LẢM NHẢM ĂN THEO CHUYỆN CỤ RÙA (note cũ)

Mỗi lần ra Hà Nội, sáng sớm, men theo hồ Gươm đi dạo, vừa nhìn những người phụ nữ trông nhàu nhĩ trong những bộ đồ mặc ở nhà đang ra sức vặn vẹo, uốn éo, lắc lư theo nhịp điệu sôi nổi của các bản nhạc, vừa ngó nghiêng xuống mặt hồ phẳng lặng nhỡ may được chiêm ngưỡng cụ Rùa hiện lên… tập thể dục một hai ba hít thở hít thở… lại nhớ đến tạp bút “Bờ hồ 5 giờ sáng” của Bọ Lập viết từ xửa xưa sao mà giống y như bây giờ! Có lần tui đưa con gái từ Sài Gòn ra chơi. Nàng vô cùng ngỡ ngàng nhìn những nhóm thể dục nhịp điệu quanh Hồ Gươm. Trong tưởng tượng của nàng, Hà Nội và Hồ Gươm đẹp lãng mạn như những ký ức của mẹ. Vì vậy con gái nói một cách hết sức nghiêm túc: Mẹ, sau này mẹ già thì đừng ra đây mà tập thể dục nhé, xấu cả Hồ Gươm!
Lâu lâu rồi tui có đọc (nhiều) bài báo của GS Hà Đình Đức, người Thanh Hóa, ông đã chứng minh một cách rất thuyết phục rằng Rùa Hồ Gươm có nguồn gốc từ lòai (giải) rùa cổ ở Thanh Hóa. Uh, thì rùa ở trong 1 cái hồ giữa lòng Hà Nội nghìn năm chắc chắn cũng phải có gốc gác từ đâu chứ, như người Hà Nội nào cũng có một nhà quê, ngay cả những gia đình đã 3, 4 đời là “người Hà Nội”. Nhưng sự chứng minh của GS “rùa học” là về sinh học, còn sự “chứng minh” của tui về nguồn gốc Thanh Hóa của cụ Rùa Hồ Gươm lại là từ lịch sử cơ. Đây nhé:

- Truyền thuyết kể rằng Lê Thái Tổ thủa hàn vi ở quê nhà, một lần chạy trốn sự truy lung của giặc đã được “trời” cho gươm báu để hộ thân và cứu nước. Nhưng ông chỉ được cho mượn gươm, còn vỏ gươm thì Lê Thận, một người đánh cá trên sông đánh lưới được. Chắc là cũng do Trời thả xuống cho. Ông Giời cẩn thận ra phết: cho 1 người mượn gươm lại cho một người khác mượn vỏ, thế là ai cũng có “vật chứng” và “nhân chứng” cho cái sự mượn vật quý của Giời, chả thể nào mà lờ lơ lơ đi nhé.

Đất nước thanh bình, Lê Thái Tổ về Thăng Long mở đầu triều đại/ thời đại mới. Một ngày đẹp giời nhà vua dạo chơi trên hồ Lục Thủy (lúc í chưa gọi là hồ Hòan Kiếm), Rùa thần nổi lên… tiếp sau thế nào cả nhà đã biết. Thế, ông rùa này không ở Thanh Hóa thì làm sao biết được việc Giời cho vua Lê mượn gươm báu mà đòi nào??? Mà kể cũng khiếp, từ Thanh Hóa ổng đi bằng cách nào ra Thăng Long để mà đòi lại vật qúy nhỉ? Có khi ngay từ khi cho mượn gươm báu Giời đã sai rùa thần đi (bơi) ra Thăng Long ngay để canh me “đòi nợ” chăng? Mà rõ ràng Giời cho mượn “Gươm” sao về sau lại là “Hòan Kiếm”? Gươm và Kiếm khác nhau chứ nhỉ? Hay gươm thần vẫn còn được lưu truyền đâu đó phòng khi quốc gia “cơ nhỡ”? Trong truyền thuyết cụ Rùa đã ban lẫy nỏ cho An Dương Vương và gươm báu cho Lê Thái Tổ. Sao cụ rùa chỉ ban vũ khí cho vua thôi nhỉ...?

Nghĩ đến đây thì hết mấy vòng Hồ Gươm. Lạy Đức Thái Tổ, lạy Cụ Rùa con không dám phạm thượng, dưng mà con nghĩ nếu còn Gươm thần thì có ai là người được Giời ban cho quyền “tiền trảm hậu tấu” để trừ gian trong dẹp họa ngòai? Ôi, “Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”…

Ngàn năm Thăng Long, thời Lê kéo dài nhất trong lịch sử và gắn bó lâu dài nhất với Thăng Long nhưng “quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê”… Đức Lê Thái Tổ đứng bên kia Hồ Gươm chắc cũng độ lượng với đám con cháu chỉ xúm xít bên này với Đức Lý Thái Tổ…

SỐ PHẬN...?

Trong lòng bàn tay có ba con đường.
(Chả biết tên gọi các con đường í là gì, mấy lần nghe rồi lại quên rồi, thôi thì tạm gọi theo số 1, 2, 3 vậy, nghe cho có vẻ khu đô thị mới, còn hơn gọi bằng những cái tên… chả ai biết đấy là ai…!).
Con đường thứ nhất (số 1) bắt đầu từ phía dưới ngón tay út, chạy đến giữa ngón trỏ và ngón giữa. Ở đoạn cuối này nó có mấy đường nhánh nhỏ, mờ mờ rồi mất hút, như những con hẻm cụt…
Con đường thứ hai (số 2) nằm giữa bàn tay, như chia lòng bàn tay làm 2 phần gần bằng nhau. Khá thẳng, đoạn đầu đường phía ngón út hơi mờ, giống như con đường mới mở nhưng còn một đoạn chưa tráng nhựa xong…
Con đường thứ ba (số 3) chạy từ giữa cổ tay đến dưới ngón trỏ. Đoạn đầu cũng có hai nhánh, như hai đường nhỏ nhập vào để thành đường lớn…

Đấy là ba đường chính trong lòng bàn tay. Lòng bàn tay như một khu đất rộng rãi, bằng phẳng với ba con đường thẳng từ đầu đến cuối, rõ ràng, hầu như không có “đường ngang ngõ tắt”… Ba con đường này đã được “quy hoạch” đàng hoàng ngay từ khi đứa bé ra đời, tất nhiên ngày ấy bàn tay đứa bé còn nhỏ xíu nhưng ba con đường đã rất rõ nét. Không giống như nhiều bàn tay khác, ba con đường này không có điểm nào gặp nhau cả, mỗi con đường là một tuyến riêng từ đầu đến cuối. Ông thầy tướng số do ông nội mời đến, sau khi lập lá số tử vi, ông cầm bàn tay nhỏ xíu có những ngón tay ngọ ngoạy liên hồi, xem một hồi rồi nói “con bé này bướng bỉnh lắm, rồi sẽ vất vả đây…”.

Lớn lên một chút, lòng bàn tay xuất hiện thêm một con đường nữa. Nó là con đường từ dưới ngón giữa chạy dọc xuống, cắt ngang đường số 1 và đường số 2, đoạn cuối gần song song với đường số 3. Mấy lần bạn bè rủ rê đi xem bói, cô gái hay được mấy bà thầy bói trầm trồ “cô có đường May mắn dài quá, số cô hên lắm, luôn có quý nhân phò trợ!”.
Thời gian trôi qua, lòng bàn tay có thêm vài con đường nhỏ li ti nhưng không làm “phá vỡ cảnh quan” đã “quy hoạch” từ trước. Ba con đường lớn vẫn gọn gàng không bị “lấn chiếm” lòng lề đường gì cả. Một con đường nhỏ nữa được mở nối từ đầu đường số 3 cắt qua đoạn đầu đường số 1 và 2. Vậy là giữa lòng bàn tay xuất hiện một tam giác lớn. Không biết nó có ý nghĩa gì, tò mò, người phụ nữ bèn đi coi bói… Bà thầy (còn trẻ măng – gọi là cô thầy mới đúng) xem tay kết hợp với tướng… mặt, phán rằng, “chị thân lập thân, một mình một đường, cực khổ vất vả… nhưng hậu vận tốt. Từ năm nay sẽ có nhà cửa đất đai đàng hoàng, con cái xuất ngoại, sau này về già nhàn hạ…”.

Thế à… Ừ thì cứ tin như thế đi, như đã… không nghi ngờ những lời tiên đoán trước đây… Thật ra là cũng đã quên mất những lời của các ông thầy bà thầy bói. Cứ đúng tính cách mình mà sống, đã sống như thế, đang sống như thế, và nếu còn sống đến lúc nào thì vẫn sẽ như thế…
Tính cách tạo nên số phận. Số phận mình nằm trong lòng bàn tay mình đấy thôi…

Note cũ xì, post lại vì bạn hỏi mình có hay đi xem bói và tin thầy bói hay không :))

làng hoa tháng giêng





Qua tết cơn rét muộn lại tràn về. Hà Nội mờ trong mưa phùn nhè nhẹ. Xuân đấy…

Phố lơ đãng vài chiếc lá bàng đỏ trên cành khẳng khiu… Vỉa hè mát bóng xà cừ xanh mướt lá. Quán cũ tách cà phê nóng, ngồi ở vỉa hè nghe và ngắm dòng người qua lại. Chợt thấy chiếc xe máy chở cành đào thật đẹp vụt qua. Ô ra giêng rồi mà sao đào còn đẹp thế, mà vẫn còn người chơi đào kìa… Bạn bảo: mấy hôm nay trời ấm lên, đào bây giờ mới nở, đẹp lắm…

Tháng giêng, làng Tứ Liên bỗng bừng lên sắc thắm của đào nở muộn. Ngay đầu làng có cái chợ nhỏ bán tòan đào cành bó thành từng bó vài cành nụ non lộc nảy. Người đi xe máy ghé qua, người đi xe hơi dừng lại… rồi từng bó từng cành lại theo người vào phố. Đường làng đã bê tông hóa nhưng vẫn bụi mù. Xe công nông chạy như điên, chở những chậu quất, đào từ phố về vườn trồng lại chờ tết sang năm. Xe chở phù sa ven sông đổ thêm cho đất vườn. Xe chở xà bần san lấp ao hồ xây nhà cao tầng… Làng hoa như bị đè bẹp bởi những ngôi nhà “bán đất” vây quanh, kiểu phân lô bán nền nửa quê nửa tỉnh. Đi mãi vào trong làng vẫn còn nhiều vườn đào nở rộ, đủ sắc hồng phai đào thắm… Những mảnh vườn ngày một hẹp đi, đầu vườn nào cũng là một gian nhà nhỏ xíu xấu xí, xây gạch trần vữa thô, cửa gỗ xộc xệch mà cái khóa rõ to, chắc để dụng cụ làm vườn hay ngủ canh trộm vào mùa hoa tết! Nhiều cây đào đã cưa sát gốc, nhiều cây hoa nở bung dày đặc trên cành, vài cây đào thế trông già cỗi thế mà vẫn cành thưa hoa thắm… Người phụ nữ cắp cái thúng nhỏ trong có bó lạt trắng ra vườn, tay tuốt từng bông hoa đã nở để cành chỉ còn nụ và lá non mới nhú. Dùng kéo bấm từng cành, lấy lạt buộc khẽ lại, chị xót xa: đào đẹp thế mà giờ có bán cũng chả được mấy đồng … Nhìn cánh hoa rơi rơi đỏ gốc lại nhớ nước mắt Lâm Đại Ngọc chôn hoa. Tự ngạc nhiên: cuộc sống xung quanh xô bồ vội vã thế mà mình vẫn còn thời gian để “sến”?!

Violet tím, hoa bướm hồng tía, hoa cúc vàng rực bên những cây đào thắm…Những người phụ nữ vẫn cần mẫn bên luống hoa, tưới cây xới đất làm giàn. Họ làm như hàng trăm năm nay vẫn cần cù như thế, như thể không nhìn thấy khắp làng những đống đất đá xà bần ngày một lớn hơn, cao hơn, dài hơn, đang lấp dần những khoanh vườn xinh xắn…Mai này làng hoa chắc chỉ có những ngôi nhà nửa quê nửa phố, phô trương và kệch cỡm…

Xe công nông phành phạch chạy lồng lên trên đường làng, dừng lại rú ầm ĩ xả khói đen xì đổ ào từng xe xà bần lên những luống hoa, đổ ngay lên những gốc đào cố nở chùm hoa muộn màng. Những đống xà bần kia đang vùi nốt chút lãng mạn còn lại của Hà Nội, lấp nốt mảnh ký ức nhỏ nhoi của làng hoa nổi tiếng một thời… Trái tim nghẹn lại, tự mắng, ai bảo cứ “sến” vớ vẩn… Thôi, lần sau sẽ chẳng ra Hà Nội vào mùa đào nữa…

ĐIỂM SÁCH

Tìm được bài viết từ lâu lâu rồi, cũng quên mất là có viết như thế này :))

Đọc tiểu thuyết "Chuyện tình mùa tạp kỹ" của Lê Anh Hòai : Những màn tạp kỹ chương hồi

Đập ngay vào mắt người xem là trang bìa cuốn tiểu thuyết với những khuôn mặt có đôi mắt nửa thất thần nửa đầy tinh quái như mời gọi: Xem đi, cứ thử xem cho biết, những CHUYỆN TÌNH trong màn TẠP KỸ của cuộc sống đấy!

Ừ, thì xem thử …

1. LẠ, khi lướt qua từ trang đầu đến trang cuối, thấy những tiêu đề HỒI THỨ NHẤT đến HỒI THỨ BỐN CHÍN, với hai câu thơ mở ra và đóng lại nội dung của từng HỒI… Chẳng có câu kết quen thuộc kiểu như “muốn biết… thế nào xin xem hồi sau sẽ rõ” nhưng bất giác người đọc cứ muốn tiếp tục cùng các nhân vật trong truyện “nhảy cóc” từ chuyện tình này sang chuyện tình khác, từ thơ mộng lãng mạn đến trần trụi trâng tráo, từ chuyện thật (của nhân vật trong tiểu thuyết) đến chuyện “nhảm nhí” mà một vài nhân vật kể lại (hay bịa ra?), từ chuyện tình đang diễn tiến đến chuyện tình trong ký ức/ hồi ức/ tưởng tượng… Trong cái vỏ tuần tự của kiểu chương hồi “cổ điển”, bên trong lại là vô số đọan cách cách nhau bởi dấu ***, các đoạn này thay đổi sắc thái bằng lối kể chuyện hay trần thuật hay miêu tả hay bình luận… Những con người và những mảnh đời, mảnh tình “hiện đại” vô cùng lộn xộn hiện ra chẳng có thứ tự lớp lang gì cả, chẳng theo một bình tuyến thời gian bình diện không gian nào cả…Một mảng của bức tranh đời sống đô thị hiện lên rõ ràng, sắc nét và vô cùng sinh động. Người đọc bỗng quên đi kết cấu chương hồi “chặt chẽ” giả tạo mà tác giả đã cố tình dựng nên, để rồi khi hết mỗi chương lại tò mò đọc tiếp…xem sao.

Kể ra nếu tác giả đừng cho số thứ tự các chương một cách nghiêm ngắn như thế, mà cũng xếp đặt lung tung beng lộn tùng phèo (chẳng hạn, bắt đầu có thể là chương 5, tiếp theo là 31 rồi 43…chương 1 không cần là chương mở đầu và chương kết không phải là chương 49) như những gì anh bày ra và cùng độc giả chiêm nghiệm, thì có lẽ hình thức của cuốn tiểu thuyết này có vẻ nhất quán (?!) hơn chăng, và có lẽ, cũng khó đọc mà thú vị hơn chăng?.

2. HÀI, chính xác hơn là sự hài hước. Tràn ngập trong tiểu thuyết là những câu chuyện tiếu lâm hiện đại, những giai thọai (mà chắc có bạn đọc sẽ bảo là “nhảm nhí”), những bài báo, phiếm luận, tiểu phẩm kiểu “chị Thanh Tâm kính mến” hay “Bạn gái cần biết” hay “Đàn ông sợ gì nhất” qua kiểu ngôn từ tung tẩy, nghĩa đen nghĩa bóng, nghiêm túc dung tục lẫn vào nhau như một mớ bòng bong rối mù chuyển tải các sự kiện, thông tin, tâm trạng, suy nghĩ (mà không cần nhiều đối thọai) của đám người thị dân – công sở. Tác giả cho các nhân vật nhìn, nghe và ngẫm về bản thân, về mọi người về mọi việc từ một góc “lệch pha” làm cho người đọc phải (buồn) cười (ngay cả) ở thời điểm “trang nghiêm” nhất (lễ đón nhận Huy chương “vì sự nghiệp”, đám ma ông bố của nữ nhà thơ…), ở con người “nghiêm túc” nhất (ông giáo sư khả kính – là người truyền giảng Phật pháp lại bị một nhân vật nhận xét là chuyên viết “dâm thư”), ở tâm trạng đáng được đồng cảm nhất (khi nhân vật Trình gặp lại “mối tình đầu” hay lúc anh ta đi khám bệnh lậu) chẳng hạn…Tất cả là thứ ta thường gặp đây đó giống như gia vị nêm vào cho “nồi lẩu” cuộc sống đỡ phần tẻ nhạt. Nhưng khi tập hợp trong một “bàn tiệc” thì có khi làm cho con người “bội thực” vì chính món “đặc sản” mình kỳ công nấu nướng và chiêu đãi chính mình! Ở đây, cái hài không còn chỉ là “hài hước” mà đằng sau nó đã lấp ló cái bi, thậm chí trên “gương mặt cười” của nó người đọc đã thấy cái bi hiện hữu…

Sự hài hước xuyên suốt trong tiểu thuyết này tự nhiên như đời sống, và có thể nói là đặc trưng cho lớp thị dân - nửa - nông dân mà dường như cuộc sống của họ dịch chuyển tịnh tiến từ những năm 30, 40 của thế kỷ trước đến những năm đầu của thế kỷ này. Thật không dễ nhìn cuộc sống vốn nhiều bức xúc, tù túng, thậm chí có lúc như mất phương hướng, quan sát con người vô định khi tốt lúc xấu khi cao thượng lúc tầm thường khi sâu sắc lúc hời hợt nhạt nhẽo, chẳng có ai chẳng có gì là hòan hảo… bằng đôi mắt hài hước mà không châm biếm chua cay, mà không đẩy mọi sự vào tình trạng lố bịch đến thảm hại, mà vẫn nhìn thấy dưới /qua tất cả những cái đó cuộc sống hỷ nộ ái ố diễn ra một cách hợp - lý – như/vì - nó - đang - tồn - tại. Phải chăng đấy là sự hòan hảo, bởi chỉ có sự thông minh và sâu sắc của cuộc sống mới biết hài hước và đùa giễu chính mình như thế.

3. NGỘ ra, trong cuộc sống, chuyện tình…chưa hẳn là chuyện của TÌNH YÊU, cũng vậy, người tình chưa phải/không hẳn đã là người yêu!

Không chủ định nhưng dường như trong tiểu thuyết này, hai nhân vật Trình và Dung được tác giả khá “ưu ái”. Hiện lên với vẻ ngơ ngác trong tâm trạng và đời sống như Trình hay trong suy tư đầy lý tưởng như Dung… dù hoàn cảnh lối sống tính cách tâm trạng có khác nhau, họ vẫn giống nhau/là nhau ở chỗ, trong các mối quan hệ yêu đương của họ cái “tình” nhiều hơn, nhiều đến độ nó như một thói quen “mặc định” mà chưa hẳn là một nhu cầu nội tâm! Mà YÊU lại là/ phải là sự thôi thúc mãnh liệt từ một nhu cầu nội tâm đặc biệt. Điều này còn thấp thóang trong suy nghĩ của Trình, của Dung khi nhìn nhận về những người khác những mối quan hệ khác luôn có phần dịu dàng thể tất, vì đó như là một điều tự nhiên, ai mà chả thế, đâu có gì là nghiêm trọng, đâu có gì là mãi mãi… Dường như trong cuộc kiếm sống bon chen gấp gáp họ đã không kịp/ không chịu thích nghi, để rồi sau mỗi lần cố bám víu vào những tình cảm mong manh như thế họ lại càng bị trôi tuột đi, chịu nhiều va đập hơn trong cái vòng luẩn quẩn nhưng đầy gai góc của cuộc sống…

Và tác giả, khi cố gắng sắp đặt cuộc sống hiện tại với những mảnh đời xô bồ những mối quan hệ lỏng lẻo vào một kết cấu “chương hồi” cổ điển chặt chẽ , tạo được một hình thức chuyển tải nội dung khá lạ và gây ấn tượng mạnh với người đọc, thì anh cũng làm cho người đọc, sau khi chứng kiến tất cả những cái đó, bất giác hoang mang. Có thể nào/ có khi nào trong cuộc sống những màn tạp kỹ mà ta là nhân vật chính sẽ xuất hiện theo thứ tự “chương hồi”, hay là không thể, và không bao giờ…?

Sài Gòn, 16/9/2007

Những mảnh vỡ (không dành cho người đang yêu :D)


Cà phê không đường

Tôi hay đến quán nhỏ gần một ngã tư, ngồi một mình, lặng lẽ với cảm giác bình yên, ly café không đường để lại một dư vị thật ngọt ngào…

Rồi em đến. Em đã phá vỡ không gian riêng tư của tôi bằng những vần thơ mềm mại đến nao lòng… Tưởng như em và tôi, chúng ta có thể bên nhau đi đến cùng trời cuối đất.

Để khi em ngập ngừng không dám cùng tôi uống ly café không đường của cuộc sống, quán cũ chiều nay café bỗng dưng đắng ngắt.

Không đề

Trời mưa. Cô mơ màng: bây giờ ngồi quán với một cốc cà phê sữa nóng và nghe nhạc thì tuyệt. Anh lắc đầu: trời mát thế này nhậu thịt chó mắm tôm là nhất!

… Thế là tan vỡ một mối tình!

……..

Vợ chồng “khắc khẩu”, bất cứ chuyện gì cũng biến thành cuộc đấu khẩu triền miên.

Rồi họ ly dị. Rồi cả hai đều lấy người khác “hợp khẩu” hơn.

Từ đấy đứa con trở nên khắc khẩu với cả cha và mẹ nó.

MÙA ĐÔNG ẤM ÁP

Dự báo thời tiết: mùa đông năm nay sẽ ấm hơn mọi năm. Anh mừng lắm: cuối năm ra công tác chắc em sẽ không bệnh vì lạnh như mọi lần nữa.

Giữa tháng chạp em ra Hà Nội, mang theo thiệp hồng từ vùng nắng ấm.

Mùa đông năm nay với anh không còn những ngày ấm áp…

Sống mòn

Chiều cuối năm. Quán nhỏ, ly café đen nguội, ly café đá tan hết. Họ chỉ yên lặng. Cuối cùng:

- Anh hãy dịu dàng hơn với cô ấy nhé. Đàn bà chúng em yêu bằng tai mà.

Chị mỉm cười nhưng lòng anh nhói đau.

- Em cũng đừng cả nghĩ nhé. Đàn ông bọn anh ai cũng có lúc vô tâm.

Chị nhìn lá rơi ngoài kia qua đôi vai mệt mỏi của anh.

Chị về, biết mình sẽ đếm thời gian.

Anh đứng đó, nhìn theo ngút mắt.

KHÓA TÌNH YÊU

Cầu cũ chi chít những chiếc khóa nhiều lọai nhiều màu. Chàng và nàng trịnh trọng bấm ổ khóa có khắc tên hai người vào thành cầu, chìa khóa – theo phong tục – được vứt xuống sông. Họ thề thốt: không ai có thể chia lìa hai ta.

Nhưng chỉ vài tháng sau họ chia tay. Lý do: bữa đó vứt nhầm chùm chìa khóa nhà nên cãi nhau mãi vì chuyện ấy. Bèn ra cầu vứt nốt chìa khóa tình yêu xuống sông rồi đường ai nấy đi.

Vết đau

Hồi yêu nhau. Có lần gọt trái cây cho nàng, anh bị đứt tay. Nàng mặt mày tái mét, ôm cả cánh tay anh hốt hoảng đòi đưa đi … bác sĩ!

Lấy nhau rồi. Một lần thấy tấm hình cưới sắp bị rớt, anh mang búa đinh ra sửa. Loay hoay búa đập vào tay. Máu tóe ra. Anh xúyt xoa nhờ nàng lấy giùm bông băng, nàng bực bội: Sao anh vụng thế! Chồng với chả con!

Vết đứt tay ngày xưa giờ bỗng thấm đau, đau thấy 36 ông trời!

Cầu Ô thước

Trước khi anh đi công tác xa họ tổ chức đám cưới đúng vào tháng bảy âm lịch. Cha mẹ hai bên lo lắng vợ chồng họ sẽ như “Ngưu lang Chức nữ”. Họ cười, bây giờ có internet, email, chát chit, điện thọai, webcam… có xa xôi gì đâu khi hàng ngày gặp nhau trên mạng?

Vài năm qua. Anh trở về. Sống chung dưới một mái nhà mà bỗng nghe xa ngái…

Chẳng ai muốn bắc Cầu Ô thước dù đã nhiều tháng bảy mưa ngâu…

VỈA HÈ

Vỉa hè quán café quen vừa được lát gạch. Những viên gạch vuông màu đỏ sẫm được xếp cạnh nhau tạo thành hoa văn sặc sỡ vui mắt. Nhưng chỉ được vài bữa nhiều viên gạch đã bong tróc, khập khiễng, rồi vỡ mẻ. Ông chủ quán bảo: họ làm ẩu lắm, lát gạch mà chỉ có cát và chút xíu xi măng…

… Ngẫm lại, anh và em, và những mối quan hệ của chúng ta cũng giống như những viên gạch trên cái vỉa hè nọ mà thôi…

Một số mảnh trích từ tập truyện NGẮN & RẤT NGẮN

SÁCH MỚI XUẤT BẢN DO CON GÁI MAI QUYÊN DỊCH



CẢ NHÀ ỦNG HỘ NHÉ :))

BÉ NGOAN (Anni Bảo bối)

(Mai Quyên - Dennis Q dịch)

Có lúc tôi nhớ lại chú chó nhỏ của mình. Con thú nhỏ duy nhất tôi từng nuôi.
Là món quà sinh nhật năm 20 tuổi tôi nhận được.
Hè năm đó, bạn tặng nó cho tôi, một chú cún bé nhỏ vô cùng, mập mạp, mềm mượt như nhung, trên lớp lông trắng muốt có những vệt khoang đen. Tôi đưa tay ra sờ lên chiếc mũi tròn nhỏ ươn ướt của nó, nó ngẩng lên nhìn tôi rất ngây thơ, sau đó thè chiếc lưỡi ấm áp ra nhè nhẹ liếm ngón tay tôi. Giây phút ấy, trái tim tôi mềm hẳn và mở rộng ra, ập vào những cơn sóng trong suốt ấm áp.
Dưới ánh nắng nóng như thiêu đốt, tôi chạy như bay ra siêu thị mua sữa và thịt bò khô. Tôi không biết mình có thể cho nó thứ gì tốt hơn nữa. Trái tim tôi lúc chạy đi ấy, đập mạnh đến đau nhói.

Chúng tôi bắt đầu sống với nhau. Tôi gọi nó là Bé Ngoan, đây là tên tôi đặt, nó chịu cái tên này, lúc nào và ở đâu, chỉ cần tôi gọi thật to, nó sẽ chạy như bay đến cạnh. Thường thường ra công viên đi dạo với nhau, nó theo tôi, vì còn quá nhỏ nên lúc chạy vẫn loạng choạng lắc lư.
Lúc tôi bò rạp người lau sàn nhà, nó thò đầu ra khỏi hộp giấy, tôi lau đến đâu, ánh mắt nó nhìn theo đến đó. Tất nhiên phần lớn thời gian, nó vô cùng thích thú được nằm ngủ trên bụng tôi, có lẽ ở nơi đó khá ấm áp. Trò chơi thân mật mà chúng tôi hay chơi là, tôi gọi tên nó, sau đó trốn đi, nó bắt đầu tìm kiếm tôi khắp nơi, vừa rên lên ư ử ai oán.
Rất lạ đôi mắt nó, như một đứa bé. Thuần khiết, trong sáng. Lúc chúng tôi cùng nhìn nhau, tôi biết chúng tôi yêu nhau.

Một tuần sau, đột nhiên nó bệnh. Không chịu ăn thứ gì. Cứ nằm ở một góc nhà ngủ vùi.
Tôi cuống lên, gọi điện thoại cho bạn. Bạn tôi nói, cậu cho nó ăn ngon quá, chăm sóc quá kỹ lưỡng. Giống chó tạp chủng này, cứ tùy ý nuôi là được.
Nhưng tôi không thể tùy ý, tôi yêu nó như thế. Tôi bắt nó há mõm ra để đút thuốc và nước vào, vẫn mỗi ngày đi mua sữa và gan gà. Nhưng nó đã không còn chút sức sống nào. Tôi quá hoảng hốt, chỉ có thể ôm nó đến nhà bạn. Trong xe buýt trên đường đi, nó vẫn nằm trên bụng tôi, còn miễn cưỡng ngẩng đầu lên nhìn, đôi mắt tròn đen nhánh đầy ắp bi ai.
Mẹ của bạn tôi giúp chăm sóc nó, bà cho nó uống thuốc, quấn khăn vào phía dưới cái đầu nhỏ xinh của nó. Đêm đó, tôi ngủ lại nhà bạn, không dám về nhà, sợ Bé Ngoan sẽ chết. Nó đã rơi vào trạng thái mê mệt li bì. Tôi không chịu ăn cơm tối, ngồi trên nền nhà, vừa ve vuốt nó, vừa khóc mãi không ngừng.
Mẹ của bạn nói, đừng đau buồn thế. Chỉ là một con chó thôi mà. Nhưng tôi càng khóc tợn hơn nữa.

Hôm ấy tôi ngủ trên chiếc chiếu ở ban công.
Nửa đêm đột nhiên tỉnh dậy, nghe thấy tiếng kêu nho nhỏ của Bé Ngoan. Nó bò lên vai tôi, thè chiếc lưỡi lạnh ngắt ra liếm vào tai tôi. Nó đến nói với tôi nó đã khỏe. Chúng tôi không đánh thức ai cả, trong bóng tối, ôm cơ thể nhỏ ấm nóng của nó, chúng tôi nô giỡn cười đùa với nhau. Tôi nhớ mình đã nước mắt đẫm mặt.
Đúng vào lúc ấy, tôi quyết định, tôi phải rời xa nó.

Tôi để Bé Ngoan lại nhà của bạn, kiên quyết không chịu đem nó về. Lúc xuống dưới lầu, Bé Ngoan cứ đi theo tôi đến đầu cầu thang, giương đôi mắt nghi hoặc lên nhìn tôi, không hiểu tại sao tôi không ôm nó theo cùng về.
Tôi không nhìn nó. Chạy như bay ra ngoài.
Bạn tôi hỏi, cậu không cần nó nữa thật à?
Tôi nói, ừ. Tớ không chịu nổi tình cảm này, cắt đứt vẫn hơn. Vì tớ là một người dễ thất bại.

Bé Ngoan ở nhà bạn tôi một thời gian rất dài. Thỉnh thoảng tôi đến thăm nó, mang thịt bò hoặc sữa đến cho nó, nhưng rất ít khi.
Nó luôn nhận ra tôi. Quấn lấy chân tôi làm nũng, nằm vật ra chờ tôi vuốt ve bụng nó, tỏ ra rất vui sướng. Nó cứ lớn lên từng ngày, trở thành một bà mẹ bình thản, thích chạy xuống thùng rác bên dưới lầu đào bới, người ngợm bẩn thỉu. Bạn tôi vì chuyển nhà đi nên cuối cùng đã gửi nó về quê.
Bé Ngoan biến mất hoàn toàn không chút tăm tích.

Có lúc bạn vẫn cười nói với tôi, cậu thật là tàn ác, kiên quyết không chịu giữ nó lại.
Tôi nói đúng thế, tớ là người vậy đấy. Nhưng tôi không nuôi thêm một con chó nào nữa. Tôi luôn giữ tấm hình chụp chung với Bé Ngoan.
Lúc đó nó còn rất nhỏ, bò lên trên váy tôi. Tôi nhìn thấy bộ dạng cả hai đều rất vui sướng.
Chỉ có tâm tình là thương cảm vô hạn.


[trích tuyển tập truyện ngắn "THÁNG TÁM CÒN MÃI" của An Ni Bảo Bối]

VƯỜN NHÀ NGỌAI

Cây mai lão trên trăm tuổi trong vườn nhà ngọai



vẫn còn giàn trầu, dù ngọai đã xa...

Mận Hòa An đang vào mùa

Xòai cát Hòa An - Cao lãnh ngon có tiếng, đúng mùa xoài khỏang tháng Tư.




Chùa quê ngoại (Hòa An - Cao Lãnh, Đồng Tháp)

SÀI GÒN MÙA THƯƠNG NHỚ...

Qua ba ngày Tết mùng bốn mùng năm đường phố trở lại nhịp sống bình thường. Mùng 7 Tết là ngày Hạ nêu theo tục lệ ông bà để lại. Không cây nêu, không cung tên không vôi bột… Hình như cũng không còn nơi nào làm lễ Dựng nêu và Hạ nêu. Ngay cả khái niệm Cây nêu cũng đang trôi vào quên lãng. Bao nhiêu tập tục đã biến mất trong cái thế giới, trong cái xã hội thực tế đến mức quá thực dụng này. Nhiều thứ trong câu đối Tết ngày xưa đã mất và sắp mất, giờ chắc chỉ những người lớn tuổi là còn nhớ đến:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Sắc đỏ của câu đối tết trong mỗi gia đình giờ rất hiếm. Còn chăng chỉ có ở nơi đình chùa hay thấp thóang trong khu phố người Hoa. Tiếng pháo báo hiệu giao thừa, mở đầu ngày mùng Một Tết cũng đã im ắng từ mấy năm nay. Bánh chưng (và bánh tét) không còn là “đặc sản” ngày Tết. Bước chân ra đường ở đâu cũng có thể tìm thấy nơi bán bánh chưng. Lớn có nhỏ có, gói bằng lá dong cũng có mà bằng lá chuối cũng nhiều. Bánh vẫn xanh màu lá, nhưng không chắc. Nhân bánh vẫn có miếng thịt mỡ và đậu xanh… gọi là. Cũng phải thôi, giờ ăn bánh chưng lấy no làm chính, mấy ai biết thưởng thức miếng ngon từ nhân đậu xanh lựa từng hạt nấu nhỏ lửa cho thật nhừ để có thể thấm đẫm mỡ thịt tan ra trong miệng, miếng bánh nếp chắc dẻo quánh mà ngọt ngào như lắng đọng từ dòng nước ngọt mát chở nặng phù sa.

Bây giờ, bất cứ ngày nào ta vào một quán cơm bụi hay quán café bán cơm trưa văn phòng cũng có thể ăn thịt (nấu) đông giữa Sài Gòn nắng như đổ lửa, không cần phải có cái giá lạnh của mùa đông miền Bắc. Dưa hành bán trong các siêu thị quanh năm, chưa kể tại các cửa hàng thức ăn Hà Nội luôn có nhiều lọai hành củ hành muối. Thức ăn ngày thường chẳng khác ngày Tết bao nhiêu, vị ngon đặc biệt của món ăn ngày Tết theo đó cũng mất dần, chỉ còn lại trong ký ức…

Vậy nhưng mâm cơm cúng ngày Tết vẫn là những món ăn được người bà, người mẹ, người chị chăm chút: Chiều Ba Mươi đón ông bà thì có nồi thịt kho tàu kho bằng nước dừa, hột vịt và từng miếng thịt màu nâu vàng, mỡ trong veo mềm rục, này đĩa thịt đầu heo ngâm dấm trộn vài cọng dưa rau muống xanh điểm lát tỏi trắng lát ớt đỏ sợi gừng vàng, dĩa dưa góp củ cải cà rốt mặn ngọt thơm thơm, đĩa chả giò chiên và rau sống, tô canh khổ qua hầm thịt, tô canh măng tươi hầm chân giò… Tất nhiên không thể thiếu đĩa bánh tét từng khoanh và những món đồ nguội như giò chả, nem, bì… Ngày mùng Ba cúng đưa ông bà không thể không có đĩa Tam sên gồm miếng thịt ba chỉ, con tôm càng xanh và hột vịt luộc, nồi cá kho và tô canh chua, rau củ Đà Lạt xào thịt bò, nấm hương, cần tây… Vẫn biết trước cúng sau ăn, nhưng bữa cơm đông đủ cả nhà, lại có ông bà về chứng kiến, chắc chắn là bữa cơm ngon nhất trong năm!

Tháng Giêng rồi cũng qua nhanh. Người tứ xứ lại dổ vào Sài Gòn. Người về Sài Gòn sẽ lần lượt ra đi. Sài Gòn hơn tám triệu dân, vậy nhưng nỗi cô đơn của sự chờ đợi dường như vẫn ẩn hiện đâu đó trên những con đường. Mùa nắng dần nhường chỗ cho mùa mưa đến sớm…

Em còn nhớ hay em đã quên…*

* Lời trong bài hát của Trịnh Công Sơn

(NOTE CŨ)

NHỮNG MẢNH VỠ CỦA MÈO ;))


MÈO VÀ CHÓ

Mâm cơm đậy lồng bàn vậy mà mèo vẫn cạy và tha mất khúc cá. Nó bèn lấy lồng bàn úp… mèo. Con mèo lê la khắp nhà mà không sao chui ra được. Nó yên tâm làm việc không lo mèo ăn vụng.

Chó mon men đến mâm cơm, xốc mõm vào ăn hết. Mèo nhìn thấy meo meo ầm ĩ. Nó nghĩ: cho chừa cái tội ăn vụng, kêu gì mà kêu!

Người ta thường chỉ thấy mất khúc cá mà không thấy mất cả mâm cơm, là thế.


MÈO VÀ CÁ CẢNH


Trong nhà đã có bể cá cảnh, lại còn nuôi một con mèo.

Suốt ngày nó quanh quẩn gần bể cá. Có lúc nó ngồi chầu hẫu bên cạnh, mắt long lanh nhìn những con cá vàng vô tư lượn lờ. Thỉnh thỏang nó thò tay khoắng trong bể làm nước bắn tung tóe, mấy con cá giật mình bơi cuống quýt.

Một lần nó đuổi bắt chuột làm bể cá đổ vỡ tan tành. Nhà thôi không nuôi cá cảnh.

Con mèo cứ tha thẩn chỗ bể cá đã vỡ. Vài hôm sau nó bỏ nhà đi mất.


MÈO VÀ CỌP

Làng kia ở gần rừng. Dạo này thường bị cọp vào khi bắt con trâu, khi tha con heo. Người tức giận nhưng chẳng dám làm gì ngòai việc khua thùng gõ mõ khi cọp… đi rồi. Làng bèn làm lễ cúng ông ba mươi. Mâm cúng có xôi có heo quay gà luộc vàng ươm thơm lựng. Mấy con mèo đánh hơi mỡ màng, quanh quẩn kêu meo meo. Thế là bị người xua đuổi, có con còn bị đánh rất đau.

Mèo ấm ức bảo nhau: người có giỏi sao không lo đánh cọp đi!

MÙNG MỘT :)











NGÀY CUỐI NĂM

Mặc dù bận rộn, nhộn nhịp (ngày còn nhỏ thì háo hức) từ rằm tháng Chạp, hay từ ngày 23 cúng Ông Táo về Trời, vậy nhưng đối với tôi Tết chỉ là hai ngày 30 và mùng 1 Tết. Như lệ thường, trưa 30 sắp đặt mâm cơm cúng đón Ông Bà về hưởng Tết cùng con cháu. Giao thừa cúng đất trời cầu mong mọi điều tốt lành may mắn. Ngày mùng Một chúc thọ Cha Mẹ, mừng tuổi các con, rồi lên chùa lễ Phật.

Đó là 2 ngày thiêng liêng, là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ chấm dứt và năm mới bắt đầu, là thời điểm cộng cảm giữa Tổ tiên ông bà và con cháu, giao hòa giữa đất trời và con người... Đó chỉ là một khoảnh khắc trong vô tận , nhưng trong khoảnh khắc đó thời gian và không gian như nhập vào nhau làm một. Trong khoảng thời - không gian giao hòa ấy, với tôi mọi điều phiền muộn của năm cũ bỗng trở nên nhẹ nhõm, hư không... Những ai, những gì làm cho mình giận hờn đau đớn bỗng chốc không còn làm mình đớn đau hờn giận nữa! Những niềm vui, hay cảm giác hạnh phúc một lúc nào đó đã hiện diện cũng không còn làm nhịp đập trái tim tôi lỗi nhịp... Tôi thấy mình thanh thản hơn nhưng dường như cũng dửng dưng hơn, ngay với nỗi đau niềm vui của chính mình. Bỗng giật mình, "dửng dưng" với chính mình nhưng xin đừng dửng dưng với niềm vui, với nỗi đau của những người thân yêu!

Chỉ vài ngày nhưng Tết như cơn mưa rào ngày hạ sẽ xua đi cái ngột ngạt nóng bức, gột rửa và xóa nhòa những nét nghệch ngoạc cuộc sống vẽ lên trang đời tôi. Như bức tường rào bên nhà đầy những dòng quảng cáo viết tay, in ấn, chữ xấu chữ đẹp, nét mất nét đủ̉... vừa được cạo rửa và sơn mới một màu vàng nhạt mịn màng. Dù lớp sơn mới sạch sẽ rồi cũng phai màu, có thể những dòng chữ nghệch ngoạc, ngay ngắn, xấu đẹp mới sẽ lại chồng lên... Vậy nhưng tôi vẫn luôn biết ơn khoảng thời gian này. Nó mang lại cho tôi sự Tĩnh tâm và Bình an để chuẩn bị đón nhận mọi điều sẽ đến trong năm mới...


NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...