NHỮNG LY CÀ PHÊ KÝ ỨC


Tản văn, Nguyễn Thị Hậu

1. Lặng lẽ bên bờ
Tình cờ cô nhìn thấy tấm hình chụp gia đình anh ở nơi anh đang sống. Trong hình anh đứng bên người vợ xinh đẹp, phía trước là câu con trai nhỏ hai tay nắm tay ba mẹ. Hai ngườ
i không đứng sát vào nhau, chỉ có mái đầu của người vợ hơi nghiêng gần như chạm vào bờ vai vững chãi của anh, tin cậy và âu yếm.
Trên cao là bầu trời xanh, phía sau hai người xa xa là dòng sông uốn quanh và những cây cầu nhiều hình dáng. Chỉ một dòng sông chảy ngang đã làm cho thành phố đẹp lên rất nhiều bởi hàng trăm chiếc cầu nối liền khi là những con đường, khi là thảm cỏ, cánh rừng, khi là ngọn đồi, dốc núi… Nơi đây được gọi là “Thành phố của những cây cầu”, nhiều lần anh đã kể với cô như thế.
Cô và anh thân nhau từ trên mạng. Giữa họ có biết bao chuyện “trên trời dưới đất” và bao giờ cũng câu “Ừ khi nào em qua đây”… Có khi là đùa bỡn, khi như lời hứa hẹn, nỗi ước ao… Tự nhận mình là những người “mơ hoang chuyên nghiệp” nhưng họ đều biết, chuyện đó, lúc này như là một điều không tưởng. Không phải vì tiền bạc, không phải vì thời gian, những thứ thủ tục hồi nào khó khăn rắc rối giờ đây cũng không còn là trở ngại, mà vì, như một câu hỏi lặng thầm luôn vang lên giữa hai người “gặp nhau… rồi sao nữa…?”
Anh vẫn ở xa tít tắp với những dự án những công trình. Cô vẫn mỗi ngày lu bu họp hành công việc. Mỗi ngày mở trang facebook họ cố gắng nén lại không ném lên câu status* “có những buổi chiều sao quá dài như thế”. Chỉ cần nhìn thấy cái chấm sáng nhỏ nhoi trong danh sách bạn bè là họ cảm thấy bình yên vì thật gần nhau dù chỉ là trên không gian ảo.
Rồi cô có dịp đến thành phố của anh. Một ngày trời cũng xanh như thế, một mình cô đi lên ngọn đồi cao, đứng ở nơi anh đã chụp tấm hình ấy, nhìn xuống dòng sông và những cây cầu… tất cả nhòe đi. Cô biết, không có cây cầu nào có thể đưa cô đến bên bờ vai vững chãi của anh, bởi vì giữa họ không phải là một dòng sông, bởi vì bên anh luôn có một người hướng về anh đầy tin cậy và âu yếm.
Người ấy cũng là phụ nữ, như cô…

2. Đón và đưa tiễn
Cô ra phi trường đón một người, chuyến bay của anh sẽ đến vào lúc nửa đêm.
Từ chiều đi làm về cô vội vàng ăn gói mỳ, rồi mở máy check email. Vừa lướt qua những tài liệu được gửi đến cô vừa nhìn đồng hồ dù nơi cô ở cách sân bay chỉ nửa giờ taxi. Còn gần hai tiếng nữa cô ra sân bay. Trên đường đi cô mới nhận ra mình mặc chiếc váy màu xanh mà cô đã chụp hình gửi cho anh vài ngày trước. Càng hay, anh có thể nhận ngay ra mình, cô mỉm cười.
Các chuyến bay từ nửa vòng trái đất thường đến vào giờ này, khi thành phố bắt đầu vắng lặng thì sân bay luôn tấp nập. Bảng đèn nhấp nháy báo hiệu các chuyến đến liên tục nhưng chưa hiện chuyến bay của anh. Lơ đãng lật những trang tạp chí, lại nhìn đồng hồ… rồi tự cười mình “làm như là con nít mới lớn…”. Rồi chuyến bay của anh cũng hạ cánh. Dòng người đổ ra quanh băng chuyền nhận đồ đạc rồi đi ra… mãi vẫn chưa thấy anh. Hay là anh qua rồi mà không nhận ra mình? Vừa giật mình vì ý nghĩ thóang qua thì cô nhìn thấy anh đang tay kéo valy, tay kia giữ ba lô trên vai, sải những bước dài đi về phía cô.
Sau này mỗi khi nhớ anh hình ảnh ấy lại trở về, cảm giác quen thuộc gần gũi đến nao lòng…
Thời gian qua nhanh. Ngày chia tay. Lần này anh đưa cô đi nhưng vào lúc trời rạng sáng. Dường như cả đêm đó cô không ngủ, vậy mà khi anh lay nhẹ vai, cô vẫn giật mình thảng thốt.
Ngồi trên xe taxi cô chỉ mong quãng đường ra sân bay dài hơn chút nữa. Nhà ga vẫn đông như mọi ngày. Họ đứng bên nhau, im lặng, thỉnh thỏang cô tìm ánh mắt anh. Hình như anh không nhận ra cô trong chiếc váy xanh ngày đi đón anh. Ở cổng an ninh, sau cái ôm vội vã anh quay đi, vẫn những bước sải dài… Cô ngóai nhìn lưng áo trắng của anh khuất dần sau bao nhiêu gương mặt.
Có một điều cô định nói với anh mà cứ quên mất: Đã bao nhiêu chuyến đi và về nhưng đây là lần đầu cô có một người thân yêu để được đón và đưa tiễn.
Mà bây giờ có lẽ không cần nói nữa.
***
3. Họ gặp nhau trong quán cà phê, ba người phụ nữ. Ly đá tan lõang, ly nóng đã nguội tanh. Im lặng... Một người nói: Chị đã nghĩ em không nên đi… Người kia như tự hỏi: Còn chị… có ân hận vì không gặp anh ấy? Người thứ ba cầm muỗng khuấy vỡ tan lớp kem hình trái tim phủ trên mặt ly capuchino, vẻ như lơ đãng…
Lại im lặng. Thấp thóang đâu đó trong ý nghĩ của họ là hình bóng những người đàn ông đang ở rất xa...

10/2012





Mình được mời giữ mục TẢN VĂN. TẠP BÚT trong tạp chí này, ra vào ngày 25 hàng tháng. Bài đầu tiên trên số ra ngày 25/10/2012. Các bạn ủng hộ nhé. Cám ơn nhiều :)

Điều kiện nhập khẩu và vấn đề quản lý xã hội


SGTT.VN - Những ai quan tâm và theo dõi câu chuyện sửa đổi, bổ sung luật Cư trú sẽ thấy so với luật Cư trú (1.7.2007) thì điều kiện để được đăng ký hộ khẩu thường trú theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung có một số điều mới chặt chẽ hơn nhiều. Và đây là điều khiến rất nhiều người dân quan tâm, thậm chí cảm thấy bất an. Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa của việc cần phải cần sửa đổi, bổ sung một số điểm trong luật Cư trú, mà đặc biệt là siết điều kiện nhập hộ khẩu?
Thực tế khách quan
Văn minh đô thị có hay không phụ thuộc vào chính văn hoá và nếp sống của người thành thị. Ảnh: Thanh Hảo
Ở các đô thị như Hà Nội, TP.HCM người nhập cư là thực tế khách quan tồn tại ngay từ lúc đô thị được hình thành, ngày càng phát triển mạnh mẽ và đa dạng do những nhu cầu nội tại của đời sống đô thị. Có thể nói quá trình đô thị hoá và làn sóng nhập cư là một thuộc tính của đô thị. Như trường hợp TP.HCM, tuy là nơi được nhiều người coi là “miền đất hứa” tạo ra nhiều cơ hội kiếm sống, nhiều việc làm có thể nâng cao thu nhập, nhưng TP.HCM đang phải đối mặt với những khó khăn, phức tạp về nhiều vấn đề xã hội, hạ tầng đô thị (giao thông, điện, nước…) chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Chưa kể những phức tạp về an ninh và trật tự xã hội. Những điều khoản trong dự thảo sửa đổi bổ sung luật Cư trú chủ yếu liên quan đến sự quản lý của các cơ quan chức năng đối với cư dân đô thị, tức là nó phản ánh phương thức tổ chức đô thị và quản lý đã thể hiện những bất cập, không còn phù hợp với thực tế của xã hội đô thị hiện đại.
Theo dự thảo, diện áp dụng luật Cư trú mới sẽ là năm thành phố trực thuộc trung ương (Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội và TP.HCM). Trong khi đó, điều kiện cơ sở hạ tầng, đặc điểm kinh tế – xã hội và mật độ dân cư ở mỗi thành phố lại khác nhau. Về mật độ dân số các thành phố đã có sự chênh lệch lớn, chưa kể mật độ dân số từng khu vực (trung tâm, nội thành, ngoại thành) của những thành phố này cũng khác nhau. Mỗi thành phố có đặc điểm riêng cả về lịch sử – văn hoá, về quá trình dân cư, cả về hạ tầng cơ sở vật chất và nhất là vị trí, vai trò của từng thành phố cũng khác nhau nên sức hút đối với người nhập cư cũng không giống nhau… Việc đưa ra một số tiêu chí về số năm cư trú, diện tích nơi ở… cần phải dựa trên thông số khoa học (như điều tra xã hội học về định tính và định lượng ở các thành phố, đô thị để so sánh với nhau và với vùng nông thôn). Vì vậy, nhìn từ góc độ khoa học xã hội, nếu luật Cư trú áp dụng một khung chung cho tất cả các thành phố là không phù hợp.
Nếu luật Cư trú mới được Quốc hội thông qua và triển khai vào cuộc sống thì đây chưa phải là một giải pháp tối ưu lâu dài, mặc dù có thể có tác dụng trong thời gian ngắn trước mắt. Bởi vì như đã nói, di dân vào các thành phố là một quy luật của quá trình đô thị hoá – công nghiệp hoá. Vấn đề là cần những giải pháp đồng bộ và “từ gốc” là làm sao để người dân vùng nông thôn, các tỉnh khác không coi việc “di cư” ra các thành phố lớn là con đường duy nhất để kiếm sống (hay là nơi có điều kiện phù hợp để phát huy khả năng trình độ của mình). Tức là cần hạn chế thấp nhất những nguyên nhân làm cho người dân không thể sống ngay trên quê hương mình (như không còn ruộng đất, không thể tiếp tục làm nông nghiệp, ngư nghiệp hay các nghề khác…) Tất nhiên, với một số người lao động có trình độ cao thì thành phố luôn là nơi thu hút và tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng trình độ của mình.
Không nên dùng biện pháp kỹ thuật
Nhiều người cho rằng, dự thảo luật Cư trú mới đang nặng về biện pháp kỹ thuật, ít thấy quy định về trách nhiệm của chính quyền trong cải thiện điều kiện hạ tầng, giải pháp về kinh tế – xã hội để kéo dãn mật độ dân cư, nó cho thấy sự lúng túng của các cơ quan chức năng. Dự thảo luật Cư trú mới lại do cơ quan hành pháp là bộ Công an soạn thảo nên nặng về việc đưa ra các biện pháp kỹ thuật – hành chính của cơ quan có chức năng quản lý xã hội. Nếu luật được soạn thảo bởi cơ quan lập pháp thì sẽ toàn diện hơn vì nó khách quan, do cơ quan lập pháp phải “đứng ngoài” các cơ quan quản lý nhà nước để có thể quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan đối với quyền cư trú của công dân. Mặt khác, khi soạn thảo luật Cư trú cũng cần tham khảo quy hoạch kinh tế – xã hội của cả nước, của từng vùng, của các thành phố để nắm được những dự báo cho quá trình phát triển mọi mặt. Từ đó có thể hạn chế tình trạng luật mới ra đời đã lạc hậu so với thực tế. Ví dụ, quy hoạch về vùng đô thị TP.HCM sẽ có những đô thị vệ tinh – phát triển từ những trung tâm công nghiệp hiện nay ở các tỉnh xung quanh TP.HCM. Quy hoạch này nhằm phát triển các tỉnh nhưng đồng thời cũng nhằm giảm áp lực dân số lên thành phố trung tâm của vùng.
Nên đổi mới tư duy về quản lý bởi vì hàng triệu người dân nhập cư đang sống và làm việc tại các thành phố trực thuộc trung ương cũng làm việc, cũng đóng thuế Nhà nước và là những người trực tiếp góp phần phát triển kinh tế xã hội của các thành phố đó. Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho biết mức độ đóng góp ngày càng quan trọng của dân nhập cư cho sự phát triển của các đô thị. Bên cạnh những lao động chất xám thì lao động giản đơn hay các ngành dịch vụ cũng là một phần không thể thiếu của đời sống đô thị. Phân biệt đối xử – dù chỉ qua thủ tục hộ khẩu – cũng là không công bằng với phần đông người trong số họ, chưa kể những hệ luỵ khác đối với con cái của họ. Mà trẻ em cần được đối xử bình đẳng và được xã hội chăm sóc như nhau, nhất là về giáo dục và y tế, bất kể nguồn gốc thế nào. Khi không an cư thì không thể lạc nghiệp, những khó khăn trong cuộc sống sẽ làm ảnh hưởng lớn đến công việc, sự đóng góp cho xã hội. Sự xáo trộn đời sống cư dân cũng sẽ có tác động đến đời sống xã hội đô thị.
Cũng không nên cho rằng mục đích của sửa đổi luật Cư trú nhằm góp phần lập lại trật tự kỷ cương nơi đô thị là để môi trường sống của người dân được tốt hơn; là để chính quyền có điều kiện phục vụ nhân dân chu đáo hơn và cũng có thể là để không nông thôn hoá thành thị. Ở đây cần thấy một điều: không nên cho rằng kỷ cương đô thị (hay là lối sống, văn minh đô thị) không tốt, xuống cấp… là do dân số đông hay tại người nhập cư. Người nhập cư nếu so với người thành thị (là người có hộ khẩu ở thành phố) thì tỷ lệ luôn ít hơn nhiều. Kỷ cương, lối sống có văn minh hay không, theo tôi, quan trọng là do văn hoá và nếp sống của người thành thị là chính. Môi trường văn hoá đô thị do thị dân có ý thức xây dựng và gìn giữ, sẽ lan truyền cho lớp cư dân mới.
Bên cạnh đó là cách thức tổ chức và quản lý các thành phố cần là mô hình “chính quyền đô thị”, lúc đó chính quyền sẽ phục vụ cư dân đô thị theo đúng tính chất, đặc điểm của xã hội đô thị, sẽ hạn chế sự “nông thôn hoá thành thị”. Cần có luật Đô thị mà đối tượng điều chỉnh và chịu tác động của nó là tất cả các đô thị Việt Nam, từ loại đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM đến loại khác, có như vậy mới giải quyết phần gốc các vấn đề của đô thị, trong đó có vấn đề về cư trú.
TS NGUYỄN THỊ HẬU (VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN TP.HCM)

GIAO LƯU TRỰC TUYẾN VỚI ĐỘC GIẢ BÁO SGTT VỂ "Đồ gốm và văn hóa ẩm thực Việt"


Chào chị Hậu, những đặc trưng nào của gốm sứ ảnh hưởng trực tiếp đến ẩm thực Việt? Gốm Óc eo, theo chị có những giá trị gì nổi bật so với gốm sứ các địa phương khác? (Hữu Thọ, 30 tuổi, nguyenhuutho_kh@gmail.com)

TS. Nguyễn Thị Hậu: Theo tôi đặc trưng đồ gốm sứ phản ánh (chứ không làm ảnh hưởng) văn hóa ẩm thực Việt. Ví dụ, nhìn một bộ đồ gốm sứ bày trên bàn ăn ta có thể nhận biết đó là bàn ăn của người Hoa hay người Việt: người Hoa có nhiều đĩa vì thường ăn các món xào, người Việt thì thường có một tô lớn, một đĩa lớn đặt giữa vì món ăn chung, kể cả chén nhỏ đựng nước chấm cũng chung, chỉ có chén ăn cơm là riêng. Hay khi xuất hiện chiếc muỗng (thìa) thì ta biết là có món canh: ăn nước lẫn với cái, trước đó (hay phổ biến hơn) là món luộc: nước riêng cái riêng nhưng vẫn ăn cả cái và (húp) nước. Hay như gốm thời tiền – sơ sử hầu như ít có hiện vật nào được gọi là “cốc” hay “ly” có chức năng dùng để uống…
Khi so sánh đồ gốm sứ đầu tiên cần lưu ý niên đại (thời điểm xuất hiện và tồn tại), vì vậy nói đến gốm Óc Eo là ta nói đến loại gốm đất nung, độ nung khá cao, xương gốm mịn. Ngoài gốm gia dụng có nguồn gốc từ văn hóa tiền sử Đồng Nai (nồi, bình, hũ, bếp cà ràng…) còn có một số loại gốm khác như bình gốm thân bầu tròn có vòi dài (kendi), ly chân cao, bình xông hương, nhiều phù điêu mặt người dùng để trang trí… Những loại gốm này dùng trong nghi lễ tôn giáo Ấn Độ. Điều này góp phần giúp ta tìm hiểu về đời sống tinh thần, tâm linh của cư dân thời Óc Eo.

Chào nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, Theo chị gốm sứ Óc Eo phản chiếu văn hoá gì của ngươi dân Nam bộ thời bấy giờ? Liệu có sự hào sảng, hoà hợp với thiên nhiên, dung hoà giữa con người - tộc người với nhau hay không? Dòng sản phẩm nào của gốm sứ Óc Eo theo chị phản ánh được văn hoá tộc người lúc đương thời? (Đặng Bảy, 29 tuổi, danghoangbay_1980@gmail.com)

TS. Nguyễn Thị Hậu: Bạn ơi tôi chỉ là một người theo nghề khảo cổ thôi chưa phải là “nhà” gì đâu (cười)!
Đồ gốm Óc Eo đã phản ánh cuộc sống của cư dân sống trong môi trường sông nước, sự thích nghi với môi trường phản ánh qua nhiều di vật (như dấu tích nhà sàn rất phổ biến, các loại bếp cà ràng, nồi có nắp đậy ngửa, đèn gốm chân đế rộng… tiện dụng trên ghe xuồng). Có lẽ từ thời Óc Eo cư dân ở đây đã thích nghi với địa hình sông rạch chằng chịt và “mùa nước nổi” hàng năm.
Đồng thời, đồ gốm Óc Eo cũng phản ánh đời sống tinh thần qua những cổ vật sử dụng trong nghi lễ tôn giáo. Qua đồ gốm có thể nhận thấy yếu tố văn hóa bản địa từ thời tiền sử đã kết hợp, hòa hợp với văn hóa Ấn Độ tạo nên đăc trưng của cư dân văn hóa Óc Eo.

Chào cô Hậu, thần tượng của cháu. Cháu đang tính theo học ngành khảo cổ nhưng bạn bè nói nghề này cực lắm vì phải đi nhiều lại lăn lộn với bùn đất, dễ... ế chồng lắm. Cô có thể cho cháu lời khuyên được không ạ? Cháu nghe thấy giảng là linh hồn dân tộc gắn liền với những vật dụng gắn với con người hàng ngày, điều đó theo cô có đúng không? Con thấy báo Sài Gòn Tiếp Thị cho biết là cô sẽ trò chuyện về gốm Óc Eo. Như con biết thì Óc Eo phổ biến là các loại sành chứ ạ? Cám ơn cô. (Chichchoevoi, 19 tuổi, chichchoevoi_2393@gmail.com)

TS. Nguyễn Thị Hậu: Chào cháu Chichchoevoi. Cô cũng như mọi người đang làm một công việc rất bình thường. Vì vậy, nếu được, mong cháu đừng coi cô là “thần tượng”! Mà ai nói với cháu là làm khảo cổ thì “dễ ế chồng”? Các bạn nữ là đồng nghiệp và học trò khảo cổ của cô không ai lo lắng vì chuyện “ế chồng” cả, và thực tế hầu như đều có gia đình. Nếu cháu thích nghề khảo cổ thì cứ theo học đi, đây là một ngành rất thú vị! Thú vị vì được đi nhiều nơi, được trải nghiệm nhiều. Ông bà mình đã dạy “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà.
- Những vật dụng hàng ngày của con người phản ánh đời sống của họ, cả đời sống vật chất và tinh thần. Và khảo cổ học là nghề giúp cho ta khám phá ra điều đó, di tích, di vật khảo cổ và những thông tin từ nó như “sợi dây” văn hóa nối liền quá khứ và hiện tại.
- Đồ gốm (pottery) trong văn hóa Óc Eo (thế kỷ I – VII) chủ yếu là đồ đất nung (terracotta). Một số cổ vật đã đạt đến độ nung cao như sành nhưng không phải tất cả là đồ sành. Loại hình đồ sành phổ biến ở giai đoạn muộn (từ thế kỷ IX, X trở đi).

Chào cô Hậu, cháo có câu hỏi này muốn nhờ cô tư vấn. Như cháu thấy hiện nay giới trẻ, đặc biệt là các bạn nữ rất ngại lai vào công việc như cô, nhiều vất vả và hi sinh, trong khi hiện nay xã hội có nhiều công việc hấp dẫn. Là người đi trước, cô có thể cho lời khuyên cho những bạn gái muốn đi theo con đường và sự đam mê ngành khảo cổ như cô? Cám ơn cô. Cháu Su Mô(Cobesumo, 18 tuổi, cobesumo@gmail.com)

TS.Nguyễn Thị Hậu: Chào Su Mô. Khuyên ai theo một nghề nào đó giống như mình đang “làm mai” vậy. Cô thì không nghĩ một công việc hấp dẫn là một công việc nhàn nhã. Quan trọng là các bạn có yêu thích nghề khảo cổ hay không? Mỗi nghề có sự hấp dẫn riêng cũng như khó khăn riêng, nếu thích thú thì cứ làm và đừng nghĩ, đừng cho rằng mình phải “hy sinh” – cũng như khi kết hôn với người mình yêu đâu gọi là “hy sinh”, phải không?
Nghề nào cũng vậy, nếu mình làm tốt công việc dù nhỏ thì mình đã “được” thêm nhiều thứ: thỏa mãn sự ham mê, có thêm kiến thức, thêm hiểu biết, cuộc sống sẽ phong phú hơn...
Mà này, tuy vất vả nhưng các bạn nữ làm khảo cổ vẫn “điệu” và rất nữ tính đấy chứ, tất nhiên không phải “điệu” lúc đang ở công trường khai quật. Đừng nghĩ khảo cổ là lúc nào cũng bụi bặm xấu xí nhé.

Kính gửi nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu. Thời gian qua tôi theo dõi báo đài thấy người dân phát hiện cổ vật ở Quảng Ngãi, tranh nhau "khai quật" và bán kiếm tiền trong khi các chuyên gia như chị lại không thấy xuất hiện để có những can thiệp nghề nghiệp kịp thời. Theo chị người dân khi phát hiện cổ vật như vậy họ có quyền mang về và bán tuỳ thích hay phải để yên đó chờ cơ quan chức năng giải quyết? (Người Sài Gòn, 43 tuổi, nguoisaigon24_9@yahoo.com).

TS.Nguyễn Thị Hậu: Ở nước ta, ngoài những di tích do ngành khảo cổ học hàng năm tổ chức khảo sát và phát hiện còn có những địa điểm, di tích khảo cổ do người dân phát hiện trong quá trình canh tác, lao động. Thông thường họ thông báo cho cơ quan văn hóa địa phương (như bảo tàng, ban quản lý di tích), sau đó những cơ quan này đã kịp thời khảo sát và khai quật ngay, lập kế hoạch bảo vệ di tích.
Các di tích khảo cổ học dưới nước cũng vậy. Nước ta chưa có ngành “khảo cổ học dưới nước” đúng nghĩa (chưa có phương tiện kỹ thuật và chuyên gia) nên thực sự rất khó khăn trong việc dò tìm và khai quật các di tích tàu đắm. Ở Quảng Ngãi ngay sau khi được chính quyền địa phương thông báo việc ngư dân phát hiện đồ cổ, các chuyên gia về gốm sứ đã có mặt để bước đầu giám định niên đại, nguồn gốc của những cổ vật ngư dân “khai quật’ được. Đồng thời phối hợp cùng chính quyền bảo vệ di tích và có kế hoạch để tiến hành khai quật một cách khoa học.
Theo luật Di sản văn hóa Việt Nam thì cổ vật trong lòng đất hay lòng sông, biển đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Người phát hiện di tích, cổ vật có nghĩa vụ và trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ở địa phương. Tuy nhiên thực tế hiện nay phần lớn những cổ vật do người dân phát hiện và “khai quật” (cả trên đất liền và dưới biển) đều đã được họ cất giữ hoặc bán đi, bởi vì họ thường quan tâm đến giá trị kinh tế của cổ vật mà chưa nhận thức hết giá trị lịch sử - văn hóa của cả di tích lưu giữ những cổ vật ấy. Vì vậy việc “khai quật” tự phát có thể mang lại món lợi nhỏ cho người dân nhưng làm thiệt hại lớn cho di sản văn hóa nước nhà.
Kính gửi chị Hậu. Tôi quan tâm đến những bài viết, phát biểu rất "cứng" của chị trên báo chí và tôi thích điều đó. Nhân hôm nay có buổi giao lưu, kình hỏi chị một số câu hỏi: Phận nữ làm khảo cổ như chị chắc phải hi sinh nhiều và vất vả nhiều, lí do gì chị lại chọn ngành này?
Trước những vụ việc các di tích, kho tàng cổ bị phá hoặc không được quan tâm, như vụ tranh chấp đồ cổ vừa diễn ra ở miền Trung, là người trong cuộc chị nghĩ gì? (Minh Chánh, 37 tuổi, minhchanhtran9973@yahoo.com.vn).

TS Nguyễn Thị Hậu: Cám ơn anh đã dành sự quan tâm cho những người làm nghề khảo cổ học. Nghề nào cũng có những đặc thù riêng. Hiện nay trong ngành khảo cổ có nhiều phụ nữ, một số chị rất giỏi, có uy tín trong giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Chúng tôi đều cho rằng, khi đã theo nghề rồi thì quen dần và chấp nhận những khó khăn vì đó là “nghiệp” của mình, cả nam hay nữ đều vậy thôi. Tôi theo nghề này vì thích tìm hiểu lịch sử - văn hóa và đã được học những người Thầy giỏi nhất.
Vài năm nay, do yêu cầu của công việc nên tôi không còn trực tiếp tham gia hoạt động khảo cổ học, tuy nhiên kiến thức nghề nghiệp đã giúp tôi – với chức trách của mình - có cơ sở khoa học trong việc bày tỏ chủ kiến về việc bảo tồn di sản văn hóa, như anh đã biết qua báo chí.

Văn minh Óc Eo nỗi tiếng với kĩ thuật chế tác trang sức tinh xảo, nghệ thuật chế tác đạt trình độ cao, nhưng riêng về gốm thì chưa thể hiện được trình độ cao, điều này có thể lý giải ở góc độ nào? (Lê Quang Hào, Chi hội gốm Nam bộ) 
TS. Nguyễn Thị Hậu: Các đồ chế tác như trang sức, vàng bạc thường dùng phục vụ tầng lớp cao cấp, hoặc trong nghi lễ thờ cúng. Còn chức năng đồ gốm chủ yếu  luôn phục vụ sinh hoạt của tầng lớp bình dân, chất lượng chừng mực, từ nguyên liệu bản địa, do đó loại hình bình dị  hơn những sản phẩm khác từ chất liệu cao cấp hơn.

Tôi có nghe TS Nguyễn Thị Hậu nói rằng đồ gốm rớt dưới nước, sau bao năm vớt lên nhưng vẫn không rã. Trong khi đó công nghệ làm gốm thời xưa chưa đạt kĩ thuật cao. Chất liệu gì làm nên loại gốm này tồn tại tốt đến như vậy? (Bạn đọc Lan Hương). 
TS. Nguyễn Thị Hậu:  Đồ gốm làm từ  loại đất dẻo, đất sét có độ kết dính cao. Các loại đất này khi nung qua lửa làm tăng độ chịu lực và độ kết dính, có tính năng chống thấm. Hiện tại, một số loại đất nung tại một số địa phương có người Chăm sinh sống vẫn dùng phương pháp nung ngoài trời, bằng nguyên liệu cỏ dưới nhiệt độ 500 – 600 độ C. Với nhiệt độ nung như vậy,sảm phẩm đã khá cứng chắc thì khi ở dưới nước, sản phẩm sẽ không bị rã, hoàn thổ. Từ thế kỷ VII – VIII trở đi gốm Óc Eo đã có độ nungt khá cao,  gần như sành, không thấm nước đã giúp cho sản phẩm tồn tại khá lâu. Có thể gọi bí quyết chính là kỹ thuật làm gốm.


Phụ nữ đẹp bình dị như... đồ gốm


Đại Đoàn Kết 21/10/2012  - TS. Nguyễn Thị Hậu hiện đang sống tại TP.HCM, là một người hoạt động năng nổ trên nhiều lĩnh vực: khảo cổ, văn chương, giảng dạy... Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), chị vừa ra mắt cuốn sách "101 truyện 100 chữ”. Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Thị Hậu xung quanh những trang viết về phụ nữ trong cuộc sống hôm nay.

Thưa TS. Nguyễn Thị Hậu, không biết nên xưng hô với chị như thế nào? Nhà khảo cổ học hay nhà văn?

- Chỉ là "Nguyễn Thị Hậu” thôi, vì đối với tôi cả hai "nhà” đều lớn quá (Cười).

Và cũng xin bắt đầu câu chuyện bằng sự "lưỡng phân” này. Giữa khảo cổ và văn học, theo chị có điểm gì chung?

- Có lẽ có: Cùng tìm hiểu, giải mã về con người quá khứ hoặc hiện tại từ những "bằng chứng” có khi rất nhỏ nhoi. Và tìm hiểu về con người chính là tìm hiểu về xã hội, bối cảnh sống của con người.

Còn điểm riêng, thưa chị?

- Khi "giải mã” về con người thì khảo cổ nghiêng về "lý” còn văn học nặng về "tình”.

Với chị, văn chương là…?

- Tôi thích từ văn học hơn. Văn chương nghe hoành tráng quá! Từ nhỏ văn học đã là sở thích, là niềm vui của tôi. Còn bây giờ, nếu viết được chút gì đấy cũng để cho vui vì đã chia sẻ được với bạn bè.

Ngoài những cuốn sách khảo cổ học chi tiết và… dài, với văn chương chị lại viết rất ngắn kể cả khi viết tản văn, truyện ngắn. Tại sao?

- Sách về khảo cổ cần tuân thủ những yêu cầu – dù tối thiểu của một công trình khảo cổ học để đảm bảo nội dung khoa học, mặc dù những cuốn đó của tôi cũng khá đơn giản và… mỏng thôi. Còn khi viết những cái khác thì… thấy đủ thì thôi, vì đó là những chuyện nho nhỏ, người đọc hiểu mà, đâu cần phải dài dòng?

Với những truyện ngắn chỉ vỏn vẹn 100 chữ, liệu chị đang làm khó mình, hay là để đỡ tốn thời gian của độc giả thời bận rộn?

- Viết truyện 100 chữ đầu tiên là "thử” xem vốn từ ngữ của mình có thể sử dụng chính xác đến đâu? Vả lại, trong cuộc sống, một "cái dằm” cũng đủ làm người ta bận tâm rồi. Thế thì cứ viết giản dị như chính nó thôi. Càng chính xác càng giản dị, đó là suy nghĩ của tôi.

Là phụ nữ, khi viết và cả trong cuộc sống nữa, chị thường đứng về "phe nước mắt” chứ?

- Tôi đứng về phía nào không làm cho ai rơi nước mắt.

Nhưng khi đọc cuốn "101 truyện 100 chữ” (NXB Hội Nhà văn & Phương Đông Books ấn hành) tôi luôn bị ám ảnh về những nhân vật nữ - thường là không có tên, những "nàng”, "cô”, "mẹ”, "vợ anh”… Truyện nào cũng rưng rưng và hình như nhiều nước mắt ngậm ngùi?

- Tôi đọc ở đâu đó rằng, chỉ có phụ nữ mới biết yêu thương – theo nghĩa là luôn có khả năng chia sẻ. Có lẽ vì vậy mà phụ nữ hay "tám” với nhau về mình và cả những thứ ngoài mình.

Những xung đột và mâu thuẫn văn hóa trong cuộc sống gia đình hiện nay có cảm giác, được chị "bắt sóng” rất nhanh để đưa vào các truyện rất ngắn của mình. Hình như chị đang muốn khắc họa một hình ảnh những người phụ nữ nhạy cảm và… thiệt thòi?

- Phụ nữ thường nhạy cảm, phụ nữ có nội tâm phong phú càng nhạy cảm. Mà cuộc sống hiện nay thì quá nhanh, hiếm có khoảnh khắc "lặng” để nhìn lại… Còn thiệt thòi à, tôi không nghĩ thế, được mất vô chừng lắm…

Nhưng phụ nữ, cũng có khi được quý như "Cổ vật” – 1 trong 101 truyện rất ngắn của chị?

- Vâng. Không phải cổ vật nào cũng có vẻ đẹp rực rỡ như đồ trang sức vàng bạc hay đồ sứ hoa văn nhiều màu, mà phần đông phụ nữ như những đồ gốm, đồ đất nung có vẻ đẹp rất bình dị. Hình như ít người nhìn thấy vẻ đẹp như thế ở người phụ nữ của mình, quanh mình…

Là đồ gốm nên rất dễ… nứt phải không chị? Tôi đọc những chuyện tình trong truyện của chị đôi khi thật ngọt ngào, nhưng đôi khi tan vỡ rất nhanh, có thể chỉ trong mấy chục chữ: "Trời mưa. Cô mơ màng: Bây giờ ngồi quán với một cốc cà phê sữa nóng và nghe nhạc thì tuyệt. Anh lắc đầu: Trời mát thế này nhậu thịt chó mắm tôm là nhất… Thế là tan vỡ một mối tình”. Chị có thường áp dụng cái nghề khảo cổ vào để khảo sát các cuộc hôn nhân không?

- Có lẽ không cố ý nhưng thói quen "tinh tướng” trong nghề nghiệp đôi khi giúp mình tinh ý hơn trong cuộc sống (hay là ngược lại nhỉ?).

Người ta nói văn là người. Liệu có đúng với chị, và đúng bao nhiêu % trong tập sách này, thưa chị?

- 50% là "chuyện” - chất liệu từ cuộc sống xung quanh và của chính mình, 50% còn lại là cảm nhận, góc nhìn của tôi, là cách "xử lý” những chất liệu ấy thành một món ăn nhẹ để mọi người có thể nhấm nháp cả lúc đói và lúc không đói.

Xin trân trọng cảm ơn chị!

TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu sinh năm 1958, tốt nghiệp chuyên ngành khảo cổ học năm 1980. Hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM, tham gia giảng dạy ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM…

Chị là tác giả của nhiều cuốn sách: Đi và tìm trong đất, Quay qua quay lại, Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt Nam, Buổi trưa trong quán cà phê,…

Cổ vật
Gã có sở thích sưu tầm đồ cổ. Làm ăn vất vả nhưng gã vẫn chắt bóp để mua từng món đồ nho nhỏ. Có lúc vợ con còn phải nhịn miệng để gã mua bằng được "hàng độc”. Dần dần gã trở thành đại gia trong giới cổ vật.

Vợ mắc bệnh nan y. Để có tiền chữa bệnh cho vợ, gã quyết định bán món đồ cổ quý nhất. Mọi người tiếc: Bán rồi làm sao mua lại được!? Gã cười: Vợ là cổ vật duy nhất không bao giờ tôi muốn bị mất!

(Truyện 100 chữ của Nguyễn Thị Hậu)

Hoàng Thu Phố (thực hiện)



Chuyện trên đường (5) Bay cùng Hãng delay không thèm sorry.



Bữa trước mình có việc đi HN họp gấp. Mua vé chuyến 6g30 sáng của VNA. 5g30 ra sân bay TSN  thì được biết chuyên bay này hủy, không ai thông báo lý do, chỉ biết là không làm thủ tục được, nhiều người phải nhận lại hành lý đã gửi. Mọi người ngơ ngác. Hỏi nhân viên làm thủ tục thì biết: không còn chuyến nào gần nhất, chưa biết giải quyết thế nào?
Một lúc có một anh ra nói: nếu ai muốn đi sớm thì ra quầy trả vé nhận lại tiền và qua Vietjet mua vé chuyến 7g. Mấy người đi qua quầy trả vé thì… đã có một hàng dài. Sáng hôm đó VNA hủy 2 chuyến SG - Đà Nẵng, 1 chuyến SG-Hà Nội, 1 chuyến SG-Vinh… Khu vực trả vé và đăng ký vé chờ đông người nháo nhác… Cô nhân viên ngồi ở quầy trả vé mới sáng sớm mà mặt nặng như chì, làm thủ tục một cách chậm chạp, ai hỏi gì cũng không thèm mở miệng trả lời, lại còn lườm lườm mấy người ngơ ngác đến hỏi trả vé thế nào… Rất lạ là hủy nhiều chuyến bay thế mà không hề có loa thông báo mà chỉ có 1 nhân viên đến nói với khách đang xếp hàng.
Anh nhân viên lúc nãy bảo: bên Vietjet chỉ còn khoảng 10 – 15 vé HN ưu tiên cho khách của VNA và sắp khóa sổ, mà phải có hóa đơn trả vé của VNA. Mọi người lại sôi lên vì sợ không kịp mua vé bên Vietjet. Mấy ông Tây, Nhật, Hàn không thể hiểu việc gì đang xảy ra, kiên trì hỏi vì sao họ có vé mà không được đi? Cũng chẳng ai trả lời rõ ràng cho họ biết.
Đã có người bực quá to tiếng “tôi đến từ 5g sáng, xếp hàng đã đời không ai nói gì, bây giờ lại bảo hủy chuyến là sao?! Hôm qua tôi bận đột xuất phải đổi vé sáng nay thì bắt đóng bù mấy trăm ngàn, bây giờ hủy chuyến thì phải đền lại tiền vé cho tôi, cả tiền phạt hôm qua nữa!”. Anh nhân viên lúc này mới nói “vì lý do kỹ thuật nên hủy chuyến, vì vậy theo luật là không phải đền bù cho khách hàng”. Ôi trời, lúc này mình điên hết cả người, đang xếp hàng mình bỏ đấy, đến trước anh ta mình nói (giọng rất từ tốn):
-         Chuyện vì lý do kỹ thuật thì chỉ các anh biết với nhau, chúng tôi không thể biết chính xác. Vì vậy nói thế nào chúng tôi nghe thế! Nhưng bây giờ các anh phải giải quyết cho chúng tôi đi chuyến sớm nhất vì ai cũng đi công việc chứ không ai mất vài triệu đồng đi chơi. Có người ra HN làm việc trong ngày, tối về ngay nên không thể nào chuyển qua chuyến trưa hay chiều được!
-         Thì chúng tôi đang giải quyết với Vietjet.
-         Đề nghị anh nói rõ bên đó còn bao nhiêu vé? ở đây hàng chục người xếp hàng trả vé, nếu không mua được bên đó thì sao?
-         Thì các anh chị đăng ký vé chờ…
-         Này, đáng ra các anh phải chủ động mua vé Vietjet hay hãng khác cho chúng tôi và trả lại tiền chênh lệch, chứ không phải bắt chúng tôi làm việc đó! Các anh bán vé chứ không phải chúng tôi đi xin!
-         Các anh chị thông cảm…
-         Chúng tôi lỡ việc thì ai thông cảm cho chúng tôi?!
Có mấy người lẳng lặng qua Vietjet mua được vé chuyến 7g. Mình cũng bỏ không xếp hàng nữa, chạy qua đó thì: hết vé, chỉ còn chuyến 12g trưa!
Qua Air Mekong: có chuyến 9g nhưng bay lên Pleiku rồi 14g mới đến HN. Thế thì lỡ hết việc còn gì!
Qua Jestar: hết vé, chỉ còn chỗ chuyến 18g. Xong phim!
Quay lại quầy checking hỏi thăm, vì có thẻ Titan nên đăng ký được chuyến 10g30. Nhân viên nói: chị chờ đến 8g thử xem còn chỗ chuyến 8g30 không? Đành phải ra ghế ngồi chờ… Mới có 6g15, thôi thì mở máy vào FB than thở vậy. 
8g quay lại quầy, cô nhân viên nói: chuyến 8.30 không còn chỗ chị ạ. Mình chán quá, không nói câu nào, lấy điện thoại gọi ra HN báo không ra được nên… thông cảm vì tôi không dự họp! Thấy mình cứ thanh minh thanh nga lý do lý trấu… anh nhân viên hồi nãy nói với cô kia “em hỏi xem ghế 11c còn không, chị này có thẻ Titan đấy”. Cô kia bảo: em cứ xuất vé trước cho chị ấy nhé? Rồi vừa làm vé cô vừa gọi tới gọi lui một hồi mới được sự đồng ý của ai đó “mở ghế 11c”. 8g25, cầm vé trên tay (may mà không gửi hành lý) mình vội cám ơn rồi chạy hộc tốc lên lầu, qua cửa an ninh cũng phải chen ngang vì gần đóng cửa ra máy bay. Mà cửa ra tận số 14, chạy gần… đứt dép. Lên máy bay ngồi chưa kịp gài dây an toàn thì máy bay lăn bánh.
Ngồi trên máy bay mới nhớ lại thấy thái độ mấy anh chị ở quầy checking thật nhã nhặn kiên trì… Ai quyết định hủy, chậm chuyến thì họ cũng là người hứng chịu toàn bộ sự bực tức của khách hàng. Thật là quýt làm cam chịu đó mà.
Hồi trước có viết cái note “đi máy bay khổ thật”. Càng ngày càng thấy đúng là đi máy bay cũng chả sung sướng gì J
Một lần trục trặc: uh thì lỡ rồi thôi bỏ qua. Hai lần: chắc tại số mình "trục trặc". Ba lần: a hoá ra ko phải tại số mình. N lần: chán cả muốn nói! Nhưng ko lẽ cứ phải chịu đựng mãi?! 
Nhưng, có phải mình chỉ phải chịu đựng cái hãng VNA dù phải trả tiền những vẫn luôn bị coi thường này đâu?!

Những giới thiệu về cuốn 101 truyện cực ngắn (cập nhật


Tiến sĩ khảo cổ ra truyện cực ngắn


(TT&VH 21/10/2012) - Hậu “khảo cổ” là tên thân quen của tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu. Chị vừa ra mắt cuốn sách 101 truyện 100 chữ do Công ty Văn hóa truyền thông Phương Đông liên kết với NXB Hội Nhà văn ấn hành. 



101 truyện 100 chữ còn in kèm 10 tranh minh họa của họa sĩ Đỗ Đức vẽ tặng riêng cho tác giả. Những câu chuyện trong 101 truyện 100 chữ như những tấm hình được Hậu “khảo cổ” chộp lại những khoảnh khắc cuộc sống diễn ra xung quanh. Nếu không chịu quan sát, không để tâm ghi lại thì những khoảnh khắc ấy sẽ trôi vào quên lãng. Có lẽ hành nghề khảo cổ nên tác giả đã rất tỉ mỉ trong việc chộp lại những giây phút thường ngày bằng những con chữ thoải mái như chính cuộc sống vốn vậy. 
Hậu “khảo cổ” là con gái của NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch - một người cả đời gắn với sân khấu cải lương, kịch Nam bộ. Chị sinh ra ở Hà Nội, hiện sống tại Sài Gòn và cũng thuộc hàng quan chức trong giới: Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Phó Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam. Từ năm 2008 đến nay, Hậu “khảo cổ” đã in: Đi và tìm trong đất (ký và tản văn), Quay qua quay lại (tản văn), Buổi trưa trong quán cà phê (tạp bút). 
 H. Nhân


Nguyễn Thị Hậu Với 101 Truyện 100 Chữ
Vũ Trọng Quanghttp://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19530


Nhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa phát hành tập truyện cực ngắn "101 truyện 100 chữ" của Nguyễn Thị Hậu, tiến sĩ Khảo cổ học. Đây là tập truyện cực ngắn thứ tư, sau Đi và tìm trong đất (Ký và tản văn, 2008), Quay qua quay lại (Tản văn, 2010), Buổi trưa trong quán cà phê (Tạp bút, 2012).

Nguyễn Thị Hậu hiện nay  là Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, Phó Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Tôi đồng cảm với nhà văn Lê Anh Hoài thì "Đọc loạt truyện cực ngắn này, không cần nghĩ ngợi đến những chức tước, học hàm học vị, sẽ thấy một cái nhìn nhạy cảm rất đàn bà, một kết cấu truyện gọn sắc như những cú đấm của dao găm, và cả tiếng cười như sắp phá bung ra đằng sau sự lạnh lùng của con chữ".

Truyện cực ngắn vì không thể là truyện dài, ngoài ý nghĩ ngoài ý nghĩa của giới hạn chữ, cô đọng và chính xác, tuy ngắn như lát cắt nhưng chuyên chở đầy sức năng, không phải sức nặng của những phiến mỏng tập hợp lại, mà trọng lượng mỗi truyện cực ngắn.

Xin trích 2 truyện cực ngắn:

Bao Thơ

Có vài cuộc họp người tham dự được nhận bao thơ, bên trong ít thì vài chục nhiều thì vài trăm ngàn. Người nhận có khi nhẹ nhàng cất vào túi xách, khi vội vàng nhét vào túi áo, lại có người hé ra xem, hớn hở hay thất vọng ra mặt...Nhưng nhiều người moi hết tiền ra, bao thơ vo lại vứt toẹt xuống đât.

Dù nhàu nát nhưng bao thơ không buồn vì nó đã làm tròn phận sự. Đôi khi nó còn thấy mình tử tế hơn nhiều người moi tiền từ nó.

 Truyện thứ hai thời sự hơn.

Giải Nobel

Bạn bè viết lách tụ tập cà phê, kháo nhau: nhà thơ X. cả quyết sang năm ông sẽ được đề cử Nobel Văn chương, nhà văn Y. bảo chị ta được ai đó đề nghị giải Nobel Hòa bình... Nghe phát ham! Nhà phê bình bèn nói với vợ: anh sẽ chuyễn sang viết tiểu thuyết để tranh giải giải Nobel Kinh tế!

Vợ than: Trăm tội là tại Nobel. Ông chế ra thuốc nổ làm chi để miểng văng tùm lum vậy?!

Tôi đã đọc các truyện cực ngắn của Nguyễn Thị Hậu trên vanchuongviet, bây giờ đọc lại trên sách vẫn thấy mới, vẫn thấy tủm tỉm.

Vẫn thấy chất thơ từ những dòng văn xuôi. "... Cũng giống như trong Thơ, ở truyện cực ngắn, tác giả chỉ phát ra một số gợi ý để người đọc, chính người đọc mới là kẻ hoàn tất tác phẩm. Nguyễn Hưng Quốc"

Vũ Trọng Quang

101 truyện 100 chữ - món quà nhỏ xinh xắn cho phụ nữ trong ngày 20-10

TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu vừa ra mắt tập sách “101 truyện 100 chữ” (Phương Đông Books và NXB Hội Nhà văn). Cuốn sách nhỏ xinh xắn in trên giấy ngoại nhẹ xốp, với 10 tranh minh họa cho các câu chuyện của họa sĩ Đỗ Đức dành tặng riêng cho tác giả thật thích hợp là một món quà tặng có ý nghĩa và thích hợp với một nửa còn lại của thế giới trong ngày mùa thu này.Những câu chuyện nhỏ trong “101 truyện 100 chữ” là những chuyện thường ngày xảy ra trong uộc sống của chúng ta, nhưng không phải ai cũng có thời gian nghĩ tới nó, thoảng hoặc có nghĩ tới trong khoảnh khắc nào đó trong ngày thì lại “chép miệng cho qua” vì còn bao bộn bề phía trước.
Ví như: Để ngăn không cho kiến vào thức ăn, chủ nhà viết chữ “CỨT” rất to bên ngoài. Và rồi hình như loài kiến cũng hiểu ra - không ăn bẩn. Nhưng lại cũng chính chủ nhà không thể ăn được những thức ăn đã giành giật lại từ kiến (Kiến). Thắng lợi gặt hái được từ một kiểu xấu chơi hình như cũng khó nhằn.
Hai vợ chồng giận nhau, vợ chở con về nhà ngoại. Khi biết vợ “mượn cớ” trở về lấy một số đồ dùng (biết đâu lại chẳng có cơ may hàn gắn), người chồng đã thay ổ khóa. “Đàn ông nông nổi giếng khơi” là thế! (Khóa)
Gã đàn ông nhiều lần sợ trễ hẹn với bồ đã phóng xe vượt đèn đỏ. Lần nào gặp cảnh sát giao thông gã cũng hớt hải: “Thằng nào vừa chở con vợ anh, chú cho anh qua đuổi theo”. Nhưng đến lần hắn nhìn thấy vợ ngồi rất tình tứ sau xe máy của một gã đàn ông khác, gã bị giữ lại lập biên bản” (Đèn đỏ). Các cụ bảo “Đi đêm lắm có ngày gặp ma” cấm có sai.
Các truyện thật ngắn của Nguyễn Thị Hậu như một khoảnh khắc trong cuộc sống, có khi là ánh chớp lóe lên trước cơn giông, có khi là cơn mưa bất chợt giữa ngày hè oi bức, có khi là cú vấp trên đường… Người viết,  luôn quan sát nắm bắt được những giây phút bất chợt ấy một cách tỉnh táo, nhưng lại cảm nhận bằng trực giác, từ trái tim, sự “đe dọa” ẩn trong ánh chớp, sự nhẹ nhõm sau cơn mưa, cả cảm giác choáng vì đau của cú vấp ngã… Và với vai trò “người viết”, Nguyễn Thị Hậu đã nắm bắt trọn vẹn khoảnh khắc ấy, chuyển đến người đọc. Có chăng, vì không coi mình là “nhà văn” mà chỉ là chia sẻ với bạn bè nên khi chị viết truyện thật ngắn cũng thoải mái, như viết tản văn hoặc khi làm nghề chính: khảo cổ học của mình vậy.
Hoàng Thu Phố 

PNO - Sau một số tập sách được bạn đọc yêu thích như: Đi và tìm trong đất (ký và tản văn) Quay qua quay lại (tản văn), Buổi trưa trong quán cà phê (tạp bút)… Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu vừa cho ra mắt tập sách 101 truyện cực ngắn (NXB Hội Nhà văn). Nhân dịp này, PNO có cuộc trao đổi ngắn với chị về “đứa con” vừa chào đời đã được nhiều cư dân mạng, cộng đồng thân thiết của chị, đón chào nồng nhiệt.
PNO: Từ những tác phẩm chuyên khảo khoa học đã xuất bản như Khảo cổ học bình dân Nam bộ, từ thực nghiệm đến lý thuyết; 100 câu hỏi đáp về khảo cổ học TP.HCM đến những tập tản văn thú vị, nay chị lại ra mắt 101 truyện cực ngắn, chỉ gói gọn trong 100 chữ, gây hứng thú cho bạn đọc. Tập sách này có phải là một thử nghiệm mới?

- Tôi viết những truyện ngăn ngắn như thế từ lâu rồi, ngoài blog cá nhân và một số trang mạng thì đã đăng trên một số tờ báo như Tiền Phong, TuổiTrẻ, Văn nghệ TPHCM, Văn nghệ (Hội Nhà văn)… Tôi thích viết ngắn để xem… khả năng ngôn ngữ của mình thế nào. Nhưng thực ra vì tôi không có khả năng viết dài.

* Đọc 101 truyện cực ngắn của chị rất thú vị. Truyện chỉ 100 chữ khái quát cả câu chuyện, một thông điệp với hàm ý sâu sắc. Có một nhà văn đã nói rằng, sở dĩ ông chuyên tâm viết tiểu thuyết vì không có thời gian… viết ngắn. Viết ngắn với chị có dễ?

- Cũng bình thường thôi, giống như viết tản văn hay tạp bút, khi nắm bắt được ý tưởng thì sẽ tìm ra cách thể hiện nào phù hợp nhất. Vả lại, có những việc đâu cần phải nhiều lời…

* Là thành viên của nhiều hội, nhiều diễn đàn, mạng xã hội, sau những tập sách đã xuất bản được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao, chị có “phấn đấu” trở thành hội viên Hội Nhà văn?

- Tôi luôn biết mình là người viết văn nghiệp dư, viết chỉ là sự chia sẻ với bạn bè, vì vậy đối với văn chương tôi chỉ góp mặt cho vui vậy thôi.
Ngọc Đỗ
(thực hiện)
http://phunuonline.com.vn/nguoi-yeu-sach/tac-gia-tac-pham/nguyen-thi-hau-101-truyen-cuc-
ngan/a77257.html

THẾ GIỚI MẠNG và tôi

Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

1. Nhiều năm trước, khi tôi dè dặt bước vào thế giới mạng lạ lùng và đầy hấp dẫn, một lần lang thang trên mạng, tình cờ gặp blog của một cô bé nào đó trang trí hình chú mèo kitty trắng thắt nơ hồng xinh xắn. Lướt qua những gì cô bé chia sẻ tôi thấy quen quen, sao giống con gái mình đến thế! Nhưng càng đọc tôi càng “hết hồn”, có lúc phát cáu vì vừa đọc vừa phải đóan xem cô bé viết gì. Trời ơi, từ ngữ kiểu gì mà tòan là bùn wé, chán như con gián, buồn như con chuồn chuồn, hồn nhiên như bà điên, em hok hỉu … Tóm lại là nhiều chỗ “hiểu chết liền”! Tôi bèn nhận xét “dạy dỗ” vài câu.
Vài hôm sau con gái tôi tròn mắt ngạc nhiên, sao mẹ vào được blog của con, con đã add mẹ đâu? Tôi cũng ngơ ngác mẹ không biết, tự nhiên thấy thì đọc. Mà con viết bằng ngôn ngữ ở đâu ra vậy?! Con gái cười hihi, mẹ ơi, bây giờ mọi người đều viết trên blog như thế, viết kiểu như mẹ “xưa rồi Diễm ơi” ai thèm xem? Mà sao blog của mẹ xấu thế, trông như “chuối cả buồng”. Ôi trời, tôi “chóang”!
Thế nhưng bây giờ blog đã trở thành thế giới quen thuộc của mẹ con tôi. Blog là nơi các con nói về tình yêu thương dành cho cha mẹ, về tình cảm bạn bè thân thiết, có lần con gái mượn blog để xin lỗi vì đã làm cho mẹ buồn lòng… Từ blog tôi gần con hơn, hiểu con hơn qua những entry như thế. Và con tôi cũng hiểu tôi hơn từ những gì tôi không thể nói bằng lời… 
Tôi đã đến với thế giới mạng như vậy đấy.

2. Mỗi ngày lướt mạng ta có thể nhận ra muôn mặt của cuộc sống, và có khi, bất ngờ nhận ra khả năng “biến hóa” của chính mình. 
Trên thế giới mạng ảo mà thật (lúc này lúc khác) bạn sẽ thể hiện sự kiêu ngạo/ yếu đuối/ hài hước/ lãng mạn/ nghiêm trang/ nhạt nhẽo/ thú vị/ độc đóan… Có thể bạn sẽ như một con người khác: nhà khoa học/ nhà thơ, nhà văn/ nhà phê bình/ thỏai mái bình luận về văn hóa nghệ thuật/ nhân vật/ sự kiện… Ở đó bạn có thể trở về thế hệ tuổi Teen khi bày tỏ cảm xúc “sến như con hến” về mùa thu về mưa về nắng… có thể bạn sẽ tự tin thể hiện mình giỏi giang/ duyên dáng/ đẹp trai/ xinh gái/… Ở đó bạn bình đẳng với tất cả khi được tự do tỏ bày/ bộc lộ/ bức xúc/ tán thưởng/ phản đối/ tranh luận/ đồng tình…
Có khi sau những lúc lang thang trên mạng như thế, bạn thấy nỗi cô đơn đang nén chặt trong mình dường như lõang ra, nhạt đi, và nhẹ đi…
Ở trên mạng bạn có thể nhảy từ “nhà” này sang “nhà” khác, ngó nghiêng nhìn ngắm các chủ nhà và những mối quan hệ của họ. Có khi bạn làm quen với người này người khác, cũng có khi bạn “cắt đứt” không thương tiếc với một ai đó… Có khi bạn tham gia vào câu chuyện của nhà này nhà kia, có khi đi qua không để lại dấu vết gì nhưng cũng như ngòai đời, những gì nhận được từ thế giới mạng có thể sẽ để lại trong bạn một ấn tượng khó phai.
Có khi sau những lúc lang thang như thế, dường như bạn càng thấy “cô đơn trên mạng” nhiều hơn…
Ở trên mạng bạn có thể nói/ viết bằng thứ ngôn ngữ do bạn lựa chọn, không quan tâm có phải/ có đúng là tiếng Việt “chính thống” hay là thứ ngôn ngữ “làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt”, chỉ cần được là chính mình trong/ tại thời điểm đó. Dù viết gì và viết thế nào, những gì bạn viết trên mạng chắc chắn là một phần con người bạn. Và cũng như trong cuộc sống, những status và comment, những note và entry của bạn cũng phải chịu sự va đập của thế giới mạng. Bạn “ném” ra cái gì thì thế giới mạng sẽ trả lại bạn cái đó. Thật đấy! Thế giới mạng rất “tinh tướng”, không phải cứ đạo mạo lên mặt dạy đời chê bai tất cả thì “mạng” sẽ vì nể, hay bỗ bã tếu táo thậm chí ‘chửi” như hát hay thì “mạng” sẽ coi thường xa lánh. Và cũng như trong đời sống, cái gì cũng có giới hạn của nó. Để nhận ra được cái giới hạn này, ở trên mạng hay ngòai đời, đều không dễ. Quá đi một chút, từ bỗ bã tếu táo trở nên đanh đá hỗn hào, từ nhận xét khen chê sẽ thành tâng bốc hay mạt sát… Sự tương tác tức thời và “không biên giới” của thế giới Mạng là một sức mạnh đồng thời cũng có sức quyến rũ mê hoặc ghê gớm. Thế giới mạng như một tấm gương của cuộc sống, chỉ có điều cần lưu ý, nó là tấm gương phóng đại nhiều lần sự tốt đẹp hay những khiếm khuyết, xấu xa của con người, của xã hội.


Biết vậy nhưng tôi vẫn lướt mạng mỗi ngày, bởi vì mạng cho tôi một cuộc sống phong phú đa dạng, nó luôn đặt tôi trước thử thách: khi đối diện “tấm gương phóng đại” hãy tỉnh táo nhận biết chân giá trị của mình, của người, của những gì diễn ra xung quanh. Và hơn hết, từ những mối quan hệ tưởng như “ảo” ở trên mạng tôi đã tìm được những người bạn thật sự.

Viết cho "F THỜI TRANG" số ra ngày 5/10/2012

12 TRUYỆN CỰC NGẮN


TT - 1. Giống nhau
Minh họa: Trần Ngọc Sinh

Nhà có cháu bị hội chứng Down, mọi người phải trông chừng sợ cháu đi lạc. Một ngày ông đi làm thấy cháu đứng bơ vơ ngoài chợ, lật đật chở về. Tới nhà, thấy... cháu đang ngồi ở cổng chờ ông. Nhìn lại, hóa ra nhầm, người kia cũng bị Down nên mặt giống cháu. Bèn chở người ấy trả về chỗ cũ.
Vừa đi vừa nghĩ ngợi: sao cơ quan mình cũng có nhiều người giống nhau thế, dù không phải là Down?
2. Đám giỗ
Bà mất sớm. Ông lấy vợ kế. Bà Hai không sinh con để toàn tâm chăm lo cho chồng và các con chồng, rồi các cháu nội ngoại. Mấy chục năm trôi qua như thế...
Ông bà lần lượt ra đi.
Một lần đến đám giỗ ông, nhìn lên bàn thờ chỉ thấy di ảnh của ông và bà Cả. Hỏi người nhà: vậy ai thờ bà Hai? Họ tỉnh queo: để bà ở chùa!
Thắp nhang trước bàn thờ bỗng như thấy hình bóng bà Hai vẫn ân cần bên ông.
3. Cái bóng
Một nhà văn nổi tiếng có ảnh hưởng lớn đến nhiều người viết trẻ. Ông tự hào khi học trò là “bản sao” của mình vì điều đó chứng tỏ uy tín của ông ngày một lớn hơn.
Ông quên rằng vào giữa trưa cái bóng của mỗi người chỉ đủ cho chính họ, và đến chiều tối thì cái bóng cũng không còn nữa.
Có “đệ tử” đã nhận ra điều đó, cố gắng bước ra ngoài cái bóng của “sư phụ”. Và đi xa hơn.
4. Bao thơ
Có vài cuộc họp được nhận bao thơ, bên trong ít thì vài chục, nhiều thì vài trăm ngàn. Người nhận có khi nhẹ nhàng cất vào túi xách, khi vội vàng nhét túi áo, lại có người hé ra xem, hớn hở hay thất vọng ra mặt... Nhưng nhiều người moi hết tiền ra, bao thơ vo lại vứt toẹt xuống đất.
Dù nhàu nát nhưng bao thơ không buồn vì nó đã làm tròn phận sự. Đôi khi nó còn thấy mình tử tế hơn nhiều người moi tiền từ nó.
5. Học trò cũ
Hồi đó học trò là cán bộ đi học nên lớn hơn cô giáo vài tuổi. Trong lớp ngoài đường gặp nhau vẫn xưng hô cô - em thân tình mà trân trọng. Nhiều năm sau, tình cờ gặp lại trong một cuộc họp, học trò nói với mọi người “đây là cô giáo cũ của tôi”. Quay sang cô giáo: “Em có mang danh thiếp không, cho anh...”. Cô giáo nhã nhặn: “Xin lỗi, tôi không có danh thiếp”.
Học trò giờ là “người sang” nên cô giáo không muốn “bắt quàng” làm quen.
6. Điếc
Ông lão nghễnh ngãng nhưng đi đâu cũng nói to nói nhiều như cãi nhau.
Một lần qua nhà hàng xóm thấy con chó lao ra sủa thì lão lại mỉa mai “nhà giàu có khác, chó thức đêm canh trộm hay sao mà ban ngày ngáp lắm thế?!”. Con chó thấy lão nói như quát, bèn lao đến đớp cho một phát.
Từ đấy lão ăn nói từ tốn hẳn.
Có những người cứ phải bị cắn như thế thì mới tỏ ra biết điều.
7. Vu lan
Từ sáng sớm anh chị đã rối rít chuẩn bị nhang đèn hoa trái lên cúng chùa cùng món tiền công đức khá lớn. Mẹ anh hỏi: “Chiều mấy giờ về để mẹ nấu cơm?”.
- Mẹ đừng chờ. Chiều tụi con ăn cơm chay nhà chùa đãi.
Xe chạy. Mẹ đứng đó tần ngần.
8. Mèo và chó
Mâm cơm đậy lồng bàn vậy mà mèo vẫn cạy và tha mất khúc cá. Nó bèn lấy lồng bàn úp... mèo. Con mèo lê la khắp nhà mà không sao chui ra được. Nó yên tâm làm việc không lo mèo ăn vụng.
Chó mon men đến mâm cơm, xốc mõm vào ăn hết. Mèo nhìn thấy meo meo ầm ĩ. Nó mắng mèo: cho chừa cái tội ăn vụng, kêu gì mà kêu!
Người ta thường chỉ thấy mất khúc cá mà không thấy mất cả mâm cơm là thế.
9. Đạo đức
Thỏ chạy khắp khu rừng, gặp con thú nào nó cũng nói: đừng hút chích ma túy, đừng chơi bời mà bị HIV rất nguy hiểm... Gặp sư tử chưa kịp nói gì thỏ đã bị một cái tát choáng váng. Sử tử quát: con điên này ngày nào cũng phê thuốc chạy lung tung nói lảm nhảm, bực mình quá!
Kết luận (tùy chọn):
1. Đừng nghe mấy người hay rao giảng về đạo đức.
2. Đừng giảng đạo đức cho kẻ mạnh.
3. Trong rừng thỏ ngày càng nhiều. Sư tử phải bỏ đi.
10. Phóng sinh
Rằm tháng bảy chủ nhà mời thầy chùa về tụng kinh, mua cá phóng sinh thả xuống hồ nước trước nhà.
Bữa ăn tối toàn món cá: chiên giòn, canh chua, kho tộ... liền khen ngon. Thằng con hồn nhiên khoe: cá bắt trong hồ nước nhà mình đấy.
Chủ nhà vỗ đùi đánh đét: hay, tay này buông tay kia vớt, nhà mình vẫn được tiếng từ bi!
11. Halloween
Mới bước đến cửa mọi người đã nhao ra trầm trồ: Ồ, hóa trang ấn tượng quá! Nó giật mình bước vào phòng vệ sinh, một gương mặt lạ hoắc trong gương đang nhìn nó đầy nghi hoặc. Chợt nhớ: hôm nay vội đi nên nó không trang điểm gì cả, định bụng khi đến đây sẽ tìm mua một cái mặt nạ.
Mà có khi chẳng cần mặt nạ nữa vì có ai nhận ra cái mặt thật của nó đâu.
12. Một lần nằm mơ
“Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời”.
Linh hồn tôi lạc vào vương quốc chó thấy chuồng nào cũng đồ sộ đẹp đẽ. Bỗng gặp con Vàng yêu quý, nó rối rít mời tôi đến chuồng nhà nó. Bước vào phòng khách tôi thấy tấm hình của mình, dưới ghi “bà chủ - người kiểng Sài Gòn”.
Nhìn sang chuồng hàng xóm của con Vàng thấy bảng đề “coi chừng, nhà có người dữ”. Lạnh toát cả người, giật mình tỉnh dậy.
Truyện của NGUYỄN THỊ HẬU

MỘT DÒNG KÊNH HỒI SINH - NGÓ TỪ QUÁN NHẬU BỜ KÈ


Tạp bút – Nguyễn Thị Hậu

Hồi mới về Sài Gòn nhà tôi ở gần sân bay Tân Sơn Nhất. Hàng ngày, tôi vẫn đi về qua cây cầu Công Lý nổi tiếng gắn liền với tên tuổi anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Nhưng ấn tượng mà cây cầu gây cho tôi hẳn không chỉ có vậy.
Hàng ngày, tôi cũng nhìn thấy những dãy nhà lụp xụp kéo dài khuất tầm mắt, lan từ ven kênh đến sát phía sau những biệt thự cao ốc sang trọng là mặt tiền của con đường rực rỡ đèn màu cửa kính... Rồi cứ đi dọc ven kênh sẽ qua nhiều con đường khác: Hai Bà Trưng với cầu Kiệu, Trương Minh Giảng (sau này là Nguyễn Văn Trỗi) với cầu cùng tên...
Xóm ven kênh hình như không bao giờ thấy bình minh, ban ngày ánh sáng vẫn nhờ nhờ. Còn khi chiều đến, bóng tối, không thèm đợi hoàng hôn, sụp xuống rất nhanh.
Dòng nước đen đậm đặc mùi xú uế lưu cữu hàng chục năm làm cho bất cứ ai mới bước chân đến đây đều có thể “chết” vì ngạt thở. Nhưng người sống ở đó thì dường như chịu đựng quen đến mức không biết là có nơi khác không khí dễ thở hơn...
Ngày nắng, mái tôn vách ván phơi mình cong vênh ngày mưa dãy cọc nhà sàn liêu xiêu chìm trong nước... Bờ kênh tràn rác, muỗi dày đặc, chuột chạy như chốn không người…
Đó là hình ảnh nơi cư ngụ của hàng ngàn gia đình, trôi dạt về đây sinh sống từ bao nhiêu nơi, trong bao nhiêu năm qua. Sài Gòn – Chợ Lớn không thiếu những dòng kênh đen và những xóm ven kênh như vậy.
Hình ảnh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã tồn tại như thế trong mắt tôi ngót nghét ba thập kỷ, cho tới khi xảy ra một sự kiện quan trọng vào năm 2003.
Trước tình trạng ô nhiễm nặng của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, tuyến kênh dài hơn 13 cây số, chính quyền thành phố đã quyết định đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện việc cải tạo, nâng cấp với mong muốn thành phố sẽ có một dòng kênh xanh-sạch-đẹp.
Dự án này cũng nằm trong mục tiêu thứ hai là giảm thiểu tình trạng ngập lụt vào mùa mưa, và điều hòa khí hậu trên địa bàn một Sài Gòn, nay đã mở rộng thành một tỉnh thành với cái tên Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là lý do vì sao người ta luôn thấy ngổn ngang lô cốt khắp những con đường lớn nhỏ của thành phố.
Tuy cảm thấy bất tiện, thậm chí khó chịu, nhưng người dân thành phố, trong đó có hàng ngàn cư dân xóm Nhiêu Lộc – Thị Nghè, vẫn đón nhận chuyện này với sự hào hứng. Có điều, sự hào hứng đó kéo dài không lâu.
Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, sau cú “đề pa” đầy hào sảng, như tiếng phát ra từ ống “pô” những chiếc Vespa cổ, trong mấy năm sau cứ lịm dần, rồi tịt hẳn.  
Chuyện xôn xao bắt đầu từ việc giải tỏa những xóm nhà sàn ở trên và hai bên dòng kênh đen ngòm dày đặc rác. Những ngôi nhà mái tôn vách bằng lá dừa, hay bằng thùng giấy, hoặc bằng bất cứ gì có thể che chắn được, đã dần dần được giải tỏa. Rồi những chiếc máy xúc, cần cẩu xuất hiện, một vệt ngổn ngang nào xà bần, nào bùn rác...
Con đường đã thành hình ở hai bên bờ kênh. Dãy nhà mới nhô ra ở bên từng con đường lúc đầu cũng nhếch nhác không kém những ngôi nhà vừa bị ủi đi. Nhưng, như một phép màu, chúng được sửa sang, hay xây mới rất nhanh, bởi có nhà “mặt tiền” là sẽ kiếm ra tiền thôi mà.  
Vẫn còn nhếch nhác, ngổn ngang, vẫn mùi xú uế, nhất là khi nước ròng. Nhưng hở ra đoạn đường nào là hàng quán mọc ra đến đấy. Quán cà phê, quán nhậu, quán nhà lầu, hay quán lá dựng tạm ven kênh. Có quán chỉ là vài bộ bàn ghế, kiểu quán “cóc” ngoài Hà Nội, có quán lại rộng rãi, khang trang, với máy lạnh, đèn màu sáng trưng...
Nếu như vào năm 2003 ước chỉ có vài chục quán thì nay đã có hàng ngàn quán, mọc lên như nấm mùa mưa. Và người ở đâu lại đổ đến đây tấp nập mỗi chiều…
Dân nhậu đất Sài Thành bắt đầu quen với thuật ngữ quán bờ kè, vừa là địa chỉ chung cho một khu ăn nhậu bình dân mới hình thành, vừa thể hiện đầy đủ những đặc trưng của “Sài Gòn nhậu”: mồi ngon, phong phú, lại khá rẻ; nhiều loại bia rượu từ bình dân đến cao cấp; chỗ ngồi thoải mái, muốn máy lạnh, hay muốn hưởng gió trời, đều có cả; chủ quán và phục vụ nhiệt tình, có người giữ xe máy không mất tiền lại còn cẩn thận dẫn xe giùm khi có ai lỡ xỉn quá.
Nhiều quán còn có các em gái tiếp viên mùa nào cũng áo thun hai dây ôm sát cái eo thon và quần ngắn khoe cặp chân dài. Rồi các em tiếp thị bia, thuốc lá, hay các cụ già và em nhỏ bán vé số mang đến tận bàn. Thỉnh thoảng có mấy anh chàng “múa lửa”, hay bán kẹo kéo, cùng dàn loa khủng oang oang nhạc sến, à quên, bolero…
Thôi thì ở đâu “chơi” kiểu nào thì quán bờ kè “chơi” kiểu đó.
“Với tất cả sự khiêm tốn của những người tự nhận mình khiêm tốn”, tôi vẫn phải thừa nhận rằng mình và bạn bè đã thường xuyên góp phần vào sự tấp nập nơi bờ kè. Mỗi chiều, đến giờ tan sở, cứ nghĩ đến đường về nhà phải trải qua vài đoạn kẹt xe hàng giờ vì lô cốt, hình như ai cũng ngán ngại… Vậy là nhắn nhau “ra bờ kè nhé”. Chẳng cần nói tên quán, vì nhóm nào cũng có một, hai “quán ruột” của mình.
Quán “Ốc núi” của bọn tôi nằm ở một đoạn đường khuất, trước quán có hàng điệp mới trồng cao hơn đầu người nhưng đã trổ bông vàng, dòng kênh uốn mình hẹp lại,  hiện ra gọn gàng giữa hai bờ mới kè lại đều tăm tắp. Nhiều năm qua, quán này đã vài lần đổi chủ, nhưng không đổi khách. “Băng” tụi tôi thích quán này vì… nó vắng, đã thế đồ ăn khá vừa miệng, lại rẻ nữa. Ngồi đây tha hồ chuyện trên trời dưới đất, không có tiếng dô dô ồn ào xung quanh, lại có thể chỉ ngồi im lặng, lơ đãng ngó đường, ngó kênh, ngắm nhìn hoàng hôn chầm chậm mỗi chiều…
Lý do này thiệt là vô duyên, hổng chừng chủ quán mà nghe thì đuổi cả đám, vì ai mở quán mà mong vắng khách, phải hôn? Quán vắng, có lẽ vì nó nằm gần như tách biệt khỏi khu vực tấp nập đằng kia, tôi tự lý giải.
Mỗi lần ghé quán là một lần thấy sự thay đổi của dòng kênh, của những ngôi nhà hai bên, và của cả con người ở đây.

***
Nhìn trên bản đồ cổ xưa của Sài Gòn – Bến Nghé, ta thấy Nhiêu Lộc -  Thị Nghè từng là con rạch/sông đóng vai trò quan trọng trong tưới tiêu, và là tuyến giao thông xuyên suốt qua những khu vực trung tâm của thành phố.
Gia Định Thành Thông Chí (Trịnh Hoài Đức, 1820) đã miêu tả về con sông này như sau: “Sông Bình Trị, tục gọi sông Bà Nghè, ở địa phận tổng Bình Trị về phía bắc trấn, từ sông Tân Bình quanh sau trấn lỵ đến cầu Ngang, ngược dòng lên tây độ bốn dặm rưỡi đến cầu Cao Miên (nay là cầu Bông), chảy về tây bắc độ hai dặm đến chợ Chiểu (chợ Bà Chiểu nay), chảy về phía nam độ bốn dặm đến Phú Nhuận, sáu dặm rưỡi đến cầu Huệ là cùng nguyên, nơi đây có những ao vũng tản mạn”.
Là một trong ba tuyến sông tự nhiên cổ nhất (cùng với sông Sài Gòn và sông Bến Nghé), rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè và lưu vực của nó hiện nay là một vùng khá rộng ăn sâu vào lòng thành phố với nhiều chi lưu và đi qua các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, và Gò Vấp.
Từ khoảng giữa thế kỷ 20, rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè mất dần chức năng lưu thông, chỉ còn chức năng tưới tiêu cho vùng nông nghiệp vườn ở các quận ven. Dân cư ven kênh rạch phần lớn còn là nông dân. Ký ức của nhiều người lớn tuổi còn nhớ, lúc đó những con sông, rạch trong thành phố chưa ô nhiễm nặng, ngày vẫn hai lần nước lớn nước ròng nên nước còn trong, trẻ con còn bơi lội trên sông.
Chiến tranh. Dân nhập cư đổ về thành phố ngày càng nhiều, người nghèo lập nên những xóm ven kênh lan dần từ ngoại ô vào trung tâm, nhà cửa ngày càng chen chúc trên bờ, chồm ra kênh rạch. Chất thải, rác rưởi tù đọng dưới sàn nhà, lấp dần kênh rạch khiến nước không còn lưu thông được nữa. Mỗi ngày, khi thấy có chút gió mát thì biết lúc nước lớn, thấy đứng gió nực nội là biết nước ròng.
Nhưng rồi cũng đến lúc Dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè “tăng tốc”. Gần một năm nay dòng kênh nước đã sạch hơn mỗi ngày, và gần như không còn tình trạng vứt rác xuống kênh. Nhất là từ khi hai bên bờ được dựng hàng rào sắt, vỉa hè lát gạch sạch sẽ, trồng cây, trồng hoa, hàng đèn đường vươn cao thanh thoát… Những chung cư cao tầng mọc lên, dân cư sống tại đây dần quen với việc giữ gìn vệ sinh công cộng, giữ gìn cảnh quan chung. Ngay những quán nhậu bờ kè ngày nào còn thoải mái xả rác ra đường thì nay cũng đã biết tự kiềm chế rất nhiều.
Thế mới biết việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị đâu chỉ cứ hô hào suông, hay trông chờ vào sự chuyển biến của ý thức cư dân. Bởi vì khi điều kiện sống chưa thay đổi, khó có thể hình thành lối sống mới.
Nếu coi môi trường sống là biểu hiện của “văn hóa vật chất”, còn lối sống nếp sống của cư dân là “văn hóa tinh thần” thì hai mặt này luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, là tiền đề cho nhau tự hoàn thiện. “Phố của người - người của phố” là một mệnh đề của xã hội học đô thị hiện đại.
Ngồi trong quán vắng bên bờ kè, chúng tôi lại mơ, rằng mai này kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè lại trở thành sông, cùng với sông Bến Nghé – Tàu Hũ ven đại lộ Đông Tây cũng vừa được nạo vét, sẽ phục hồi cảnh quan “trên bến dưới thuyền” cho du lịch thành phố, phục hồi văn hóa sông nước đặc trưng của Sài Gòn – Chợ Lớn.
Sống giữa thị thành hôm nay vẫn cần lắm những giấc mơ - những giấc mơ về ngày xưa sẽ trở lại trong hiện thực tốt đẹp hơn của ngày mai.

Sài Gòn 19/9/2012


NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...