đàn ông chông chênh bên bờ vực, có bữa cơm nào người mẹ không nghĩ đến hạnh phúc của con trai, gia sản của con và các cháu nội của bà, nghĩ đến cô gái là “người thứ 3” của gia đình con trai hẳn bà không thể nào dành cho cô một chút tình cảm.
Nuôi dạy con thành trai tài gái sắc, thành đạt giỏi giang, chắc hai người mẹ đã phần nào yên tâm và tự hào. Nhưng bây giờ thấy những gì con làm, nghe những gì người ta nói về con mình làm sao hai người mẹ ấy không đau đớn? Lòng mẹ yêu con ai cũng thấy con mình đúng nhưng nếu thử đứng về người mẹ bên kia, nếu thử nhìn sự việc như xã hội đang nhìn? Không thể trách dư luận xã hội khi con cái mình quan niệm lối sống sai lầm: có vợ con rồi vẫn bồ bịch “bao tiêu”, là người đẹp nên “có quyền” đòi hòi đàn ông chu cấp tiền bạc, chưa kể những việc đang lộ dần qua phiên tòa… Con ngã mẹ đau hơn vạn lần, đau nỗi đau của con, đau nỗi đau của mẹ đã không nhìn thấy và uốn nắn con kịp thời…
Vụ án đang tạm dừng vì có thêm nhiều thông tin mới. Sự thật sẽ sớm được tìm ra. Mong rằng trong những ngày tạm yên cả hai nhà đều có bữa cơm có mẹ có con, chắc hẳn chưa thể vui vẻ, có khi còn nặng nề nữa, “trời đánh tránh bữa ăn” nhưng bữa cơm cũng là lúc mẹ con dễ dàng nói chuyện với nhau, để giãi bày để khuyên nhủ… Hy vọng cuộc sống tiếp theo của những đứa con không làm hai người mẹ ấy phải buông đũa thở dài “con dại cái mang”…
***
Nhưng cũng trong những ngày này có một người mẹ sẽ phải xa con gái 10 năm nữa. Còn bao nhiêu bữa cơm mà bà vắng con cháu thơ vắng mẹ? Dù có đạm bạc đến đâu, dù bị o ép đến đâu thì bữa cơm của ba bà cháu vẫn ấm áp vì sự gắn bó, vì được nhiều người âm thầm chia sẻ, vì tuy rất xót xa nghĩ đến người vắng mặt nhưng bà luôn thương yêu và tự hào vì lẽ phải mà con gái đang làm.
Cũng là người mẹ, tôi thấy mình nợ gia đình chị Như Quỳnh bữa cơm đoàn tụ bà cháu mẹ con đầm ấm bên nhau!
Sài Gòn 30.6.2017

MỜI CÁC BẠN THAM DỰ BUỔI TRÒ CHUYỆN Ở HÀ NỘI

http://tiasang.com.vn/-tin-tuc/TS-Nguyen-Thi-Hau-noi-chuyen-ve-bao-ton-di-san-do-thi-trong-qua-trinh-hien-dai-hoa--10767

TS Nguyễn Thị Hậu nói chuyện về bảo tồn di sản đô thị trong quá trình hiện đại hóa
26/06/2017 15:32 -
Một thành phố hiện đại cần được xây dựng từ sự hiểu biết và trân trọng quá khứ, và sự hiện hữu của di sản văn hóa sẽ luôn đảm bảo cho tương lai bền vững của nó.

TS. Nguyễn Thị Hậu (ảnh NVCC).

Tiến trình đô thị hóa ở Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng không phải là một đường thẳng, bằng phẳng với xu hướng tích cực mà như con đường bị đào xới và dựng nhiều “lô cốt” làm phát sinh không ít những vấn đề nan giải, đòi hỏi các nhà quản lý đô thị phải có tầm nhìn và chính sách để “phát triển bền vững”. Một trong những vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để xây dựng thành phố văn minh hiện đại nhưng không mâu thuẫn với việc bảo tồn những di sản văn hóa của đô thị?
Thực trạng “hiện đại hóa” ở các đô thị bằng cách xóa bỏ những dấu tích xưa cũ là “hồn cốt” của các đô thị diễn ra dồn dập trong nhiều năm gần đây đã gióng lên tiếng chuông báo động: di sản văn hóa vật thể không được bảo tồn thì di sản văn hóa phi vật thể cũng không thể duy trì. Dấu tích xưa cũ không còn thì ký ức, tình cảm con người đối với đô thị không thể lưu truyền mãi mãi.
Từ đầu những năm 2000 đến nay, mâu thuẫn này càng gay gắt: giữa “phát triển” hay “bảo tồn” di sản, giữa lợi ích “tiền trao cháo múc” của nhà đầu tư hay lợi ích “giá trị tinh thần” lâu bền của cộng đồng, về vai trò “làm chủ” đô thị - của chính quyền hay cộng đồng?
Để giải quyết mâu thuẫn này, phải trở về xuất phát điểm: di sản đô thị của ai? Của chính quyền, của nhà đầu tư hay của cộng đồng? di sản văn hóa là của riêng thành phố hay của cả nước? Trả lời câu hỏi này là thể hiện nhận thức và quan điểm về bảo tồn di sản một cách rõ ràng, đồng thời thể hiện cái tâm và cái tầm của nhà quản lý. Bài học của thế giới là “di sản đô thị” là của cộng đồng, nó là nguồn vốn xã hội quan trọng và cần được sử dụng, “đầu tư” để phát triển đô thị theo chiều kích lịch sử. Từ đó hình thành, xây dựng những thế hệ con người/cộng đồng dân cư mang tâm thức và lối sống của đô thị. Có con người đô thị mới bảo tồn và phát triển di sản văn hóa đô thị và ngược lại.
Trong buổi nói chuyện “Bảo tồn di sản đô thị trong quá trình hiện đại hóa”, TS Nguyễn Thị Hậu [1] sẽ phân tích những mâu thuẫn trên từ trường hợp Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, một đô thị đứng trước những thách thức khó khăn quá lớn trong việc bảo tồn di sản văn hóa đô thị.
Buổi nói chuyện do Tia Sáng tổ chức trong khuôn khổ chuỗi hoạt động thường kỳ đưa khoa học và nghệ thuật đến công chúng.
Thông tin chi tiết:
Thời gian: 14h30, thứ Hai ngày 3/7/2017.
Địa điểm: Café Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Vào cửa tự do.

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...