TẠP CHÍ SÀNH ĐIỆU phỏng vấn (số tháng 9/2011)

Người thực hiện: LÝ ĐỢI

- Nhìn từ góc độ xã hội và văn hóa, theo chị, từ bối cảnh xã hội, hòan cảnh sống như thế nào mà sinh ra các thảm họa về văn hóa, nghệ thuật, ứng xử, nhân văn, tình người…?

Trước hết tôi muốn dùng từ “thảm họa” được đặt trong ngoặc kép. Lý do tôi sẽ xin giải thích sau. Gần đây trên các phương tiện truyền thông khi phản ánh những họat động văn hóa nghệ thuật, xuất hiện một khái niệm mới là “thảm họa” để chỉ việc biểu diễn, trình diễn của một số ca sĩ, người mẫu… tập trung vào 2 lĩnh vực: ca nhạc và thời trang biểu diễn. Thực trạng các lọai bài hát, những kiểu trang phục và cách trình diễn của họ “thảm họa” như thế nào có lẽ không cần nhắc lại ở đây. Vấn đề là vì sao và bối cảnh xã hội như thế nào mà những “thảm họa” đó xuất hiện?

Đầu tiên có thể nhìn thấy một hiện tượng phổ biến trong sinh họat văn hóa nghệ thuật là tính chất nghiệp dư. Dường như có xu hướng khuyến khích, “nuông chiều” tính chất nghiệp dư chứ không đòi hỏi sự chuyên nghiệp. Tôi không cho rằng phải học ở trường lớp mới là chuyên nghiệp và ngược lại, không học hành bài bản là nghiệp dư, mà tính nghiệp dư ở chỗ không xác định đâu là lĩnh vực chính, là sở trường của mình: ca nhạc, thời trang hay diễn viên điện ảnh… từ đó không chịu lao động, học tập nghiêm túc để vươn lên trình độ cao hơn trong lĩnh vực đó. Do vậy nhiều người làm gì cũng hời hợt, chất lượng nghệ thuật kém, thậm chí họ cũng biết rằng như thế như thế là kém, là xấu… nhưng miễn là kiếm được (nhiều) tiền.

Về xã hội: Có thể cho rằng đặc trưng quan trọng nhất hiện nay là thời đại truyền thông. Sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật truyền thông làm cho tốc độ cuộc sống ngày càng nhanh hơn do con người tiếp nhận thông tin nhanh hơn, nhiều hơn, đa dạng phức tạp hơn, và không thể chủ động mà phải tiếp nhận trong tình trạng “bị động”. Tuy nhiên ở những nước mới phát triển như nước ta hầu như xã hội chưa kịp thích nghi với điều đó. Sự thích nghi với “thời đại truyền thông” chính là việc mỗi người và cộng đồng biết điều tiết chọn lọc thông tin một cách có ích nhất cho mình và cho cộng đồng. Tiếc là nhiều người chỉ biết sử dụng và tận dụng truyền thông để có lợi cho mình mà điều đó lại không mang lại lợi ích gì cho cộng đồng, thậm chí còn có hại. Có thể lúc đầu chỉ là vài hiện tượng như một bài hát dở một bộ trang phục hở hang, nhưng truyền thông lên tiếng ào ào, có thể là phê phán nhưng lại không lường được dụng ngược của nó. Người ta bằng bất cứ cách nào (và bằng bất cứ giá nào) để được “có mặt” trên các phương tiện truyền thông, “thảm họa” bắt đầu từ đó. Nếu giới truyền thông “tỉnh táo” và có trách nhiệm hơn trong việc đưa tin, cách đưa tin thì đã không có sự ‘tiếp tay” như thế. “Quyền lực” của truyền thông đã bị lạm dụng quá mức so với chức năng xã hội của truyền thông.

Nên hiểu và nhận diện thế nào cho đúng về thảm họa?

Tôi nghĩ “thảm họa” ở một mức độ sâu hơn, đó là sự lệch chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, về thẩm mỹ nghệ thuật. Đó là việc chạy theo các giá trị ảo vì không cần lao động không cần tài năng, không muốn, không cần vươn tới giá trị thật vì phải lao động thực sự và cực nhọc. Và những giá trị ảo lại được “công nhận” và mang lại nhiều tiền. “Thảm họa” này là sự “cộng hưởng” từ nhiều lĩnh vực trong xã hội. Đó là lý do tôi dùng ngoặc kép cho từ “thảm họa”.

Trong các thảm họa mà truyền thông, báo chí từng đề cập trong thời gian qua, theo chị, thảm họa nào là đáng lưu tâm nhất? Lưu tâm - vì qua đó, nó để lại sức tác động lớn lao và có ảnh hưởng đến những đối tượng khác?

- Tôi cho rằng không có tác động gì lớn lao thực sự, vì nó là ảo, là bong bóng. Nhưng nếu nhìn sâu xa hơn thì chuyện trang phục của ca sĩ diễn viên là đáng lưu tâm nhất, nhất là nữ ca sĩ diễn viên. Trang phục xấu vì không phù hợp nơi chốn, không phù hợp tuổi tác, không phù hợp với bản thân mình… đã đành, nhưng xu hướng “khoe thân” thực sự đáng lo ngại, bởi vì phản ánh một tâm thức: “giá trị” của phụ nữ chỉ ở thân thể họ! Và do vậy phụ nữ chỉ “có giá” khi họ có một thân thể vừa mắt đàn ông! Từ góc độ xã hội đây chính là vấn đề về giới – phụ nữ bị coi thường từ đàn ông và cũng do phụ nữ không biết tự tôn trọng mình.

- Phải chăng, có những thảm họa “bề nổi”, theo nghĩa, sẽ tự sinh ra và tự mất đi theo thời gian? Và có những thảm họa “bề sâu”, khi đã sinh ra thì rất khó để mất đi; hoặc sẽ để lại di chứng nặng nề?

- “Thảm họa bề nổi” phản ánh “thảm họa” bề sâu, cũng là thảm họa thực sự: trình độ văn hóa thấp, giáo dục kém. Cứ nhìn những thảm họa bề nổi thì còn lâu xã hội mới hết định kiến “xướng ca vô lòai” đối với nhiều người trong giới ca sĩ diễn viên. Tôi không gọi họ là “nghệ sĩ” bởi nghệ sĩ là một danh xưng cao quý!

- Theo chị, cộng đồng xã hội có nên hoang mang hay phê phán các thảm họa đang diễn ra xung quanh mình? Hay cần có cách khắc phục nào đó?

- Tôi đọc ở đâu đó một câu nói rất hay có thể áp dụng trong trường hợp này “quyền được im lặng”. Trước những hiện tượng “thảm họa” mong truyền thông và mọi người hãy tỉnh táo, đừng góp thêm “gió” để thành “bão”.

Khách mời của chương trình SÀI GÒN HÔM NAY :)

Với 2 MC của HTV: Yến Nhi, Quốc Thái.

Biết vậy mình đi giày... 1 tấc cho khỏi thua kém, hihi :))

Nghe câu "hỏi khó" về "sự hiếu khách của người Sài Gòn" :)

Khoái cái anh chàng này quá cơ :))

Trích đoạn trong tác phẩm Quẩn quanh trong tổ của tác giả trẻ Phan An:

“Ý anh là em hãy tự tin lên đi.

Vì anh vừa đọc xong Cọp Trắng, cuốn sách của một người Ấn Độ viết về xã hội Ấn Độ. Phải nói ngay để em còn liệu đường mà thất vọng, nó là một tác phẩm văn học khô như ngói, không tình yêu, không tình dục, không du học, không du hí, không ung thư cổ tử cung, không bay không bướm. Thế mà nó lại giật giải Man Booker uy tín của năm 2008, thật là kì diệu thật là phép mầu. Trong Cọp Trắng, Aravind Adiga[1] so sánh cả xã hội Ấn Độ với một cái chuồng gà lớn, và chín mươi chín phần trăm dân số Ấn Độ bị kẹt trong cái chuồng gà đó. Kiểu như Mắc Xích[2] của Atmosphere ấy, em nhớ không: chuồng gà, chuồng gà, mỗi người là một con gà, chuồng gà, chuồng gà, tại sao tôi lại là gà, chuồng gà, chuồng gà, tôi không muốn là một con gà. Em hãy tự tin, vì Việt Nam ta không thế. Đứng trên gà mà nói thì chúng ta không chịu thua ai - tất nhiên trừ nước Thổ Nhĩ Kỳ, nơi cả đất nước là một con gà to - chúng ta có cả dịch cúm gà cũng như không hề ngần ngại tiêu thụ trứng gà giả. Nhưng, chưa có ai đánh đồng xã hội ta với cái chuồng gà cả. Không, chẳng ai nghĩ đến, mà cũng chẳng ai dám, ngay cả những lão xe ôm say bét nhè anh vẫn thường gặp hai bên bờ kè, ngồi tụng bia hơi hạng bét với món rau muống xào tỏi mà bàn chuyện trên trời dưới đất, hay mấy ông sồn sồn vẫn hay đánh cái quần xà lỏn, ngồi ôm con gà chọi ở góc đường, bình luận xem bên nào sản xuất ra quả bom nguyên tử to hơn, Bắc Hàn hay Mỹ. Không có ai xem xét mối tương quan giữa chúng ta và cái chuồng gà, không ai dại thế. Anh chỉ nghe bảo rằng thay vì chuồng gà, chúng ta đang sống trong một cái giỏ cua (giỏ cua, giỏ cua, mỗi người là một con cua), rằng chúng ta có nhiều chân, nhưng chúng ta lại chỉ bò ngang; rằng chúng ta không ăn sóng nói gió gì cho ra hồn, thế mà chúng ta lại rất hay sùi bọt mép; rằng càng chúng ta to, nhưng chúng ta không dùng chiến đấu, chỉ dùng để huơ qua huơ lại, huých đẩy nhau khụi nhau kiếm chỗ ấm thân; và rằng chỉ cần có một con lò dò mon men bò lên miệng giỏ hăm he tẩu thoát thì lập tức chúng ta bâu vào kéo xuống cho bằng được. Cũng giống như chuyện trăm con thằn lằn bám trên trần nhà mà có lần anh kể em nghe ấy: một con chẳng biết đứng tấn Thái Cực Quyền kiểu quái nào lại trượt chân lộn cổ xuống, sau đó đúng một giây chín mươi chín con kia nhất tề phóng đít rơi theo - chúng nó quá hăng hái vỗ tay mà quên phứt đi rằng cái kiếp thằn lằn sống trên đời này là để đu bám bóng đèn đớp mòng đớp muỗi. Em, em đừng bao giờ quên mục đích tối thượng ấy, cho nên, nào, hãy cùng anh đớp đi”.

[1]Tác giả Cọp Trắng.
[2]Đây là một bài nhạc rock theo phong cách Thrash Metal mà anh thường bị lũ bạn khốn nạn tra tấn vào những giờ lên đồ án ở trường Kiến trúc. Anh không nhớ rõ lời cả bài, nhưng đoạn điệp khúc thì đại để như sau: Mắc xích! Mắc xích! Mỗi người là một mắc xích. Mắc xích! Mắc xích! Mỗi người là một mắc xích. Xúc xích! Xúc xích! Mỗi người một cục xúc xích. Xúc xích! Xúc xích! Tại sao lại là xúc xích? Tôi không muốn ăn xúc xích!

LINH TINH LANG TANG (7)

NGÔI NHÀ QUÁ KHỨ (note cũ ơi là cũ, ko hiểu sao lại tìm thấy)

Một ngày đã qua.

Cảm giác mệt mỏi, và hài lòng, vì đã xong những công việc phải làm. Ngày cuối tuần nhưng không nhẹ nhàng hơn chút nào cả.

Dường như sức lực đã trút hết. Người chợt thấy rỗng, và lơ lửng.

Lúc này cần tìm về một chốn bình yên, và neo mình lại đó…

Về “nhà”.

Lâu lắm rồi chẳng có dịp về ngôi nhà ấy. Nhà cửa trống trơn, buồn bã... Hàng xóm láng giềng vẫn sáng đèn mà nhà mình thì lạnh tanh. Chìa khóa ngôi nhà em và anh đều có nhưng mỗi đứa đã có một căn hộ riêng, với những bận rộn, những sự quan tâm những mối quan hệ riêng. Em vẫn thường ghé về nhà chung, dù biết sẽ chẳng gặp anh, thậm chí cũng chẳng còn gì của anh lưu lại... Có lẽ ghé về chỉ để được mở cửa ngôi nhà bằng chiếc chìa khóa của chung hai đứa, chỉ để nhìn lại đồ đạc ít ỏi nhưng vô cùng thân thuộc, bởi em và anh đã cùng mua nó trong những ngày thật vui lúc trước...

Khi xây ngôi nhà chung này chúng mình đã mong muốn sẽ có một ngôi nhà thật thú vị, tràn ngập tiếng cười, tràn ngập niềm vui, bạn bè ai cũng thấy thoải mái khi đến chơi... Chúng mình sẽ thường xuyên về nhà, sắm thêm đồ đạc, trang trí nội thất và cả sân vườn thật độc đáo, dù ngôi nhà của mình cũng giống hệt những ngôi nhà khác trong khu chung cư MẠNG, mỗi ngày những ngôi nhà như thế lại xuất hiện theo cấp số nhân.

Ai đó nói thật hay: mỗi ngôi nhà đều mang bộ mặt của chủ nhân chúng. Có ngôi nhà trông thật dễ mến, có ngôi nhà lạnh lùng khó gần, có ngôi nhà mang vẻ gây sự, khiêu khích, lại có ngôi nhà trông thật cô đơn, có ngôi nhà cởi mở thân thiện... Có những ngôi nhà khách ghé vào tuy không gặp chủ nhà nhưng cái ấm cúng của bếp lửa mùa đông luôn làm khách muốn lần sau quay lại. Nhưng cũng không ít ngôi nhà, vẻ hoang lạnh làm rùng mình khách đến thăm, dù hòan tòan không phải là ngôi nhà hoang vắng, thậm chí còn tấp nập những người...

Ngôi nhà của mình… Bước vào là bước về ký ức. Ngôi nhà này vẫn cứ khóa cửa im lìm như thế, nó đã không đầm ấm như em mong muốn, nhưng nó sẽ mãi là nơi cất giữ những ký ức của riêng em, và với riêng anh, không ai có thể lấy đi của em điều đó...

Nhưng mà, dường như anh cũng vừa mới ghé qua…?


BỖNG DƯNG MUỐN KHÓC


Hôm nay là ngày giỗ Ba.

Gia đình thường tụ hợp đông đủ với Ba vào ngày này, nhưng chỉ đến ngày nghỉ mói có thể mời bà con bạn bè đến nhà. Tối nay ở nhà thế nào má cũng nấu mấy món Ba thích: cá lóc nấu canh chua và kho tộ, bông bí xào tỏi, nướng 1, 2 con khô cá sặc trộn gòi sầu đâu và dưa leo… Rồi như hai mươi mấy năm trước đây, con vẫn về ngồi với ba, hai cha con mình cùng ngồi lai rai vài chai bia. Uh, mà Ba lai rai chớ con thì chỉ phá mồi của Ba thôi, nhưng sẽ ngồi với ba để nghe ba nói chuyện đời, để thỉnh thỏang ra vẻ "ngây thơ" hỏi ba chuyện này chuyện kia, rồi khóai chí nghe ba giảng giải, có khi thấy Ba ngạc nhiên về chuyện này chuyện khác, về người này người kia “ủa, sao kỳ dậy?” mà con lại thấy thương ba vô hạn… Ba ơi, nếu mà ba còn sống, mấy đứa cháu của Ba chắc sẽ cười và bảo rằng: Ôi ông ngọai sao cứ mãi tuổi TIN (teen)!

Thi thỏang con vẫn gặp ba về với con trong mơ… Đó là những lúc con gặp điều không vui, những lúc con buồn lòng vì người này, vì chuyện nọ… Những lúc ấy con nhớ ba, mong có một người hiểu con như ba, thương con như ba, để con có thể dựa dẫm mà không thấy ngại ngần, để con có thể hờn giận mà biết rằng mình luôn được tha thứ… Có lần trong mơ con thấy Ba buồn buồn nói: thôi con về đây với ba, ở đó chi cho cực vậy? Chòang tỉnh dậy, con ra thắp nhang cho Ba, mong Ba phù hộ cho con đủ nghị lực để sống và nuôi các con. Con biết, Ba vẫn bên con, hàng ngày...

“Con gái giống cha giàu ba họ”, người ta bảo thế. Giàu có thì nhà mình chẳng bao giờ giàu có, nhưng cũng chẳng phải quá nghèo, vì mình có một nghề tử tế để kiếm sống. Biết đủ là đủ, ba vẫn dạy con như thế mà.

Người ta còn bảo “con gái nhờ đức cha”. Con nghĩ, con cái còn là Đức của cha. Nhìn con cái người ta có thể biết cha mẹ là người thế nào. Sống thế nào để cha mẹ không bị thiên hạ “mắng vốn”, con cố gắng sống như thế, và cũng mong con cái mình như thế… Ba ạ, con nghĩ, ít nhất đến lúc này Ba có thể hài lòng vì các cháu của Ba.

Giờ này, ngày này 26 năm trước, con và má ngồi bên Ba, nắm lấy bàn tay gầy guộc của Ba để giữ Ba ở lại với con... mà không được...

Mỗi năm con lại đăng lại những dòng này, vì không thể viết gì hơn về nỗi nhớ Cha.

Một nén nhang để đợi ba về, Ba ơi...

VÀ NHIỀU NĂM SAU NỮA...


“… Về sau, và nhiều năm sau nữa…”

Bài không tên sô 8, Vũ Thành An.

1. Nó ngồi trong quán cà phê trên một con phố nhỏ của một thành phố cũng nhỏ.

Thành phố này (tạm gọi là X.) khá hiếm quán cà phê, đi mỏi chân cũng chỉ thấy những tiệm ăn. Quán cà phê này buổi sáng khá vắng nhưng đến trưa trở thành quán ăn nhanh cho công chức văn phòng, dân buôn bán trong các cửa hàng quanh đấy đến mua những phần thức ăn có kèm ly nước ngọt hay cà phê. Nó ngồi ở cái bàn sát cửa sổ, đôi mắt to với hàng mi dài như bị hút vào những giọt nước mưa bám trên tấm kính, những giọt nước to tròn, lăn từ từ rồi chạy ngoằn nghèo nhanh dần tan ra khi chạm khung cửa. Khi người phục vụ hỏi nó muốn uống gì, nó giật mình ngơ ngác một lúc rồi kêu cà phê đá. Ly cà phê khá lớn và loãng nhách, chỉ có chút mùi vị quen quen. Lơ đãng khuấy ly cà phê nó nghĩ mãi, nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao mình lại có mấy ngày rảnh rỗi ở thành phố xa lạ này?

Nó ngồi đó từ sáng đến trưa, rồi đến quá chiều. Rồi quán đóng cửa, nó đi, quay về khách sạn. Ngồi quán, hay đi lang thang, hay bây giờ bó gối nhìn xuống con đường xe chạy miên man dưới kia, ở đâu, lúc nào nó cũng thấy rõ ràng cảm giác cô đơn vì bị - người – lớn – bỏ - rơi y như ngày còn bé. Nó bất lực vì không thể thoát ra khỏi ý nghĩ: mình là một người thừa ở thành phố này, không ai cần nó. Nó cũng không cần chính mình trong tình trạng trống rỗng này.

Thời gian cứ chậm chậm trôi, trên đường chỉ còn những ngọn đèn kiên nhẫn đứng trong đêm. Những chuyến xe taxi cuối cùng vội vã lao đi. Ai cũng mong được về nhà, đã qua nửa đêm rồi.

Nhưng căn phòng này không phải là ngôi nhà, không phải là ngôi nhà của nó, không là ngôi nhà của ai cả. Có lẽ vì vậy chẳng có ai phải vội vã trở về.

Nó biết, nhiều năm về sau nữa chắc chắn nó không thể quên những ngày này.

Nó nghĩ, đã đến lúc phải từ biệt giấc mơ về hạnh phúc…

….

Mở cửa, anh nhìn quanh. Ngọn đèn ngủ đầu giường vẫn sáng, TV vẫn loang lóang hình ảnh chiến tranh một nơi nào đó. Ấm nước trên bàn còn nóng. Giường gọn gàng chăn nệm phẳng phiu. Không thấy nó trong phòng. Trái tim nhói đau, anh biết, hạnh phúc vừa tuột khỏi tầm tay.

Anh đứng bên khung cửa nhìn xuống con đường loáng nước dưới kia mà tưởng như thấy bóng nó chìm vào màn đêm. Anh biết khỏanh khắc này sẽ đi theo anh suốt đời.


2. Ánh sáng chói chang ùa vào căn phòng. Anh tỉnh giấc, nheo mắt nhìn sang bên, cô vẫn ngủ say, mắt khép hờ chỉ thấy một vệt tròng trắng, bất giác anh ngoảnh mặt đi. Vươn vai đứng dậy anh kéo rèm cửa số. Tiếng động làm cô cựa mình, càu nhàu: nắng quá, để cho người ta ngủ! Anh lầu bầu: ngủ cho lắm mơ mộng gì cả đêm sụt sịt… Cô gắt lại giọng tỉnh như sáo: ai mơ? Sao cứ trở mình thở dài thượt thượt không cho ai ngủ?

Anh im lặng nhìn xuống con đường dưới kia. Vẫn như nhiều năm trước, dòng xe chạy không dứt, hình như có gì đó hơi là lạ… à, xe đi theo chiều tay trái. Hồi đó khi qua đường nó cứ quen nhìn về bên phải, anh nắm tay nó nhắc bên này cơ mà, nó lại cười… nụ cười làm anh lặng người khi nhìn thấy lần đầu tiên. Lúc đó anh đang làm việc ở X. và có người yêu là cô bạn đồng nghiệp. Thế rồi trên một chuyến xe bus tình cờ anh gặp nhóm bạn trẻ đi du lịch. Khi nghe chúng ngơ ngác hỏi nhau sẽ xuống bến nào, nhận ra tiếng nói quê mình, anh làm quen rồi chỉ đường đi cho cả nhóm. Nó cám ơn anh và mỉm cười. Anh chợt nhận ra nụ cười này quen thuộc lắm, dường như mình đã chờ đợi từ rất lâu rồi…

Vài ngày cũng đủ để anh và nó quyết định đến với nhau. Khi bạn bè về, nó ở lại thêm mấy ngày nữa. Ngày cuối cùng của nó, anh quyết định sẽ gặp cô bạn đồng nghiệp để nói lời chia tay. Để nó ở lại khách sạn anh hứa chiều về sớm đưa nó ra bãi biển đẹp nhất thành phố… Nhưng rồi cuộc trò chuyện không thể kết thúc sớm như anh muốn. Đến khi anh đón được taxi về khách sạn thì đã quá nửa đêm. Trong phòng, nó ngồi bó gối nhìn xuống đường, đôi mắt mọng nước.

…..

Thời gian trôi qua. Họ đã có 2 đứa con, cuộc sống ngày càng đầy đủ nhưng hiếm khi cô nghe thấy giọng nói ấm áp của anh như ngày nào gặp nhau trên xe bus, còn anh cũng quên mất không biết nụ cười tươi tắn trước kia của cô như thế nào. Thỉnh thỏang họ đi du lịch nơi này nơi kia như những gia đình phong lưu khác. Lần này theo tour họ đến X hôm qua. Cả ngày đi theo cô shopping anh mệt rã rời, còn cô lại hí hửng vì mua được bao nhiêu đồ sale off. Lúc ngồi taxi từ khu trung tâm về khách sạn, anh nhận ra con đường cũ, quay sang định nói với cô thì nghe cô nhắc: mai anh chuyển thêm tiền vào thẻ cho em, hết rồi.

Thấy anh cau mặt quay đi, cô nhìn ra con đường có dải phân cách trồng đầy bông giấy tím ngát, bỗng nhớ quá chừng cảm giác bình yên ngày trước khi anh nắm tay cô dẫn qua con đường có dòng xe chạy về bên trái. Cả ngày hôm nay cô luôn giật mình hỏang hốt khi qua đường dù anh đi ngay bên cạnh.

Về đến khách sạn họ đi ngủ, và mơ.


Tuổi trẻ Chủ nhật 11/9/2011. Truyện ngắn 1200 chữ. Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần.

TRUNG THU


Nhanh thật, cái nóng mùa hạ chưa qua mà một Trung thu nữa lại đến, mặc dù “mùa Trung thu” đã hiện diện trong các tiệm bánh ở Sài Gòn từ đầu tháng Bảy mưa ngâu. Mỗi năm bánh trung thu càng được bán sớm hơn. Ngày xưa, thời bao cấp ở Hà Nội, chỉ qua 10/8 mậu dịch mới bắt đầu bán bánh theo phiếu hay phân phối về các cơ quan. Sau năm 75, ở Sài Gòn bánh trung thu cũng chỉ được bán từ đầu tháng tám, chủ yếu ở Chợ Lớn nơi có nhiều người Hoa. Còn những khu vực khác cũng khoảng mùng 7,8 tháng tám mới bán nhiều. Nhưng sau rằm thì bánh “đại hạ giá” tràn ngập. Nghe nói bánh ấy cũng chẳng phải bánh ế, nhưng làm bằng nguyên liệu rẻ tiền để bán rẻ cho người nghèo, và vẫn lãi rất nhiều. Tuy nhiên, các hiệu bánh nổi tiếng ngày ấy ở SG sau rằm hầu như không “đại hạ giá” để giữ tiếng. Bây giờ, có khi mới 12, 13 chưa rằm đã có bánh hạ giá rồi… Mà bánh ấy thì chắc làm từ đầu “mùa trung thu”, nên ai “tốt bụng” mới có can đảm mua ăn!


Ngày xưa, cứ mỗi ngày Trung thu thế nào tôi cũng nhận được một món quà nhỏ từ nhà thơ Thanh Tịnh – một người bạn rất thân thiết của gia đình tôi. Còn nhớ, bác Thanh Tịnh đi cái xe đạp “cởi truồng”, không phanh không chắn xích không chắn bánh xe… Bác bảo: xe của bác cái cần kêu thì không kêu (ấy là cái chuông), còn cái không cần thì cứ kêu, mà kêu to (ấy là toàn bộ cái xe, nhất là xích xe, cứ lọc xọc lọc xọc miết…). Đêm trung thu thế nào bác cũng mang đến cho tôi một cái bánh dẻo nguyên vẹn, chỉ là nhân hạt sen (cứng quèo), lớp bột bánh cũng khô và cứng… nhưng sao mà ngon thế không biết! Ngon nhất, là vì được ăn cả chiếc bánh ấy, vì bác dành riêng cho mình tôi. Còn một, hai cái bánh mua bằng phiếu, hay cơ quan “phân phối” thì má tôi thường để dành, có năm má gửi biếu các bác chủ nhà hồi đi sơ tán, vì “ở Hà Nội mình còn có khi được ăn, chứ ở nông thôn chẳng có đâu con ạ”.

Một năm vào mùa trung thu, khi ấy mới học lớp 3, đi tàu điện từ chợ Hôm lên Cầu Giấy đến trường Yên Hòa, đi qua phố Hàng Bài, phố Hàng Bông, thấy bán đèn ông sao, lồng đèn con gà con thỏ… cứ mải mê ngắm và ước gì mình có được chiếc đèn ấy. Thèm được cầm cái cán dài dài có dán giấy vòng quanh, được đốt ngọn nến nhỏ xíu trong đèn, được đung đưa nó theo mỗi bước chân… Nỗi thèm muốn mạnh đến ứa nước mắt… Sau này mới hiểu lúc đấy tủi thân quá, sự tủi thân không do ai không vì cái gì, chỉ vì không hiểu sao chưa bao giờ (và không bao giờ vì cho đến nay đã sắp già rồi) mình được có một đồ chơi trung thu như thế!


Từ đầu tháng Tám con gái đã nói: Mẹ, trung thu này tụi con quyên góp mua bánh trung thu, lồng đèn tặng cho bệnh nhi trong Bệnh viện ung bướu mẹ ạ. Vô đó tưởng chỉ có người lớn, vậy mà thấy rất nhiều trẻ em bị bệnh, thương các em quá… Chỉ một dòng thông báo ngắn gọn trên blog thôi, nhiều bạn bè của con gái, bạn bè của mẹ “nhào vô” hỏi thăm, đóng góp, rồi hẹn nhau cùng đi mua bánh cùng đi tặng quà. Một tuần tất bật, một ngày chung tay làm chia sẻ chút niềmvui là một ngày có ích cho các con. Một ngày các em nhỏ không may mắn có thêm niềm tin vào cuộc sống để vượt qua bệnh tật.


Bây giờ vào mỗi mùa trung thu, nhiều nơi vẫn còn có những trẻ em ước mong có một cái bánh nhỏ, một món đồ chơi giản đơn như thế. Người lớn ơi, đừng để các em phải tủi thân! Mỗi người một chút hãy giúp cho các em có được niềm vui nho nhỏ trong ngày Tết của trẻ em, bạn nhé…


MỘT THOÁNG SINGAPORE

Nhiều người chúng ta cứ mải miết mộng tưởng về một thế giới văn minh nơi phương trời Âu – Mỹ xa xôi nào đó mà ít khi ngẫm nghĩ về sự phát triển của những quốc gia cùng trong khu vực Đông Nam Á. Có thể vì quá gần gũi nên cho rằng họ thì có khác gì ta, có thể vì chỉ quen chăm chú nhìn lên (một cách đầy cảnh giác) người láng giềng chung vách phương Bắc mà quên mất mình còn có những người hàng xóm lâu đời phía Nam cùng chung biển Đông; có thể đã quen tự hào rằng ở khu vực này không dân tộc nào có một lịch sử oai hùng như ta… Bởi vậy, nếu có học thì chí ít phải là Nhật bản, Hàn quốc kìa… Tâm lý đó đã làm cho nhiều người lần đầu đến Singapore giật mình ngỡ ngàng vì nhận ra nhiều điều không giống những gì mình “tưởng” mình “nghĩ” trước nay.

Khỏang 10 năm trước tôi đến Singapore lần đầu tiên, vì công việc nên chỉ kịp tham quan một số Bảo tàng và khu trung tâm. Khi ấy sang đảo Sentosa còn đi phà hoặc cáp treo, ngòai khu “nhạc nước” Sentosa chưa xây dựng gì nhiều. Lần này đến Sing có thời gian ngó nghiêng nhiều nơi nhiều chốn hơn và… nhìn đâu cũng thấy có thể học được nhiều điều bổ ích cho công việc của mình.

Đất nước Singapore có thể coi là một thành phố, mặc dù vùng thành thị trước đây chỉ tập trung ở khu vực phía Bắc bao quanh sông Singapore, hiện nay là khu trung tâm thương mại lớn nhất. Những vùng còn lại rừng nhiệt đới ẩm và đất cho nông nghiệp. Từ thập niên 1960, chính phủ đã xây dựng nhiều đô thị mới ở những vùng xa. Ủy ban Quy hoạch Đô thị là một ban của chính phủ chuyên về các hoạt động quy hoạch đô thị với nhiệm vụ là sử dụng và phân phối đất hiệu quả cũng như điều phối giao thông. Singapore đã mở mang lãnh thổ bằng đất lấy từ những ngọn đồi, xây dựng thành phố trên biển và nối liền các hòn đảo. Nhờ đó, diện tích của Singapore đã tăng từ 581,5 km² ở thập niên 1960 lên 697,25 km² ngày nay và có thể sẽ tăng thêm 100 km² nữa đến năm 2030. Quá trình đô thị hóa đã làm biến mất nhiều cánh rừng mưa nhiệt đới, hiện nay chỉ còn lại một số như Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bukit Timah. Tuy nhiên, nhiều công viên đã được gìn giữ với sự can thiệp của con người, ví dụ như Vườn Thực vật Quốc gia.

Con đường vào thành phố rộng 6 làn xe, hai bên đường thỉnh thỏang có những ngọn đồi thấp xanh cỏ, hàng cây xanh tán rộng, lá nhỏ nên khi mưa nhanh chóng trút hết nước mưa xuống đất. Dải phân cách và trên cầu vượt trồng bông giấy - lọai cây ít phải tưới nước, bông nở nhiều sắc màu tươi tắn, có thể tạo nhiều kiểu dáng… Trên xa lộ hai bên đường không bị “bê tông hóa” mà để khỏang xanh cho “đất thở” và triệt để thu lại lượng nước mưa. Nhiều đọan vỉa hè thành phố cũng lát gạch ô vuông như lưới để thấm nước mưa. Không có nguồn nước ngọt từ sông, hồ mà lượng nước ngọt của Singapore có đến 50% là từ nước mưa, vì vậy việc tận thu nguồn nước mưa trở thành một “quy trình công nghệ” trong quy họach thiết kế đô thị.

Đường thành phố xe hơi nối đuôi nhau, vào giờ cao điểm vẫn phải chờ khá lâu ở giao lộ. Xe hơi được lau rửa sạch sẽ mặc dù nhiều xe đời cũ, nhất là taxi, vì vậy không có cảm giác ngột ngạt vì khói xăng vì không khí ô nhiễm… Hệ thống giao thông công cộng (bus, metro) giúp cho thành phố không bị trình trạng quá tải chen chúc lộn xộn dù khu trung tâm luôn đông đúc tấp nập. Các lọai taxi có giá khởi đầu giống nhau, giờ cao điểm, ban đêm tính tiền phụ trội (nhằm giảm kẹt xe giờ cao điểm và tăng tiền ngòai giờ), xe đời mới có bản đồ vệ tinh thì giá cước cao hơn một chút. Nếu khách gọi tổng đài sẽ được báo thời gian và số xe đến đón, và xe chỉ đón đúng người gọi căn cứ vào số điện thọai gọi xe. Vì vậy vào ngày cuối tuần hay giờ đóng cửa siêu thị, nhà hàng… đón được xe taxi cũng khá lâu. Nhưng bất cứ giờ nào, dù bạn không biết tiếng Anh, chỉ cần có 1 dòng địa chỉ thì bạn hòan tòan yên tâm đón taxi mà không sợ bị lừa chặt chém.

Ngoài khu vực bến xe bus trung tâm hay các ga metro, khách bộ hành không nhiều, vậy nhưng vỉa hè luôn rộng rãi, cầu vượt được xây khắp nơi. Điều kiện để bảo đảm an tòan đồng thời để người dân có thể chấp hành tốt luật lệ giao thông. Cầu vượt gần bệnh viện, trường học, khu thương mại còn có mái che. Cũng là những khối bê tông giăng ngang đường phố nhưng nhờ kiểu dáng thanh thóat, trên cầu vượt cũng trồng nhiều cây xanh, bông giấy nên không gây cảm giác bức bối tầm mắt

Singapore là thành phố của nhà cao tầng với kính màu và bê tông nhưng hầu như không kiến trúc nào giống nhau, rất đa dạng và đẹp mắt. Có thể nhận ra những khu nhà hồi thập niên 70’, 80’ của thế kỷ trước bởi nhiều dãy nhà kế nhau cao 5,6 lầu, ít có không gian công cộng, hệ thống máy lạnh vẫn gắn tường ngòai xả hơi nóng ra đường phố, Những khu nhà này vẫn được sửa chữa quét sơn vôi mới, không để tình trạng nhếch nhác, tạo tâm lý an cư cho người dân sống ở đây. Những khu nhà hiện đại mới xây gần đây và đang được xây dựng đều cao hai ba mươi tầng, có chung đặc điểm: tầng trệt khá cao và để trống làm gare xe cho cả khu nhà, lầu 1 hoặc lầu 2 là không gian công cộng: có bể bơi, vườn cây nhỏ, khu cho trẻ em vui chơi… Bạn giải thích: cấu trúc như vậy rất tiết kiệm đất, đồng thời chuẩn bị thích nghi với sự biến đổi khí hậu: nước biển dâng hay có sóng thần cũng giảm thiểu được tác hại. Sự ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai đến từng dự án xây dựng một cách cụ thể như vậy, qua đó người dân cũng dần có sự hiểu biết và ý thức với tình trạng này trong tương lai không xa. Nhìn những tòa nhà xây dựng vững chãi trên những dãy cột cao tôi bỗng thấy kiến trúc này đã tận dụng đặc tính “nhà sàn truyền thống” của Đông Nam Á là thích nghi và đương đầu với sự thách thức của thiên nhiên. Lại tự hỏi sao nước mình không “sống chung với lũ” bắt đầu từ ý tưởng này mà chỉ lo “chạy” vào vùng cao?!

Xen giữa và bên cạnh những tòan nhà hiện đại về kiểu dáng vẫn còn dãy nhà cổ ven sông, khu phố cổ được giữ lại, bảo lưu trong đời sống hàng ngày: quán bar, cà phê, quán ăn, cửa hàng đồ lưu niệm, hàng dệt quần áo, tơ lụa… Nhà cổ một trệt một lầu sơn màu tươi tắn, đồng nhất mặt tiền từ cửa chính đến cửa sổ, tầng trệt có ô kính che ngòai mang lại vẻ trang trí hiện đại cho cửa hàng, vừa bảo vệ “mặt tiền” bằng gỗ của nhà cổ. Trên đường phố trung tâm ta vẫn gặp những nhóm tượng, phù điêu kể lại lịch sử thành phố từ một làng chài đến một thương cảng sầm uất, từ cộng đồng người Hoa buôn bán đến những người Mã người Ấn lao động nơi công trường… Thấy rõ ràng di sản văn hóa không những được “bảo tồn” mà còn được duy trì một sức sống mạnh mẽ. Chính sự sống hàng ngày làm cho di sản lịch sử - văn hóa được bảo tồn tốt nhất.

Những ngày cuối tháng Tám Singapore vẫn còn không khí chào mừng ngày Quốc khánh. Các cửa hàng đại hạ giá thu hút rất đông khách du lịch từ các nước châu Á đổ qua mua sắm. Khắp thành phố là những khỏang xanh và không gian công cộng. Bất cứ trên đường phố nào, khu vực nào du khách cũng tìm thấy nơi nghỉ chân dưới bóng mát. Thùng rác, nhà vệ sinh có khắp nơi, “sạch đến từng centimet” trên đường phố, vỉa hè, khu mua sắm cao cấp đến khu ăn uống bình dân… Mà thành phố này có rất nhiều người vãng lai và khách du lịch từ những nước mà ở đó, xả rác nơi công cộng là một thói quen phổ biến!

Quy họach đô thị theo xu hướng thích nghi và bảo vệ cảnh quan tự nhiên, kiến trúc xây dựng hiện đại đồng thời với bảo tồn di sản văn hóa một cách hài hòa; có lẽ nhờ vậy mà đến Singapore tôi không hề có cảm giác đảo quốc này nhỏ bé dù diện tích chỉ xấp xỉ huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) và dân số - cả người nhập cư và khách vãng lai khoảng hơn 6 triệu người. Một quốc gia mà niên đại lịch sử chỉ mới hơn trăm năm, lại không có tộc người nào được coi là “bản địa” với truyền thống văn hóa lâu đời, không bị một quá khứ ám ảnh “đầy máu và nước mắt”, phải chăng cũng là một yếu tố để con Rồng nhỏ này đã sớm bay lên?

Chừng nào VN mình có tâm thức Vươn ra biển mạnh mẽ như thế này?

SINGAPORE (2) -MỘT GÓC KHÁC

Khu phố chị em VN "làm việc trong những HOTEL 81. Ban ngày vắng, tương đối yên tĩnh. Hàng quán phần lớn chỉ bán vào chiều tối. Nhiều quán ăn VN. Thỉnh thỏang còn nghe thấy tiếng Việt ở đây.

Khu chợ bình dân của người Mã và... chị em VN :(

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...