NET hay không NET???


Sáng nay tui phải tham dự một cuộc họp. Những người đăng đàn phát biểu nói về thông tìn thì hầu như đều “lên án” các mạng xã hội, nhất là blog, vì cái gọi là “ảnh hưởng tiêu cực” của nó. Nghe những lời phát biểu tui ngờ rằng nhiều người trong số họ có lẽ chỉ nghe nói về mạng xã hội và blog chứ chưa biết nó là gì, càng chưa bao giờ tự mình “lang thang trên mạng” để xem và hiểu nó như thế nào. Tui post lại entry này nhưng cũng nghĩ rằng mấy người ấy có (biết) đọc đâu?!

Thật ra tui thấy cái kiểu tư duy “cái gì xa lạ với TÔI là… XẤU” * đang rất phổ biến trong các quan chức quản lý nhà nước về văn hóa – nhất là trong lĩnh vực thông tin và văn học nghệ thuật!

[* “Bất cứ cái gì thuộc về con người không xa lạ với tôi” – câu châm ngôn yêu thích của Karl Marx]

NGHIỆN INTERNET – NÊN HIỂU NHƯ THẾ NÀO?

Ngày 6/8/2009 tại Biên Hòa, báo Đồng Nai và Hội Tâm lý giáo dục Đồng Nai phối hợp tổ chức hội thảo “Nghiện internet và game online – thực trạng và giải pháp”. Tại buổi hội thảo mọi người nói nhiều về tác hại đối với sức khỏe và tinh thần của “nghiện internet và game online”, và cũng như nhiều hội thảo khác, người ta nhấn mạnh mặt tiêu cực của các hiện tượng xã hội khi mà nhà nước “bất cập” không quản lý được! Nhưng hầu hết các tham luận và ý kiến chỉ nói đến “nghiện game online” mà không đề cập đến “nghiện internet” (có lẽ vì sự nhạy cảm của nó chăng?!)

Nếu không nhìn thấy mặt tích cực, hay nói cách khác, không hiểu rằng internet đáp ứng nhu cầu rất cơ bản của con người và xã hội là quyền được thông tin và biết thông tin, thì sẽ luôn xảy ra tình trạng “bất cập” trong quản lý nhà nước! Thông tin là nhu cầu của con người ở mọi thời đại, mọi xã hội. Vì vậy các phương tiện truyền thông ngày càng hiện đại để phục vụ nhu cầu đó. Thông tin không chỉ là “thông tin”, mà còn là sự giao lưu, giao tiếp, còn là sự bày tỏ, thể hiện con người cá nhân trong sự tương tác với cộng đồng và xã hội.

Xã hội VN cổ truyền thông tin theo kiểu “mõ làng”, đó là cơ chế chỉ có 1 lọai thông tin, 1 chiều thông tin, người tiếp nhận thông tin “bị động” vì chỉ có nghe chứ không có/ không được phản hồi, không được đối thọai để hiểu và chủ động tiếp nhận thông tin. Cách thông tin này không tạo điều kiện cho người ta giao tiếp, giao lưu để hiểu đúng, hiểu rõ thông tin mình đang tiếp nhận, càng không khuyến khích người ta bộc lộ chính kiến, ý kiến, quan điểm đối với những thông tin ấy. Cách thông tin này chỉ phù hợp với xã hội xưa đa số là người mù chữ.

Thế giới đã và đang chuyển đổi, phát triển mạnh mẽ. Internet mang lại cho con người thông tin đa dạng, nhiều chiều, phong phú… đồng thời tạo điều kiện cho con người bộc lộ ý kiến, quan điểm cá nhân. Trong môi trường xã hội “ảo” (mà không ảo) con người đang thể hiện quyền và trách nhiệm của mình với xã hội khi bộc lộ ý kiến, quan điểm của mình, đồng thời qua trao đổi, tranh luận thảo luận, con người cũng nâng cao hiểu biết và tri thức cho bản thân. Internet cho con người sự bình đẳng trong việc tiếp nhận cũng như cung cấp thông tin. Những thông tin trên Internet cũng bình đẳng trong sự phán xét của người sử dụng. Và cũng như mọi sản phẩm văn hóa khác, Internet cũng đào thải rất nhanh những gì không có giá trị.

Để “phòng chống” hiện tượng “nghiện internet” gây tác hại cho người sử dụng - như nghiện game online nói riêng, phương thức đơn giản nhất là những phương tiện truyền thông khác hãy chia sẻ “chức năng” thông tin của internet, chia sẻ nguồn thông tin từ đó, tạo điều điện cho con người giao tiếp trao đổi với nhau nhiều hơn, bằng nhiều hình thức khác nhau, tức là chia sẻ “thị phần” của internet. Khi Internet không còn “độc quyền” của sự phong phú, đa dạng, nhiều chiều về thông tin thì nguy cơ “nghiện internet” sẽ giảm thiểu. Internet sẽ còn phát triển hiện đại hơn để đáp ứng như cầu ngày càng cao của con người. Đã là “nghiện internet” thì dẫn đến việc “cai nghiện”. Và cũng như mọi bệnh nghiện khác, sẽ có một tỷ lệ nhất định “tái nghiện”. Khi đó “bệnh” sẽ nặng hơn, tất nhiên, chữa trị sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần!

Và cũng như mọi thành tựu KHKT khác, tùy vào cách con người sử dụng có thể sẽ mang lại kết quả tốt cũng có khi mang lại hậu quả xấu. Không thể tránh khỏi hiện tượng sử dụng internet cho những nhu cầu “bản năng thấp hèn” như nhiều người đã lên án1. Song không vì thế mà chỉ nghĩ đến việc chống mặt tiêu cực của nó. Tận dụng và phát huy mặt tích cực của internet là một cách hạn chế mặt tiêu cực, bởi vì thời đại nào thì phương tiện ấy, internet và các phương tiện truyền thông khác sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ.

NHẢM CÁI COI


Thuận vợ thuận chồng

“Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”

Nghĩ: Cứ như biển Đông là cái ao cái đầm làng mình í nhỉ?

- À ừ, ngày xưa cả đời không đi khỏi lũy tre làng mà!

Lại nghĩ: Tát biển Đông… rồi đổ nước đi đâu?

- Biển Đông thì vẫn còn nguyên! Vậy ra từ xưa đến nay “thuận vợ thuận chồng” là điều hơi bị hiếm.

P/S: Giả sử tát cạn biển Đông thì sao?

- Thì biển đảo sẽ thành… đất liền.

Ô, vậy rất nên “thuận vợ thuận chồng”, bạn nhỉ!

SẾN CHÚT COI


Đi từ Long Xuyên về Sài Gòn vào buổi chiều. Khoảng 5 tiếng đồng hồ trên xe Mai Linh. Bác tài còn rất trẻ và trông lịch sự như một VIP nhưng toàn chiêu đãi hành khách bằng các CD nhạc sến. Hoàn toàn ko có định kiến gì với dòng nhạc này, nhưng quả thật 1 tiếng đầu gần như không chịu nổi những "nếu lỡ chúng mình hai đứa xa nhau...", với "tình đẹp mùa chôm chôm" rồi sang "cây trứng cá" rồi lại đi đào ao thả cá gì đấy...

Đến tiếng đồng hồ thứ 2 thì bớt khó chịu, chỉ thấy lời ca và cách hát luyến láy buồn cười, rồi thấy giai điệu cũng buồn buồn, tự hỏi hay là vì nghe nhạc sến vào lúc hoàng hôn??? Rồi đến lúc lẩm nhẩm hát theo vì giai điệu đơn giản dễ thuộc...

Khi xuống xe rồi, về đến nhà rồi mà trong đầu vẫn cứ văng vẳng mấy cái bài hát ấy. Khiếp thật là cái sự đơn giản nhưng dễ thuộc lặp đi lặp lại cứ bị nhồi vào tai đúng cái lúc chỉ có một mình ko nói chuyện được với ai .

Thật ra ngồi trên xe cũng có lúc nhớ đủ thứ chuyện linh tinh. Ví như nhớ hai nhóc lúc nhỏ. Xin cho con mèo về thì lại đặt tên là CÚN, suốt ngày cún ơi cún à... con mèo thì cứ đi theo kêu mèo meo, ai cũng phải buồn cười. Dọn cơm ra cứ phải trông vậy mà có khi vẫn bị con cún mèo hất lồng bàn tha mất khúc cá. Tức quá bèn lấy lồng bàn... úp con mèo lại. Hehe, thế là cún ta lê cái lồng bàn khắp nhà, chui cả vào gầm giường mà ko sao ra khỏi lồng bàn được... À ừ, cái kiểu "tư duy" gọi mèo là chó, ko đậy thức ăn mà đậy... mèo thì có thể gọi là HẬU HIỆN ĐẠI đấy nhỉ!!!

Rồi nghĩ miên man sang chuyện khác... những nơi đã qua, những người đã gặp, dù thoáng qua hay thân thiết... Rồi tự dưng thèm 1 tô hủ tíu Nam Vang, chủ nhật ở nhà sẽ nấu 1 nồi ăn cho đã.

Vậy mà lời ca giai điệu của chôm chôm với trứng cá với cây cầu dừa với rau đắng sau hè... các kiểu cây trái các kiểu dối lừa đau lòng hời dỗi, các kiểu chim sáo chim trắng mồ côi hay cô đơn... vẫn chui qua tai vào đầu, cho đến giờ ko chịu đi ra.

Hay có khi mình sến từ trong óc sến ra cũng nên :))

Những mảnh vỡ (14)


Khắc khẩu

Vợ chồng có số “khắc khẩu”, hễ người này nói gì đó thì người kia luôn đáp lại bằng một câu hỏi. Cứ thế cuộc đấu khẩu bao giờ cũng “kết thúc” như sau: Sao anh (em) nói gì em (anh) cũng phải hỏi ngược lại thế? Và câu trả lời: ai bảo thế, em (anh) hỏi lại bao giờ???

Họ ly dị. Rồi cả hai đều lấy người khác “hợp khẩu” hơn.

Từ đấy đứa con trở nên khắc khẩu với cả cha và mẹ nó.

Món nợ

Nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm ca ngợi những con người bình dị mà vĩ đại trên khắp thế giới. Nửa đời sống nơi đất khách ông mới về thăm quê, đứng trước mộ ông bà cha mẹ, nhà văn chợt nhận ra đây chính là những người vĩ đại nhất, vì họ đã dạy cho ông biết nhìn thấy sự vĩ đại trong những con người bình dị quanh mình.

Nhà văn ra đi, mang theo món nợ văn chương mà ông biết kiếp này sẽ không thể trả. Vì thiếu quê hương.

Sống

Chiều cuối năm. Quán nhỏ, ly café đen nguội, ly café đá lõang. Họ chỉ yên lặng. Cuối cùng:

- Anh hãy dịu dàng hơn với cô ấy nhé. Đàn bà chúng em yêu bằng tai mà.

Chị mỉm cười nhưng lòng anh nhói đau.

- Em cũng đừng hay cả nghĩ... Đàn ông bọn anh ai cũng có lúc vô tâm.

Chị nhìn lá rơi ngoài kia qua đôi vai trĩu xuống mệt mỏi của anh.

Chị về, biết mình sẽ đếm thời gian.

Anh đứng đó, nhìn theo ngút mắt.

Có còn lần sau…?

Ghi chép giao thừa


1. Chiều cuối năm. Quán nhỏ, ly café đen nguội, ly café đá tan hết. Họ chỉ yên lặng. Cuối cùng:

- Anh hãy dịu dàng hơn với cô ấy nhé. Đàn bà chúng em yêu bằng tai mà.

Chị mỉm cười nhưng lòng anh nhói đau.

- Em cũng đừng cả nghĩ nhé. Đàn ông bọn anh ai cũng có lúc vô tâm.

Chị nhìn lá rơi ngoài kia mà thấy đôi vai mệt mỏi của anh.

Chị về, biết mình sẽ đếm thời gian.

Anh đứng đó, nhìn theo ngút mắt.

Đến lần sau…

2. Một ngày mới đang đến... Trên tờ lịch ghi con số 14 – 2. Khác mọi năm, năm nay ngày này tờ lịch in màu đỏ. Nhưng cũng như mọi năm, ngày 14 -2 sẽ là một ngày không như mọi ngày. Có rất nhiều hoa hồng tung tăng trên phố, có rất nhiều những trái tim bằng bông, bằng bong bóng, bằng giấy trang kim màu hồng màu đỏ rực rỡ mọi ngả đường, và hương vị Socola ngọt ngào quấn quýt bên mỗi đôi lứa đang yêu...
Nếu tờ lịch không có màu đỏ, không có ghi chú, không có gì khác... thì ngày này vẫn là một ngày đặc biệt. Có lẽ ngày hôm nay ai đang yêu cũng cầu mong cho chuyện tình của mình sẽ luôn tốt đẹp như những câu chuyện cổ tích... Có lẽ ai đang yêu cũng mong 3 tiếng diệu kỳ mà người ấy nói với mình không bao giờ trở thành quá khứ…
Anh yêu em! Em yêu anh!

Uh, hãy mang đến cho người mình yêu những điều tốt lành mà giản dị – như cổ tích giữa đời thường - trước khi nghĩ đến việc sẽ làm điều gì cao siêu vĩ đại.

3. Trên tờ lịch hôm nay còn ghi ngày mùng 1 tháng Giêng – ngày đầu năm mới Canh Dần.

Một năm mới đến… đời người ngắn lại một chút, quãng đường đã qua dài hơn một chút, tình người đầy hơn một chút…

Bạn bảo: chỉ cần nghe tiếng mình cười là bạn biết… mọi việc vẫn yên (và) ổn! Uh, quan trọng là mình đang sống, phải không…?

Hà Nội nỗi nhớ trong tôi


“Nơi tôi sinh Hà Nội…”

1. Nhiều năm về trước, giữa đêm mùa đông Hà Nội, một người phụ nữ đi bộ một mình từ phố Đặng Thái Thân, rẽ ra Tràng Tiền rồi qua Tràng Thi. Cứ khó nhọc vài bước bà lại dừng chân ôm bụng. Bà nói thầm, con ơi ráng chút xíu nghe, gần tới nơi rồi. Đích đến của bà và đứa bé đang nóng lòng muốn chào đời là Bệnh Viện C. Tại đó bà đã sinh ra một bé gái có cặp mắt to, khuôn miệng nhỏ và nước da ngăm ngăm… Cô bé ấy là tôi bây giờ.

Vài năm sau, gia đình tôi chuyển về ở phố Ngô Thời Nhiệm. Ký ức tuổi thơ là con phố có hai hàng cây cao rợp mát, là ngôi trường mẫu giáo đầu phố Phan Chu Trinh mỗi ngày chị dắt tay tôi đến đó, là tiếng tàu điện leng keng lọet xọet dọc đường phố Huế đi lên Cầu Giấy hay xuống Chợ Mơ suốt nhiều năm đưa tôi đi học. Ngày ấy khu vực Cầu Giấy – Yên Hòa hay đường Trương Định cuối Chợ Mơ còn là vùng ngọai ô buồn hiu hắt. Dấu hiệu “thành phố” có lẽ chỉ là vài chiếc xe đạp thưa thớt trên đường, ngọn đèn đường vàng vọt chao nghiêng trong cơn gió bấc đầu mùa. Những ngôi nhà nhỏ mái ngói xen lẫn mái tôn nằm giữa khu vườn trồng hoa hay ruộng rau mùa nào thức ấy. Mỗi buổi sớm mai có cô thiếu nữ đi bộ theo đường Trương Định đến trường. Ngày nào cũng vậy, khi đi qua mảnh vườn nhỏ trồng tòan hoa hồng tiểu muội, luôn có một người chờ cô ở đó với những bông hoa còn đẫm sương đêm. Bạn dắt xe đi bên cô … cứ thế, giữa hai người là chiếc xe đạp và hương thơm quấn qúyt trên suốt con đường.

Từ những con đường ngọai ô Hà Nội đêm đêm rì rầm từng đòan ô tô xanh lá ngụy trang và xanh màu áo lính đi mãi, đi mãi về phía Nam … Những chuyến xe mang theo người bạn của tôi, mang theo nhiều người bạn khác. Mang theo cả những buổi sáng yên bình của một thời thiếu nữ.

2. Vào những năm 1954 – 1955, hàng ngàn người con Nam Bộ đã tập kết ra miền Bắc, với niềm tin và hy vọng chỉ sau hai năm sẽ được trở về quê hương yêu dấu. Ba má tôi cũng nằm trong số đó. Và không ai có thể hình dung được rằng mãi hai mươi năm sau mới lại được đặt chân về đôi bờ Đồng Nai, Vàm Cỏ, Cửu Long… Một thế hệ mới đã kịp ra đời và lớn lên ở Hà Nội – miền Bắc, đó là thế hệ chúng tôi.

Hai mươi năm sống ở miền Bác mà ba má tôi vẫn một giọng nói và tính cách người Nam bộ chân chất thiệt tình. Đến lượt tôi, là người Sài Gòn hơn 30 năm rồi nhưng tôi vẫn giữ cho mình một chút Hà Nội, ấy là giọng nói “hơn cả người Hà Nội bây giờ” như nhiều người nhận xét. Nhớ lần đầu về quê dưới miền Tây, bà con nghe tôi nói đều lắc đầu không hiểu ‘trời ơi, nó nói tiếng gì hổng phải tiếng Việt!”. À, dân miền Tây Nam bộ khi nói “tiếng Việt” tức là tiếng Nam bộ hay tiếng miền Trung, chứ tiếng Huế tiếng Bắc đã gọi chung là ‘người xứ Huế”, nghe xa xôi lắm… Theo bước đường lịch sử thì giải thích điều này không khó. Lưu dân vào khai khẩn vùng đất Nam bộ đa phần là dân Ngũ Quảng, mà gốc gác từ thời trước đó là binh lính và gia đình của họ từ vùng Thanh Nghệ Tĩnh theo vua Lê rồi theo chúa Nguyễn vào đất Thuận Quảng. Vài thế kỷ đã trôi qua, xa xôi là thế, lâu dài là thế nhưng người Nam bộ vẫn đau đáu nỗi nhớ quê cha đất tổ như câu thơ nổi tiếng của thi tướng Hùynh Văn Nghệ:

“Ai về xứ Bắc ta đi với

Thăm lại non sông giống lạc Hồng.

Từ thủa mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

Khác với nhiều tỉnh thành trong cả nước, suốt thế kỷ 20 Sài Gòn là nơi thường xuyên tiếp nhận những làn sóng nhập cư. Bây giờ đã có một lớp người Sài Gòn nói giọng Hà Nội, cũng như rất nhiều người Sài Gòn nói giọng Quảng Nam , giọng Huế. Giữa tiếng nói của nhiều vùng miền, tiếng Hà Nội trở nên thân quen hơn với người Sài Gòn, người Nam bộ. Ai đó đã nói rất đúng rằng, chỉ cần nghe bạn nói bằng ngôn ngữ nào thì có thể hình dung “nền tảng văn hóa” của bạn! Những người Sài Gòn nói tiếng Hà Nội như tôi có chút tự hào vì mình được di truyền văn hóa của quê hương Nam bộ và tiếp nhận văn hóa của thủ đô ngàn năm văn hiến. Điều đó giúp cho tâm hồn, tính cách mỗi chúng tôi trở nên phong phú hơn. Và có thể nói rằng, cũng là một nhân tố góp phần làm cho người Sài Gòn người Hà Nội “xích lại gần nhau” sau những biến cố lịch sử của đất nước.

3. Đã hơn một năm ngày Hà Nội có địa giới hành chính mới, “Hà Nội mở rộng”, vậy nhưng trong tâm thức những người Sài Gòn như chúng tôi dường như vẫn chưa quen với điều đó, cũng như chưa thể quen với sự “biến mất” của địa danh Hà Tây “xứ Đòai mây trắng”. Có lẽ sẽ phải rất lâu nữa người ta mới không nói “Hà Tây cũ ấy mà” khi nhắc đến Đường Lâm, Quốc Oai, Hoài Đức, Cầu Giẽ, Suối Hai, Quảng Oai… Đôi khi tôi cứ nghĩ vui: hóa ra ngày còn nhỏ mình chả đi sơ tán ở đâu, bởi vì những nơi ấy giờ cũng là… Hà Nội.

Hà Nội mở rộng có ba vùng văn hóa đặc sắc: vùng văn hóa Thăng Long – Hà Nội, vùng văn hóa Xứ Đoài (các huyện phía Bắc tỉnh Hà Tây) và vùng văn hóa Sơn Nam Thượng (các huyện phía Nam tỉnh Hà Tây). Trong cơn lốc đô thị hóa hôm nay, nhiều làng quê đã xuất hiện nhà cao tầng, đường bê tông, xe máy, tiện nghi đầy đủ không thua gì thành phố. Nhiều làng Việt cổ truyền dần biến mất, văn hóa truyền thống Việt đang mai một nhanh chóng. Việc sát nhập Hà Tây với Hà Nội có nguy cơ làm cho miền quê mang những nét văn hóa riêng biệt của làng nghề, ngôi đình cổ kính, của những vùng cổ tích đẹp như những bài thơ sẽ chỉ còn trong hòai niệm. “Cầu Nam , chùa Bắc, đình Đòai” là câu thành ngữ đúc kết đặc trưng văn hóa vật chất truyền thống của những vùng miền xung quanh kinh đô Thăng Long. Giữ gìn được nét riêng có của xứ Đòai trong một Hà Nội mới cũng là cách làm cho văn hóa Hà Nội giàu có hơn lên.

Dù địa giới có mở rộng đến đâu thì Hà Nội vẫn phải là Thủ Đô “ngàn năm văn hiến”, văn hóa Hà Nội phải gìn giữ được nếp sống thanh lịch của một đô thị “kinh kỳ”. Trải qua những biến đổi, nhiều thế hệ người Hà Nội đã ra đi, nhiều lớp người đã đến sinh sống ở Hà Nội. “Người Hà Nội” không chỉ là tờ hộ khẩu hay cái biển số xe máy xe hơi, mà người Hà Nội thể hiện từ lời ăn tiếng nói, từ lối ứng xử văn minh tế nhị, từ tấm lòng rộng mở và sự chân thành với nhau và với ngừơi tứ xứ. Để cho những người dù chỉ một lần đến Hà Nội khi chia tay đều cảm nhận được “tấm lòng người Hà Nội”, để cho văn hóa người Tràng An xứng đáng trở thành đại diện cho văn hóa người Việt Nam .

Và để những người đã xa Hà Nội, như tôi, luôn tự hào vì mình đã được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ngàn năm văn hiến!

(Lao Động Xuân Canh Dần đổi tựa: người Nam gốc Bắc)

Entry cũ/ tâm_trạng không cũ


Gửi Gió cho mây

Một tối chớm thu. Chị bay từ SG ra đến HN đã gần nửa đêm, vậy mà em vẫn chờ và rủ “lang thang chút không chị”. Uh, đi đâu? Thiếu gì chỗ, cứ để em đưa đi nhé. OK.

Vậy là chị em mình đi, chị ngồi sau ngắm nhìn Hà Nội về đêm. Yên tĩnh, mát mẻ, và… lãng mạn. Chị cười: đáng lẽ giờ này em phải chở 1 cô bé nào đấy chứ nhỉ?

– Cô nào hả chị?

– Thì một em trẻ trung xinh đẹp nào đó…

– Có ai đâu chị. Em cười hiền lành.

Con đường đê về đêm dưới ánh đèn vàng bỗng mềm mại như một dải lụa. Thỉnh thỏang có chiếc xe hơi chạy ngược chiều, ánh đèn quét lên đường những vệt sáng lóng lánh như họa tiết hoa văn.

Rẽ xuống con đường làng nhỏ hai bên vẫn những bụi tre, vườn cây nhưng không còn những ngôi nhà lá đơn sơ, mà là những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự kín cổng cao tường… Hai chị em đến bến hàn quốc, lúc này đã vắng tanh, chỉ còn một hai hàng nước chè với ngọn đèn dầu leo lét…

Em kể chị nghe về thời thơ ấu vất vả của em, về gia đình có thời sa sút khi gặp lúc rủi ro, về người mẹ hiền lành mà vững vàng trong những lúc gia cảnh khó khăn nhất, nuôi dạy các con nên người. Em kể chị nghe về những lần em chứng kiến sự vô cảm của con người trước tai nạn, bất công của người khác. Em bảo, khi em can thiệp vào những chuyện bất bình, em đã ko có người ủng hộ mà còn bị chê bai, thậm chí còn bị “vạ lây”. Em không thể giải thích vì sao con người lại có thể tàn nhẫn với nhau như thế…

Những vất vả, cực nhọc, kể cả khi em bị tù tội trong một hòan cảnh trớ trêu… đã không làm em mất đi lòng nhân hậu, không làm mất đi sự chính trực ở con người em. Chị ngồi yên lặng, nghe em, và hiểu thêm nhiều điều, về CON NGƯỜI. Thương em quá... nước mắt chị cứ lăn dài trên má. Em lúng túng châm điếu thuốc, rồi hí hóay nhắn tin... Chị mở điện thọai: chị đừng khóc, khóc nữa… em đi về đấy. Chị cười, nước mắt lại trào ra...

Đêm Hồ Tây sương giăng mờ mặt nước, lãng đãng hương sen…

Lần này chị ra Hà Nội sẽ không gặp được em. Nhưng cái đêm Hồ Tây ấy vẫn còn mãi trong chị, và chị cũng tìn rằng, nó cũng luôn đi cùng em, dù em ở bất cứ nơi nào. Thế nào cũng có ngày chị em mình gặp lại nhau, với hương sen với sương đêm với con đường như dải lụa…

Ngày ấy không xa, phải không em?

Edit: ngày ấy sẽ xa, rất xa… Thật tiếc…

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...