Vài phim mới xem: Hoàng tử bé


(Phim hoạt hình Pháp của Đạo diễn Mark Osborne, chiếu tại Viện Văn hóa Pháp Idecaf TP. Hồ Chí Minh)

Thú thật, tôi chưa từng đọc hết cuốn truyện mỏng của Antoine de Saint-Exupéry dù rất nhiều lần bắt đầu, dù đọc bằng bản dịch của những người khác nhau trong đó có bản của Bùi Giáng được nhiều người khen ngợi nhất. Hình ảnh bầu trời đêm đầy sao hay hành tinh nhỏ bé xanh mướt là hình ảnh yêu thích nhưng cứ đọc được một nửa thì tôi không thể tiếp tục nữa…
“Hoàng tử bé” có lẽ sẽ mãi là một “món nợ” của tôi đối với văn học nói chung và văn  học Pháp nói riêng. Bộ phim hoạt hình “Hoàng tử bé” của Pháp đã giúp tôi trả được món nợ này, một cách trọn vẹn.

Bộ phim đan xen giữa hiện tại của một cô bé “không có tuổi thơ” vì phải học, học và chỉ có học do những kỳ vọng của cha mẹ và câu chuyện về Hoàng tử bé của ông già từng là phi công mà lối sống kỳ cục khác những người xung quanh. “Không phải là trưởng thành mà là sự lãng quên” –  bi kịch lớn nhất của con người thời hiện đại. Ai cũng phải lớn lên và trưởng thành, nhưng quên lãng những tưởng tượng trong trẻo, đẹp đẽ mặc dù có vẻ phi lý đã làm cho con ngươi chết lâm sàng trong sự bận rộn và nhàm chán cả cuộc đời.

Khi Hoàng tử bé ngạc nhiên thấy trái đất có cả vườn hồng và buồn bã vì bông hồng của mình không là “duy nhất” thì cô bé nói: bông hồng trên hành tinh nhỏ xíu xa xôi kia là duy nhất của cậu, vì nó đã hiện diện ở nơi đấy để làm bạn với cậu... Ồ, người lớn luôn chỉ nhìn thấy “những bông hồng” nên rất ít người có thể tự hào nói với người khác và tự nhắc nhở rằng “đó là bông hồng duy nhất của tôi!”.
Chuyện cổ tích nào cũng phải kết thúc, Hoàng tử bé lại về với hành tinh bé nhỏ của mình, cô bé kết thúc kỳ nghỉ hè và chuẩn bị đến trường nhưng cuộc sống của hai mẹ con cô sẽ đổi khác. Bởi vì họ đã hiểu, những ngôi sao không thể bị nhốt và lấp lánh trong chiếc lọ thủy tinh chật hẹp, cũng như ước mơ và trí tưởng tượng của trẻ em không thể bị nhốt trong kỳ vọng của người lớn. Trẻ em là những ngôi sao, chúng chỉ thực sự tỏa ra ánh sáng kỳ diệu khi được tự do trong bầu trời bao la.

Bộ phim làm tôi hiểu vì sao đã luôn bỏ dở khi xem truyện. Đó là vì sự cô đơn của tác giả thẫm đẫm từng con chữ từng trang sách, ngay cả những hình vẽ ngộ nghĩnh nhất cũng toát lên điều đó… làm trái tim người đọc nghẹn ngào… Hoàng tử bé là cuốn tiểu thuyết của người lớn chứ không hẳn là dành cho trẻ em.

Phải chăng vì vậy Saint-Exupéry đã chọn cách biến mất trên bầu trời xanh thẳm để thoát khỏi sự cô đơn giữa những con người…  Ở một kiếp nào đó, ông – Hoàng tử bé của hàng triệu độc giả - đã tìm được bông hồng duy nhất của mình?

Sài Gòn 10.6.2017
Nguyễn Thị Hậu

Kết quả hình ảnh cho HOÀNG TỬ BÉ


Linh tinh lang tang (146) GIẢI BÁO CHÍ


Không, tui không dám lạm bàn về giải báo chí quốc gia nhân ngày 21/6 nhưng tiện thể bèn khoe rằng, coi vậy chớ tui cũng có tới 3 giải báo chí 
Đầu tiên là Giải Ba báo chí nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội (2010) trong loạt bài “viết về người Hà Nội” của báo TT&VH, sau đó là Giải “Bông Sen Bạc” cho phim “Trăng 14 Hội An” của TFS mà tui viết lời bình cho phim (2011 thì phải?), và năm ngoái (2016) là giải A báo chí TPHCM cho loạt bài “Sài Gòn Tình nghĩa” của báo NLĐ. Không phải nói chớ tui “mở hàng” cho loạt bài nào cũng đều đắt hàng 
[Đây là các giải “tập thể” nên tui chưa từng được mời đi dự lễ trao giải, lần đầu, vì ở xa nên khi tui ra HN được tòa soạn trao lại Giấy chứng nhận lồng khung kính hẳn hoi và “hiện kim” (không nhớ vì lâu quá, chắc cũng không bi nhiu ), lần hai được rủ đến 1 bữa nhậu của ekip làm phim, và lần ba được tòa soạn cho người mang đến bao thơ (3 tr) tiền thưởng].
Người viết báo nghiệp dư như tui được giải như vậy là quá vinh dự rồi!
Nhiều năm quan tâm đến Giải báo chí quốc gia, giải báo chí thành phố, trước đây vì công việc sau vì thói quen và có nhiều bạn bè làm báo… Thấy tiếc là hình như lĩnh vực bảo tồn di sản chưa có bài được giải thưởng, kể cả những bài về thực trạng di sản đô thị Hà Nội, TPHCM hay về lễ hội gần đây?
Vâng, có lẽ vấn đề bảo tồn di sản (vật thể, phi vật thể) chưa phải là “nóng bỏng”, “thời sự, chính trị” hay cần thiết như “cơm áo gạo tiền”… vì thế các báo đài chưa nhìn nhận đúng và cũng ít quan tâm động viên khuyến khích các nhà báo, phóng viên viết mảng đề tài này bằng việc đưa vào bài danh sách dự giải. Hay nếu có thì khi “chấm giải” cũng phải lưu ý vì “tế nhị, nhạy cảm” vì “tâm linh”, “truyền thống” này kia, nhiều khi còn đụng vào các đại gia bất động sản… Hay chính vì những “lực cản” đó nên không có những bài báo thật hay thật xuất sắc về lĩnh vực này?
Đành lòng vậy cầm lòng vậy, di sản văn hóa vật thể bị phá hủy văn hóa phi vật thể bị biến dạng sẽ còn là “chuyện thường ngày” ở mọi nơi.
Ủa mà một số lĩnh vực luôn có giải thưởng, thậm chí nhiều giải thưởng là khác, sau đó cũng chẳng thay đổi được gì… Ngộ ra bèn nói như thế với mấy người bạn nhà báo tâm huyết với mảng di sản văn hóa, tất nhiên kèm theo lời mời đi cà phê với giải “an ủi” của tui 
SG 6/2017

HÌNH ẢNH: Bason đã trở thành ký ức (đầy ấm ức!).
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời

Linh tinh lang tang (46) Ngày của Cha.

 
 “Ngày của Cha” là một ngày Lễ mới du nhập vào VN nhưng trong dân gian từ xưa vai trò của người cha rất lớn. Không kể quan niệm gia trưởng thì ông bà mình vẫn nói “con gái hưởng đức Cha con trai nhờ lộc Mẹ” đề  cao sự mẫu mực của cha mẹ. Dù bây giờ vẫn còn người trọng nam coi thường nữ, thích có con trai, thậm chí phải có con trai bằng mọi cách, thì với nhiều người nếu chỉ có con gái vẫn thấy tuyệt vời làm sao!

Này nhé, con gái còn nhỏ thì nhõng nhẽo mà cha thì luôn cưng chiều con gái, con gái khi lớn thì biết “bênh vực” cha mà cha thì luôn “nghe lời” con gái. Thậm chí mẹ muốn cha làm gì cứ để con gái “đòi” là xong ngay. Nếu có hai con gái chúng cũng yêu thương nhau hơn và chia sẻ với nhau nhiều điều, từ nhỏ đến lúc cha mẹ già cả ốm đau hay khi không còn cha mẹ, kể cả những việc lớn trong gia đình thì các chị em gái bây giờ cũng giải quyết ngon lành. Với các chàng rể “khách” thì (hình như) bố mẹ vợ cũng dễ cư xử hơn là với các nàng dâu. Đặc biệt ở Nam bộ, chuyện ở rể là bình thường, nhiều người được nhà vợ coi như con trai.

  Nhưng vẫn còn nhiều nơi nhiều gia đình quan niệm “phải có con trai nối dõi tông đường”. Quan niệm này gây áp lực lớn đối với những cặp vợ chồng trẻ chưa sinh con và cả những gia đình đã có 1, 2 con gái. Sinh con đầu lòng là trai, ai đến thăm cũng “thế là xong trách nhiệm nhé!”, còn nếu là gái thì “sớm mà sinh thêm con trai!”. Ở thành phố còn đỡ, chứ gia đình họ hàng ở nông thôn thì có khi phải “trốn” về quê để khỏi phải chịu cảnh hỏi han thúc giục hay bị trêu ghẹo “ngồi mâm dưới vì không có thằng chống gậy”.

Hiện nay trong xã hội nạn bạo hành trong gia đình còn phổ biến, hầu hết là chồng/cha bạo hành vợ con. Không chỉ vậy, nhiều ông chồng còn vô trách nhiệm với gia đình, phó mặc cho vợ mọi thứ từ kiếm tiền đến nuôi dạy con đến hiếu hỷ hai bên nội ngoại. Tôi luôn tự hỏi, có bao giờ những người đàn ông từng cư xử tệ bạc với phụ nữ, làm cho người phụ nữ yêu thương phải rơi nước mắt, có phút tỉnh táo nghĩ rằng, đây là người phụ nữ cũng được một người cha yêu thương như chính họ yêu thương con gái, nếu họ giật mình nghĩ rằng ngày nào đó đứa con gái thiên thần của mình cũng sẽ bị người đàn ông nào đó đối xử tệ bạc? Nếu nghĩ được như vậy chắc hẳn họ sẽ cư xử khác.

Có lần tôi đã viết, đói nghèo, bất hạnh còn “mang gương mặt phụ nữ” vì đàn ông còn tối tăm về suy nghĩ và độc ác trong hành xử, còn ích kỷ chỉ biết nuông chiều những thói xấu của bản thân.


Vậy thì xin chúc những người Cha luôn là người đàn ông bao dung, mạnh mẽ, là chỗ dựa của vợ và tấm gương của con, thật sự là trụ cột (ko phải Cụ Chột) trong gia đình, để cho vợ con luôn coi 365 ngày trong năm là Ngày của Cha. 

Trong hình ảnh có thể có: giày

Đừng biến DU LỊCH SINH THÁI thành “con tin”


Lâu nay ở nhiều thành phố luôn tồn tại một mâu thuẫn, đó là giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển đô thị. Công cuộc “hiện đại hóa” diễn ra nhanh chóng thậm chí có lúc “mất kiểm soát” làm cho các đô thị luôn trong tình trạng “sốt đất” nhất là những “khu đất vàng” trung tâm hoặc nơi cảnh quan môi trường tự nhiên sạch đẹp… Nhiều di chỉ khảo cổ buộc phải khai quật và giải tỏa để xây dựng hạ tầng, các công trình kiến trúc cổ xưa bị thay thế bằng công trình mới cao tầng toàn kính và bê tông, cây xanh cổ thụ bị chặt hạ hàng loạt để mở đường… 
Công cuộc “giái cứu” những dấu tích lịch sử là hồn vía của đô thị chưa có hiệu quả thì trên bình diện cả nước lại phải đối diện với một mâu thuẫn khác còn nan giải hơn nhiều lần. Đó là mâu thuẫn giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch.

Là một đất nước có tiềm năng về du lịch nhờ địa thế, địa hình đa dạng có núi rừng biển đảo, nhiều khu vực thoát khỏi sự tàn phá trong chiến tranh và chưa bị con người khai thác còn khá hoang sơ, khí hậu nhiệt đới điều hòa quanh năm, văn hóa tộc người phong phú độc đáo…  Du lịch trở thành ngành “kinh tế không khói” phát triển mạnh từ thời kỳ “mở cửa” mà phương thức chủ đạo là khai thác di sản tự nhiên và di sản văn hóa. 
Nhưng hơn một thập kỷ gần đây phần lớn các danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, những nơi cảnh quan nguyên sơ ít người biết đến… bắt đầu bị khai thác quá sức dưới nhãn hiệu “du lịch sinh thái”. Dấu hiệu dễ nhận biết là việc xây dựng tràn lan cáp treo, chùa chiền hoành tráng, biệt thự, lâu đài sang trọng theo lối Âu Mỹ mọc lên san sát… Đánh đổi cho những khu du lịch này là hàng trăm hàng ngàn hecta rừng bị xóa sổ, bãi biển trở thành “sở hữu” của những resort, cùng với đó là sự biến đổi hệ sinh thái và môi trường sống của cộng đồng, của một số loài vật quý hiếm tại một số khu vực.

          Chỉ cần lướt qua google ta có thể biết hàng chục khái niệm về Du lịch sinh thái  mà khái niệm nào cũng nhấn mạnh nội dung đây là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Loại hình du lịch này phổ biến khắp thế giới từ cuối thế kỷ 20 nhằm đáp ứng nhu cầu của con người muốn được gần gũi hòa mình vào thiên nhiên hơn, mang lại sự hiểu biết nhiều hơn về những nền văn hóa mới lạ, đồng thời cũng là cách thức kêu gọi và tuyên truyền việc bảo tồn thiên nhiên và văn hóa. Hoàn toàn không phải là khai thác, tàn phá hay làm biến đổi mà phải dựa vào môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa để làm du lịch sinh thái.

Rõ ràng nhiều khu vực “du lịch sinh thái” nổi tiếng ở nước ta rất xa lạ với khái niệm trên, để làm “du lịch” đầu tiên là người ta tàn phá tự nhiên và từ đó môi trường văn hóa của cộng đồng bản địa ít nhiều thay đổi. Tuy nhiên vẫn có lập luận cho rằng, để phát triển một khu vực thì việc đánh đổi môi trường tự nhiên và di sản văn hóa của cộng đồng là điều “bình thường”, thậm chí còn là “mong muốn” của người dân vì đó là lối thoát kinh tế khi trước mắt du khách có thể mang đến cho họ “con cá”. Vậy thì ở đâu vai trò điều tiết, điều hành của nhà quản lý địa phương và cấp cao hơn đối với phát triển kinh tế xã hội, để cộng đồng địa phương có được “cần câu” mà vẫn bảo đảm sự bền vững của môi trường và văn hóa cho xã hội?

Mặt khác, có thật sự là lối thoát hay chỉ là “ngõ cụt” vì khi tự nhiên và văn hóa bị tàn phá thì còn gì để mời gọi và hấp dẫn du khách – những người thật sự cần và mong muốn được đáp ứng về du lịch sinh thái đang ngày càng tăng. Du lịch phá sinh thái thì khách “một đi không trở lại” đồng thời không có khách mới vì thời đại internet tiếng xấu cũng bị “đồn xa”, địa phương và cộng đồng sẽ là nơi đầu tiên chịu hậu quả. Và như vậy những gì đang diễn ra ở Sapa, Bà Nà, Sơn Trà, Cát Bà, Phú Quốc… và hàng loạt bãi biển, thắng cảnh khác có thực sự là “phát triển du lịch” hay du lịch chỉ là lớp vỏ bên ngoài?

Khi di sản tự nhiên và văn hóa không được tôn trọng và bảo vệ mà bị tàn phá tùy tiện như “chiến lợi phẩm” sau những tranh đoạt của các tập đoàn đại gia, khi “du lịch sinh thái” biến thành “con tin” để ngành du lịch và chính quyền địa phương mặc cả và thỏa hiệp thì “phát triển bền vững” cho cộng đồng và xã hội chỉ là một câu khẩu hiệu.

Nguyễn Thị Hậu
Thời báo kinh tế Sài Gòn 15.6.2017





NGHĨ NGỢI ĐƯỜNG XA - SÁCH MỚI CỦA TUI :)


NHƯ MỘT VIÊN GẠCH NHỎ

Có lẽ nghề nghiệp quy định cho tôi “thế mạnh” là tùy bút. Và viết ngắn thôi, đủ để diễn tả những gì tôi cảm nhận và để người đọc có thể đồng cảm và chia sẻ.

Lúc rảnh rỗi tôi hay xem lại những bức thư bạn bè gửi cho tôi sau tháng năm 1975 - khi tôi cùng gia đình rời Hà Nội trở về Sài Gòn sinh sống. Đọc những bức thư ấy tôi có thể nhớ lại, tôi đã luyến tiếc và mong muốn được quay lại Hà Nội như thế nào! Rời khỏi miền thơ ấu đúng vào tuổi 17 mơ mộng, tôi ra đi mà biết rằng sẽ mang theo Hà Nội trong tim mình rất lâu…

Thế nhưng số phận đã “dịch chuyển” tôi từ Hà Nội vô Sài Gòn, ở đây tôi học về lịch sử và theo đuổi nghề khảo cổ hơn 30 năm nay tuy có lúc phải tạm xa nó để làm một công việc khác. Tôi yêu công việc khảo cổ và lịch sử dù làm việc gì và ở cương vị nào. Nhờ kiến thức có được từ nghề nghiệp tôi hiểu biết thêm nhiều về vùng đất Sài Gòn nơi tôi đang sống. HIỂU tận nguồn gốc chứ không chỉ là BIẾT những biểu hiện bên ngoài.

Không ít lần tôi tự hỏi, nếu được bắt đầu một lần nữa tuổi trẻ, nghề nghiệp, các cơ hội thay đổi cuộc sống… tôi có chọn Sài Gòn không? Và câu trả lời là CÓ! Bởi vì tôi hiểu rằng, Sài Gòn là nơi chốn của tôi, chỉ ở nơi đây tôi mới thật là TÔI. Sài Gòn đã dành cho tôi một SỐ PHẬN. Vậy thì có cần chăng một nơi khác để bắt đầu một cuộc đời khác?

Từ mười năm nay bên cạnh “cuộc đời công chức” tôi còn có một cuộc sống khác: dạy học, viết về những gì mình hiểu biết và yêu thương… Viết về Sài Gòn từ nghề nghiệp và tình yêu dành cho mảnh đất nuôi mình trưởng thành, viết về những chuyện hàng ngày nhìn thấy và suy nghĩ, viết từ những chuyến đi xa bắt gặp điều gì cũng làm tôi nhớ đến thành phố của mình, đất nước quê hương mình… Dẫu vậy, những cuốn sách của tôi vẫn chỉ là một góc nhìn hạn hẹp về Sài Gòn và từ Sài Gòn.

Nhìn lại thấy mình đã đi được một đoạn đường dài xây bằng những viên gạch khổng lồ của các bậc tiền bối và nhiều người khác. Cuốn sách này là sự cố gắng góp thêm viên gạch nhỏ xíu trên con đường ấy...
Sài Gòn, tháng Tư 2017
Nguyễn Thị Hậu

SẼ PHÁT HÀNH  TRONG THÁNG 6/2017. MONG ĐƯỢC CÁC ANH CHỊ, BẠN BÈ ỦNG HỘ NHƯ ĐÃ TỪNG VÀ HƠN THẾ NỮA. XIN CÁM ƠN!


Đảo của dân ngụ cư

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang ngồi và văn bản


Một phim Việt Nam mang chất điện ảnh đúng nghĩa. Có chuyện mà không phải là truyện, chất “truyện” được chuyển tải và thể hiện qua hình ảnh: bãi biển cát trắng nước xanh, ngôi nhà cổ bằng gỗ, cái sân “giếng trời” chật hẹp nhầy nhụa nhìn lên khoảng trời xanh lúc nào cũng có mây trắng, cái bếp luôn bốc hỏa, và gương mặt khép kín của từng con người sống - trong - đó.

U ám, nặng nề kể cả khi quán ăn đông khách ồn ào, thỉnh thoảng không khí như loãng ra nhẹ đi với nụ cười rạng rỡ của cô Chu – con gái chủ quán - và nụ cười trong sáng của cậu Phước – người làm công trong quán. Bốn người đàn ông và 2 người đàn bà tạo ra các “tam giác” quan hệ, có khi bộc lộ dữ dội bằng khuôn hình cận cảnh, bằng hành động, khi chỉ thấp thoáng vài chi tiết cũng khiến người xem nhận ra:
-        Ông chủ quán – bà vợ - cô con gái của ông
-        Ông chủ quán – cô con gái – người đàn ông “dan díu” với cô (Miên/Phước)
-        Ba người đàn ông làm công trong quán
-        Cô con gái với 2 người đàn ông “của cô”
-        Ông chủ quán – bà vợ - người đàn ông làm công theo đạo Hồi

Ngôi nhà gỗ, cầu thang gỗ, song cửa gỗ, sàn nhà gỗ, giường gỗ, chậu tắm gỗ, đồ dùng gỗ… âm thanh vang lên mỗi khi người ta đụng chạm vào đó có thể khẽ khàng rất dịu dàng nhưng cũng có thể khô khốc đầy đe dọa. Gỗ làm cho ngôi nhà trở nên ấm áp nhưng trong phim tất cả đồ gỗ đều làm căng lên sự cảnh giác khi tiếng động của nó “tố cáo” những gì người ta che dấu. Ngôi nhà khép kín như sự cô độc của từng con người ở đó. Cô Chu chỉ ở trong căn phòng hầu như lúc nào cửa cũng đóng kín, nhưng qua hai khung cửa sổ nhỏ bé tâm hồn của cô gặp hai người đàn ông – một dày dạn một chưa từng trải - cũng cô độc như cô. Họ đến với nhau, bằng tình dục Miên giải tỏa cho cô sự ẩn ức thân thể tật nguyền còn Phước mang lại cho cô sự tinh khôi của tình yêu.

Người cha – kẻ suốt đời cô độc dù ông có tình yêu thương con gái vô bờ, có sự tận tụy như nô lệ của người vợ - đã không thể chấp nhận một tình cảm dâng hiến như thế, thứ tình cảm mà ông không bao giờ có được. Giết chết con gái là sự tự vệ để bảo vệ tình cảm cha con – chỗ bấu víu cuối cùng của ông.


Nếu còn điếu gì luyến tiếc thì đó là, nếu cô Chu chết trên chiếc thuyền thúng ngoài biển khơi xanh ngát viền bằng bờ cát trắng, dưới những đám mây xanh và cụm mây trắng lang thang trên bầu trời... thì đó là cái kết tuyệt vời! Người cha yêu con gái như thế nên dù phải giết con vẫn mong mang lại niềm vui cho con ở phút cuối cuộc đời, cô Chu nhẹ nhàng sang thế giới bên kia mà không để lại oán hận. Hình ảnh biển mở đầu và kết thúc phim sẽ có tính biểu tượng cao hơn...

Trong phim Việt gần đây có dòng phim thiên về phản ánh đời sống nội tâm của con người, có lẽ hơi kén người xem, Đảo của dân ngụ cư là một phim như vậy. Tuy không cụ thể không – thời gian nhưng buộc người xem nhìn lại mình và những người xung quanh gần gũi về huyết thống hay mật thiết về quan hệ, để nhận ra rằng việc gây ra tổn thương cho người khác hoàn toàn có thể do tình yêu và sự quan tâm. Nhất là khi tâm hồn mỗi người chỉ là kẻ “ngụ cư” trong “hòn đảo” thể xác chính mình.

BỖNG DƯNG NHỚ… THÙNG NƯỚC GẠO


Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Thời bao cấp ở nhiều khu dân cư Hà Nội hay có những cái thùng “nước vo gạo” đựng đủ loại cơm thừa canh cặn cuống rau già vỏ hoa quả… nói chung là “rác thực phẩm”. Thùng nước vo này dùng để nấu thức ăn cho lợn.

Khu tập thể của tôi có bể nước to chung cho cả khu. Hai cái thùng nước gạo đặt gần đấy, nơi mọi người rửa rau vo gạo chuẩn bị nấu cơm và rửa mâm bát sau bữa ăn. Thôi thì tất tật đổ vào thùng, lõng bõng trong nước vo gạo đục lờ nhiều nhất vẫn là cuống rau muống – thức ăn phổ biến hàng ngày của các gia đình. Chẳng mấy khi có xương cá hay xương lợn, xương gà vịt càng hiếm (thỉnh thoảng nhà ai ăn thịt gà còn phải dùng kéo cắt cho khỏi động dao thớt nên xương cũng bọc giấy báo mang vứt tận bãi rác ngoài chợ). Bên cạnh thùng dù có hai cái chổi sể để đấy nhưng vẫn luôn vương vãi cơm rau bốc lên mùi chua thiu nhất là vào mùa nóng nực. Buổi tối chuột cống chạy qua chạy lại sục cả vào trong thùng.

Hàng ngày vào buổi chiều cái Lam học cùng lớp với tôi thường đến đây gánh hai thùng nước gạo đã đầy đi, đặt lại hai thùng khác. Nó quét dọn sạch sẽ lại còn tiện tay dọn luôn cống rãnh quanh bể nước. Lam xinh lắm, da trắng mũi cao mắt sâu, nhưng nó ít bạn. Nhà nó ở trong xóm gần khu tập thể, lần nào tôi vào chơi cũng thấy đàn lợn ba, bốn con nuôi trong cái chuồng bé tí ngay sát nhà. Thế nên nhà nó lúc nào cũng nồng nặc mùi chuồng lợn.

Mang thùng nước gạo về là Lam tất bật thái cây chuối hay băm rau muống già, mẹ nó là người quét dọn chợ nên thu dọn rau thừa rau úa mang về nuôi lợn. Rau băm xong cho vào nồi nước gạo, nấu chín rồi cho cám vào ngoáy đều. Nồi cám lợn sền sệt mùi cám át dần mùi chua thiu, thậm chí còn thơm thơm khi mẹ nó mua được mẻ cám gạo mới. Chờ cám nguội Lam mới cho lợn ăn mặc kệ đàn lợn đói kêu ầm ĩ. Tối mịt khi mẹ nó về mấy mẹ con dọn cơm ăn trong ánh sáng tù mù của một bóng đèn điện bé tẹo. Bố của Lam là công nhân nhà máy điện hay đi làm ca kíp, chẳng mấy khi tôi đến chơi mà gặp ông ở nhà.

Để đổi lấy thùng nước gạo, hàng tháng Lam mang đến để cạnh bể nước hai cái chổi rễ mới, dày dặn được buộc thật chặt. Tiếng là để quét dọn quanh thùng nước gạo nhưng người ta mang đi quét đủ thứ. Ngày chủ nhật làm vệ sinh khu tập thể thì ai cũng lấy hai cái chổi đấy chứ không dùng chổi nhà mình, thế là lại cãi nhau vì hai cái chổi. Có khi vài hôm một cái chổi lại biến mất làm cái Lam phải mua cái khác… Rồi nó nghĩ ra sáng kiến kiếm một đoạn dây dài buộc một đầu vào cái chổi và đầu kia vào vòi nước, vẫn có thể quét dọn mà không mang đi chỗ khác được.

Hồi ấy nuôi lợn là để tăng gia nên nuôi giống lợn ta, dễ ăn, cũng chẳng có gì ngoài rau cám, thêm thùng nước gạo với lũ lợn đã là được ăn ngon, tất nhiên làm gì có thuốc tăng trọng với chất tạo nạc. Lợn chỉ khoảng 50 kg là đã bán. Năm đôi lần nhà Lam bán lợn, người mua thường mang biếu lại ít lòng với dồi tiết, thế là hôm đó nhà nó như đại tiệc. Một lần gần Tết bố Lam bán ba con lợn và giữ lại một con. Ông tự mổ lợn và bán cho hàng xóm quanh đấy, bán chui, nửa đêm thịt lợn đến sáng là “tẩu tán” hết. Năm đó mẹ tôi cũng mua của nhà  Lam cân thịt ba chỉ để gói bánh chưng, lại được bố nó bán rẻ cho nửa cái chân giò để nấu măng (chắc vì biết tôi thân với Lam). Tết ấy nhà tôi cũng như đại tiệc nhưng điều làm tôi nhớ mãi là mẹ tôi cứ tấm tắc khen thịt tươi ngon, lại còn nói: thịt lợn ngon thế là nhờ có thùng nước gạo của khu tập thể nhà mình.

Bây giờ ở thành phố không còn thấy nơi nào có thùng nước gạo, thức ăn thừa để nuôi lợn. Thức ăn ở hàng chục ngàn gia đình, hàng quán… toàn đổ lẫn lộn vào rác khác, thật quá lãng phí! Mà giống lợn bây giờ cũng không còn là lợn ta dễ ăn lâu lớn nhưng thịt ngon mà là những giống lợn ăn cám tổng hợp và nhiều loại khác, lại thêm đủ thứ thuốc bơm tiêm vào…

Mấy hôm nay nghe chuyện “giải cứu lợn” bỗng nhớ lại chuyện thùng nước gạo đổi chổi rễ hồi xưa. À, sau này cái Lam học đại học nông nghiệp trở thành kỹ sư chăn nuôi, nghe đâu cũng là giám đốc một trại nuôi lợn ở ngoại thành. Không biết Lam còn nhớ hai thùng nước gạo cạnh bể nước trong khu tập thể gần nhà nó hay không…

Hà Nội 10/5/2017 - bài đăng trong tạp chí Phụ Nữ Mới số tháng 5/2017


 Trong hình ảnh có thể có: văn bản

VẪN NHỚ VỀ CÂY XANH THÀNH PHỐ

Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Đối với tôi và nhiều người, những hàng cây cổ thụ ở Hà Nội, Sài Gòn không chỉ là cây xanh, mà còn là kỷ niệm, ký ức, là nỗi nhớ là hồn vía của đô thị, nơi nhiều người từng sống, đang sống và đến đây kiếm sống! Sống lâu ở đô thị, mỗi hàng cây mỗi góc phố mỗi căn nhà đường phố trở nên thân quen, nó mang lại cảm giác bình yên của một đô thị “đáng sống”, dù cuộc sống vẫn còn quá nhiều bề bộn.
Chiều cuối tháng bảy đi qua đầu đường Lê Lợi trông thấy cảnh những cây cổ thụ bị cưa ngọn cưa thân một cách vội vã, lạnh lùng… Nhìn phố trơ trọi… bỗng ứa nước mắt. Con đường Đồng Khởi có vài khoảnh xanh ở công viên Chi Lăng, ở công viên trước Nhà Hát Lớn… từ gần trăm năm nay thế là không còn nữa. Mấy tòa Vincom mọc lên, Eden biến mất, tòa nhà cổ 5 tầng đối diện Vincom cũng bị san bằng rồi. Chưa biết đẹp ở đâu (và có đẹp không?) nhưng một phần ký ức rất đẹp của Sài Gòn đã vĩnh viễn ra đi.
Có phải cứ hiện đại là phải trả giá bằng cách triệt hạ thiên nhiên như thế này không?! Sài Gòn đã không còn gì của 300 năm, bây giờ những gì của 100 năm cũng sắp mất hết! Nếu vì hiện đại mà chỉ biết chặt cây cổ thụ, chỉ đập cũ xây mới, mà không hề có sự cố gắng giữ lại lịch sử thì có lẽ công việc quản lý đô thị của các sở này ngành nọ, của việc quy hoạch với kiến trúc thật quá dễ dàng!
Đô thị khác nông thôn chính là ở chỗ, mỗi cây xanh trên phố khi trồng khi chặt đều được tính toán cẩn thận, nhất là khi nó đã gần trăm năm tuổi, lại ở trung tâm thành phố, nơi mà có thể coi là tiêu biểu cho đô thị Sài Gòn được xây dựng hơn 100 năm qua. Hàng cây trên đường phố đô thị không phải như trong cái vườn nhà quê mà khi cần trồng rau hay cơi nới nhà của có thể đốn chặt vài cây ăn trái, trừ khi đó là cây trồng với mục đích để lấy gỗ xây nhà. Ở đô thị mà chỉ coi cây thuần túy là cây nên nhiều người đã nói rằng, để có một thành phố hiện đại, để có giao thông hiện đại thì đánh đổi như thế cũng được! Điều đáng nói là người dân thành phố không hề thấy, không hề biết chính quyền đã có một sự cố gắng để tìm giải pháp nào khả dĩ giữ lại, hoặc trồng lại cây ở đâu đó. Chặt luôn là tiện nhất! Với lý do "hiện đại" nên bao di tích bao cảnh quan là cái hồn của đô thị đã bị phá hoại. Người Sài Gòn mai này còn có gì để nhớ để nói về lịch sử Sài Gòn?
Hay là thôi, Sài Gòn cứ là của những người lạnh lùng đến đến rồi đi, vô cảm lên rồi xuống, không phải là Sài Gòn của bao người từng ở, đang ở, từng đến đây và đang yêu quý Sài Gòn mỗi ngày…
Người xưa luôn ví cây với người: “Dụng nhân như dụng mộc”, “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ich trăm năm trồng người”. Nhìn cách trồng cây có thể biết cách “trồng người”. Nhìn cách đối xử với cây có thể biết con người có được quý trọng hay không. Hình như luôn có sự tương đồng như thế.
Tôi đang làm một nghiên cứu về Khảo cổ học đô thị và việc bảo tồn cảnh quan di sản văn hóa Sài Gòn, nhưng e rằng, khi làm xong thì có lẽ những di sản của Sài Gòn không còn gì nữa. Chẳng lẽ lại cực đoan đến mức cầu mong không ai không nơi nào cho vay tiền để “hiện đại hóa” thành phố, vì khi có nhiều tiền nhưng sự hiểu biết và tính nhân văn không tương xứng thì tiền đó chỉ mang lại tai hại… Những gì đã mất đi không bao giờ có thể làm lại và thay thế được, vì đó chính là một phần lịch sử và là đời sống của thành phố hôm nay.
Sài Gòn 24.7.2014

 Bài viết tháng 7.2014 khi hàng cây đầu đường lê Lợi (TPHCM) bị chặt bỏ để xây ga Metro, nay post lại vì tin này
http://vnexpress.net/photo/thoi-su/1-300-cay-xanh-truoc-ngay-chat-ha-de-lam-duong-o-ha-noi-3593365.html

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...