LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

  (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024)

Nguyễn Thị Hậu

Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chức năng hành chính – chính trị mà còn là trung tâm kinh tế thương mại và tiểu thủ công nghiệp. Tài liệu lịch sử cho biết, khoảng cuối thế kỷ 18 ở Sài Gòn đã có tầng lớp thợ thủ công đông đảo nhiều ngành nghề, tập hợp trong các “ty thợ” của nhà nước. Có đến 62 ty thợ sản xuất hầu hết những sản phẩm phục vụ mọi mặt đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu của giới quan lại, người giàu có đến thường dân...  

Bên cạnh đó còn có hàng trăm “phường thợ” tập hợp những người sản xuất tự do trong những làng nghề khắp vùng Bến Nghé – Sài Gòn. Hệ thống địa danh ngành nghề được ghi lại trong sử sách phản ánh tính chuyên nghiệp trong sản xuất và tính thị trường cao trong lưu thông sản phẩm. Có thể kể đến những địa danh như Hàng Đinh, Xóm Chiếu, đường Thợ Tiện, cầu Muối, xóm Cốm, xóm Lá (buông), xóm Lò rèn, xóm Câu, xóm Dầu, xóm Đệm buồm, xóm Bột, xóm Đường, xóm Chỉ, xóm Lụa...

Quá trình đô thị hóa từ nửa sau thế kỷ 19 đến nay đã làm mất đi nhiều xóm nghề trong đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn, đồng thời lại làm hình thành và phát triển một số “làng nghề“ mới, do nhu cầu mới của thị trường và do luôn tiếp nhận luồng di dân và những kỹ thuật mới.

***

Bắt đầu xóm Lò Gốm với sản phẩm “gốm Sài Gòn”, ngày nay đây là loại cổ vật quý hiếm trong nhiều sưu tập tư nhân và các bảo tàng. Cho đến nay vẫn còn những tên đường Lò Gốm, Lò Siêu, Xóm Đất, cầu Lò Chén, các chành lu, chành chén dọc bến Lò Gốm, rạch Lò Gốm, kênh Lò Gốm... ở khu vực quận 6, quận 8. Quận 11 có khu lò gốm Cây Mai được người Pháp ghi nhận rất sớm, làm cho địa danh này trở thành tên gọi của một dòng gốm mỹ nghệ và trang trí kiến trúc tinh xảo và độc đáo. Dấu tích cuối cùng của “xóm Lò gốm” là lò gốm cổ Hưng Lợi ở quận 8. Kết quả khai quật cho biết mức độ sản xuất và các loại hình sản phẩm của lò Hưng Lợi và nhu cầu tiêu dùng của xã hội thay đổi khá nhanh từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 20.

Đến cuối thế kỷ 20, khu vực xung quanh lò gốm cổ Hưng Lợi chỉ còn một xóm làm bếp lò ở gần đó. Thực ra chỉ có 7-8 gia đình làm nghề “nắn ông lò”, thợ chính là người trong nhà và mướn thêm một số thợ phụ là bà con hàng xóm. Thợ chính làm mọi khâu kỹ thuật cơ bản: xử lý nguyên liệu, tạo dáng và đốt lò nung. Thợ phụ làm công đoạn tạo miếng chắn lò, vận chuyển sản phẩm vào, ra lò, bọc thân lò bằng thiếc trước khi đưa ra thị trường. Sản phẩm có lúc bán ra tận Ninh Thuận, Bình Thuận, từ tháng 10 nhà nào cũng tăng thêm thợ vì nhu cầu bếp lò tăng nhanh vào dịp Tết.

Nhiều năm nay dân cư thành phố và nhiều vùng nông thôn hầu như không còn sử dụng than, củi nữa nên nhu cầu bếp lò giảm nhiều. Cũng may vẫn còn một tục lệ rất hay khi năm hết tết đến: ngày 23 cúng ông Táo xong, ông lò cũ được cho ra vườn nghỉ ngơi bên gốc cây hay ven bờ kinh, gia đình mua ông lò mới về và đốt bếp mới cầu mong mọi sự bình an trong năm mới. Nhờ vậy chắc con cháu còn biết loại bếp “ông lò” và nghề gốm một thủa vang danh của đất Sài Gòn.

***

Trên đường Cách mạng tháng Tám – một trong hai con đường thiên lý xưa nhất của thành phố - có hai làng nghề nổi tiếng trong hai giai đoạn lịch sử. Từ quận 1 qua khỏi bùng binh ngã sáu Dân Chủ là đến khu vực Hòa Hưng. Nơi này có một làng nghề đúc đồng hình thành từ nửa sau thế kỷ 20. Khoảng năm 1954, một số người dân làng đúc đồng Ngũ Xá (Hà Nội) vào sinh sống ở khu vực này, họ cùng nhau mưu sinh bằng nghề truyền thống mang theo từ quê hương, dần dần hình thành làng nghề đúc đồng Hòa Hưng với sản phẩm chủ yếu là đồ đồng tam khí nổi tiếng và phổ biến ở phía Nam. Gần 70 năm qua làng nghề đúc đồng Hòa Hưng một thời hưng thịnh nay chỉ những người hoài cổ biết đến.  

Đây cũng là tình trạng của làng đúc đồng An Hội (Gò Vấp). Thời kỳ phát đạt, làng có đến hơn 40 lò đúc đồng. Những ngày cận Tết trong làng lúc nào cũng tấp nập người mua kẻ bán xe chở hàng đi khắp nơi. Sản phẩm nhiều loại nhưng nhiều nhất vẫn là đồ thờ cúng: lư hương, chân đèn, bát nhang... nhiều kiểu dáng truyền thống và độc đáo. Đến nay đồ thờ cúng đúc đồng thủ công với độ tinh xảo, “độc bản” thì giá thành cao nên khó cạnh tranh với đồ đồng sản xuất hàng loạt. Những nghệ nhân sống và gắn bó với làng đúc An Hội cả trăm năm đều rất trăn trở với việc giữ và truyền nghề, vì không còn thợ trẻ và con cái cũng không theo nghề nữa.

Cuối đường Cách mạng tháng Tám, qua khỏi bệnh viện Thống nhất là đến vùng Bảy Hiền, nơi người Quảng vô Sài Gòn đã lập ra làng dệt Bảy Hiền nổi tiếng, nơi những người sành ăn thường xuống chợ Bà Hoa ở đây để thưởng thức mì Quảng và nghe giọng Quảng đậm đặc như chưa hề có vài chục năm xa quê. Vào thời hưng thịnh làng dệt Bảy Hiền như một khu công nghiệp thật sự. Cả khu vực vang động tiếng máy dệt, mỗi năm sản xuất hàng triệu mét vải, có sức cạnh tranh rất mạnh so với vải của người Hoa ở Chợ Lớn hay vải nhập khẩu.

Nhưng từ đầu những năm 2000, sản phẩm của làng dệt Bảy Hiền mất dần chỗ đứng trên thị trường do hàng ngoại tràn ngập lấn át về giá thành và mẫu mã. Làng dệt có “thương hiệu mạnh” một thời nay chỉ còn một số nghệ nhân duy trì vài máy dệt sản xuất nhỏ lẻ để giữ nghề truyền thống như giữ một giá trị văn hóa của đô thị Sài Gòn.

***

Trong vùng Chợ Lớn có một Hội quán đặc biệt: Lệ Châu hội quán, nhà thờ tổ nghề thợ bạc tại Sài Gòn và cả Nam Bộ. Hội quán ra đời sớm nhất và gắn liền với ngành sản xuất và kinh doanh kim hoàn của người Hoa tại đây, sau này phát triển ra nhiều tỉnh thành Nam bộ. Qua bao thăng trầm, ngày nay địa điểm này đã trở thành một trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, nơi hội ngộ và giao lưu kinh nghiệm của nhiều hội nhóm, nghiệp đoàn trong lĩnh vực kim hoàn.

Vào cuối thế kỷ 19, tại khu vực Chợ Lớn nghề kim hoàn và chế tác nữ trang rất phát triển, lúc bấy giờ đã có hơn 30 lò thợ bạc hành nghề. Đến giữa thế kỷ 20 Chợ Lớn là một trung tâm thủ công nghiệp nói chung và nghề kim hoàn nói riêng. Chợ Thiếc là ngôi chợ truyền thống lâu đời chuyên mua bán các mặt hàng vàng bạc. Đặc biệt đây là chợ kim hoàn lớn nhất của thành phố, vừa là “công xưởng” chuyên chế tác, gia công, sửa chữa đồ trang sức, vừa là chợ mua bán vàng, bạc, đá quý, đồ trang sức với mức độ lớn. Đặc biệt ngay trên tầng 1 của chợ là một "trường học nghề" chuyên về mỹ nghệ - kim hoàn. Sự gắn bó, liên kết chặt chẽ từ nơi sản xuất, thị trường mua bán đến truyền nghề kim hoàn trong trường hợp Chợ Thiếc thể hiện một hình thái kinh tế khá độc đáo của đô thị Sài Gòn: nơi sản xuất và phố buôn bán sản phẩm đặc trưng liên kết thành một thể thống nhất.

Khái niệm “làng nghề truyền thống” gắn sản xuất thủ công với làng cổ - hình thức cư trú truyền thống. Nhưng quá trình đô thị hóa đã biến các làng cổ thành phố phường, thợ sản xuất là thị dân. Vì vậy sự hình thành và phát triển những “phố chuyên doanh” ở TP. Hồ Chí Minh chính là sự tiếp nối “làng nghề” ở một hình thức mới để thích ứng và đáp ứng nhanh nhu cầu xã hội. Mối liên hệ này thúc đẩy và điều chỉnh quy mô sản xuất của làng nghề, mức độ nào đó góp phần bảo tồn nghề và sản phẩm thủ công truyền thống. Đặc biệt với nghề gốm, nghề đúc đồng, nghề mộc...  các sản phẩm dễ bị thay thế bởi chất liệu hiện đại, sản xuất hàng loạt nên khó tồn tại và phát triển.

***

Cuối năm nhu cầu mua sắm tăng hơn, nhất là những mặt hàng truyền thống phục vụ Tết âm lịch. Vào dịp này tại công viên Gia Định (quận Gò Vấp) thường tổ chức hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống. Những năm trước các gian hàng nổi bật là nghề mộc truyền thống với sản phẩm đồ gỗ gia dụng nhiều kiểu dáng. Năm nay hội chợ có gần 300 gian hàng trưng bày đa dạng các mặt hàng từ đặc sản ẩm thực tới hàng gia dụng, trang sức, quần áo… của TP.HCM và các tỉnh thành, vùng miền khác. Tuy nhiên các gian hàng “làng nghề” của TP. Hồ Chí Minh khá khiêm tốn nếu không chú tâm tìm kiếm.

Hiện nay TPHCM còn nhiều “làng nghề” truyền thống khác: làng nghề bánh tráng, làng nghề đan lát, làng nghề mành trúc, làng làm lồng đèn, làng nghề đan giỏ trạc, làng nghề se nhang, làng nghề làm muối; nhiều cơ sở chế biến khô thủy sản... cả “phố đông y” Hải Thượng Lãn Ông cũng có thể coi là làng nghề sản xuất nhiều loại thuốc Bắc. Những “làng nghề” này đã có thị trường nhất định, nhưng TP. Hồ Chí Minh là nơi nhiều nguồn hàng hóa đổ về, nếu “làng nghề truyền thống” không gắn liền với một khu vực “chuyên doanh” như đầu mối lớn nhất, các cơ sở sản xuất và ngành quản lý không tổ chức hình thức chuyên doanh và quảng bá mới, thì tiêu thụ sản phẩm sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng về mọi mặt, nhất là nhu cầu tiêu dùng cả về loại hình và chất liệu hàng tiêu dùng. Nguy cơ các làng nghề thu hẹp sản xuất và mất dần nghề truyền thống, cũng là mất đi một loại hình di sản phi vật thể gắn liền và phản ánh quá trình lịch sử vùng đất Sài Gòn.

 https://nguoidothi.net.vn/lang-nghe-sai-gon-mot-thuo-vang-danh-42562.html




NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

 Trần Quốc Vượng

 Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung đã và đang phát triển rất nhanh, đặc biệt từ nửa sau thế kỷ 20.

Tạm bỏ qua một bên mọi sự “giải thích”, nào đổ tội cho phong kiến đế quốc, thực dân bành trướng, thiên tai, địch hoạ, chiến tranh, cách mạng, nào viện dẫn sai lầm chủ quan của những người cầm nắm vận mệnh quốc gia mấy chục năm qua, v.v. tình trạng ấy là không bình thường, gây nên một bức xúc tâm lý, một nỗi đau thân thể, một nhức nhối thân xác và tâm linh, buộc KẺ SĨ và NGƯỜI DÂN, vừa gian khổ kiếm sống, vừa suy nghĩ đêm ngày, tìm cách khắc phục và vượt qua tình trạng tủi nhục này…

Có ĐỘC LẬP rồi chăng, nhưng hoạ LỆ THUỘC vẫn luôn luôn mai phục, cả về mô hình chính trị và sự phát triển kinh tế…

Có THỐNG NHẤT rồi chăng, nhưng mầm CHIA RẼ mọc rễ sâu xa, nào Bắc / Nam, nào Cộng sản / không Cộng sản…

Điều chắc chắn, là NHÂN DÂN chưa có HẠNH PHÚC, TỰ DO thực sự.

Với biết bao hệ luỵ của một cuộc chiến kéo dài, buộc ràng tới 3 thế hệ người Việt Nam (và rất nhiều quốc gia liên đới), lạ một điều (mà sao lại là lạ nhỉ?), là từ “người thua” đến “kẻ thắng”, giờ đây, ai ai cũng mang một mặc cảm hoành đoạt (complexe de frustration), nói nôm na là MẤT MÁT. Trước hết là NGƯỜI DÂN THƯỜNG.

Người ra đi hàng triệu, bỏ xác ngoài biển khơi hàng ngàn, vạn, biết bao em gái ta, chị ta, cả mẹ ta nữa… bị kẻ hải tặc khốn kiếp dày vò làm nhục! Chưa nói đến của cải, ai còn sống thì đều cảm thấy mất quê hương!

Người ở lại, hàng chục triệu nông dân bỗng dưng cảm thấy mất đất, không có quyền tự do hành xử trên “mảnh đất ông bà”, trong khuôn viên do chính tay mình tạo dựng; hàng triệu công nhân mất việc, thất nghiệp hay bị kém sử dụng (sous-emploi), sống ngất ngư, lây lất qua ngày…

Trí thức, thì tản mác, bị lãng phí thảm hại, trừ một số rất ít kẻ xu thời (đời nào chẳng có?), người nào cũng cảm thấy mất tự do tư tưởng và sáng tạo.

Một tình trạng như thế, chỉ có lợi cho lũ gian manh. Một cuộc “đổi đời” kỳ cục như thế, mà nếu cứ nhất định muốn gọi nó, muốn gọi đó, là “cách mạng”, thì là một cuộc cách mạng đã mất phương hướng. Phương hướng là cái tiêu ngữ trên mỗi đầu trang giấy, từ sau Tháng Tám 1945: ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC.

Cho nên phải nghĩ lại, phải bình tâm mà nghĩ lại, nói theo thời thượng từ giữa thập kỷ 80, là phải ĐỔI MỚI TƯ DUY.

Tư duy là công việc của mỗi CON NGƯỜI, vì về bản chất, con người là một sinh vật có tư duy, có ý thức và vì có tư duy, có ý thức mà được / phải có quyền tự do lựa chọn mô hình hành động, cho chính mình (tự do cá nhân), cho chính cộng đồng mình (nhà mình, làng mình, nước mình…) và phải / được chịu trách nhiệm về chính sự lựa chọn đó.

Tôi rất thân và rất quí Nguyễn Huy Thiệp, hẳn thế, nhưng chính vì thế mà tôi không thể nào đồng ý với anh khi anh trả lời phỏng vấn báo Libération là “Tôi đã sống như một con thú”. Con thú làm sao mà biết viết, biết in Tướng về hưu, Phẩm tiết…? Lẽ tất nhiên là tôi hiểu cái “ý tại ngôn ngoại” của anh: Cái mặt bằng kinh tế xã hội của một Việt Nam hiện nay trên đó “anh phải sống”, sự ràng buộc của “cơ chế”? v.v.

Tôi nhớ lại, ngày 12-1-1983, trong buổi họp kỷ niệm 40 năm ra đời “Đề cương Văn hoá Việt Nam”, ông Trường Chinh – tác giả chính của cái “Đề cương” đó – đã nói với các “nhà khoa học xã hội” Việt Nam: “Nếu không có một điều kiện tối thiểu về vật chất để sinh sống thì con người có thể trở thành con thú!”. Điều đó chẳng có gì mới lạ, vì bằng kinh nghiệm nghiệm sinh, nhiều nhà trí thức chúng tôi đã nghĩ và nói thế từ lâu; điều mới và lạ, là cho đến tận lúc ấy, một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam mới nói ra như thế! Mà con người, nhất là người trí thức Việt Nam, đâu chỉ đói rét vì miếng cơm manh áo? Đói tự do tư tưởng cũng có thể trở thành con thú! Vì con thú, như con trâu, con bò, dù có no cỏ thì cũng chỉ biết theo đuôi! Theo đuôi con đầu đàn! Bao năm qua, có biết bao con người Việt Nam chỉ biết theo đuổi kẻ cầm quyền, hoặc khốn khổ thay, là chỉ được theo đuôi người lãnh đạo và lại được “khen” là “có ý thức tổ chức, kỷ luật” và vì vậy được vào Đảng, được “đề bạt” làm kẻ “cầm quyền” bậc sơ trung cấp, để, nói cho cùng, cũng chỉ thành kẻ “chấp hành”, “thừa hành”, nhưng có được chút “quyền”: dối trên và nịnh trên, lừa dưới và nạt dưới!

Tôi nhớ lại, khoảng mười năm trước đây, một người học trò và là bạn bè của tôi, trước khi đi Nga làm luận án Phó tiến sĩ sử học, trong buổi “tiệc bia” tiễn biệt thầy trò, bè bạn, đã ngỏ với tôi lời “khuyên” tâm sự: “Nếu như thầy mà cũng “đầu hàng cơ chế” nữa là bọn em mất nhờ đấy!”. Anh ấy ở Nga 4 năm, về nước với bằng xanh Phó tiến sĩ, thẻ đỏ đảng viện và, gia nhập “cơ chế”, trở thành “người lãnh đạo” của tôi hôm nay! Tôi chẳng buồn mà cũng chẳng vui. Tôi chọn lựa cho mình một hướng đi: Gia nhập “Câu lạc bộ những người thích đùa”. Tôi thường nói đùa như người Hà Nội vẫn thường đùa anh ấy:

– Cậu là đảng viên nhưng mà tốt!

Câu nói đùa, mà “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” và hơn nữa, với câu nói ấy, có thể bị “quy chụp” là “phản động”.

Tôi có một anh bạn, phải nói là rất thân, học với nhau từ thuở “hàn vi”, lại cũng làm việc dưới một mái trường Đại Học trên ba chục năm trường, cùng “leo thang” rất chậm, từ “tập sự trợ lý” đến full professor, chair-department; anh là con “quan lớn”, em của “nguỵ lớn” nhưng “có đức có tài”, được chọn làm “hàng mẫu không bán” kiểu như ông Bùi Tín vừa làm ồn ào giới truyền thông một dạo – nhưng khác ông ta là cho đến nay anh không gửi “kiến nghị” kiến nghiếc gì, nói năng với TRÊN, với DƯỚI bao giờ cũng “chừng mực”, chẳng “theo đuôi” mà cũng chẳng là “dissident” của chế độ. Anh thường bảo tôi: thì về cơ bản cũng nghĩ như cậu thôi. Nhưng cậu thông cảm, mỗi người một tính một nết, một hoàn cảnh. Cậu “thành phần tốt”, ăn nói táo tợn thì quá lắm người ta chỉ bảo cậu là “bất mãn cá nhân” thôi. Tớ “thành phần xấu”, ăn nói bằng 1/10 cậu thôi cũng đủ bị “quy” là “phản ứng giai cấp” rồi! O.K.! Anh cứ sống kiểu anh, tôi cứ sống kiểu tôi. Chỉ có mỗi một điều thôi, là vì vậy và vì nhiều lý do sâu xa khác nữa – nên nước ta chỉ có những nhà trí thức (intellectuals) chứ không có giới trí thức (intelligentsia).

Vậy thua thiệt thì Dân ráng chịu!

Bi kịch, nỗi bất hạnh của trí thức Việt Nam, của nước Việt Nam là ở đó…

* * *

Báo Đoàn kết của một cộng đồng người Việt Nam bên Pháp đưa tin: Vào cuối năm ngoái (1990), có một ông Ủy viên Bộ chính trị kiêm Bí thư thường trực Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhân sang Paris dự Đại hội Đảng Cộng sản Pháp, có tập hợp Việt kiều lại để nói chuyện. Trong khoảng 2 tiếng, ông chỉ “nói” mà không “nghe”, lại còn bảo: “Sống ở nước ngoài, biết gì chuyện trong nước, tuổi 40-50 trở xuống – nghĩa là vào hạng tuổi con cháu ông – biết gì mà góp ý kiến!”. Xem chừng bà con Việt kiều, nhất là anh chị em “trí thức”, bực mình với ông lắm.

Tôi là “trí thức” ở trong nước, ở Hà Nội nữa, nghe những lời lẽ ấy “quen tai” rồi.

Cũng ông ấy, lúc còn làm “Bí thư Thành uỷ” Hà Nội, khi thấy báo Quân đội nhân dân 1987 công bố “Bức thư ngỏ gởi ông Chủ tịch thành phố Hà Nội” của tôi, nói về việc “Phá hoại các di tích lịch sử của Thủ đô” đã cho triệu tôi lên trụ sở Thành uỷ và “thân mật” bảo – Nếu anh là công nhân, anh nói (nôm na, tục tằn) kiểu đó tôi còn hiểu được, đằng này anh là Giáo sư, là trí thức, sao lại nói (nôm na, “toạc móng heo, treo móng giò”) kiểu - Nếu anh nói thế, “tôi” thì “tôi” nghe được, nhưng những “người khác”, họ không nghe được! Từ nay anh nên “thay đổi” cái “giọng nói” của anh đi!

– Đảng bảo: “Trí thức là của Công Nông và cũng là Công Nông”, vậy nếu công nhân – theo ông – nói được như vậy thì trí thức cũng nói được như vậy. Có gì – theo ông – là khác nhau giữa giọng “trí thức” và giọng “công nhân”?

– Ông không khác gì người khác. Nếu theo ông, ông “nghe được” vậy thì người khác cũng phải nghe được. Vậy tôi chả việc gì phải “đổi giọng” cả!

Thực ra, tôi biết thừa cái “giọng tôi” chính ông nghe không được nên ông mới “góp ý” cho tôi, nhưng ông lại cố tình đổ cho là người khác nghe không được, hơn nữa ông lại cố tách “tôi” ra khỏi công nhân, “đề cao” tôi là “trí thức”, để chỉ cốt răn dạy tôi: Với vị thế của anh, anh không được ăn nói với chúng tôi (những nhà lãnh đạo) bằng cái giọng như vậy! Bà xã tôi lúc ấy còn sống và là giáo viên Trường Trung học Trưng Vương nổi danh ở Hà Nội – nghe tin tôi được / bị phải gọi lên Thành uỷ, lấy làm lo lắng lắm, bảo tôi (“giọng” bà ấy bao giờ cũng vậy, con gái nhà “tư sản Hà Nội” mà): Anh lên đấy, liệu mà ăn mà nói! Anh có sao, chỉ khổ vợ con! Chùa Một Cột có bị phá để làm Bảo tàng Lăng Bác, nếu có hại thì hại cả nước, đâu dính gì đến riêng anh mà anh cứ “la làng” lên, một con én chẳng làm nổi mùa xuân, “ăn cái giải gì” mà cứ nói, chỉ khổ vào thân; có cái giấy Úc mời sang kỷ niệm 200 năm nước “nó” đấy, khéo các “bố” ấy lại không cho đi, vợ con Ôi, làm “thằng người Việt Nam”, làm “trí thức Việt Nam” biết bao là “hệ luỵ”.

Tôi đưa chuyện HỌC TRÒ, BÈ BẠN, VỢ CON dàn trải trên mặt giấy đâu phải để “nói xấu” họ, nhất là nói về vợ tôi – nay đã mất, cầu cho linh hồn bà ấy tiêu diêu miền cực lạc – mà trong tâm khảm tôi, bao giờ tôi cũng cảm thấy mình xấu tính hơn bè bạn - vợ con - học trò. Tôi chỉ muốn nói về thân phận trí thức ở cái nước Việt Nam mang cái nhãn hiệu Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa mà thực ra là còn đang rất kém phát triển này: ông Ủy viên Bộ chính trị ấy, kiêm Bí thư Trung ương này, kiêm Bí thư thành phố này… ai chả nghĩ là ông ấy cộng sản hơn ai hết nhưng thực ra thì ứng xử của ông ấy từ Hà Nội đến Paris lại “gia trưởng”, “nho giáo cuối mùa” hơn ai hết!

Khổ vậy đó, Cho nên giáo sư Alexander Woodside, từ góc trời tây bắc của xứ tuyết Canada mới hạ một câu về cách mạng Việt Nam: “The spiritual and cultural milieu from which the vietnamese revolution sprang was both confucian and comunist” (Cái môi trường tâm linh và văn hoá mà từ đấy cách mạng Việt Nam phóng tới là cả Khổng Nho và Cộng sản).

* * *

Ông giáo sư Từ Chi một trong những bạn bè thân thiết của tôi từ một cậu tú ở Huế đi Nam tiến ngay sau ngày 23 tháng 9 và trở thành cộng sản rồi năm 54 trở về học đại học để trở thành một nhà dân tộc học. Ông đi làm chuyên gia ở Tây Phi, thương một người con gái Hà Nội nhà nghèo vì chiến tranh mà lưu lạc mãi sang tận bờ sông Niger. Ông quyết đưa người phụ nữ bất hạnh đó trở về Tổ quốc chỉ bằng cách kết hôn với nhau, dù ông biết trước rằng hành động dấn thân ấy ông phải về nước trước thời hạn. Và cho đến 25 năm sau, ông không bao giờ được ra nước ngoài, dù ông, không có bất cứ một hành vi gì phạm pháp. Cái án được phán quyết không theo “Luật hôn nhân và gia đình” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành năm 1960, mà là theo đạo lý hủ Nho.

Về nước năm 65 qua ngã Moscow ông dừng chân ở đó 5 ngày. Gặp tôi ở quán cà phê Sính, ông rỉ tai tôi: “Chế độ Xô Viết không thể nào viable” (nguyên văn có nghĩa: không thể “thọ” được). Đấy là lời tiên tri đúng trước 1/4 thế kỷ! Vì sao NƯỚC và ĐẢNG có những người trí thức giỏi đến thế mà bây giờ cả NƯỚC, cả ĐẢNG đều lâm vào tình huống “khủng hoảng toàn diện”?

Từ năm 65, cứ mỗi lần nghe thấy lời khuyến dụ tôi vào Đảng, ông lại bảo tôi: “Tuỳ ông đấy, nhưng… nếu ông có vào thì đừng để người ta đuổi ông ra!”. Ông biết kỷ luật của Đảng ông là “kỷ luật sắt” mà tôi thì ông cũng biết quá rõ tôi là người “tự do”, tính ưa phóng khoáng, là người “bất cơ” (không chịu ràng buộc) theo chữ dùng để đánh giá mình của nhà sử gia họ Tư Mã bên Tàu!

Tôi hỏi ý kiến ông về tính chất Cách mạng Việt Nam. Ông trả lời: Cụ Hồ bảo nước mình là một nước nông nghiệp, dân tộc mình là một dân tộc nông dân. Cứ đấy mà suy, thì cuộc “Cách mạng” bây giờ hẳn vẫn là một cuộc khởi nghĩa nông dân. Khác chăng là trước, khởi nghĩa nông dân do một số nhà nho xuất thân nông dân như Quận He, như Cao Bá Quát cầm đầu, bây giờ là do những người cộng sản cũng xuất thân ở nông thôn và có căn tính nhà nho, như cụ Hồ, như ông Trường Chinh… lãnh đạo. Ông đọc bài ông Nguyễn Khắc Viện rồi chứ, Confucianisme et Marxisme (La Pensée, No 105, Octobre 1962). Ông Viện là cộng sản và là con cụ nghè Nguyễn Khắc Niêm đấy!

Đầu thế kỷ XX, trong xã hội yêu nước vẫn âm ỉ một chủ nghĩa yêu nước xóm làng (village patriotism, chữ của Alexander Woodside). Yêu nước chống Pháp kiểu Nho của cụ Phan Bội Châu thất bại ở 2 thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Và dòng trí thức Nho gia tàn lụi. Một số con cháu nhà Nho, một số con cháu nông dân, một số con cháu nhà công thương mới trở thành lớp trí thức Tây học. Một số ấy chấp nhận le fait colonial và trở thành công chức cho Tây, như ông cụ ông Kỹ sư canh nông, như ông cụ tôi (Bác sĩ)… Một số khác, yêu nước hơn, mong áp dụng ở Việt Nam những lý tưởng Mác-Lê thế kỷ XIX.

Cái chủ nghĩa quốc gia của kiểu tư sản mà ông Nguyễn Thái Học, ông Xứ Nhu, kể cả cậu ruột ông đã khởi xướng ở Việt Nam Quốc dân đảng thì đã bị thực dân vùi dập khủng bố tan hoang từ thập kỷ 30. Còn lại cái chủ nghĩa quốc tế của Mác Lê mà Nguyễn Ái Quốc và những nhà cộng sản mang về áp dụng vào một xã hội nông dân châu Á nghèo khổ, khác hẳn cơ địa xã hội tư sản Tây Âu, nơi hình thành chủ nghĩa Marxisme. Người cộng sản Việt Nam có căn tính nông dân – Nho giáo đã gần Dân hơn người tiểu tư sản Tây học ở thành thị. Họ đã vận động và tổ chức được phong trào nông dân và toàn dân đánh Pháp, đuổi Nhật, làm cách mạng tháng Tám thành công. Kháng chiến là sự nối dài của Cách mạng tháng Tám.

Kháng chiến đã thắng lợi. Chủ nghĩa thực dân phương Tây đã bị hoá giải.

* * *

Dưới thời quân chủ – nông dân – nho giáo, ở Viễn Đông, có một ước mơ ĐẠI ĐỒNG. “Thế giới ĐẠI ĐỒNG, thiên hạ vi CÔNG”. Ở đầu thập kỷ 20, trong một bài viết, Nguyễn Ái Quốc cho rằng cái chủ nghĩa ĐẠI ĐỒNG của Khổng Nho ấy rất gần với chủ nghĩa Cộng sản. Alexander Woodside nhận xét: Ông Mao phê phán rất dữ dằn Khổng Nho còn ông Hồ rất nhẹ nhàng với Nho Khổng. Xây “đời sống mới” năm 46, ông Hồ nêu khẩu hiệu của Nho Khổng: CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH CHÍ CÔNG VÔ TƯ. Dạy đạo đức cho cán bộ, ông Hồ lấy câu Nho Tống: “Tiên ưu hậu lạc”. Về giáo dục xã hội, ông cũng dùng câu có sẵn của Khổng Mạnh, đại loại như “Bất hoạn bần nhi hoạn bất quân…” (Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng…) hay là “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, v.v. và v.v. Đến di chúc, ông cũng đưa vào một câu trích dẫn của Đỗ Phủ đời Đường: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Thơ chữ Hán của ông, có nhiều câu, y phỏng theo Đường thi…

Nhưng cái mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Stalin hay kiểu Mao (Staline Mao hoá) dù đã ít nhiều Hồ hoá, Việt Nam hoá cũng tỏ ra không thành công trước thực tiễn “bướng bỉnh” của một nước Việt Nam nhỏ bé – tiểu nông.

Người Cộng sản Việt Nam đã lầm khi tưởng rằng dù với cơ cấu kỹ thuật cũ, ít thay đổi, cứ làm đại việc công hữu hoá (quốc hữu hoá, tập thể hoá, hợp tác hoá…) thì vẫn xoá bỏ được áp bức bóc lột, cải tạo xã hội chủ nghĩa thành công. Hoá ra là một công thức đơn giản hơn:

CÔNG HỮU HOÁ + CHUYÊN CHÍNH (VÔ SẢN) = (QUÁ ĐỘ sang) CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Tôi và ông Từ Chi bàn mãi về chuyện này. Sau thời công xã nguyên thuỷ, chế độ áp bức bóc lột đầu tiên nảy sinh ở đất Việt với chế độ “thủ lĩnh địa phương”, lang đạo, phia tạo (tiếng Anh tạm dịch là local chieftains) khi ruộng đất còn gần như y nguyên là “của công” nhưng “dân đen” là tiểu nông tản mạn còn thủ lĩnh giữ quyền “thế tập” theo dòng máu. Dân gian nói giản dị:

Trống làng ai đánh thì thùng

Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng!

Thì giờ đây, ruộng hợp tác, của kho hợp tác, bọn bí thư, chủ nhiệm, kiểm soát đều ở trong một cơ sở Đảng chuyên chính, chúng sẽ “vẫy vùng” thành riêng thôi! Ba năm liền 76-79 tôi đi Định Công Thanh Hoá, khảo cổ (ngày), khảo kim (đêm). Và 3 ngày liền cuối năm 79, tôi thuyết trình trước Tỉnh ủy Thanh Hoá về sự phá sản của mô hình làng Định Công (người ta tuyên bố “Định Công hoá” toàn tỉnh Thanh Hoá, với bài báo tràng giang “Bài học Định Công” của Bí thư Trung ương Tố Hữu). Thính giả cứ bỏ dần trước sự “vắng mặt” của Bí thư, Phó bí thư Tỉnh uỷ (người ta phải “nhìn Trên” để định thế ứng xử). Còn một ông thường vụ phụ trách tuyên huấn kiên trì nghe 3 ngày, để sau này khi Định Công phá sản hoàn toàn, đã khoa trương tuyên bố, chứng tỏ ta đây sáng suốt hơn các nhà lãnh đạo khác:

– “Lúc bấy giờ (79), ai dám nghe Trần Quốc Vượng nói, ngoài tôi?” (ông ấy bây giờ là Bí thư Đảng uỷ Bộ Văn hoá Thông tin).

Năm 82 tôi đi Liên Xô thuyết trình khoa học. Bài viết của tôi bằng tiếng Việt, Dương Tường dịch sang tiếng Anh, Từ Chi dịch sang tiếng Pháp, bà Nona Nguyễn Tài Cẩn dịch sang tiếng Nga. Bà Nona bảo: bài của anh hay lắm, nhưng thuyết trình ở Paris thì hợp hơn, nói với trí thức nước tôi (Liên Xô), họ không hoan nghênh đâu! Mà quả nhiên!

Về nước, tôi briefing cho bạn bè nghe về Liên Xô và nói lén qua hơi men: “Dứt khoát hỏng!” Và đấy là lần duy nhất tôi “được” đi Liên Xô. Đầu năm 83, giáo sư Phạm Huy Thông cho đăng bài của tôi lên trang đầu Tập san Khảo cổ học (1). Đảng uỷ Uỷ ban Khoa học Xã hội viết bản báo cáo dài lên Ban Tuyên huấn Trung ương quy kết tôi 4 tội:

– Chống chủ nghĩa Mác-Lê: vì tôi bảo: Công hữu hoá có thể đẻ ra bóc lột.

– Chống công nghiệp hoá: vì tôi bảo: Nông nghiệp phải / còn là mặt trận sản xuất hàng đầu.

– Chống đấu tranh giai cấp: vì tôi bảo: Nông dân khởi nghĩa – ngay cả ăn cướp – cũng không đánh vào người làng mà chủ yếu đi cướp nơi khác và đánh vào Quan.

– Chống chuyên chính vô sản: vì tôi bảo: Chuyên quyền đẻ ra tham nhũng.

Vụ án “văn tự” này kéo dài 3 năm, không có kết luận. 3 năm tôi được “ngồi nhà”, khỏi đi Tây và nói tiếng Tây! Cuối năm 86, khi Đại hội VI đảng Cộng sản Việt Nam kết luận lại trong nghị quyết là Nông nghiệp là “mặt trận hàng đầu”, Giáo sư Phạm mỉa mai ở trụ sở Uỷ ban Khoa học Xã hội: Thế bây giờ Đảng uỷ đúng hay Trần Quốc Vượng đúng?

Nhưng “nỗi ám ảnh của quá khứ” vẫn không tha người làm Sử như tôi (mà nói theo nhà Phật thì kiếp này còn là “quả” của kiếp trước kia mà). Năm 85, nhân năm “quốc tế người già”, ông Nguyễn Hữu Thọ nhờ người nói tôi viết bài “Truyền thống người già Việt Nam”. Báo Đại đoàn kết của ông không “đoàn kết” nổi bài của tôi, tôi nhờ báo Tổ quốc của ông Nguyễn Xiển đăng dùm. Rồi năm 86 có hội Khoẻ Phù Đổng của Đoàn Thanh niên, ông Bí thư T.N. nhờ tôi viết bài “Phù Đổng khoẻ”. Mùa hè nóng bỏng 86, trước Đại hội VI 5 tháng, ông Bí thư Trung ương Đảng phụ trách tư tưởng H.T. đem hai bài của tôi ra “chửi bới” giữa Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, đề bạt Nguyễn Khắc Viện, Trần Quốc Vượng, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng là 4 trí thức chống đối. Ông Giàu, thầy học cũ của tôi, đâm thư kiện. Ông H.T. biên thư trả lời (tôi còn giữ làm “chứng từ thanh toán”) bảo: Tôi không động đến anh, tôi chỉ động đến Trần Quốc Vượng, vì anh ta viết “Các vua Trần nhường ngôi” ám chỉ đòi chúng tôi rút lui, và viết “Thánh Gióng bay lên trời” ám thị chúng tôi đánh giặc xong còn cứ ngồi lại giành quyền vị…! Khốn khổ, vì sao các ông ấy cứ “mỗi lời là một vận vào khó nghe” như vậy? Hay là tại dân gian “nói cạnh” các cụ: Có tật giật mình?

* * *

Xã hội Việt Nam truyền thống cũ có nhiều nét hay, vẻ đẹp nên ở cạnh nước lớn, bị xâm lăng, đô hộ, đè nén hàng ngàn năm vẫn trỗi dậy phục hưng dân tộc, “trở thành chính mình”. Nhưng xã hội quân chủ – nông dân – nho giáo từ sau thế kỷ XV có nhiều “khuyết tật trong cấu trúc” – nói theo các nhà khoa học hôm nay:

Ở trong NHÀ thì có thỏi GIA TRƯỞNG, tuy tâm niệm “con hơn cha là nhà có phúc” mà vẫn không thích “ngựa non háu đá”, “trứng khôn hơn vịt”.

Ở trong LÀNG thì có nạn CƯỜNG HÀO, với tinh thần ngôi thứ, chiếu trên, chiếu dưới, “miếng giữa làng hơn sàng xó bếp”.

Ở trong VÙNG thì có nạn SỨ QUÂN, thủ lĩnh vùng thích “nghênh ngang một cõi”, gặp dịp là sẵn sàng “rạch đôi sơn hà”.

Ở cả NƯỚC thì có nạn QUAN LIÊU, quan tham nhũng, tân quan tân chính sách, luật không bằng lệ, kiện thì cứ kiện nhưng “chờ được vạ má đã sưng”, nên chỉ cứng đầu thì dại, “không ngoan” nhất là “luồn cúi” và trí thức “lớn” thì cũng tự an ủi “gặp thời thế thế thời phải thế”. Vì ngoài thì “bế môn toả cảng”, trong thì “chuyên quyền độc đoán”, cho nên sĩ khí ắt phải bạc nhược.

Thế giới giờ đây thay đổi đã nhiều. Song trong nước mình thì chưa đổi được bao nhiêu. “Nỗi ám ảnh của Quá khứ” vẫn còn đè nặng.

Chỉ còn một cách để “đổi đời” cho DÂN, cho NƯỚC: Đó là xây dựng một chế độ dân chủ, một nhà nước pháp quyền, một nền kinh tế công - nông nghiệp với thị trường tự do, một tư tưởng cởi mở, rộng dung, khoáng đạt, tự do, một nền văn hoá đa dạng, giữ cho được bản sắc tốt đẹp của dân tộc nhưng biết hoà nhập với thế giới, với nhân gian…

Tóm một chữ thì không phải là chữ “ĐẤU” mà là chữ “HOÀ”: HOÀ BÌNH, HOÀ HỢP, HOÀ THUẬN, HOÀ GIẢI…

Chẳng những NHÂN HOÀ mà cả NHIÊN HOÀ (hoà hợp với thiên nhiên, tự nhiên)

“Hoà nhi bất đồng”… mong lắm thay!

 Trích từ sách Trong cõi - GS Trần Quốc Vượng








160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

 https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html

 Nguyễn Thị Hậu

Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và cảnh quan đô thị thân thiện với môi trường và con người. Thảo cầm viên để lại dấu ấn đặc biệt đối với du khách và ký ức bền chặt của cư dân thành phố. Đây là một di sản đô thị mang nhiều giá trị, thể hiện bản sắc văn hóa và văn minh của thành phố.

1.

Theo một nghị định ký vào ngày 23.3.1864, một khu đất rộng đến 12 ha nằm ở phía đông bắc rạch Thị Nghè được Đô đốc De La Grandiere giao cho bác sĩ Louis Adolphe Germain tạm thiết kế và quy hoạch một khu vườn thực vật và động vật. Lúc đầu được gọi là Vườn Bách thảo với quy mô và quy hoạch như một công viên bảo tồn động, thực vật lớn nhất của thành phố.

Ngày 23.3.1865 ông Jean Baptiste Louis Pierre – người đang phụ trách vườn Bách thảo Calcutta (Ấn Độ) được chính quyền Pháp ở Sài Gòn mời về làm giám đốc khu vườn Bách thảo và Bách thú (Jardin botanique et zoologique), ông đảm trách chức vụ này đến ngày 10.10.1877. Ông Jean Baptiste Louis Pierre “đã tổ chức vườn ươm một cách rất đáng khâm phục và đã giao cho thành phố hàng ngàn cây xanh để trồng trong các công viên và trên các đại lộ”. Khi vườn Bách thảo mới được thành lập, trên báo Courrier de Saigon đã đăng lời kêu gọi mọi người, kể cả người dân lẫn du khách và binh lính thuộc mọi miền trên xứ Nam kỳ đóng góp các loại thực vật và động vật, nhờ đó đã tập hợp được nhiều giống lạ. Đến năm 1878 nơi này đã tập hợp được hầu hết các loại động vật ở Nam kỳ.

Vườn Bách thảo Sài Gòn được quy định bằng Nghị định ngày 17/02/1869 của Thống đốc Nam kỳ. Một số điều khoản cơ bản là Vườn Bách thảo thuộc sự quản lý của Nha Nội chính. Vườn Bách thảo mở cửa cho mọi người đến xem.

Từ năm 1956 vườn Bách thảo được tu sửa và đổi tên là Thảo Cầm Viên cho đến nay. Đến năm 1990, nhiều chuồng thú được cải tạo và mở rộng cho phù hợp. Chương trình trao đổi động vật với các vườn thú đã làm cho bộ sưu tập động vật của Thảo Cầm Viên Sài Gòn càng thêm phong phú. Thảo Cầm Viên Sài Gòn là vườn thú lâu đời đứng thứ 8 trên thế giới, là nơi từng được xem là khu vườn có bộ sưu tập thảo mộc và muông thú phong phú nhất ở vùng Viễn Đông. Năm 1990 Thảo Cầm Viên là thành viên chính thức của hiệp hội các vườn Đông Nam Á.

Trong khuôn viên Thảo cầm viên Sài Gòn còn có hai công trình kiến trúc khá tiêu biểu của giai đoạn lịch sử nửa đầu thế kỷ 20. Đó là Bảo tàng lịch sử TP. HCM và Đền thờ Hùng vương. Đây còn là hai công trình văn hóa quen thuộc của cư dân thành phố và du khách.

Với không gian rộng lớn, mát mẻ, phong phú các loại động thực vật, kết hợp các công trình văn hóa, Thảo Cầm Viên Sài Gòn luôn là một trong những công viên vui chơi giải trí ưa thích nhất của người dân TP. Hồ Chí Minh và du khách. Hiện nay Thảo Cầm Viên hàng ngày đón hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

2.

Ở nước ta, trong các làng xã hay đô thị cổ xưa không gian công cộng thường là sân đình hay khuôn viên chùa, nhà thờ, hoặc khu vực chợ làng... Nơi đó cộng đồng có những sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo chung, có giao tiếp – trao đổi hàng hóa. Đồng thời với những sinh hoạt đó là giao lưu văn hóa, tình cảm của cộng đồng. Những khoảng thời gian cộng đồng có sinh hoạt chung như vậy không nhiều, năm đôi ba lần lễ hội vào dịp nông nhàn hay tết nguyên đán... Tuy nhiên, nhu cầu “không gian công cộng” luôn tồn tại trong mọi cộng đồng, mọi thời đại vì đó chính là nhu cầu thể hiện bản sắc, đặc trưng văn hóa của cộng đồng, của địa phương.

Sang thời kỳ đô thị được xây dựng theo kiểu phương tây, không gian công cộng nhiều hơn và đa dạng hơn. “Nguồn gốc của không gian công cộng, theo cách nhìn của phương Tây, liên quan đến khái niệm ‘quyền’ tiếp cận và loại trừ tới các không gian đó. Trong các mô hình xã hội dân chủ, nhà nước cần thiết lập những không gian mà ở đó tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận bất luận địa vị xã hội hay điều kiện kinh tế, và quyền này được bảo vệ bởi hiến pháp và pháp luật. Đó là những không gian thực sự là của chung, của tất cả mọi người... Công viên cũng được xem là một không gian công cộng chính thống để đảm bảo quyền lợi được nghĩ ngơi thư giãn, tiếp cận thiên nhiên các các đối tượng xã hội”. [1]

 Không gian công cộng ở đô thị có nhiều giá trị cơ bản, đó là: Tác động tích cực đến sức khoẻ và tinh thần dân cư; Gắn kết cộng đồng, góp phần định hình nên bản sắc của một khu vực, một cộng đồng; Giá trị phát triển kinh tế từ không gian công cộng còn là một nguồn vốn xã hội gần như vô tận, lợi nhuận được thu về từ các hoạt động kinh tế, giá trị văn hóa được tích lũy ngày càng cao; Lợi ích từ bảo tồn và đa dạng tự nhiên, Thảo cầm viên và hệ thống công viên, cây xanh đô thị giúp tăng cường đa dạng sinh học, tạo ra những hệ sinh thái tự nhiên trong lòng đô thị.

Từ nửa sau thế kỷ 19 tại đô thị Sài Gòn chỉ có một vài công viên như Vườn Ông Thượng (Jardin de la Ville, nay là công viên Tao Đàn) bao quanh Dinh Toàn quyền (nay là Dinh Độc lập).  Một công viên khác là Vườn cây sao – chính là công viên hai bên đường Lê Duẩn ở phía trước dinh Độc Lập. Từ lâu đây là nơi giới trẻ thường xuyên lui tới, làm nên địa danh “cà phê bệt” nổi tiếng và độc đáo của thành phố. Cảnh quan khu vực này còn có Nhà thờ Đức bà và quảng trường Công xã Paris, Bưu điện thành phố... nối liền với đường Đồng Khởi đi xuống bến Bạch Đằng, đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, chợ Bến Thành. Tuy nhiên công viên lớn nhất vẫn là Thảo cầm viên nằm đối diện Dinh Độc Lập, với trục đường Lê Duẩn nối liền một thiết chế chính trị quan trọng nhất với một thiết chế văn hóa mang tính công cộng cao nhất, tạo nên sự kết nối gần gũi mà vẫn phân định được chức năng chính của hai công trình. Đây là một điểm nổi bật trong quy hoạch đô thị Sài Gòn. Toàn bộ khu vực trung tâm được coi là “vùng di sản” của đô thị Sài Gòn.

 Hồi ký của Paul Doumer (Toàn quyền Đông dương giai đoạn 1897 – 1902) miêu tả khu vực này như sau: “Sài Gòn là một thành phố nhiệt đới xinh đẹp, thành phố duyên dáng nhất vùng Viễn Đông. Một số công trình nghệ thuật ở Sài Gòn rất đẹp; tất cả đều có kích thước lớn; nhà cửa nói chung khá xinh xắn, đường phố rợp bóng cây, tất cả như chìm ngập trong một đại dương xanh. Nhìn từ trên cao xuống, từ chòi quan sát trên nóc một con tàu hoặc từ các tháp của nhà thờ, Sài Gòn hiện ra như một công viên rộng lớn, trong đó một vài tòa nhà quá đồ sộ  hoặc quá cao vượt lên khỏi những tán cây. Này là Dinh Toàn quyền, các tại lính, bệnh viện, Sở bưu điện, Dinh Thống đốc, Nhà Đoan (Sở Thuế quan)... các công thự đó không chịu thua những tán cây muốn chiếm lĩnh trời xanh, luôn luôn vươn lên và trải rộng nhớ nhờ nhựa sống của thiên nhiên hào phóng”.

Cho đến cuối thế kỷ 20 có thể nhận thấy vai trò của Thảo cầm viên so với các “không gian công cộng” khác là mang tính cộng đồng cao hơn. Thảo cầm viên là nơi mà mọi tầng lớp xã hội đều có thể tham gia để đáp ứng nhu cầu giải trí (tò mò, hiếu kỳ, nghỉ ngơi, vui chơi...). Không chỉ vậy, với hai công trình văn hóa là Viện Bảo tàng và Đền thờ Hùng Vương, Thảo cầm viên còn là nơi người dân được tiếp nhận nhiều tri thức lịch sử - văn hóa, được “về nguồn” bằng các sinh hoạt tâm linh ngày thường cũng như vào dịp Lễ, Tết...

Từ sau 1954, nhất là từ sau 1975, chức năng của các không gian công cộng ở khu vực trung tâm thành phố được chia sẻ cho nhau: “phố đi bộ” từ đường Đồng Khởi nay có thêm đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi; các cơ sở dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, nhà sách, rạp phim...) không chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu mà trở nên quen thuộc với các tầng lớp khác. Tuy có thêm nhiều công viên lớn nhỏ khắp thành phố và vùng ngoại ô nhưng Thảo cầm viên vẫn giữ vị thế “đặc biệt” do có tính chất và chức năng quan trọng trong nhiều lĩnh vực.

3.

Là một công viên với hàng ngàn cây xanh nhiều chủng loại, được trồng và chăm sóc khoa học, tạo cảnh quan đẹp, không gian Thảo cầm viên mang lại tác dụng tốt cho sức khỏe cư dân đô thị. Số lượng mảng xanh và không gian chung ở Việt Nam đang dần bị thu hẹp lại nhường chỗ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và đô thị mới. Chính vì vậy, mảng xanh của Thảo cầm viên ngày càng trở nên quan trọng đối với TP. Hồ Chí Minh đang trong quá trình đô thị hóa – hiện đại hóa ngày càng mạnh mẽ.

Thảo cầm viên nằm ở vị trí trung tâm thành phố, rất thuận tiện cho người dân và du khách tới tham quan, nghỉ ngơi giải trí. Bên cạnh đó có sự kết nối với các khu vực dịch vụ, văn hóa khác nên đây là điểm đến không thể thiếu được của cộng đồng trong cuộc sống hàng ngày cũng như dịp lễ hội. Bất cứ ai đến Thảo cầm viên cũng được hòa mình vào thế giới tự nhiên trong lành, hấp dẫn, được trở về ký ức tuổi thơ vui tươi, hồn nhiên... Cảm thức này tạo nên sự gắn kết giữa những con người xa lạ, tạo nên sự gần gũi trong một thành phố rộng lớn, đông đúc và luôn có số lượng lớn người nhập cư. Giá trị tinh thần này vô cùng quý giá đối với cộng đồng, là một lợi thế của chính quyền trong việc đề ra chính sách và thực hiện quan tâm về an sinh xã hội.

Giá trị khoa học và cung cấp tri thức cho cộng đồng của Thảo cầm viên là không thể phủ nhận và ngày càng trở nên quan trọng trong thời kỳ biến đổi khí hậu toàn cầu. Công cuộc bảo tồn các giống loài động vật và thực vật không chỉ nhằm lưu giữ một phần của lịch sử tự nhiên, mà còn cho biết thái độ, ứng xử của con người đối với thiên nhiên và môi trường sống. Cùng với đó Thảo cầm viên còn là nơi các nhà khoa học tiến hành công việc trồng thí nghiệm các giống loài thực vật phục vụ nhu cầu của đô thị. Không biết chức năng này đến nay còn hữu dụng hay không, khi mà việc trồng cây xanh ở thành phố không có sự nhất quán và lâu dài, trong khi nhiều cây cổ thụ, nhiều mảng xanh bị chặt hạ để xây dựng hạ tầng giao thông?

Không gian công cộng như Thảo cầm viên không chỉ có giá trị “phi vật thể” như trên mà lợi ích kinh tế cũng rất cụ thể. Ngoài những dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí trong Thảo cầm viên, ở nhiều quốc gia những “không gian xanh” của rừng, công viên... đều được coi là “vốn xã hội”. TP. Hồ Chí Minh đang hướng tới xây dựng “Thành phố Xanh”. Cho dù “mảng xanh” chỉ là một trong nhiều yếu tố của “thành phố xanh” nhưng đây là yếu tố tự nhiên, bền vững, thân thiện và dễ thực hiện việc tăng cường và bảo vệ.

Với chức năng “không gian công cộng đặc biệt” và nhiều lợi ích quan trọng đối với xã hội hiện đại, Thảo cầm viên Sài Gòn cần được bảo tồn và phát triển như một di sản đô thị đồng thời là một “chỉ số xanh” của thành phố Hồ Chí Minh.

 

CÔNG VIÊN CHO MUÔN ĐỜI SAU

 https://tuoitre.vn/ban-dao-binh-quoi-thanh-da-lam-cong-vien-cho-muon-doi-sau-20240304082219591.htm

Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa tại TP.HCM có tổng diện tích khoảng 427 ha, đã được quy hoạch thành khu du lịch - văn hóa - giải trí nhưng bị “treo” hơn 30 năm qua… Cho đến cuối năm 2023 khu vực này lại “nóng” lên với thông tin của Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố về cuộc “Thi tuyển quốc tế tìm ý tưởng quy hoạch, kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh”. Yêu cầu chung được thành phố đặt ra là bán đảo trên sẽ thành khu đô thị sinh thái, bền vững và hiện đại, đóng vai trò là động lực phát triển mới của khu vực trung tâm thành phố, có tính lan tỏa, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch kinh tế đô thị theo định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

Đề án “Quy hoạch Phát triển toàn diện Hành lang sông Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Định hướng sông Sài Gòn trong quy hoạch tổng thể” mới được tổ chức hội thảo gần đây, trong đó chuyên gia tư vấn đã nêu ý tưởng biến khu vực bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (phân khu 3) thành công viên đa chức năng. Đây là một ý tưởng tuyệt vời, nếu thực hiện được thì TP. Hồ Chí Minh tương lai sẽ có một khu vực công viên rộng lớn – không gian xanh công cộng, một khu vực “bảo tồn và phát triển văn hóa sông nước” mà thành phố đang rất thiếu. Điều này có ý nghĩa thiết thực mang lại lợi ích cho cộng đồng và phù hợp xu hướng phát triển đô thị bền vững.

Trên thế giới có nhiều thành phố mà ở đó luôn có những công viên là những cảnh quan tự nhiên được giữ lại, bảo tồn trong quá trình phát triển. Những cảnh quan đó có thể ở vùng ngoại ô, nhưng với sự mở rộng nhanh chóng của đô thị, chúng dần trở thành một khu vực trung tâm. Mọi người dân khi đến đó là được gần gũi hòa mình với thiên nhiên, nghỉ ngơi, giải trí bằng nhiều hình thức khác nhau, được trở về ký ức lịch sử của một đô thị, một vùng đất. Quan trọng hơn, những không gian “đất vàng, đất kim cương” ấy thực sự trở thành nguồn tài sản của cộng đồng mà chính quyền giữ vai trò quản lý, phát triển “vì muôn đời sau” cho toàn xã hội.

Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa hoàn toàn có đủ những điều kiện trở thành một “công viên trung tâm” như vậy! Nằm giữa thành phố đang hiện đại hóa từng ngày nhưng bán đảo này vẫn như một miền quê bình yên. Cảnh quan thường gặp ở đây là ruộng lúa, ao đầm, nhà xưa cảnh cũ, đường xá tuy được mở rộng nhưng còn quanh co, là dấu tích một thời của những con đường làng ngõ xóm... Cảnh quan bình dị đối lập với khu vực biệt thự, chung cư cao cấp, đường mới cầu cao ngay bên kia sông Sài Gòn. Với môi trường tự nhiên là vùng ngập nước rộng lớn, nhiều kênh rạch có cảnh quan mang giá trị văn hóa bản địa và giá trị sinh thái tuyệt vời, khu vực này có tiềm năng trở thành trung tâm của các hoạt động văn hóa giải trí, du lịch, trên cơ sở bảo tồn cảnh quan tự nhiên và cải tạo, quy hoạch khu vực tái định cư cho cư dân hiện hữu, tạo nên những tiện nghi mới và bảo đảm hài hòa không gian của toàn khu vực. Tại đó có thể hình thành các công viên chuyên đề như vườn thú, vườn ươm thực vật, công viên bảo tồn sinh cảnh đất ngập nước, công viên giải trí với những hoạt động của “văn hóa sông nước”, các dịch vụ nhà hàng, nghỉ ngơi giải trí khác...

Sự biến đổi kiến trúc và cảnh quan tại TP. Hồ Chí Minh những năm gần đây làm thay đổi nhiều cảnh quan tự nhiên và nhân văn, trong đó các không gian công cộng, công viên, “mảng xanh” bị ảnh hưởng không nhỏ. Sự thay đổi các “không gian vật thể” có tác động đến “không gian phi vật thể” là mối quan hệ giữa các nhóm xã hội, do sự biến đổi diễn ra theo xu hướng ít thân thiện với môi trường và cộng đồng nói chung, với cư dân lâu đời của thành phố nói riêng. Trước mắt có thể nhận thấy, khu vực nhà ga Bến Thành - ga metro trung tâm – sẽ trở thành khu vực thương mại hiện đại ngầm rất lớn. Điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến không gian công cộng – văn hóa – kinh tế truyền thống là Chợ Bến Thành.

Không gian công cộng, không gian xanh của một đô thị không chỉ dành cho du khách mà trước hết phải là không gian thiên nhiên - văn hóa của cư dân đô thị, những người đang từng ngày góp phần vào sự phát triển của thành phố. Và do đó họ hoàn toàn có quyền lợi được hưởng thụ những lợi ích về vật chất và tinh thần là thành quả của quá trình phát triển ấy.

Không gian hai bên bờ sông Sài Gòn đang là “tâm điểm” phát triển của TP.HCM. Chính quyền và người dân thành phố quan tâm, kỳ vọng không gian này phát triển hiện đại xứng đáng với vị thế của thành phố, đồng thời cũng cần được chia sẻ về lợi ích một cách phù hợp, công bằng với mọi tầng lớp dân cư. Khu vực bán đảo Bình Quới - Thanh Đa nếu trở thành một công viên trung tâm đa chức năng sẽ là nơi thể hiện bản sắc văn hóa và trình độ văn minh của thành phố. Mong lắm, chính quyền thành phố sẽ có chủ trương và giải pháp thực hiện quy hoạch với mục tiêu hướng đến lợi ích của cộng đồng một cách bền vững, khoa học và nhân văn.

 

Nguyễn Thị Hậu

 


 

 

 

QUY HOẠCH ĐÔ THỊ XANH TP.HCM (báo Pháp luật TPHCM, Xuân Giáp Thìn)

 https://plo.vn/quy-hoach-do-thi-xanh-tphcm-post775461.html

Nguyễn Thị Hậu

1.

Cư dân đô thị ngày nay thường có thói quen, mỗi ngày trước khi bước ra đường phố đi làm, đi học, chạy công chuyện... đều nhìn vào app ở điện thoại, xem chỉ số không khí, mức độ ô nhiễm khu vực mình sống, thành phố của mình hôm nay thế nào... Thấy trên app thường xuyên hiện lên màu tím sẫm thì cũng chỉ lắc đầu rồi vẫn phải ra đường trong bầu không khí mà ai cũng biết rằng, mức độ ô nhiễm như thế thì có hại cho sức khỏe.

Đấy là một trong muôn vàn sự lo lắng của cư dân thành phố mỗi ngày, bên cạnh nỗi lo “vi mô” là cơm áo gạo tiền trong thời buổi làm ăn khó khăn đến “vĩ mô” hơn là sự biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh hưởng đến cả thế giới... Nhưng sự đối mặt với ô nhiễm không khí hay vệ sinh thực phẩm khá vô hình cho đến khi tác hại của nó bộc lộ bằng bệnh tật. Công bằng mà nói, thực trạng này các viện nghiên cứu và cơ quan quản lý đã cảnh báo từ lâu, đồng thời nhiều biện pháp được thực hiện nhằm giảm bớt các nguy cơ. Tuy nhiên hiện nay mức độ phát triển của các thành phố về quy mô, dân số và sự “hiện đại hóa” từ cơ sở hạ tầng đô thị đến tiện nghi sinh hoạt của từng gia đình, từng cá nhân... lại vượt quá sự đối phó và giải quyết ô nhiễm và nhiều vấn nạn khác.

TP HCMinh là một trong những thành phố trên thế giới bị tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Tính dễ bị tổn thương của thành phố là do có địa hình thấp trũng gần biển; dân số đông (hơn 10 triệu) và không ngừng gia tăng. Thời gian qua thành phố phải đối mặt với các loại thiên tai và nguy cơ như mưa lớn, triều cường, sạt lở, sụt lún, hạn hán, nắng nóng gay gắt, bão và áp thấp nhiệt đới thường xuyên hơn... Một nguyên nhân và nguy cơ nữa là tốc độ đô thị hóa ngoài kiểm soát, bê tông hóa tràn lan làm giảm độ thẩm thấu nước mưa, gia tăng dòng chảy mặt và giảm diện tích, nguồn nước ngầm dự trữ. Ảnh hương quan trọng đến các hoạt động kinh tế và đời sống người dân là ngập nước. Nguyên nhân thì người dân “thuộc lòng”: do mưa lớn, triều cường, xả lũ hoặc kết hợp cả 3 yếu tố trên. Còn nhà quản lý thì nhìn nhận: công tác quản lý nước và chống ngập không theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Tất cả thực trạng và nguy cơ cấp thiết ấy đòi hỏi, trước mắt là công tác quản lý phải theo kịp tốc độ phát triển của đô thị. Nhưng quan trọng hơn để đảm bảo phát triển bền vững, để ứng phó với một cách căn cơ, hiệu quả và lâu dài, công tác quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh không thể nằm ngoài xu hướng tất yếu hiện nay là xây dựng và phát triển một “thành phố xanh”.

2.

            Khái niệm  “Đô thị xanh” trong nhận thức của nhiều người gắn liền với cảnh quan màu xanh của những công viên, hồ nước... Nhưng nay khái niệm này được mở rộng toàn diện với nhiều chuẩn mực mới khắt khe hơn, chú trọng nhiều hơn đến bảo vệ và sử dụng tài nguyên tự nhiên. Quy hoạch và phát triển những “thành phố xanh” nhằm mục tiêu tránh lãng phí tài nguyên tự nhiên, nhất là tài nguyên nước, hạn chế ô nhiễm môi trường và đảm bảo mức sống tốt hơn cho con người.

Từ tiêu chí cơ bản là “không gian xanh”, quy hoạch TP. Hồ Chí Minh cần bảo toàn diện tích không gian công cộng như công viên và số lượng cây xanh cổ thụ, đặc biệt tại khu vực đô thị cũ. Hạn chế tối đa đi đến chấm dứt việc cắt đất công viên, hạ chặt cây xanh để xây dựng hạ tầng. Bởi vì có thể trước mắt giải tỏa về giao thông nhưng tác hại lâu dài về ô nhiêm môi trường, sống trong sự bức bối vì không gian dày đặc bê tông, kính, thép... sẽ tác động xấu đến sức khỏe tâm thần của người dân. Chưa kể những cảnh quan tồn tại qua hàng trăm năm đã trở thành di sản đô thị. Nhiều thành phố trên thế giới, ở những tuyến đường dịch vụ thương mại, phố đi bộ, hai bên quảng trường rộng lớn... luôn có vỉa hè rộng rãi và có mái che từ cấu trúc của những dãy nhà cao tầng hay shophouse, không phải là “mái che” theo kiểu cơi nới ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố.

Quy hoạch những đô thị mới cần có nhiều không gian xanh công cộng, có thể diện tích không lớn nhưng phân bố rộng khắp tại các khu chung cư, trường học, bệnh viên, quanh các công sở... Mật độ xây dựng các cụm công trình cao tầng càng thưa thoáng thì diện tích xanh càng nhiều. Không "đánh đổi" đất dành cho các công trình phúc lợi để xây dựng các khu thương mại, nhà ở, không vì lợi ích trước mắt mà xóa bỏ lợi ích môi trường của cộng đồng. Kiến trúc của từng tòa nhà cao tầng cũng cần thiết kế có không gian xanh trong từng căn hộ và tại khu vực sinh hoạt chung. Từ ý thức chăm sóc không gian xanh “của mình” người dân sẽ nâng cao ý thức bảo vệ không gian xanh công cộng “của chúng ta”.

Thành phố Hồ Chí Minh là “đô thị sông nước”, nhưng hiện nay tài nguyên nước chưa được đánh giá đúng giá trị và tiềm năng, chưa sử dụng hợp lý, hiệu quả lợi thế của một đô thị ven sông, hướng biển. Tài nguyên nước không chỉ là mặt nước sông, kinh rạch mà còn là lượng nước mưa và nước ngầm. Vì vậy định hướng quy hoạch TP. Hồ Chí Minh theo xu hướng “thành phố xanh” là giữ gìn mặt nước sông, kinh rạch sạch sẽ, dòng chảy thông thoáng, chấm dứt xả rác và nước thải ra sông, kinh rạch. Đồng thời giảm thiểu xu hướng bê tông hóa vỉa hè và không gian công cộng, tăng cường mảng cỏ xanh, trồng cây tạo bóng mát và cảnh quan, để có thể tiếp nhận và thẩm thấu nước mưa tốt hơn, bổ sung cho lượng nước ngầm.

            Kết hợp không gian công cộng và không gian sông nước là một lợi thế của quy hoạch TP. Hồ Chí Minh. Phát triển không gian mở tại các công viên và tuyến cây xanh trong khu vực nội thành cũ dựa trên nguyên tắc khai thác các trục cảnh quan, nhất là ven sông nước và kinh rạch của thành phố để thực hiện đồng thời các chức năng giao thông thủy, tiêu thoát nước và cảnh quan. Đặc biệt là đầu tư xây dựng cảnh quan dọc hai bờ sông Sài Gòn với chủ đề Xanh, Sạch, Đẹp. Khu vực trung tâm cần trở thành cảnh quan mẫu mực của “thành phố xanh”, vì đây là nơi vui chơi giải trí quen thuộc của phần lớn cư dân thành phố nhất là trong các dịp lễ tết, là nơi du khách tiếp xúc đầu tiên và sẽ có ấn tượng lâu dài về thành phố.

Các khu vực cần bảo tồn nghiêm ngặt là khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Củ Chi, Bình Chánh, đồng thời quan tâm đúng mức các khu bảo tồn đa dạng sinh học khác. Kiểm soát tốc độ và quy mô đô thị hóa trong các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái của thành phố.

3.

Quá trình quy hoạch và phát triển đô thị dựa trên tầm nhìn dài hạn về thới gian và tổng thể về không gian, trong đó cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống giao thông và phúc lợi công cộng là những lĩnh vực cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên.Thành phố xanh không chỉ là bảo toàn cảnh quan xanh và tài nguyên nước, mà còn là thành phố sạch về không khí, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Ô nhiễm môi trường do khí thải hiện nay là một vấn nạn vì càng phát triển mức độ ô nhiễm không khí càng gia tăng. Vì vậy, giảm thiểu khí thải, hạn chế tối đa sử dụng năng lượng không thể tái tạo là quốc sách của nhiều quốc gia trong phát triển bền vững. Quy hoạch định hướng sản xuất nguồn năng lượng sạch (nguồn điện mặt trời, điện gió) từ nhiều nguồn lực, không nhất thiết phải từ nguồn vốn nhà nước, đầu tư chuyển đổi phương tiện giao thông và những trang thiết bị khác qua sử dụng năng lượng tái tạo... là một mục tiêu quan trọng của quy hoạch thành phố xanh

Phát triển nhanh giao thông công cộng bằng năng lượng tái tạo cần song song thậm chí phải đi trước việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Giải quyết tốt vấn đề ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải... Hiện nay việc xây dựng hạ tầng đường bộ cao tốc, đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, thậm chí cả đường hàng không đang được ưu tiên phát triển, nhưng đường thủy (trên sông, ven biển) đang bị “bỏ quên” trong quy hoạch hệ thống giao thông chung. Đây là một lợi thế, tiềm năng lớn đồng thời cũng là một yếu tố văn hóa đặc trưng của đô thị Sài Gòn và vùng đất Nam bộ

Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh theo hướng hiện đại hóa thành phố hiện hữu và đô thị hóa các khu vực mới nhằm mục tiêu Thành phố xanh, thông minh, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM tạo ra một “cơ hội vàng” cho thành phố xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, hạnh phúc cho mọi người dân. 

 




 

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...