BẾN CŨ NGÀY GIÁP TẾT

Qua cầu Xóm củi (còn gọi là cầu Chà và vì khu vực này xưa có nhiều người gốc Ấn), quẹo phải sát chân cầu đi cặp theo kênh Tàu Hũ là đường bến Bình Đông. Đi mãi đi mãi… tới đường bến Mễ Cốc. Đi hòai đi hòai… đến đọan kênh Tàu Hũ gặp Rạch Cát thì hết đường. Đọan bến Bình Đông phía bên quận 5 quận 6 là đại lộ Đông Tây, còn bến Mễ Cốc phía bên kia là Phú Định – một làng cổ thuộc xóm lò gốm Sài Gòn xưa. Ngỡ ngàng khi gặp một nhà quê yên bình đến thế. Đám dừa nước rậm rạp, trên chiếc ghe nhỏ bếp cà ràng đỏ lửa chiều, khói quẩn trên ngọn dừa cao cao in bóng xuống dòng kinh… Vùng này còn mấy cây cầu sắt cũ từ thời Tây, chênh vênh mỗi cây mỗi kiểu, lót ván gập ghềnh, nay chỉ dành cho người đi bộ. Chắc không lâu nữa sẽ thay bằng những cây cầu bê tông vững chắc nhưng vô hồn bởi chúng rất giống nhau, ngang bằng, đơn điệu.

Hồi xưa, trên bến kinh này từ trước ngày rằm tháng chạp ghe chở “ông lò” (bếp lò đất) đã về. Ngày 23 cúng ông Táo nhà nào nhà nấy đốt than trong ông lò mới cầu mong cho nhà cửa luôn ấm êm, hạnh phúc. Sau ngày Ông Táo những “ông lò” cũ đem đặt ngòai vườn, dưới gốc cây hay ven hàng rào… lâu ngày ông lò hóa thổ, trở về với đất, như con người… Những chiếc ghe lớn chở than đước ngày nào cũng cặp bến, lái mua than cả cần xé chở đi khắp thành phố cũng có mà người mua lẻ vài ba ký cũng có. Mấy anh bán than mặt mày đen nhẻm, đôi mắt như biết nói, mải miết vác than chọn than tốt cho người mua. Còn ghe chiếu nữa, chất đầy chiếu bông chiếu trắng đương bằng những cọng lát tròn bóng thơm mùi gió chướng mùi đất phèn miền Tây… Trưa vắng khách văng vẳng câu vọng cổ nghe buồn chí xứ “chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp… tôi gối đầu mỗi đêm…”. Mấy năm rồi vắng bóng ghe than ghe chiếu… mà phải thôi, bây giờ ở thành phố còn mấy nhà chụm than bếp lò, mấy nhà còn trải chiếu Cà Mau…

Sau 23 tháng chạp là ghe trái cây về san sát, chuyển hàng lên bến khỏi cần bắc ván làm cầu. Nhưng độc đáo nhứt ở bến Bình Đông là chợ mai, tắc kiểng dài suốt con đường. Không hiểu sao nhìn chợ hoa Tết bao giờ cũng thấy buồn… nghĩ đến trưa 30 chợ hết, tiếc hoa, thương người trồng hoa, tội người bán hoa… Từ năm ngóai ghe kiểng về không đậu bên kia vì bến Hàm Tử đã giải tỏa làm đại lộ Đông Tây. Năm nay bến Bình Đông là bến chính. Đọan đường hẹp lổn nhộn ổ gà, dãy nhà phố một trệt một lầu mái ngói thâm đen tường vôi loang lổ. Tầng trệt còn buôn bán mà những cánh cửa gỗ xộc xệch trên lầu hình như đã lâu lắm không được mở ra…

Bạn bè ngồi lai rai trong quán nhỏ, nhìn qua bên kia nhà cao tầng đại lộ 8 làn xe vun vút chạy, nhìn lại bên này cầu cũ, kinh đen, nhà xưa, ghe nhỏ… Rồi tránh nhìn nhau. Cảm giác như thấy người thân yêu xa dần mà không có cách gì niu giữ…

THƯ PHÁP VỈA HÈ

Năm nào cũng vậy, ngày 26, 27 Tết là bạn bè lại tụ tập ở vỉa hè nào đấy, xin chữ ông đồ Phạm Hòang Quân (nhà nghiên cứu cổ sử). Năm nay ngồi ở vỉa hè Trần Quốc Thảo q3.
Chúc bạn hiền năm mới vạn sự bình an :)








VIOLET


Violet Hà Nội cho những ngày cuối năm ở Sài Gòn.

Ở Sài Gòn không có cái lạnh se sắt để giữ cho màu tím Violet không héo nhàu.

Ở Sài Gòn không có màn mưa bụi để giữ cho Violet vẻ tươi tắn dịu dàng

Ở Sài Gòn khó có thể tìm thấy vài cành Layơn trắng muốt để cùng Violet trong chiếc bình pha lê trong vắt

Nhưng ở Sài Gòn luôn có nỗi nhớ mùa đông Hà Nội

Nhớ những sớm mùa đông mù sương, giá lạnh làm ta lười biếng, chỉ muốn nằm trong chăn ấm, bật ngọn đèn nhỏ đầu giường… Ánh sáng ấm áp soi lên trang sách của một cuốn truyện ngẫu nhiên có được trong tầm tay. Những dòng chữ lướt qua không để lại nhiều ý nghĩa. Với tay bật TV mà âm thanh để số O, những hình ảnh lướt qua không đọng lại gì trong trí nhớ. Ánh mắt chợt dừng lại ở những cành Violet bên tấm rèm màu mây… Nhơ nhớ một ai đó, tiêng tiếc một điều gì đó…

Cuộn mình trong chăn ấm, tưởng có thể chìm tiếp vào giấc ngủ. Nhưng bỗng hiện lên rõ ràng, một gương mặt thân thương, một một giọng nói trìu mến, một ánh mắt ấm áp, trái tim chợt thắt lại, dịu dàng…

Cám ơn bạn thân yêu! Quá hiểu mình nên bạn đã không mất công gửi vào những cành Violet. Trên đường đi làm qua chợ Hoa Quảng Bá, sắc hoa yêu thích của mình làm bạn không đừng được, chụp vội vài tấm ảnh rồi gửi cho mình mà không biết rằng, mình đang thèm đến chết đi được, cái màu tím mỏng manh của ngày đông Hà Nội…

Mà này, bạn có biết mình còn ước thêm một điều gì nữa không…?

(note cũ, post lại cho ngày rất lạnh ngòai đó...)

Không tiết giảm từ ngữ nhưng vẫn làm nên số phận của nhân vật (Yahoo văn hóa Việt phỏng vấn)

Để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 5 năm YHVHV đến với bạn đọc sắp tới. Chúng tôi tổ chức cuộc hội thảo với các văn nghệ sĩ đã từng cộng tác với trang Văn học của YHVHV. Vì lý do địa lý cách trở, những cuộc hội thảo nầy đã được thực hiện qua email giữa Vũ Trà My và những tác giả được mời... Chủ đề hôm nay chúng tôi bàn luận về thể loại " Truyện Thật Ngắn " với hai nhà văn Nguyễn Thị Hậu và Cổ Ngư....

Vũ Trà My: Một nhà văn thành công theo ngưới ta ví như một thượng đế định đoạt số phận nhân vật, sự việc của mình qua ngòi bút. Để kể lại chuyện định đoạt đó thật súc tích và mạch lạc, hầu sức thẩm thấu của nó đến với người đọc thật lan toả sâu sắc. Ở thể loại " Truyện thật ngắn "Anh ( Chị ) nghỉ như thế nào khi làm thượng đế uy quyền như vậy, mà vẫn bị phải khống chế sự định đoạt của mình gói gọn ở chuyện càng ngắn càng cô đọng thì càng hay?

Nguyễn Thị Hậu: Theo tôi, truyện thật ngắn như một khoảnh khắc trong cuộc sống, có khi là ánh chớp lóe lên trước cơn giông, có khi là cơn mưa bất chợt giữa ngày hè oi bức, có khi là cú vấp trên đường… Người viết luôn quan sát nắm bắt được những giây phút bất chợt ấy một cách tỉnh táo, nhưng lại cảm nhận bằng trực giác, từ trái tim, sự “đe dọa” ẩn trong ánh chớp, sự nhẹ nhõm sau cơn mưa, cả cảm giác chóang vì đau của cú vấp ngã… Tôi nghĩ, trong truyện thật ngắn người viết như bạn thân của nhân vật. Mà sự chia sẻ giữa những người bạn thân có cần gì phải nhiều lời, chỉ một ánh mắt cảm thông, một sự im lặng thấu hiểu, một cái nắm tay an ủi… vậy là đủ. Vì thế tôi không cảm thấy bị “khống chế” bởi sự tiết giảm của từ ngữ, mà tôi thường cố tìm bằng được từ nào, hình ảnh nào thể hiện cảm xúc của mình một cách chính xác nhất. Sự chính xác thì thường ngắn gọn. Trong truyện thật ngắn các chi tiết làm nên “thắt nút” còn cảm xúc là “mở nút”. Tôi rất tâm đắc một nhận xét của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc về thể lọai truyện này:

"Cái hay của truyện cực ngắn không nằm ở chỗ nó tả mà nằm ở chỗ nó gợi ra. Một truyện cực ngắn hay là truyện có sức ngân và vang thật xa và thật lâu....Đọc xong, người ta cứ bị ám ảnh mãi. Qua sự ám ảnh ấy, câu chuyện tiếp tục tỏa sáng và phát nghĩa....Cũng giống như trong THƠ, ở truyện cực ngắn,tác giả chỉ phát ra một số gợi ý để người đọc,chính người đọc mới là kẻ hoàn tất tác phẩm"

Cổ Ngư: «Truyện thật ngắn», với tôi, là sự chộp bắt một ý tưởng vụt qua trong đầu ở một thời điểm nào đó, rồi phát triển ra. Tôi không tự trói buộc ở việc đếm chữ trong các truyện đã viết, dù ngắn hay dài. Điều quan trọng, là nó có nói lên được điều gì hay không, và tiếng nói đó có được người đọc nhận biết và cảm thông hay không. Truyện cô đọng quá hay «tràng giang đại hải» quá đôi khi làm người đọc không nắm bắt được ý tưởng của người viết muốn gửi gấm. «Truyện thật ngắn» đôi khi cũng không cần phải tròn trĩnh có đầu có đũa, nó có thể kết thúc bằng một khoảng mở, với dấu ba chấm (…) để người đọc bắt tay cùng sáng tác với người viết, «điền vào chỗ trống» theo sự tưởng tuợng của riêng mình.

Vũ Trà My: Anh ( Chị )hiện nay làm việc ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật, sự đòi hỏi chính xác và tỉ mĩ của nghề nghiệp có ảnh hưởng đến sự bay bổng trong văn phong của anh (chị ) không ?

Nguyễn Thị Hậu: Nghề khảo cổ của tôi liên quan đến di tích và cổ vật. Trong khảo cổ có nguyên tắc đồng thời cũng là kỹ năng nghề nghiệp: phải miêu tả như thế nào để cho những người chưa đến di tích, chưa nhìn thấy cổ vật cũng có thể hình dung ra đúng di tích ấy, cổ vật ấy… Ngòai ra, khảo cổ còn được coi (một cách lạc quan) là nghề mà có nhiều cơ hội “du lịch không mất tiền”. Vẻ đẹp của thiên nhiên trên mỗi đọan đường tôi qua, cái đẹp của quá khứ được nhìn thấy qua mỗi di tích mỗi cổ vật… làm cho người khảo cổ không thể “khô khan”. Có lẽ nghề nghiệp đã ảnh hưởng nhiều đến cách viết của tôi trong truyện thật ngắn và các tản văn, tạp bút.

Cổ Ngư: Học tú tài ban Toán, tôi vẫn nhớ lời thầy dạy trong giờ Giảng Văn : những người giỏi toán, khi viết, thường tạo được sự lôi cuốn, nhờ tính hợp lý và sự chính xác của bài viết. Và có phải chính nhờ sự bay bổng đi kèm cùng sự chính xác, tỉ mỉ của nhiều thế hệ khoa học gia, mà ngày nay nhân loại có được máy bay với phi thuyền ?

Vũ Trà My: Anh ( Chị ) đến với thể loại "Truyện Thật Ngắn" nầy từ lúc nào ? So với viết truyện ngắn , truyện dài , tản văn và thơ, sáng tác "Truyện thật ngắn "có dễ dàng hay khó hơn không ?

Nguyễn Thị Hậu: Tôi thường viết tản văn, tạp bút, và mới viết truyện thật ngắn từ khỏang hơn 2 năm nay. Thi thỏang có truyện ngắn cũng chỉ trên dưới 1000 chữ. Không cố ý viết ngắn hay thật ngắn, nhưng thấy đủ thì dừng, không thích viết dài dòng. Cái khó trong truyện cực ngắn là tìm ra được những chi tiết thật “đắt” trong bộn bề cuộc sống. Chi tiết làm nảy sinh ý tưởng mà truyện sẽ chuyển tải. Lấy “tiêu chí” là truyện 100 chữ nên có khi tôi cũng phải suy nghĩ gọt dũa sao cho đúng chuẩn mà vẫn đủ ý tứ.

Có lẽ vì không coi mình là “nhà văn” mà chỉ là chia sẻ với bạn bè nên tôi viết truyện thật ngắn khá thỏai mái, cũng như viết tản văn.

Cổ Ngư : Thời gian tôi viết nhiều «truyện thật ngắn» nhất là lúc website Da Màu rộ lên phong trào «truyện chớp». Phải chăng để phù hợp với cách đọc của con người ở thế kỷ 21 này, hướng về những thông tin ngắn, gọn, súc tích hơn là bỏ thì giờ quý báu vào việc đọc những trang giấy đặc nghẹt chữ ? «Thời gian đọc» của loài người ngày càng bị lấn đất, sau thời đại truyền thanh, phim ảnh, truyền hình, nay đến internet, điện thoại cầm tay, máy nghe nhạc bỏ túi, tin nhắn… Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, viết «truyện thật ngắn» cũng là sự phản ảnh cung cách sống của con người hiện đại.

CÂU HỎI RIÊNG CHO NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ HẬU

Vũ Trà My: Nhiều truyện thật ngắn của chị được giới thiệu có tên chung là " Những mảnh vỡ " và nó đã được nhiều nhà phê bình cùng độc giả đánh giá thành công, tạo thành thương hiệu văn phong đặc sắc của Nguyễn Thị Hậu . Xin phép hỏi chị có bao nhiêu % cuộc đời thực và con người của chị trong "Những mảnh vỡ " nầy, hay tất cả đều là hư cấu ?

Nguyễn Thị Hậu: Nhiều người nhận xét, tác phẩm của các nhà văn nữ thường là chuyện về/ của chính mình, gia đình mình, giống như trong cuộc sống họ cũng thường chia sẻ, kể lể, “tám”… với bạn bè mọi chuyện, cả vui lẫn buồn…. Tất nhiên, là tác phẩm văn học thì tính khái quát cao hơn… nhưng có lẽ vẫn không khó để nhìn ra bóng dáng tác giả trong đó. Còn truyện 100 chữ của tôi thì đủ thứ chuyện “vớ vẩn” của cuộc sống: từ gia đình đến văn chương, đến quan hệ giữa những con người, cả những chuyện linh tinh trên mạng… mà bất cứ ai cũng có những khoảnh khắc như vậy. Như trên đã nói, trong truyện thật ngắn hai yếu tố “chi tiết” và “cảm xúc” quan trọng như nhau, vì vậy có thể nói tỷ lệ trên là “50 và 50” . 50% là những chi tiết quan sát, nhặt được, chắt lọc từ cuộc sống xung quanh và “giữ lại” từ cuộc sống của chính mình. Còn 50% kia là sự cảm nhận, suy nghĩ, thái độ của riêng tôi về những gì diễn ra trong cuộc sống.

Vũ Trà My: Trong văn chương, sự nhạy cảm là yếu tố rất quan trọng. Khi tạo dựng một tác phẩm mà nhân vật chính là nam, chị sắp xếp câu chuyện bằng sự nhạy cảm của người viết văn hay nhìn nhân vật chính qua giới tính của mình để phán đoán và sắp xếp câu chuyện?

Nguyễn Thị Hậu: Sự nhạy cảm để nhận ra chi tiết nào là quyết định trong tình huống truyện, còn diễn biến và kết thúc câu chuyện thì… như nó phải xảy ra, khó mà sắp xếp theo chủ quan mình. Dường như trong những va chạm cuộc sống, phụ nữ thường nhạy cảm hơn và do vậy cũng dễ bị tổn thương hơn nam giới…

CÂU HỎI RIÊNG CHO NHÀ VĂN CỔ NGƯ

Vũ Trà My:

Anh sửa soạn cho một "Truyện Thật Ngắn" như thế nào ? Có phải tuân theo trình tự phác thảo câu chuyện, sau đó cắt xén sao cho thật cô động súc tích nhưng ngắn ngủi như tên gọi của thể loại. Hay anh cứ viết liền một mạch văn. Khi chấm hết là cũng vừa vặn thật đầy đủ cho câu chuyện thật ngắn muốn kể ?

Cổ Ngư :Như đã viết ở trên, «truyện thật ngắn» đến với tôi từ một ý tưởng thoáng qua trong đầu, có thể ngay sau khi nhận được một «thông tin lạ» từ ngũ quan (nghe, nhìn, ngửi, sờ, nếm), hoặc bật ra sau nhiều ngày nghiền ngẫm, suy nghĩ về một vấn đề nào đó (eureka !), và tôi chộp, chụp, bắt ngay lấy ý tưởng còn đang nóng hổi kia để ghi vội vào giấy phác thảo đầu tiên. Sau đó, sẽ là phần cắt tỉa, thêm thắt, như đối với các thể loại sáng tác khác. Hình như chưa bao giờ tôi viết được liền một mạch rồi sau đó hài lòng ngay với sáng tác của mình mà không phải sửa chữa gì cả.

Vũ Trà My: Văn chương dù cho có hư cấu cốt truyện tình tiết, nhưng theo anh nhà văn có cần phải trung thực về tính cách và nhân thân của từng nhân vật mình muốn kể không ? Hay hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự sắp xếp định đoạt của mình.

Cổ Ngư: Trước tiên, theo tôi nghĩ, nhà văn phải trung thực với chính mình trước đã, đừng viết xuống «đúng» những điều mình nghĩ trong đầu là «sai». Sau đó, trong việc xây dựng tính cách nhân vật, chính diện hay phản diện, tốt, xấu, hay vừa tốt vừa xấu (loại nhân vật này có tính «người» hơn hai loại nhân vật «thánh / thiện» và «quỷ / ác» kia), điều quan trọng là nhân vật phải suy nghĩ, hành động, nói năng, phát triển sao cho phù hợp với tính cách ban đầu được người viết đưa ra và «ép» người đọc phải thừa nhận. Còn từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc một sáng tác (thường là truyện dài hay trường thi), đôi khi nhân vật vuột khỏi ý định khởi thuỷ của tác giả để có một hướng đi khác, vì, người viết cũng không thể nào «trước sau như một» với những ý tưởng dồn dập đến trong đầu mình được !

http://www.yahoovanhoaviet.com/news/index.php?act=view&code=post&cid=34&id=61408


Những số phận và góc khuất của một phần đời được hai tác giả tài hoa Nguyễn Thị Hậu và Cổ Ngư xếp đặt gọn ghẻ và trình bày trong tiêu đề “ Truyện Thật Ngắn “ giống ..như một bài thơ. Ngắn như vậy đó mà độc giả vẫn thấy được cả một số phận của nhân vật ... Đó mới thật là tài tình

http://www.yahoovanhoaviet.com/news/index.php?act=view&code=post&cid=28&id=61407

TRUYỆN CỦA NGUYỆN THỊ HẬU

XÁ TỘI VONG NHÂN

Tháng bảy, mùa xá tội vong nhân. Những ngôi chùa lớn nhỏ sáng tối đông người lui tới.

Tháng bảy mưa Ngâu… Sài Gòn áp thấp nhiệt đới, phố xá khuất trong mưa, nhà cửa mờ sau màn nước.

Từ trong ngôi chùa lớn một chiếc xe hơi sang trọng chạy ra. Qua vũng nước đọng ở cửa chùa làm nước bắn tung tóe lên người ông già bán vé số đứng nép dưới mái hiên.

Mô Phật. Ông già khẽ nói.

Mô Phật. Giọng trầm bổng mấy Thầy ngồi trên xe cũng nói.

KHOÁ

Anh buông lời nặng nề. Sững sờ, cô đưa con về nhà ngoại. Anh chỉ gọi điện nói chuyện với con.

Về nhà lấy vài thứ, mở cửa, cô biết anh vừa đi. Trên bàn gạt tàn còn vương khói thuốc… Cô bỗng thấy mềm lòng với mùi thuốc lá quen thuộc. Dọn dẹp qua loa rồi cô đi.

Mấy ngày nữa, lấy cớ tìm sách cho con, cô lại về, thầm mong sẽ gặp anh dù trái tim vẫn còn đau đớn.

Mở cửa mãi không được. Nhìn lại, ổ khóa đã thay.

TRUYỆN CỦA CỔ NGƯ

HẠNH PHÚC

Vào truyện

- Như đôi chim uyên tung bay ngập trời nắng ấm

- Như sương ban mai long lanh đậu cành lá thắm… (*)

Truyện

Cô có cặp mắt cắt da xẻ thịt và đôi môi hàn gắn liền lạc mọi vết thương. Anh, người trung dung, tính chậm rãi, để ý nhiều đến chóp mũi hỉnh trên gương mặt cô. Anh rạo rực mỗi lần thấy chóp mũi đỏ ửng những khi cô ra ngoài, trời lạnh.

Một hôm, anh bắt gặp cô nằm khóc, nước mắt ướt đẫm một góc khăn trải giường. Thấy anh cứ chần chừ, lúng túng, cô gắt:

- Anh đi đâu thì đi, làm gì thì làm, để cho tôi yên!

Anh đem rác đi đổ, rồi tẩn mẩn cắt tỉa lại mấy chậu cây cảnh trồng ngoài hiên, thầm nghĩ: dan díu với nhau thế này đủ rồi, chia tay là vừa, mình sắp thoát khỏi mọi ràng buộc. Lúc ấy mùa hè, chóp mũi cô không còn ửng đỏ nữa, đôi lúc lại lấm tấm mồ hôi.

Khi anh trở về, khăn trải giường loang máu. Anh chỉ nhớ đã thắt vội một nút ga-rô rồi không còn biết mình đã làm gì, nghĩ gì trên đoạn đường chở cô từ nhà đến bệnh viện nữa. Khi người ta đẩy cô đi cũng đúng khi anh ngã vật xuống. Cả hai nằm phòng hồi sức cùng lúc. May, anh gượng dậy ngay sau đó.

Anh hối hận, vội vã ngỏ lời cầu hôn. Cô ngước lên anh bằng tia nhìn gẫy nát, mỉm với anh một nụ cười rạn nứt. Gật đầu đồng ý, cô để nước mắt lăn dài. Máu đã khô nơi cổ tay, chỗ có vết cứa.

Như trong truyện cổ tích, chiếu đúng lá số tử vi, anh và cô có những đứa con kháu khỉnh, cùng sống bên nhau cho đến tận cuối đời.

Ra truyện

Hơn mười năm sau, ngẫu nhiên, anh biết được nguyên nhân của lần đổ máu và nước mắt ấy. Vì tình. Nhưng không phải vì anh.

(*) trích từ lời ca khúc «Cô đơn» của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

KÝ ỨC

Nàng có rãnh tình rất sâu.

Sau nhiều năm không gặp, anh chỉ còn nhớ được điều ấy mỗi khi nhìn thấy một người đàn bà khác cười.

MỘT ĐOẠN BẾN MỄ CỐC (QUẬN 8)

Từ cầu Xóm Củi đi từ quận 5 sang quận 8, rẽ phải ngay chân cầu, theo đường Bến Bình Đông đi mãi đi mãi... là đường bến Mễ Cốc. Đi hòai đi hòai, hết đường bến Mễ Cốc cũng là hết quận 8. Đọan đường Bến Bình Đông bên kia sông Quận 5,6 là Đại lộ Đông Tây. Còn đường bến Mễ Cốc thì bên kia vẫn còn cảnh yên bình như vậy đây.

Sẽ quay lại đây chụp hình một vài ngôi nhà của xưa còn lại. Mấy ngày này cây kiểng hoa kiểng đã bày bán dọc bến Bình Đông, vẫn còn một chút cảnh quan Tết xưa của một Sài Gòn "trên bến dưới thuyền"

SÀI GÒN TÔI YÊU

So với hơn 300 năm Sài Gòn - Gia Định được thiết lập nền hành chánh, so với hơn 3000 năm vùng đất này in dấu tích những con người cổ xưa nhất, 35 năm tôi sống ở Sài Gòn chỉ là chớp mắt! Chớp mắt tuổi thanh xuân qua đi, tuổi mùa thu đến, nhìn lại những năm tháng qua chợt nhận ra dường như mình chưa một lần nói lời yêu với thành phố này, nơi mình đã sống những tháng năm dài, và có lẽ là cả cuộc đời.

Nhiều người đã yêu, rất yêu Sài Gòn. Có thể đối với họ đây là quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi họ đã rời xa quê nhà vào kiếm sống và được Sài Gòn rộng rãi sẻ chia. Có thể là nơi để lại mối tình đầu đau đáu nỗi chia ly, là nơi họ rời bỏ mà luôn mong một ngày quay lại… Nhưng cũng với nhiều người tình yêu Sài Gòn thật khó có thể bộc lộ thành lời, phải chăng vì Sài Gòn không như một cô gái đẹp dịu dàng, yểu điệu kiêu sa làm người ta dễ cảm mến để rồi thốt vội lời yêu? Sài Gòn mang dáng vẻ của cô gái hiện đại, năng động và bình dị, một vẻ đẹp mà người ta thường ngại ngùng khi muốn ngỏ lời yêu… Nhiều năm trước tôi cũng vậy, mải mê nhớ về thành phố êm đềm đẹp đến nao lòng của thời thơ ấu, để rồi đến một ngày thu tôi mới nhận ra mình đã yêu Sài Gòn từ khi nào không rõ…

Ấn tượng của tôi lần đầu gặp Sài Gòn là bến Bạch Đằng sông rộng nước đầy với những con tàu lớn nằm sát đại lộ Nguyễn Huệ đẹp nhất Sài Gòn. Đường phố thênh thang luôn tấp nập, hàng cây xanh cao vút trong ánh nắng chói chang, những cô gái đạp xe mini tà áo dài trắng bay bay trong hơi gió biển mát lành. Những ngôi biệt thự sang trọng kín đáo ẩn hiện sau tường rào cây xanh, những ngôi chùa rực rỡ đèn điện vôi màu… So với Hà Nội hay Huế có vẻ như Sài Gòn thiếu sự lắng đọng “hồn núi sông ngàn năm” vì đây là thành phố hiện đại kiểu Âu – Mỹ. Nhưng Sài Gòn mang hình hài đặc sắc một đô thị phương Nam “trên bến dưới thuyền”. Khởi thủy, thành Gia Định dựng bên góc sông Sài Gòn và sông Thị Nghè. Kéo dài về phíá tây nam vài cây số, là Chợ Lớn, thành phố của đa số người Hoa, nằm trên những mối giao nhau của kinh rạch chằng chịt, nối ra sông Sài Gòn bằng rạch Tầu Hũ hay còn gọi là rạch Bến Nghé. Nhắc đến Sài Gòn người ta nhớ ngay đến hai cái chợ nổi tiếng: chợ Bến Thành – bến sông thị tứ buôn bán quan trọng nhất của thành Gia Định; và Chợ Lớn – đầu mối giao thương lớn nhất Đàng trong. Rạch Bến Nghé hay rạch Tàu hũ nối liền hai khu vực trung tâm của thành phố. Thành Gia Định nằm ở khu vực trung tâm cao nhất, khoảng từ Dinh Độc Lập cho tới gần Thảo Cầm Viên. Từ đó dốc thoai thoải đều ra chung quanh cho tới kinh rạch và sông Sài Gòn. Phiá tây Sài Gòn lúc ấy vườn ruộng kéo dài nối vào Chợ Lớn, khu vực này có nhiều kinh rạch chảy vào Kinh Bến Nghé hay Tầu Hũ, kinh Đôi. Sông rạch là con đường thông thương của Sài Gòn – Chợ Lớn với miền Đông, miền Tây Nam bộ. Ngã ba Nhà Bè nơi sông Đồng Nai gặp sông Sài Gòn hòa dòng đổ ra biển tại Cần Giờ - cửa ngõ cho Sài Gòn vươn ra biển đông. Giai đoạn hình thành Bến Nghé – Sài Gòn cũng là giai đọan tụ cư nhanh chóng của những cộng đồng người từ nhiều nơi, nhiều nguồn gốc đến đây. Quá trình khẩn hoang lập ấp, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp… lưu dân đã duy trì những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của quê hương làm chỗ dựa tinh thần ở vùng đất mới. Đình, chùa, đền, miếu, hội quán… xây dựng trong khoảng 300 năm nay thể hiện sự đa dạng và hội tụ văn hóa của các cộng đồng cư dân và sinh hoạt tinh thần của người Việt, người Hoa, Khmer, Chăm.

Cũng như nhiều nước Đông Nam Á, kiến trúc thời thuộc địa cuối thế kỷ 19 nửa đầu thế kỳ 20 đã để lại cho Sài Gòn nhiều di sản kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Không những thế những công trình này còn thể hiện vị trí quan trọng của Sài Gòn trong từng giai đoạn lịch sử. Những di sản kiến trúc nằm trong tổng thể quy hoạch Sài Gòn từ một đô thị chính trị - quân sự thành một thương cảng, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa. Những con đường ngang dọc lấy sông Sài Gòn làm chuẩn chia thành phố thành những ô vuông. Trên những đường chính là các công sở, khu buôn bán, khách sạn nhà hàng… Những đường nhỏ là khu cư trú của giới công chức nhân viên, những biệt thự xinh xắn mang vẻ đẹp của kiến trúc cổ điển châu Âu nhưng gần gũi và đã trở nên quen thuộc với người Sài Gòn, rồi những dãy nhà phố, sâu hơn trong hẻm là xóm “nhà lá” của người lao động… Cứ vài ô vuông lại có nhà thờ làm trung tâm sinh hoạt tinh thần. Có thể thấy 3 đỉnh của tam giác trung tâm thành phố chính là 3 nhà thờ: Đức Bà – Tân Định - Huyện Sĩ (thuộc quận 1, quận 3 ngày nay). Đây cũng là 3 khu vực địa hình cao nhất của thành phố, vì vậy xây dựng nhà thờ ở vị trí này là sự kết hợp tuyệt vời giữa hình thức kiến trúc và chức năng tôn giáo của kiến trúc.

Những kiến trúc công sở hay tôn giáo, bên cạnh yếu tố hài hoà, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, phù hợp với đường phố theo quy hoạch, phù hợp với công năng của công trình còn có một đặc điểm đáng chú ý là có nhiều các chi tiết trang trí mang yếu tố của mỹ thuật Việt, Champa, Khơmer… Sự kết hợp giữa kết cấu, kiểu dáng kiến trúc, vật liệu xây dựng, đề tài trang trí, giữa phương Tây và phương Đông – bản địa và ngoại sinh, làm cho các công trình kiến trúc ở Sài Gòn thời thuộc Pháp có một phong cách kiến trúc khá đặc biệt, được gọi là phong cách kiến trúc Đông Dương, thể hiện xu thế “chủ nghĩa văn hoá” của kiến trúc đô thị phương Tây trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 ở nhiều nước châu Á. Cho đến nay những yếu tố về quy hoạch, kiến trúc, đặc trưng, trang trí… của các công trình kiến trúc này vẫn được xem là “chuẩn mực” cho việc quy hoach - xây dựng một thành phố lớn.

Tính đến tháng 4 năm 2010 toàn thành phố có 124 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích, trong đó: 1 di tích quốc gia đặc biệt (Dinh Thống Nhất); 53 di tích quốc gia (25 di tích lịch sử, 26 di tích kiến trúc nghệ thuật, 2 di tích khảo cổ), 70 di tích cấp thành phố (29 di tích lịch sử, 41 di tích kiến trúc nghệ thuật). Hệ thống di tích trong cảnh quan chung của một “Sài Gòn xưa” làm nên “bản sắc Sài Gòn”. Nhưng giờ đây “bản sắc Sài Gòn” đang mai một, vì một nghịch lý nhưng lại rất phổ biến ở các thành phố nước ta: những gì đã từng đem lại bản sắc độc đáo cho một Sài Gòn ngày xưa và còn tồn tại đến ngày nay, thì đang dần bị phá hỏng bởi các công trình cao tầng hiện đại có lối kiến trúc và trang trí vô cảm với khung cảnh lịch sử xung quanh. Con đường Đồng Khởi là một trường hợp như thế. Đây có lẽ là con đường nổi tiếng nhất trong những con đường đẹp, buôn bán sầm uất và có tuổi đời xưa nhất của Sài Gòn. Nằm ở quận 1 và dài gần một km, bắt đầu từ ngã tư với Nguyễn Du ngay trước mặt Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và kết thúc là đường Tôn Đức Thắng nhìn ra sông Sài Gòn, con đường này tập trung nhiều khách sạn sang trọng, cửa hàng, tiệm cà phê, hiệu sách… là địa chỉ văn hóa quen thuộc và in đậm dấu ấn trong tâm trí nhiều thế hệ người Sài Gòn và những người từng đến, từng ở Sài Gòn. Hình ảnh những khách sạn, cửa hàng như thế đã trở thành biểu tượng văn hóa của con đường. Khu hành lang Eden với rạp chiếu phim, các cửa hàng tơ lụa, đồ lưu niệm, nhà sách Xuân – Thu, đối diện Nhà hát thành phố là tiệm cà phê Givral nổi tiếng, nhưng gần đây nó nổi tiếng hơn bởi ca khúc “Vĩnh biệt Givral” – C’est fini Givral. Ca khúc này làm ta nhớ đến bộ phim lãng mạn “Mùa hè cuối cùng ở Capri” đã làm rung động biết bao trái tim, còn bây giờ nó làm nhiều người rưng rưng nước mắt. Một phần quá khứ của Sài Gòn, một phần quá khứ của nhiều người không còn nữa. Givral và những di tích khác mất đi, Sài Gòn có nguy cơ là một thành phố không còn ký ức, những thế hệ con người sau này sẽ không có ký ức lịch sử… Tôi cũng như mọi người, chẳng ai muốn phải nghe “C’est fini…” đối với những di sản văn hóa còn lại của Sài Gòn.

Nhưng Sài Gòn không chỉ có “mất đi” mà những năm gần đây thành phố đã mở rộng và cảnh quan thay đổi từng ngày. Kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè “nổi tiếng” kênh đen với những ngôi nhà chênh vênh cọc gỗ che kín mặt nước đọng dày rác rưởi, bây giờ đang được nạo vét, kè bờ, không lâu nữa sẽ là những “con kênh xanh xanh” chảy giữa lòng thành phố, dọc hai bờ kè mát bóng cây xanh, vườn hoa. Một dự án con đường trên cao dọc theo hai con kênh này với hàng chục cây cầu bắc ngang sẽ trở thành “điểm nhấn” cho vùng trung tâm cũ của Sài Gòn. Khu quận 4 bên kia cầu Khánh Hội nổi tiếng “xã hội đen” một thời, giờ có lẽ nhiều người sẽ không nhận ra nơi này. Những xóm nhà lá lụp xụp trong những con hẻm nhỏ chằng chịt hầu như biến mất. Những con đường rộng rãi, những ngôi nhà khang trang đã hiện lên, và gương mặt những con người nơi đây dường như đã bớt đi nhiều vẻ lo toan khắc khổ. Vùng trũng Nhà Bè mênh mông dừa nước đất vàng phèn mặn, giờ nơi này là đại lộ 8 làn xe chạy giữa khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đẹp như mơ! Những làng xóm ruộng vườn phía Gò Vấp, Tân Bình hay Hốc Môn, Củ Chi cũng đã thành phố mới. Tốc độ đô thị hóa ở Sài Gòn khá nhanh, việc quy hoạch thành phố còn chưa theo kịp sự phát triển vì vậy không tránh khỏi sự lộn xộn trong cảnh quan đô thị, việc xây dựng tự phát, sự tùy tiện phát triển các khu dân cư trú xen lẫn thương mại, khu công nghiệp… là rất rõ. Có thể dùng cụm từ “làng trong phố” để hình dung về cảnh quan văn hóa nhiều khu đô thị mới. Nhiều đường phố xưa êm đềm với hàng cây cao cao nay vào giờ tan tầm bỗng biến thành “hẻm nhỏ” bởi nhà cao tầng đã xây kín mặt đường, bởi dòng xe như nước chảy tràn không dứt.

Sài Gòn bây giờ dân số đã hơn 7 triệu dân mà phần lớn là người tứ xứ từ các tỉnh miền Tây lên, miền Trung miền Bắc vào. Bằng sức lao động cần mẫn họ đã góp phần tạo nên sức sống trẻ trung năng động của thành phố đồng thời cũng được nơi đây nuôi dưỡng, cưu mang. Qua nhiều năm khó nhọc mưu sinh, nhiều người đã hiểu nơi ta sinh ra là nơi để gửi nhớ gửi thương mỗi dịp năm hết Tết đến, còn Sài Gòn là nơi mỗi ngày ta có thể được sống hết mình trong suốt cuộc đời … Nếu đừng quá “thiên lệch” lòng yêu thương đối với nơi chôn nhau cắt rốn thì tình cảm của ta đối với Sài Gòn sẽ công bằng hơn, vì đó là thành phố của mình, vì ta cũng đã là người Sài Gòn! Hiểu người Sài Gòn hơn, ta sẽ nhận ra tấm lòng nặng tình đầy nghĩa của những con người bộc trực phóng khóang nơi đây.

Ba mươi lăm năm sống ở Sài Gòn, sống với Sài Gòn liệu tôi có thể nói “Sài Gòn của tôi”? Của tôi, như một quê hương. Của tôi, như một nơi đã cho tôi trưởng thành. Của tôi, như một mối tình nồng nàn mà lặng lẽ thủy chung suốt cả cuộc đời…

“Dù đến rồi đi tôi cũng xin Tạ ơn người…” với Sài Gòn đó là điều mà nhiều người muốn nói.

Sài Gòn 8/12/2010

Báo LAO ĐỘNG TẾT 2011 đăng dưới tựa "Sài Gòn - đô thị của di tích"

NGÀY CỦA MÁ (note cũ)

Má tôi là một người phụ nữ Nam bộ.

Ông ngọai tôi có một nhà máy xay lúa ngay con rạch Cái Tôm ở Hòa An, gần chợ Cao Lãnh. Mỗi ngày thợ làm công có đến vài chục người. Cả nhà, từ ông bà ngọai đến các dì các cậu đều làm việc ở nhà máy này. Người lo máy móc, người lo điều thợ, người lo nhận, giao lúa gạo… Bà ngọai và mấy cô con gái lo chợ búa cơm nước cho cả nhà và đám thợ, cho cả khách hàng từ xa tới lỡ con nước chưa về được. Má tôi được giao việc đi chợ mua đồ ăn và phụ dì Hai nấu cơm. Bữa cơm chung chủ thợ ngon lành và đầm ấm như người trong một nhà. Nhờ vậy nhà máy xay luôn đông khách, làm ăn khấm khá.

Quê nội và quê ngọai tôi chỉ cách nhau một nhánh sông Tiền, có bến đò nhỏ nối liền làng Mỹ Hiệp bên Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới, An Giang với làng Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp. Xưa, dân Cù Lao Giêng vẫn qua chợ Cao Lãnh đi chơi, mua bán, nhất là vào ngày lễ tết. Các bà cô của ba tôi đã “tìm thấy” cô con dâu tương lai là má tôi trong những lần qua chợ Cao Lãnh như thế. Tiêu chuẩn tìm dâu của các bà là: vén khéo chợ búa, ăn nói dịu dàng, và dung nhan phải “coi được”. Vậy là má tôi, lúc đó tròn 20 tuổi, lọt vào “mắt xanh” của các bà cô. Và chỉ vài tháng sau ông bà nội tôi qua coi mắt má tôi. Ba tôi khi ấy là thầy giáo đang dạy học ở Cái Răng, Cần Thơ. Ông kể, ông nội viết thơ kêu về cưới vợ, bữa đám nói, ông chỉ kịp thấy người bưng khay nước đi ngang qua có cái lưng áo dài thon thả với búi tóc tròn dày, không kịp nhìn thấy mặt người vợ tương lai. Rồi đám cưới ba má tôi diễn ra vào đầu năm 1945. Từ ấy, ba má tôi đã bên nhau trọn 40 năm, cho tới ngày ba tôi đi xa.

Sau ngày Ba tôi mất, toàn bộ tài liệu, hồ sơ của ông đều được má tôi cẩn thận giữ gìn. Duy chỉ có những vở kịch ngắn ba tôi viết trong kháng chiến chín năm, in litô chữ tím, chữ xanh trên khổ giấy học trò thì bị mục nát không sao cứu chữa được. Có lần tôi hỏi “Má có đọc những gì ba để lại không?” Má tôi cười buồn và lắc đầu nhè nhe. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng má vẫn đang nhớ ba lắm, dù ba mất đã lâu. Nhưng khi đọc kỹ những gì ba để lại tôi mới hiểu, trong suốt cuộc đời ba tôi không có gì mà má tôi đã không cùng trải qua, không chịu đựng cùng ông, chưa kể những vất vả lo toan của người phụ nữ, và nỗi đau riêng của người “lỡ” làm vợ một người nghệ sĩ như ba tôi... Âm thầm sẻ chia những nỗi đau nhân tình thế thái, lặng lẽ góp thêm những niềm vui trong mỗi thành công, quả thật tôi không thể hình dung cuộc đời của ba tôi mà thiếu vắng má tôi bên cạnh. Cho đến ngày cuối đời ba tôi vẫn nói “Cuộc đời ba nếu có làm được gì thì công lao của má các con là hơn phân nửa”.

Biết mình không thừa hưởng được nét phúc hậu gương mặt trái xoan và nước da trắng trẻo của cô gái miệt vườn Cao Lãnh, tôi vẫn thường nói đùa với má: Chắc má yêu ba lắm nên con mới giống ba dữ vậy, có nước da ngăm ngăm của “người Việt gốc Miên”. Má cười dịu dàng, con giống bà nội, còn chị giống bà ngọai, vì má thương bà nội bà ngọai như nhau.

Ngày sinh của Má chúng tôi không biết, Má cũng không biết vì chỉ được nghe bà ngọai kể rằng sinh Má vào một đêm cuối năm. Chúng tôi hẹn nhau ngày rằm tháng chạp là “ngày của Má”. Dù bận rộn đến đâu thì những ngày cuối năm chúng tôi vẫn nhớ rằng Má đã già đi hơn một tuổi. Tuy nhiên Má không bao giờ đồng ý cho chúng tôi tổ chức mừng sinh nhật. Má nói: các con sống sao cho ba má không buồn lòng, thế là có hiếu, không cần phải bày vẽ làm gì. Các con gái tôi lại thường so sánh: mẹ nấu ăn không ngon bằng ngọai! Còn phải nói, con gái Cao Lãnh nấu ăn ngon có tiếng! Nhưng quan trọng hơn là suốt cuộc đời Má, mỗi món ăn là tình yêu Má dành cho Ba, cho các con các cháu. Thứ gia vị ấy đâu phải ai cũng có và biết sử dụng nó trong cuộc sống hiện nay…

Về với Má bao giờ tôi cũng như trẻ nhỏ để được nằm bên nghe Má thủ thỉ chuyện “hồi đó…”. Hồi đó có một cô gái Cao Lãnh lấy chồng bên Cù lao Giêng…

KHOẢNH KHẮC HÀ NỘI (note cũ)

Về lại phố xưa…

Tôi trở về Hà Nội. Một chuyến đi vì công việc như mọi lần, và cũng như mọi lần, không chỉ là vì công việc. Những ngày nóng bức đã qua, ngày tôi đi HN dịu mát như một ngày thu...
Trưa hanh hao, uống bia hơi Hà Nội thật thích. Bạn về Sài Gòn rồi còn nhớ cái mát lạnh của cốc bia như có cả hơi gió từ hồ Ngọc Khánh? Chiều sụp tối, gió len lỏi trên đường phố vẫn nườm nượp người và xe…
Ư thôi, vài ngày sẽ qua, lại về với Sài Gòn nắng gió, về với cà phê bông giấy mỗi chiều tư lự ngắm xe qua và người đi mất. Và sẽ nhớ, một tối nào đó, bạn bên tôi, tưởng như có thể đi mãi như thế, không có nơi đến không có điểm dừng không có cả đèn đỏ ngăn bước chân ngập ngừng trong chốc lát… Lần này tiễn tôi đi Hà Nội ngập tràn màu tím: hòang hôn ngày đầu hè tím nhạt bãi ven sông, những con đường rợp bằng lăng tím biếc, tiếng ve ran tím sẫm trên những vòm cao… Cảm giác một mình khi ra đi cũng là một sắc tím, trong veo, như nước. Sắc tím ấy pha vào đâu thì làm độ tím nơi ấy nhạt nhòa đi, nhưng với thời gian sẽ bền màu hơn.
Ngày tôi chia xa Hà Nội không nhiều sắc tím như bây giờ…

Sớm đầu đông

Phố cổ, đường uốn lượn ven Hồ Tây, chùa nhỏ mờ trong sương sớm se se lạnh.
Bao giờ cũng vậy, mùa đông tôi về Hà Nội bỗng ấm hơn. Dường như chốn cũ luôn ưu ái đứa con phương Nam quen với nắng gió mà đã quên cảm giác lạnh buốt ngày đông một thời thơ ấu. Bạn bè thường đùa vui: Bạn mang cả nắng ấm Sài Gòn ra theo đấy à?
Không, chỉ là một thoáng ngập ngừng của mùa đông thôi bạn ạ. Chút ngập ngừng ấy mang lại bầu trời nhạt nắng, mang lại hơi gió lạnh xào xạc lá trên đường, mang lại cảm giác ấm áp khi gặp lại người xưa...
Nhưng, thoáng ngập ngừng mùa đông vẫn không đủ để mang bạn đến gần tôi...

Bao lần trở về

Bao lần trở về, mình đã muốn cùng bạn lang thang chợ hoa Nhật Tân vào lúc rạng ngày đang sáng, để cùng ngắm những cành hoa đủ màu đủ sắc còn đẫm sương đêm, nồng nàn hương thơm...
Bao lần trở về mình đã muốn cùng bạn chầm chầm theo sau gánh hàng hoa, chỉ vì màu vàng đến nao lòng của cúc mùa thu phía sau tấm lưng ong cần mẫn của những người chị người cô đang âm thầm làm đẹp cho thành phố...
Bao lần trở về, mình đã muốn cùng bạn lang thang nơi phố nhỏ thoang thoảng hương ngâu. Một ngọn đèn in hình những bông hoa loa kèn nghiêng đầu duyên dáng sau ô cửa nhỏ khuất tấm rèm lay nhẹ ...
Bao lần trở về mình đã muốn cùng bạn lang thang làng nhỏ ven đê, chợt một hồ sen hiện ra, búp sen nụ sen ấp e, trinh bạch...
Bao lần trở về là bao lần mình mong muốn... cũng là bao lần mình lại một mình như thế...
Bạn có biết không...

(Báo Khoa học phổ thông lấy đăng số TẾT 2011)

BẢO TÀNG QUẢNG TÂY

ĐÈN ĐỒNG THỜI HÁN: CỔ VẬT TIÊU BIỂU CỦA QUẢNG TÂY (TRÊN)
NHỮNG CỔ VẬT ĐỒNG THỜI HÁN (DƯỚI)




ĐỒ ĐÁ THỜI ĐÁ MỚI
(Ở QUẢNG NINH NƯỚC TA CŨNG TÌM THẤY NHIỀU HIỆN VẬT ĐÁ TƯƠNG TỰ)

TRƯNG BÀY ĐỒ ĐỒNG THỜI TẦN - HÁN

TRỐNG ĐỒNG
(Mấy năm trước tại đây trưng bày cả một gian lớn, nay chỉ trưng bày chung trong phòng về đồ đồng)
MÀN HÌNH 3 D CẢNH NHẢY MÚA THỜI TIỀN SỬ

NHỮNG NGÔI NHÀ DÂN TỘC CHOANG


NHÀ THEO MÔ HÌNH TRỐNG ĐỒNG (phòng chiếu phim cho học sinh)

NAM NINH

ĐƯỜNG THÀNH PHỐ
CÔNG VIÊN GIỮA THÀNH PHỐ
ĐẠI HỌC QUẢNG TÂY
PHỐ MỚI
THÀNH PHỐ XANH
TRUNG TÂM HỘI NGHỊ TRIỂN LÃM ASEAN

VÙNG BIÊN (2)

Nam Ninh không phải là một thành phố trẻ. Khởi đầu thuộc vùng đất này thuộc tộc Bách Việt, về hành chính thì Nam Ninh đã có ít nhất hơn 2000 năm lịch sử từ khi vùng Quảng Tây thuộc về nhà Tần vào khỏang đầu thế kỷ 3 trước công nguyên. Trải qua những thời kỳ lịch sử khác nhau, Nam Ninh luôn có vị thế quan trọng tại miền biên giới phía Nam, là trung tâm cư trú của người Choang - dân tộc có đông dân chỉ sau người Hán trong cộng đồng 53 dân tộc của Trung Hoa. Đầu năm 1950 thành phố Nam Ninh được thành lập đồng thời được xác định là thủ phủ tỉnh Quảng Tây. Từ tháng 3 năm 1958 trở thành thủ phủ của khu tự trị người Choang Quảng Tây. Khỏang 10 năm trước Nam Ninh còn mang dáng dấp tỉnh lẻ, chỉ khu trung tâm là có dáng vẻ của một thành phố hiện đại với nhà cao tầng, khu thương mại, đường rộng rãi sáu làn xe hơi, nhưng xe đạp vẫn thong thả quay vòng trên những làn đường này… Từ khách sạn trung tâm nhìn ra nhà ga Nam Ninh, mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu đến, trăm ngàn lượt khách chủ yếu vẫn là nông dân từ các tỉnh miền núi phía nam đổ về tìm việc làm ở các công trường xây dựng ở phía Đông thành phố. Hôm nay đến Nam Ninh, nếu chỉ quan sát bằng con mắt thường ta khó có thể tìm ra mối liên hệ giữa “khu tự trị người Choang” với thành phố đang lớn lên từng ngày, “phố Đông” ở Nam Ninh đã hiện hữu, đẹp đến ngỡ ngàng!

Điều nhận thấy đầu tiên Nam Ninh là một “thành phố xanh”, xanh từ những hàng cây giữa dải ngăn cách của đường cao tốc, xanh từ những bóng mát từ những hàng cây ven đường, xanh từ những thảm cỏ xanh, luống hoa nho nhỏ trên vỉa hè, xanh dưới cầu vượt, xanh trước những chung cư, và xanh từ những công viên rộng mênh mông giữa lòng thành phố. Có đến 36% diện tích thành phố được phủ xanh, một con số đáng kể nếu ta biết rằng Nam Ninh đã lớn gấp đôi so với trước đây, khỏang 23.000 km2. Dân số hiện nay của Nam Ninh gần 7 triệu người, chưa kể số lượng gần 3 triệu người nhập cư “thời vụ”. Thành phố đang hướng đến mốc 10 triệu dân, bởi vậy dọc những con đường tôi qua chỉ thấy những chung cư cao vài chục tầng (trông xa xa không hiểu sao những tòa nhà ở đây lại “dẹp lép” như vậy, hóa ra vì chúng dài mà cao quá). Những ngôi nhà riêng ngòai mặt phố dần biến mất, chỉ ở khu phố trung tâm còn vài căn nhà mang dáng vẻ cổ xưa nay là cửa hàng bán đồ lưu niệm luôn tấp nập khách du lịch. Bù lại, nhiều nhà hàng, khách sạn kiến trúc rất hiện đại nhưng có lối trang trí đậm nét văn hóa truyền thống với mái ngói xanh, đèn lồng đỏ và vô số kiểu dáng và chi tiết hoa văn trong nội thất. Chung cư cao tầng là chính sách nhất quán trong sự quy họach của nhiều thành phố Trung quốc để tạo ra sự “an cư” cho cư dân đồng thời để có thế xây dựng cảnh quan đô thị quy củ, hiện đại.

Cũng như nhiều thành phố khác ở Trung quốc, đường phố ở Nam Ninh rất rộng với 6 làn xe chính, vỉa hè rộng rãi đủ chỗ cho người đi bộ đổ ra từ những bến xe bus hay từ những tòa nhà cao tầng. Giao thông công cộng phát triển nhất là xe bus, nhiều tuyến nhiều lọai xe bus tùy thuộc vào khỏang cách và mức độ dân cư đi lại. Xe máy điện, xe đạp vẫn còn phổ biến nhưng xe hơi cũng đã bắt đầu có hiện tượng kẹt đường vào giờ tan tầm. Giao thông công cộng phát triển ở Nam Ninh thể hiện 2 mặt: sự họach định chính sách lâu dài, quy họach đô thị từng bước chặt chẽ, những biện pháp chế tài nghiêm ngặt của chính quyền thành phố, đồng thời cũng là quá trình của tự giác và ý thức cư dân đô thị. Ví dụ: trên xe bus chỉ có tài xế (sư phụ), hai cửa lên xuống phân biệt rõ ràng. Cửa lên phía trước, hành khách tự giác bỏ tiền lẻ vào khe hộp tiền hay trình vé tháng. Cửa xuống phía sau, tự giác nhường cho người già, trẻ em. Được như vậy cần có sự thực hiện đồng bộ: nhiều tuyến xe, nhiều chuyến xe, bến xe thuận tiện, giá vé rẻ, tiển lẻ phổ biến, khuyến khích mua vé tháng, nhưng “kiểm tra giao thông” cũng thường xuất hiện bất ngờ trong vai người đi xe bus, phát hiện ngay người lậu vé hay sai phạm của tài xế như bỏ bến phóng nhanh vượt ẩu. Mỗi lỗi như vậy bị phạt khá nặng nên tính răn đe cao. Chỉ mới hơn 5 năm mà “văn hóa xe bus” đã phổ biến ở Nam Ninh. Đây là bước chuẩn bị cho cư dân làm quen với metro: tính tự giác, thói quen khẩn trương đúng giờ, đúng bến. Hiện nay Nam Ninh bắt đầu xây dựng tuyến metro xuyên đông tây thành phố.

Trong lịch sử, vùng Hoa Nam từ phía nam sông Trường Giang nằm trong khu vực văn hóa Đông Nam Á cổ với kỹ nghệ đúc đồng và nông nghiệp trồng trọt hình thành và phát triển từ rất sớm. Nhưng từ thời nhà Hán vùng này xa dần văn hóa truyền thống Đông Nam Á mà hòa nhập vào khối văn hóa Hoa hạ của miền Trung nguyên. Vùng Quảng Tây có thể được coi là một trong những “cửa ngõ” quan trọng để văn hóa Hoa Hạ đi về phía Nam. Bởi vậy thật dễ hiểu khi Quảng Tây xây dựng Trung tâm hội nghị và triển lãm ASEAN. Tòa nhà rất đẹp nằm trên một ngọn đồi cao ở phía đông Đại lộ Dân tộc. Đây là nơi thường xuyên tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế được tạo hình một bông hoa dâm bụt, loại hoa tiêu biểu cho Nam Ninh, 12 cánh hoa màu trắng lộng lẫy tỏa sáng dưới ánh nắng, tượng trưng cho 12 dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Tây. Một sự trùng hợp tình cờ chăng vì hiện nay Đông Nam Á có 12 quốc gia, trong đó 10 quốc gia đã gia nhập khối ASEAN. Chỉ tiếc một điều, tại sao chúng ta không xây dựng được một trung tâm như thế ở Lạng Sơn, Quảng Ninh hay Lào Cai, Cao Bằng, khi mà địa đầu phía Bắc của ASEAN là các tỉnh biên giới của Việt Nam? “Cái bóng” của nền văn minh Hoa hạ đến giờ vẫn còn quá lớn chăng, hay là ý thức tự chủ về kinh tế - văn hóa của chúng ta đã bị “cớm nắng”?!

Một lần tôi đến thăm xưởng chế tác đá ngọc ở khá xa trung tâm thành phố – nơi có nhiều sản phẩm độc đáo lấy mẫu từ những di vật tìm thấy trong các di tích khảo cổ học ở Quảng Tây. Bên kia xưởng đá ngọc là khỏang trống rộng mênh mông. Bức tường bao quanh cao vút phía trên có vòng dây thép gai, đưa mắt ra xa hơn thấp thóang mấy tháp canh. Những dãy nhà cao 5,6 tầng còn mới, tường sơn màu xanh, khung cửa màu trắng trông sạch sẽ, bình yên, nhưng nhìn kỹ mới thấy song sắt đan vào nhau khá dày. Đó là nhà tù của thành phố Nam Ninh. Giữa trưa nắng chói chang, một tiếng kèn ôboa vọng ra, bản valse nổi tiếng “dòng Đanuyp xanh” của Johann Strauuss. Tiếng kèn ngập ngừng những nốt đầu tiên nhưng cứ đến nốt cao nhất thì tắc nghẹn…
Người tập kèn kiên nhẫn thổi lại đọan nhạc… thời gian với anh ta chắc còn dài lắm…

Sài Gòn ngày chợt lạnh





HKC qua mắt em Chiêu Anh Nguyễn

Buổi sáng trời mây mù, hơi lạnh tràn trên các con phố dài xao xác gió. Đi trên những con đường nắng sớm xiên xiên giữa hai hàng cây, vài cánh chim vụt bay từ vòm xanh cao, gác chuông Nhà Thờ như còn vương sương sớm... Dòng xe cộ trên đường giờ đi làm dường như cũng thong thả hơn, không vội vã cuống quýt chen lấn cáu kỉnh như những ngày nắng nóng. Áo lạnh được dịp khoe trên phố: áo gió các màu, không hiếm những chiếc áo khoác dày có mũ trùm đầu, áo len các kiểu: tay dài tay lửng, kín cổ hở cổ... những chiếc khăn quàng nhẹ nhàng như làn mây... Vòm cây như xanh hơn, cao hơn. Những quán cà phê như ấm cúng hơn, người với người cũng như thân quen hơn. Sài Gòn như lạ hơn, đẹp hơn, và dịu dàng hơn.

Chợt nhận thấy khoảng lặng hiếm hoi của Sài Gòn năng động. Sống ở Sài Gòn bạn hãy một lần sống chậm để tự mình tìm ra khoảng lặng trong lòng mình và trong lòng thành phố. Bạn sẽ yêu Sài Gòn hơn, thật đấy!

Một ngày nào ở một nơi nào, tôi đã ngồi bên bạn một buổi sáng như thế này. Và một góc nhỏ nào đó trong tôi, cái buổi sáng se lạnh ấy luôn ấm mãi...

(note cũ)

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...